Friday, April 26, 2024

Ann Phong, họa sĩ gốc Á đầu tiên triển lãm ‘solo’ tại Cal State Fullerton trong 50 năm

Đằng-Giao/Người Việt

FULLERTON, California (NV) – Họa sĩ Ann Phong đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm mang chủ đề “Re-evaluating Normal” (Đánh Giá Lại Sự Bình Thường) để khai mạc lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 12 Tháng Ba, tại Gallery Begovich thuộc đại học Cal State Fullerton.

Cuộc triển lãm “Re-evaluating Normal” (Đánh Giá Lại Sự Bình Thường) của họa sĩ Ann Phong tại đại học Cal State Fullerton khai mạc Thứ Bảy, 12 Tháng Ba. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Gallery Begovich là một trung tâm triển lãm có tầm mức quan trọng tại Orange County.

Trong suốt 50 năm, đây là lần đầu tiên một nữ họa sĩ gốc Á được mời trưng bày tác phẩm tại đây.

Cô Ann Phong nói: “Tôi được cô Jennifer Frias, giám đốc Gallery Begovich, cho hay đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, phòng triển lãm này mời một nữ họa sĩ gốc Á (mà là một nữ họa sĩ gốc Việt Nam nữa) triển lãm một mình ở một ‘gallery’ lớn, trong một trường đại học có uy tín tại Orange County.”

Cô tiếp: “Tôi cảm thấy rất hãnh diện được đại diện cho cộng đồng gốc Việt Nam tại Nam California để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của mình đến mọi người.”

Ngoài niềm hãnh diện, họa sĩ Ann Phong còn rất thích phong cách treo tranh của Gallery Begovich với những khoảng cách cần thiết giữa những bức tranh khiến người thưởng ngoạn có thể nghỉ ngơi đôi mắt và cho phép tâm hồn lắng đọng trước khi bước qua bức tranh kế tiếp.

Để tạo một ấn tượng mạnh mẽ cho “Đánh Giá Lại Sự Bình Thường,” họa sĩ An Phong, trong vô số sáng tác của mình, chỉ đồng ý chọn 12 họa phẩm thích hợp nhất cho chủ đề mà vẫn thể hiện được họa pháp độc đáo của cô cũng như ý niệm về tác động của con người với môi trường sống qua cảm nhận của người nghệ sĩ.

Một trong những họa phẩm ở tầm cỡ “đồ sộ” của Ann Phong. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Trong 12 họa phẩm chọn lọc lần này của Ann Phong, có ba bức “khổng lồ,” cỡ 1 mét 2 x 2 mét 4, và những bức nhỏ hơn, từ 1 mét 2 x 1 mét 5 trở xuống.

“Để vẽ những tranh này, tôi phải ‘lê la’ lên tranh để nằm trên mặt đất mới vẽ được,” cô kể.

Họa sĩ Ann Phong cho biết “Đánh Giá Lại Sự Bình Thường” được tính toán từ hai năm trước.

Cô dự định triển lãm các tác phẩm với chủ đề về môi trường sống của con người ở thế kỷ 21.

Rồi COVID-19 lan tràn.

“Mẹ Ơi, Khuya Rồi, Đừng Ra Đường” diễn tả tâm trạng căng thẳng và sợ sệt của phụ nữ gốc Á tại Mỹ thời COVID-19. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Ann Phong hồi tưởng, trong suốt hai năm qua, nhiều sự kiện phức tạp xảy ra tại Mỹ có ảnh hưởng lớn đến tâm hồn nhạy bén của một họa sĩ, từ việc bị “cấm cung” ngồi nhà nhớ người thân, bạn bè, nhớ chuyện xưa.

Rồi những cuộc tranh luận nóng bỏng về cách gọi tên con virus đến những cuộc tấn công người già và phụ nữ gốc Á tại nhiều nơi khắp nước Mỹ.

Ann Phong bộc bạch với một tâm trạng trĩu nặng: “Có những lúc cô đơn tràn khắp người một cách tuyệt vọng, tôi đã đem hết những suy nghĩ cảm xúc vui buồn đó vào trong sáng tác này.”

