Friday, April 26, 2024

Chàng trai Thái đi tìm cô gái Việt từng đoạt HC vàng SEA Games

 

Kỳ 1: Cổ tích trên đường thi đấu SEA Games lần thứ 20, năm 1999

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, Calif. (NV) – Nói một cách đầy đủ cho nhan đề câu chuyện sẽ phải là: Sau 16 năm, chàng trai Thái mong muốn tìm lại cô gái Việt từng đoạt huy chương vàng SEA Games 20 bằng chiếc xe đạp anh cho cô mượn vào “phút 89.”

Ngay khi một độc giả tên Tuyết Salzman gọi điện thoại đến nhật báo Người Việt để hỏi xem có cách nào giúp một người đàn ông Thái Lan, mà bà tình cờ gặp ở một quán ăn tại Idaho, tìm gặp lại cô gái Việt trong câu chuyện mà anh chàng đó kể cho bà nghe không, chúng tôi đã cùng chung suy nghĩ với vị độc giả đó, là, dường như có một câu chuyện cổ tích giữa đời thường đang diễn ra.

Và, những gì chúng tôi đi tìm hiểu được, quả là một câu chuyện quá đẹp.

Một vận động viên đua xe đạp địa hình từ Việt Nam sang Brunei dự thi SEA Games lần thứ 20, khi đó là năm 1999, bằng một chiếc xe cũ đến mức sau mỗi vòng tập chạy thì ông huấn luyện viên người Nga phải làm công việc sửa xe cho cô.

Một chàng trai đến từ Thái Lan khi đó cũng xách chiếc xe đạp của mình chạy vòng vòng quan sát đội tuyển đến từ các quốc gia đang ráo riết chuẩn bị cho vòng chung kết giải thể thao lớn nhất vùng Đông Nam Á.

Nguyễn Thị Thanh Huyền, vận động viên đua xe đạp vô địch SEA Games 20, 21, 22 và 24 (Hình: Thanh Huyền cung cấp)

 

Lúc này, hình ảnh cô vận động viên Việt Nam nhỏ nhắn tập luyện một cách chăm chỉ trên chiếc xe “cà tàng xì cút” đã thu hút sự chú ý của anh người Thái.

Thế là chỉ ngay trước khi phát súng báo hiệu giờ xuất phát cuộc tranh tài được nổ ra chưa đầy nửa tiếng, chàng trai người Thái Lan đã nói với ông huấn luyện viên của cô gái Việt rằng “Hãy dùng chiếc xe của tôi!”

Sau chút ngần ngừ, người thầy của nữ vận động viên đó quyết định “Dùng chiếc xe đạp này, con sẽ chiến thắng.”

Và, như một giấc mơ, cô giành chiếc huy chương vàng đầu tiên ở bộ môn đua xe đạp địa hình về cho đội tuyển Việt Nam thật.

Cô gái Việt không kịp biết tên chàng trai kia là gì, ở đâu.

Chàng trai Thái cũng chỉ kịp chụp chung với cô một tấm hình, rồi mau chóng lấy lại chiếc xe chạy đi ngay trước khi đội tuyển Thái Lan nhìn thấy anh và không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Cô gái ấy chính là Nguyễn Thị Thanh Huyền, người được mệnh danh là nữ hoàng của môn chạy xe đạp băng đồng của Việt Nam với 4 huy chương vàng SEA Games 1999, 2001, 2003 và 2007, hiện đang là giáo viên bộ môn thể dục thể hình của trường Đại Học Thể Dục Thể Thao ở Sài Gòn.

Và chàng trai đã trao vào tay cô cơ hội ghi bàn đầu tiên trên đấu trường quốc tế là Sekson Aroonpong, tên thường gọi là Art, khi đấy là phóng viên của tạp chí Mountain Bike Thailand Magazine, và hiện đang sống tại Hailey thuộc tiểu bang Idaho của Hoa Kỳ.

Giờ đây, 16 năm sau ngày câu chuyện cho mượn xe kỳ lạ xảy ra, qua phóng viên Người Việt, hai người lại có được những thông tin về nhau để tiếp tục một câu chuyện ngỡ chỉ là chiêm bao.

Chuyện kể từ cô vận động viên Việt Nam bị hư xe ngày nào

Với những thông tin sơ lược về Nguyễn Thị Thanh Huyền, chúng tôi lần tìm, cuối cùng, có được số điện thoại của cô.

Câu chuyện ngày nào ngỡ chìm vào quên lãng, nay đột nhiên được nhắc lại, khiến Huyền, giờ đã là một phụ nữ 38 tuổi, không khỏi ngỡ ngàng. Cả một thời xa xưa như được sống lại, và cô kể một cách thật vui, qua điện thoại.

“Năm đó là SEA Games 20, do không có môn thi đường trường nữ (Road Bike) nên mình được chuyển từ môn xe đạp đường trường sang môn xe đạp địa hình (Mountain Bike) chỉ 5 tháng trước cuộc thi.” Huyền nhớ lại.

Chuyển môn thi, nhưng phương tiện thi là chiếc xe đạp thì vẫn là… chiếc xe đạp cũ.

Theo lời của cựu huy chương vàng SEA Games ngày nào thì chiếc xe cô dùng khi ấy là chiếc Cannondale.

“Năm 96-97 gì đó, có một đoàn người Mỹ làm một cuộc chạy đua xe đạp vòng quanh thế giới mà đích đến là Việt Nam. Tất cả đều chạy xe Cannondale màu xanh và không có phuộc nhún. Sau khi đến Việt Nam, theo lời đề nghị của ông giám đốc CLB Xe Đạp Hà Nội, đoàn người Mỹ đã để lại cho CLB khoảng chục chiếc xe. Đến Tháng Ba, năm 99, mình tham gia vào CLB và được giao cho một trong những chiếc xe đó để tập luyện.” Huyền kể.

Bộ môn Huyền sẽ thi là “đua xe đạp băng đồng” nhưng những chiếc Cannondale đó lại dành cho chạy đường trường chứ không phải cho việc leo địa hình lên núi xuống đèo nên không có phuộc nhún để tránh việc dằn xốc.

Sau 5-6 tháng tập luyện rất tốt trong điều kiện mà cả xe lẫn giày dép đều không đúng với yêu cầu, Huyền được mua tặng cho một cặp phuộc nhún nhưng “đó cũng chỉ là phuộc nhún dành cho xe đường trường chứ không phải xe leo đồi núi.”

“Vậy mà mình tập 5 tháng trời, thầy trò vật vã với nó sau từng buổi tập, riêng cái phuộc nhún trước của nó ngày nào mình cũng sợ ‘đầu lìa khỏi cổ’, mỗi khi đổ dốc nó rung cành cạch như sắp tuột khỏi bánh trước. Ngày nào đi tập mình cũng hỏi chú kỹ thuật có một câu là ‘đi tập nó có gãy không, có sao không?’ Nó mà gãy một cái là răng mình cũng rớt theo luôn.” Huyền vừa kể vừa cười.

Nguyễn Thị Thanh Huyền (trái) và Sekson Aroonpong (Art) cùng chiếc xe đạp được cho mượn năm 1999. (Hình: Thanh Huyền cung cấp)

 

Điều kiện như vậy, nhưng “Lúc ấy mình hồn nhiên lắm, không ao ước gì cả, vì ước có được đâu, mà được đi thi là hạnh phúc rồi, nên vẫn cứ tập bình thường, không có than thở gì hết. Chỉ biết là xe hỏng thì cứ mỗi ngày tập về thì sửa thôi.”

Theo lời Huyền, “Cho đến buổi đêm mà sang ngày hôm sau mình thi đấu, ông huấn luyện viên phải sửa xe đến 4 giờ sáng. Cái sên xe lúc đấy cứ bị tuột xuống, rồi cứ phải chỉnh líp xe, sên líp cứ nhảy lung tung. Rồi ông bảo, thôi không sao cả, hãy cứ cố gắng mà thi đấu. Thảm lắm.”

“Thảm” nhưng tiếng cười của người vận động viên ngày đó vẫn cứ hồn nhiên.

Thế nhưng, Huyền nhớ lại, “Ngay trước giờ thi đấu, ông huấn luyện viên nói có một người cho mượn xe và động viên mình là nếu có chiếc xe này thì mình sẽ có huy chương.”

Huyền bảo cô “mở to mắt nhìn chiếc xe và nhận ra đấy là xe của một ông mà ngày nào mình cũng gặp trên đường tập.”

Cô bảo “chuyện này chưa bao giờ có tiền lệ” nhưng “vốn tin tưởng vào huấn luyện viên tuyệt đối” nên cô “gật đầu cái rụp” và leo lên xe đạp thử trong khi lòng vẫn đầy những ngỡ ngàng.

“Khi trọng tài thổi còi xuất phát, mình vẫn còn đứng trơ ra đó, mặt xám ngoét. Tới lúc nghe ông huấn luyện viên hét tên mình, mình mới giật bắn người và cắm đầu chạy.” Huyền lại cười khi nhớ về “kỷ niệm khó phai.”

Suy ngẫm lại những gì đã qua, nữ hoàng trên đường đua xe đạp ngày nào cho rằng, “Không ai dám chắc chắn về thành tích cuộc đua sắp tới, kể cả khi mình nghĩ là chiến thắng đến 70%, mà trong môn đua xe đạp địa hình thì càng có nhiều may rủi. Cũng không ai dám nhảy lên một chiếc xe mà mình không biết gì để thi đấu trong một cuộc đua quan trọng như vậy, trừ khi không có gì để mất.”

“Nhưng quả thật anh ấy là người mang đến may mắn cho tôi cùng với chiếc xe của anh. Nó góp phần quan trọng trong chiến thắng ngày hôm đó, mang đến cho mình niềm hạnh phúc. Đúng là hạnh phúc vô bờ sau nhiều năm tháng vất vả.” Huyền nói tiếp.

Sau lần đầu tiên đoạt huy chương vàng trong điều kiện khó khăn thiếu thốn như thế, Huyền lại tiếp tục theo đuổi sự nghiệp này, và lại giữ vững chiếc huy chương vàng ở SEA Games 21, 22.

Năm 2005, cô lập gia đình với Bác sĩ Nguyễn Hữu Tuyển, vốn là bác sĩ của Trung Tâm Huấn Luyện Thể Thao Quốc Gia 2 và sinh một đứa con trai. Thế nên năm đó Huyền đã không tham dự SEA Games 23. Tuy nhiên, đến năm 2007, cô trở lại đường đua và tiếp tục ghi nhận kỷ lục ngoạn mục với một chiếc huy chương vàng nữa ở SEA Games 24, trước khi chính thức giải nghệ vào năm 2008.

Sau khi sanh thêm đứa con gái được 7 tháng thì chồng cô đột ngột qua đời. Cô cho biết “vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ tiến thêm bước nữa.”

Hiện tại Huyền đang là giáo viên dạy môn thể dục thể hình ở trường Đại Học Thể Dục Thể Thao Sài Gòn.

Hỏi “Huyền còn nhớ gì về người đàn ông cho mượn xe đó?”, Huyền nói, “Trong trí nhớ của tôi, anh ấy trông rất hiền. Sau khi về đến đích, tôi như trong mơ, chỉ nhớ lúc đó líu ríu nói cảm ơn anh. Anh chụp hình với cả đội và đi mất. Sau này nhiều năm, thỉnh thoảng tôi nhìn lại tấm ảnh chụp chung với anh ấy, tôi cảm thấy rất vui và mong gặp lại anh. Tôi dự định đăng tấm hình đó lên Facebook để tìm kiếm anh ấy. Nhưng mà vẫn chưa làm.”

Thêm một thắc mắc của Huyền cho đến tận bây giờ vẫn chưa có câu trả lời, là “Khi đó ông huấn luyện viên nói anh này có shop xe đạp ở Thái Lan, mà Thái Lan lúc ấy đang là đối thủ của mình, vậy mà không hiểu sao anh ấy lại cho mình mượn xe?”

Huyền cho rằng, “Nghĩ lại sự việc đó như một giấc mơ, một chuỗi may mắn không được lặp lại lần thứ hai trong đời. Mình nghĩ đó là một cái ‘duyên’ kỳ lạ mà không phải ai cũng gặp. Có thể anh ấy thấy việc cho mình mượn xe là một cử chỉ bình thường, nhưng đối với mình là một việc kỳ lạ. Ở Việt Nam, người ta gọi đó là câu chuyện cổ tích, bởi đó là một thành tích không ngờ với dự đoán của tất cả giới thể thao trong nước, trong khu vực, cũng như với bản thân mình.”

“Một câu chuyện cổ tích có hậu và rất hay.” Vận động viên đoạt huy chương vàng Đông Nam Á ngày nào nhờ chiếc xe đạp được người lạ cho mượn, kết luận.

(Kỳ 2: Chàng trai Thái cho cô gái Việt mượn xe để giành chức vô địch thật sự là ai?)

———

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT