Little Saigon

Sinh viên Mỹ biểu tình chống quân viện Israel, người Việt nhớ về thời chiến trước 1975

Đằng-Giao & Đỗ Dzũng/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Biểu tình tại đại học USC, chống chính sách của Mỹ đối với Israel và Palestine tiếp tục, nhưng ôn hòa hơn, một ngày sau khi đại học tư thục này cho biết sẽ hủy lễ tốt nghiệp năm nay, dự trù diễn ra vào ngày 10 Tháng Năm, vì lý do an ninh.

Người biểu tình ôn hòa trước cửa đại học USC, Los Angeles, hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Tư. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, phóng viên nhật báo Người Việt có mặt tại đại học USC, nhưng cảnh sát không cho bất cứ ai vào trường, ngoại trừ sinh viên, nhưng phải đưa thẻ ID mới được vào.

Biểu tình ôn hòa

Tuy vậy, bên ngoài trường, lác đác vẫn còn những tấm bảng viết khẩu hiệu chống chiến tranh, chống diệt chủng, chống tài trợ “khủng bố,” chống đàn áp tự do ngôn luận… để dọc lề đường Jefferson, trước hai tòa nhà College House và University Religious Center, như “I stand with Israel equals I stand with genocide” (Tôi ủng hộ Israel có nghĩa là tôi ủng hộ diệt chủng), “Anti-Zionism is not anti-Semitism” (Chống chủ nghĩa Zion không có nghĩa là chống chủ nghĩa Do Thái)…

Trong những ngày qua, có nhiều cuộc biểu tình xảy ra tại các trường đại học lớn khắp nước Mỹ, phản đối chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột giữa Israel và nhóm Hamas tại dải Gaza.

Hàng trăm người bị bắt, nhiều đại học đóng cửa, hoặc hủy lớp học tại trường mà chỉ giữ những lớp online.

Hôm Thứ Tư, cảnh sát Los Angeles bắt hơn 90 người biểu tình tại USC. Ngày hôm sau, đại học này tuyên bố hủy lễ ra trường.

Nói với phóng viên nhật báo Người Việt hôm Thứ Sáu, cô Chantelle Piper, thành viên nhóm Revcom Corp LA, một nhóm bảo vệ dân quyền ở Los Angeles, cho biết cô tham gia biểu tình để bảo vệ tự do ngôn luận.

“Những gì xảy ra mấy ngày qua cho thấy chúng ta chỉ có tự do nói đến một mức độ nào đó thì không được nói nữa,” cô Piper chia sẻ với nhật báo Người Việt. “Hoa Kỳ đang giúp một đồng minh chiến lược đến mức không thể kiểm soát quốc gia này. Điều kế tiếp là ai kiểm soát được xung đột?”

Cô nói thêm: “Thay vì kiểm soát chiến tranh, họ lại đi kiểm soát những gì chúng tôi nói. Họ khủng bố chúng tôi. Họ không muốn tự do ngôn luận. Họ sợ giống như biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.”

Những thông điệp của người biểu tình trước đại học USC. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Tại Gavin Herbert Plaza, bên đường Jefferson, ngay lối vào phía Bắc của trường, các cơ quan truyền thông vẫn chờ đợi săn tin.

Gần đó là một nhóm khoảng 100 người gốc Do Thái, Mỹ, Armenia, và Palestine,… nhiều người quấn trên đầu chiếc khăn “keffiyeh,” biểu tượng cuộc tranh đấu của người Palestine, có một cuộc tọa kháng phản đối chính sách của Mỹ một cách ôn hòa.

Nhiều người trong số họ mặc áo đen, phía trước có dòng chữ màu trắng “Not in our name” (Không đại diện chúng tôi), “Free Palestine” (Hãy để Palestine được tự do), và phía sau có dòng chữ “Jews say cease fire now” (Người Do Thái muốn ngừng bắn ngay).

Các diễn giả thay nhau phát biểu trước nhóm người ngồi thành vòng tròn có các chữ viết trong vòng tròn như “Stop starving Gaza” (Hãy tiếp tế thực phẩm cho Gaza), “Occupation” (Chiếm đóng), “Genocide” (Diệt chủng), “70% of homes destroyed” (70% số căn nhà bị phá hủy), “Land destroyed” (Đất đai bị phá hủy)…

Người tham gia tọa kháng với khăn “keffiyeh,” biểu tượng cuộc tranh đấu của người Palestine, lên người. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Anh Benjamin Kersten, sinh viên UCLA gốc Do Thái, thành viên nhóm Jewish Voice for Peace LA, nói: “Chúng tôi tọa kháng hôm nay để bày tỏ sự ủng hộ với người Palestine, nhất là chúng ta vừa qua ngày Lễ Phục Sinh, một ngày quan trọng của nhiều người vùng Trung Đông.”

“Chúng tôi chỉ muốn chính quyền Biden phải hành động, ngăn chặn tình trạng tồi tệ tại Gaza như hiện nay,” anh Kersten nói tiếp. “Tôi cảm thấy rất mạnh mẽ về giá trị của con người. Tôi ủng hộ mọi hành động bất bạo lực. Nhưng rõ ràng chủ nghĩa Zionism không làm cho mọi người cảm thấy an toàn.”

Zionism là một hình thức chủ nghĩa dân tộc của người Do Thái và văn hóa Do Thái ủng hộ một quốc gia Do Thái trong lãnh thổ được xác định là vùng đất Israel. Từ khi thành lập nhà nước Israel năm 1947, phong trào phục quốc Do Thái vẫn tiếp tục chủ yếu ủng hộ sự lấn át lãnh thổ của người Do Thái như là trường hợp đối với người Palestine.

Những “đặc tính” của chủ nghĩa Zionism được người tham gia tọa kháng đưa ra. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Một phụ nữ gốc Armenia bế con nhỏ, đầu quấn “keffiyeh,” trong nhóm người tọa kháng, cho biết tên là Manijeh, không muốn cho biết tên họ vì sự nhạy cảm của vấn đề, nói: “Tôi chỉ muốn người Palestine tự do. Israel là một nhà nước diệt chủng. Tôi muốn chuyện này chấm dứt càng sớm càng tốt. Tôi không ủng hộ viện trợ cho Israel.”

Trong lúc tọa kháng xảy ra, ông Edward Bladsco, cư dân địa phương, không hài lòng và phản đối những người này, và ông la lớn: “Cút về nhà đi. Đây là nước Mỹ!”

Ông chia sẻ với nhật báo Người Việt: “Tôi đồng ý là có một cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Gaza, nhưng tôi không đồng ý với cách làm của những người này, bởi vì họ không biết họ đang nói cái gì.”

“Họ không nói thật. Zionism không phải là vấn đề,” ông Bladsco nói.

Phản đối chính sách viện trợ của Mỹ cho Israel. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Có lúc, ông định xông vào những người tọa kháng, nhưng bị ban tổ chức chặn lại. Rồi ông có lời qua tiếng lại với họ. Có lúc, ông đứng rất sát những người tọa kháng, một vài người trong số họ phải lôi ông ra. Tuy nhiên, ông cứ đòi tiến vào đám đông, thế là họ phải gọi cảnh sát đến.

Chuyện USC hủy lễ ra trường vì biểu tình cũng làm một số sinh viên khó chịu, cho rằng tự do ngôn luận đi quá trớn.

“Đành rằng họ đòi hỏi phải có tự do ngôn luận, nhưng một số đi quá trớn, quá cực đoan,” cô Astha Tewatia, sinh viên năm cuối USC dự trù sẽ dự lễ tốt nghiệp năm nay, nói. “Chính vì sự thái quá này mà nhà trường hủy lễ ra trường, và tôi bị mất cơ hội quan trọng nhất trong đời sinh viên.”

Ông Edward Bladsco (phải) quá “căng thẳng” với một người Do Thái. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Biểu tình ở đại học Mỹ làm nhớ lại Sài Gòn xưa 

Hiện tượng sinh viên khắp nơi tại nhiều đại học Hoa Kỳ phản đối chiến tranh làm nhiều “cựu thanh niên” gốc Việt ở Little Saigon hồi tưởng lại quãng thời gian Sài Gòn còn rền vang khẩu hiệu chống đối cuộc chiến tự vệ của miền Nam.

Ông Tài Ngô, ở Santa Ana, hồi tưởng: “Tôi nhớ thời 1970, sinh viên Sư Phạm Sài Gòn và sinh viên Văn Khoa là ‘quậy’ nhất, cứ xuống đường liên tục. Tôi học Bách Khoa, thỉnh thoảng tôi có tham gia nhưng hoàn toàn không vì lý tưởng gì mà chỉ vì ‘ham vui’ thôi. Bị lựu đạn cay hai lần là tôi hết thấy vui liền. Tôi nghĩ bây giờ mấy ‘cô cậu’ Mỹ này cũng đua đòi kiếm chút ‘hành động’ cho oai thôi chứ đâu có lý tưởng cao xa gì.”

Ông Lê Khắc San, ở Garden Grove, nói: “Anh tôi, hồi 1972 đang học Luật Khoa năm thứ hai, bày đặt biểu tình phản chiến rồi bị bắt ở hồ Con Rùa, sau đó bị đuổi học vì là thành phần xách động. Ba má tôi rất sợ, phải gởi anh qua Thái Lan trông coi hãng làm nút quần ‘jean’ cho bác tôi.”

Như còn bận tâm vì chuyện cũ, ông San gãi đầu thắc mắc: “Hồi đó sinh viên mình biểu tình vì đời sống họ bị chiến tranh ảnh hưởng trực tiếp. Bây giờ tại sao sinh viên Mỹ lại chống đối cuộc chiến  Israel-Hamas này? Chắc họ có thân nhân bị gởi qua Israel?”

Có người bộc lộ cảm xúc cao độ.

Khẩu hiệu của người biểu tình ở đại học USC. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Bà Tracy Lan Hồ, ở Garden Grove, lắc đầu: “Hồi đó nhà tôi có tới hai người bày đặt biểu tình chống đối. Chú tôi và anh tôi cùng rủ nhau học đòi Hippie Mỹ phản chiến. Tôi rất thương người nhà nhưng phải nói một chữ về hai người này, ‘phản quốc.’ Mình sống yên ả ở miền Nam bị miền Bắc xâm lấn thì phản chiến là sao? Giặc tới thì mình phải tự vệ chứ phản chiến ‘khỉ’ gì. Phản quốc thì có.”

Bà thở dài: “Tôi thấy vụ biểu tình trong đại học bây giờ là tác dụng phụ của chế độ dân chủ. Đây là cái giá phải trả để có dân chủ thực sự.”

Ông Trương Trọng, ở Westminster, nhận xét: “‘Ngựa non háu đá.’ Hồi đó tôi không đồng ý với sinh viên Việt Nam phản chiến. Bao nhiêu chiến sĩ ngã gục ở chiến trường để họ ở hậu phương bình an mà phản đối chiến tranh. Sai quá. Bây giờ tôi cũng thấy chuyện sinh viên cả nước đua nhau biểu tình phản chiến cũng chỉ là trò hề ‘lóc chóc’ mà thôi.” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com, dodzung@nguoi-viet.com


Ngày 7 Tháng Mười, 2023, nhóm Hamas từ Dải Gaza bất ngờ tấn công Israel làm 1,200 người Do Thái thiệt mạng, hơn 250 người bị bắt cóc.

Sau đó, Israel mở cuộc hành quân trả đũa, nhằm tiêu diệt nhóm Hamas, làm cho hơn 33,000 người Palestine thiệt mạng, theo Bộ Y Tế tại Gaza.

Trong khi đó, mặc dù chỉ trích chính sách của Israel tại Gaza, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho nước này mà những người biểu tình cho rằng “giết hại dân Palestine.”


 

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Tòa chặn quy định chỉ cho phạt tối đa $8 trả nợ thẻ tín dụng trễ hạn

Tòa liên bang ở Texas chặn quy định mới của chính quyền Tổng Thống Joe…

4 mins ago
  • NGƯỜI VIỆT - BẾP VIỆT

Kẹo dinh dưỡng, ngọt mà lợi cho sức khỏe

Kẹo dinh dưỡng, ngọt mà lợi cho sức khỏe Kẹo Granola là hình thức việc…

12 mins ago
  • Hoa Kỳ

Trump có thể còn nợ thuế hơn $100 triệu

Cựu Tổng Thống Trump có thể còn nợ thuế hơn $100 triệu, theo điều tra…

45 mins ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Ăn Quỵt

Tưởng Năng Tiến/SGN Theo Wikipedia Hà Nội, tác phẩm Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu của Nguyễn Huy Thiệp “vốn…

1 hour ago
  • TIN THỜI SỰ

Nếu ông Trump tái đắc cử, hàng triệu di dân có thể bị trục xuất

Nếu ông Trump tái đắc cử, hàng triệu di dân có thể bị trục xuất…

1 hour ago
  • Hoa Kỳ

Một phụ nữ Texas sinh 4 cùng trứng, cực kỳ hiếm

Một phụ nữ Texas sinh bốn cùng trứng (identical quadruplet), cực kỳ hiếm, vì bác…

2 hours ago

This website uses cookies.