Hai bức tranh được sáng tác trong thời kỳ hỗn loạn này là “Mẹ Ơi, Khuya Rồi, Đừng Ra Đường” (diễn tả nỗi lo của đứa con gái mỗi buổi tối) và “Tôi Không Phải Là Con Vi Rút” (lời khẳng định của một phụ nữ gốc Á).

“Hai bức tranh này có ý nghĩa rất cá nhân đối với tôi. Nó thể hiện nỗi lo âu cùng cực cũng như những cương quyết đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng hơn,” Ann Phong chia sẻ.

“Tôi Không Phải Là Con Vi Rút” của Ann Phong. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Cô Jennifer Frias rất ưng ý với các tác phẩm này và cho biết sẽ chọn nơi trang trọng trong phòng triển lãm để trưng bày.

Trong bài biết của cô Trần Tuệ Quân, giáo sư dân tộc học, chủng tộc học, và sử học tại đại học Yale University, Connecticut, viết về cuộc triển lãm này có một đoạn mà Ann Phong muốn trích dẫn:

“Nội dung mới của Ann Phong trong cuộc triển lãm mang tiêu đề ‘Đánh Giá Lại Sự Bình Thường’ tập trung vào các chuỗi khủng hoảng được khuếch đại trong hai năm đại dịch. Được thể hiện qua màu sắc rực rỡ, kết cấu bồi đắp sơn ấn tượng mạnh mẽ và các đồ vật tìm thấy được gắn vào tranh vẽ, các tác phẩm khổ lớn của Ann Phong tái hiện những ký ức về cuộc di cư trong quá khứ, về đại dịch COVID-19 đang diễn ra, về các căng thẳng trong xã hội, chính trị, vấn đề chủng tộc, và về các tác động tiêu cực của con người đối với môi trường…”

Bản dồ đến thưởng ngoạn “Re-evaluating Normal” (Đánh Giá Lại Sự Bình Thường) của Ann Phong. (Hình: Ann Phong cung cấp)

Vài nét về họa sĩ Ann Phong

Họa sĩ Ann Phong tốt nghiệp cao học mỹ thuật tại đại học Cal State Fullerton năm 1995.

Cho tới nay, cô tham gia hơn 150 cuộc triển lãm trong và ngoài nước, tại những nơi như Trung Tâm Nghệ Thuật Watts Towers ở Los Angeles, California; Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Laguna ở Laguna Beach, California; Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Thành Phố Kitakyushu ở Kitakyushu, Nhật; Phòng Trưng Bày Nghệ Thuật Center ở Vancouver, Canada; Viện Bảo Tàng Red Roof tại Thành Đô, Trung Quốc; Trung Tâm Nghệ Thuật Gandong ở Seoul, Nam Hàn; Trung Tâm Văn Hóa Thủ Đô Bangkok,Thái Lan; và Viện Bảo Tàng Andaman, Thái Lan.

Cô từng là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) từ 2009 đến 2018.

Hiện nay, Ann Phong là giáo sư mỹ thuật tại đại học Cal Poly Pomona, nơi cô dạy vẽ và hội họa.

Trở lại “Đánh Giá Lại Sự Bình Thường,” họa sĩ Ann Phong kêu gọi: “Đây là một vinh dự lớn lao không chỉ cho riêng tôi mà cho toàn thể phụ nữ trong cộng đồng chúng ta. Tôi mong muốn mọi người cùng đến thưởng ngoạn cuộc triển lãm đầy ý nghĩa này để cổ vũ cho thành công của phụ nữ gốc Việt, hôm nay và mai sau.”

Cuộc triển lãm “Đánh Giá Lại Sự Bình Thường” kéo dài từ 12 Tháng Ba đến 21 Tháng Năm.

Địa chỉ: CSU Fullerton, 800 N. State College Blvd., Fullerton, CA 92831.

Khai mạc: Thứ Bảy, 12 Tháng Ba, từ 11 giờ sáng đến 12 giờ trưa, mở cửa cho khách mời.

Từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều mở cửa cho công chúng vào tự do.

Xin đeo khẩu trang.

Vào cửa miễn phí và cuối tuần đậu xe miễn phí. [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT