Friday, April 19, 2024

AARP và nỗ lực bảo vệ người cao niên gốc Á bị kỳ thị trong ‘thời đại dịch’

Thiện Lê/Người Việt

ORANGE COUNTY, California (NV) – Tuy Tháng Năm là “Tháng Di Sản Người Á Châu Thái Bình Dương,” nhưng những vụ kỳ thị người gốc Á vẫn tiếp tục xảy ra khắp Hoa Kỳ. Vì vậy, AARP tổ chức một buổi hội thảo hôm Thứ Năm, 6 Tháng Năm, để nói về các biện pháp bảo vệ cộng đồng gốc Á, nhất là người cao niên.

Người cao niên gốc Á đang gặp nhiều nguy hiểm trong đại dịch. (Hình minh họa: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

Buổi hội thảo có sự tham dự của nhiều đại diện của cộng đồng gốc Á từ pháp lý đến truyền thông. Những diễn giả này đang có nhiều nỗ lực để kêu gọi chính phủ và người dân Hoa Kỳ có những biện pháp giúp đỡ người gốc Á.

Với chủ đề bảo vệ người cao niên, các diễn giả có mặt tại hội thảo của AARP để chia sẻ những nỗ lực của mình, và chia sẻ nhiều suy nghĩ về những biện pháp mà chính phủ có thể giúp đỡ.

Tuy là người gốc Phi Châu, nhưng bà Edna Kane-Williams, phó tổng giám đốc phụ trách về sự bình đẳng và đa dạng văn hóa của AARP, cho biết đây không phải là lúc các tổ chức lớn im lặng trong khi người Á Châu khắp Hoa Kỳ bị kỳ thị. Vì vậy, bà cho hay AARP lúc nào cũng đứng sau cộng đồng gốc Á, và bản thân mình, cũng như cộng đồng gốc Phi Châu sẽ luôn ủng hộ.

Nhóm diễn giả gồm có ông John C. Yang, tổng giám đốc của tổ chức Asian American Advancing Justice (AAJC); ông Joon Bang, tổng giám đốc National Asian Pacific Center on Aging (NAPCA); bà Leezel Tanglao, ký giả của Hiệp Hội Ký Giả Người Mỹ Gốc Á (AAJA); và bà Daphne Kwok, phó giám đốc bình đẳng và quan hệ cộng đồng gốc Á của AARP.

Bà Kwok và ông Yang cho biết cộng đồng gốc Á phải đối mặt với cảnh kỳ thị từ rất lâu rồi, cách đây khoảng 150 năm.

Theo ông Yang, người Hoa đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng đường xe lửa xuyên nước Mỹ, nhưng họ vẫn phải chịu cảnh kỳ thị. Họ phải trải qua bao nhiêu nguy hiểm vì phải dùng thuốc nổ phá núi để xây đường ray, nhưng vẫn bị đánh đập, rồi bị treo cổ ở California.

Bà Edna Kane-Williams (trái) và bà Daphne Kwok, hai phó giám đốc của AARP. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

“Đạo luật Loại Trừ Người Trung Quốc (Chinese Exclusion Act) của năm 1882 làm nhiều người Hoa không được nhập tịch,” ông Yang nói.

Sau đó, nhiều người Mỹ gốc Nhật bị giam ở trại tập trung trong thời Đệ Nhị Thế Chiến vì chính phủ Mỹ sợ họ nổi loạn để ủng hộ Nhật Bản.

Sau vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín, 2001, cộng đồng gốc Á lại bị kỳ thị, lần này là cộng đồng người Ả Rập và Nam Á.

Ông Yang cho biết các thành viên của cộng đồng gốc Á bị tấn công nhiều nhất là người cao niên và phụ nữ, nhưng đang có nhiều tổ chức đứng ra bảo vệ họ.

Vì vậy, chính phủ Mỹ cần có nhiều biện pháp giúp đỡ, cũng như bảo vệ cao niên và phụ nữ gốc Á trong khoảng thời gian đầy khó khăn này.

Theo ông Joon Bang, một cách giúp đỡ cao niên gốc Á là ngôn ngữ. Khoảng 60% cao niên gốc Á không nói tiếng Anh lưu loát được, và cần có người thông dịch. Vì vậy, ông đề nghị các tổ chức bất vụ lợi, cũng như chính phủ Hoa Kỳ nên có thêm phần ngôn ngữ của các nước Á Châu trong nhiều chương trình.

“Ngôn ngữ là cầu nối, là cách thể hiện bản thân, và là sức mạnh của nhiều người,” ông Bang nói.

Tuy đang trong đại dịch, nhưng Hoa Kỳ không có đủ những chương trình trong các ngôn ngữ Á Châu cho người lớn tuổi, và ông Bang cho rằng xã hội nên coi trọng họ.

Là ký giả trong nghề gần 20 năm, bà Tanglao chia sẻ bà từng gặp nhiều khó khăn để đăng những câu chuyện về người gốc Á, và phải tranh đấu rất nhiều để các câu chuyện được coi là “đáng đăng báo.” Tuy vậy, bà vẫn cố gắng để đưa những câu chuyện có thật của người gốc Á đến với nhiều độc giả thuộc các sắc dân khác.

Bà còn cho hay AAJA đang có nhiều nỗ lực để giúp đỡ các ký giả khi họ đi lấy tin tức và đưa tin về những vụ kỳ thị. Những ký giả còn được học về cách sử dụng từ ngữ trong bài báo để không gây thù ghét giữa các sắc dân, tránh những bi kịch như các vụ bắn người hàng loạt xảy ra.

Từ trái, ông John Yang, ông Joon Bang và bà Leezel Tanglao. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Không chỉ vậy, AAJA còn bảo đảm các ký giả luôn đưa tin tức trung thực và đầy đủ thông tin. Bà Tanglao cho biết đó là một cách để giúp đỡ cộng đồng gốc Á.

Ông Yang và ông Bang cũng chia sẻ những nỗ lực của hai tổ chức AAJC và NAPCA giúp đỡ cộng đồng gốc Á như hỗ trợ về ngôn ngữ, cũng như các vấn đề pháp lý.

Về các vụ tấn công người gốc Á, ông Yang cho hay các nghi can đa số là người da trắng, và có rất ít nghi can là người thiểu số. Theo ông, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người gốc Á sắp đưa ra nghiên cứu mới để chứng minh điều đó.

Các diễn giả đều cho rằng người gốc Á ở Hoa Kỳ đang thành công trong nhiều lĩnh vực, nhưng họ cảm thấy lúc nào mình cũng bị coi là người ngoại quốc hay một mối nguy hiểm dù sinh ra và lớn lên ở đất nước này.

Vì vậy, nhóm diễn giả cho hay cộng đồng gốc Á rất coi trọng những nỗ lực giúp họ vượt qua cảnh kỳ thị, và không có cử chỉ tốt nào là quá nhỏ. [kn]

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT