Thursday, March 28, 2024

Ba Má chồng

Lâm Vân An

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

 

Má nằm im trên sofa dài, mền bông nhỏ đắp ngang ngực. Má thở nhẹ, mắt nhắm nghiền. Tôi nhìn má hồi lâu rồi như không chịu được ý nghĩ má sắp ra đi, tôi bất ngờ nắm nhẹ tay má, bàn tay má dầy và mềm mại. Má mở mắt nhìn tôi, mắt bà thoáng chút vui mừng “Đứa nào đây?” – “Dạ, con nè má, An nè.” – “Con về hồi nào?” -“Dạ, con về sáng nay” – “Thái đâu?” – “Dạ, đây ạ.”

Tôi bỏ ra hè ngồi, nước mắt bắt đầu rơi. Trong đầu tôi mỗi khi nghĩ về má là tôi nhớ ngay đến lần đầu tiên ông xã tôi đưa tôi về ra mắt má. Tôi lúc đó còn là cô sinh viên vụng về, quê trớt, má kêu tôi lại bên, lúc này bà đã bị “stroke” một lần, nhờ siêng tập và châm cứu ở viện y học dân tộc mà đi lại được dù các cử động rất khó khăn, nhưng tâm thần bà rất tỉnh táo. Bà nhìn tôi một hồi, ánh mắt rất yêu thương trìu mến rồi bà đưa bàn tay đã có những ngón tay co quắp vì đột quỵ vuốt nhẹ tóc tôi “Con tên gì? Con là con nhà giáo ư? Con học giỏi lắm hả? Tốt quá. Thôi hai đứa dắt nhau ra chợ ăn bánh canh đi” Lần đầu diện kiến đầu tiên má đã dịu dàng nâng đỡ tôi như vậy. Tôi quý bà ngay từ lần đầu diện kiến ấy.

Bây giờ, lúc má gần đất xa trời, tôi ngẫm lại, thấy cuộc đời má nói riêng và cuộc đời của ba má chồng tôi có quá nhiều điều làm tôi nể phục. Tôi viết ra đây không có ý gì khác hơn là để chia sẻ cảm nghĩ của tôi về những gia đình xưa. Dù chỉ là những người lao động bình dân chân chất, không được học hành chu đáo, ba má tôi có đời sống rất nề nếp, bản thân họ là những người rất tốt, nên họ xây dựng một tế bào gia đình rất tốt, lan tỏa cái “sự tốt” đó đến nhiều thế hệ sau. Những gì tôi kể ra đây là những điều tôi nể phục họ nhất.

Năm 1954, bỏ lại gia đình cha mẹ anh chị em, ba má theo đoàn người rồng rắn từ Nam Định di cư vào Nam. Khi đi trong tay không có một xu dính túi, hành lý chỉ vỏn vẹn một bộ đồ trên người và một hai nắm cơm cháy. Ông bà trôi dạt xuống Cà Mau gom hết vốn chỉ đủ tiền mua một chiếc ghe rách làm nhà, buôn bán đủ thứ tạp hóa trên ghe. Cam chịu phận làm khách thương hồ, ông bà “Bắc Kỳ” buôn bán “xà bông, muối, đường, dầu ăn, dầu hôi, dầu gió… đủ thứ trên đời” trên kênh lạch trong 5 năm, rồi chắt chiu gom chút vốn, nghe có người mách Lạc Lâm (Lâm Đồng) là xứ đạo tốt họ chuyển về đó sinh sống.

Ba má, dù ham đẻ, sanh tì tì ra 9 người con trong hoàn cảnh chỉ có ông chăm bà, bà chăm ông, không một người thân thích trong những năm trôi dạt, lại là cặp vợ chồng rất biết làm ăn. Về Lạc Lâm, ông bà nương theo khí hậu ôn hòa của vùng đất mới, siêng năng cần cù trồng trọt, phát rẫy làm nông, trồng cây cây sai trái, trồng hoa hoa đẹp lung linh. Dần dần ông bà có nhà vườn đủ mạnh để cung cấp légumes bỏ mối khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Nhờ biết tính toán, làm ăn uy tín, lương thiện, chịu khó, trời không phụ, má tôi năm 1972 đã lái xe Ladalat chạy vòng quanh bỏ mối cho bạn hàng. Ba tôi đã có đoàn xe tải mấy chiếc chở rau quả légumes Đà Lạt-Sài Gòn nườm nượp. Nghe kể sau 1975 căn nhà của ba má ở Lạc Lâm bị o ép bán rẻ mạt, ba má tôi phải dắt đàn con 9 đứa chạy về Đà Lạt cố thủ 3 căn nhà mặt tiền (vị trí ăn tiền nhứt Đà Lạt) vì sợ lại bị o ép, sợ bị đánh tư sản, sợ mất tiếp như căn trước. May quá, sau nhiều năm tháng giằng co, cuối cùng chỉ có đồ đạc quý lần lượt bị khuân đi, còn xác nhà vẫn được giữ lại.

Ba má tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái: nghe kể đến giờ ăn cả nhà cha mẹ con cái 11 người ngồi cạnh nhau, ba ngồi đầu bàn, má đầu bàn còn lại, các con sắp theo thứ tự 1-2-3-4… Ăn uống xong là các con phải kể chuyện ngày của mình ra sao, ai được giao nhiệm vụ gì thì kể nhiệm vụ đó, đã thu hoạch đậu rau ra sao, trồng hoa hồng, trồng lily ra sao, cái gì làm được, cái gì cần rút kinh nghiệm, có gì thắc mắc thì hỏi ba má. Ba má thương con nhưng tuyệt đối không cho con tiền mà hướng con vào lao động có ích (ông xã tôi 7-8 tuổi đã biết đánh giày, bán thuốc lá rất giỏi). Thương con là thương vậy nhưng họ vẫn tích cực khuyến khích con vượt biên. (Anh lớn của chồng tôi sau 28 lần vượt biên vào tù ra khám, mất của ba má gần hơn trăm cây vàng thì lọt. Các anh chị khác cũng vượt biên từ Nha Trang, Vũng Tàu, Rạch Giá làm lủng của má hơn vài trăm… cây vàng nữa)

Tự lên từ hai bàn tay trắng, tích tụ được khối tài sản lớn vậy nhưng ba má rất bình dân và sống một đời công chính của người yêu kính Chúa. Nhà ba má ở Đà Lạt lúc nào cũng có các cha, các thầy các soeur từ xứ xa đến xin ở nhờ. Lúc nào ba má cũng tiếp đón nồng hậu, thết đãi ăn uống, cho người làm đưa họ đi chơi, làm sau này gặp tôi họ biết ơn nhắc mãi. Nhà thờ hay người nghèo có việc nhờ cậy, ba má xuất tiền ủng hộ không tiếc nuối, lúc nào cũng vui vẻ, nhẫn nại và bao dung với người khác.

Con mong má khỏe lại để con được nấu món bún cá thì là cho má ăn… (Hình: Lâm Vân An)

Gia đình ba má nổi tiếng ỏ Đà Lạt là gia đình đạo đức. Lúc biết tôi sắp làm dâu nhà ông xã, mấy người bà con của bên ngoại tôi sống trong thác Cam Ly luôn chép miệng “Trời ơi, cháu may mắn quá, ông bà đó tốt bụng lắm, đàn con họ ngoan lắm.” Sau này tôi nghe bà bảy (dì của mẹ) kể là hồi xa xưa bà đi chợ Đà Lạt chẳng may rớt hết tiền, may sao gặp má chồng tôi đang ngồi ở sạp “kitchen ware” của má. Nghe bà bảy kể, dù không hề quen biết, má tôi kêu bún bò mời bà bảy ăn rồi cho bà tiền bắt xe lam về nhà, làm bà cảm động quá bật khóc luôn. Ba má dạy các con trai, con gái ăn nói lịch sự, nhỏ nhẹ, cư xử phải phép đến nỗi bất cứ người quen nào của ba má gặp tôi cũng nói “Sao mà ông bà ấy dạy con hay thế chứ? chục đứa đứa nào cũng ngoan, cũng giỏi, không học hành gì nhiều mà ai cũng biết làm ăn, siêng năng giỏi giang.”

“Phúc Đức tại mẫu” câu nói này không biết đúng không nhưng 9 người con của ba má ai cũng tốt tính, rộng rãi, hay giúp đỡ mọi người, nói chung là biết cách sống vô cùng. Tôi về làm dâu trong lòng vô cùng e ngại vì gia đình tôi được coi là trí thức, trong nhà sách nhiều hơn gạo, ba má tôi chỉ biết làm công ăn lương ba cọc ba đồng còn bên ba má thì gia đình “lao động” lại dư giả của ăn của để. (Chồng tôi là người duy nhất trong dòng họ lúc đó đi học đại học với tấm bằng EE rồi học lên ME). Hơn nữa, cháu lớn nhất của chồng tôi còn lớn hơn tuổi tôi, má chồng thì bằng tuổi bà ngoại tôi và chị cả của ông xã ngang tuổi với mẹ tôi. Lần đầu gặp nhau, họ nhìn tôi, tôi nhìn họ, hai bên nhìn nhau đầy e ngại. Vậy mà sau này tôi mới biết, mang “gien” của ba má, các anh chị rất giỏi làm ăn nhưng cũng như ba má, họ sống khiêm cung rộng rãi với cộng đồng với mọi người chung quanh và hết sức bao dung với tôi (họ coi tôi như út ít trong nhà, quý tôi như trứng mỏng). Năm người con trai của má thì siêng năng làm lụng vô cùng. Ngoài các việc kinh doanh (họ sang bên này, kinh doanh rất thành đạt), nhà cửa họ rất đẹp đẽ, ngăn nắp, gọn gàng, họ sống giản dị, tự tay nấu ăn cũng ngon không thua gì các chị em gái họ. Họ bình dân và khéo léo đến nỗi tự tay làm nhà cửa, lát gạch, lát gỗ chuyên nghiệp như thợ sửa nhà thứ thiệt (Có bác trai nấu lẩu dê ngon hơn tất cả những tiệm lẩu dê tôi từng ăn trên đời. Có bác trai đổ bánh xèo khéo hơn nhà hàng Việt Nam xịn). Bốn cô con gái của ba má vừa giỏi làm ăn vừa tháo vát, dù vậy rất siêng năng làm việc thiện và rộng rãi trong cuộc sống. Nhiều khi nhìn họ tôi cứ tự hỏi ba má chồng tôi sao dạy dỗ đào tạo con cái cách nào mà hay quá.

Ba má chồng tôi sống với nhau đúng 54 năm thì ông về nước Chúa. Bà hiểu rõ quy luật sinh lão bệnh tử của cuộc đời nên không quá suy sụp buồn đau mà sống quãng đời còn lại vui vẻ với con cháu.

Ba chồng tôi trình độ văn hoá lớp 2. Má chồng tôi chỉ học hết lớp 1.

Càng kể tôi càng nể phục họ quá chừng. Tôi chỉ ước ao mình dạy được con như cách ba má dạy dỗ con cái.

Má ơi, dẫu con biết đường đi của má đã quá dài, và má đã đi gần đến đích, hết một đời nếm đủ ngọt bùi cay đắng, con cầu xin ơn trên cho má một lần được khỏe lại, thần trí lại tỉnh táo, bình an. Để con được nấu cho má món bún cá thì là – món ăn mà má vẫn thích con nấu nhứt, được đọc cho má bài thơ con ấp ủ đã lâu, dù xưa nay chưa bao giờ dám bộc lộ, trong đó có những câu

“Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đây thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong” (Xuân Quỳnh)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Chè chuối khoai lang”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT