Thursday, April 25, 2024

Chích ngừa cúm không có hiệu quả với một số người

Đằng-Giao/Người Việt

HOA KỲ (NV) – Báo Time cho biết, năm nay, dịch cúm tại Hoa Kỳ tăng đến mức báo động. Hiện có đến 43 tiểu bang bị ảnh hưởng, theo báo cáo của Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Bệnh Dịch (CDC). Điều đáng nói là đối với một số người, thuốc ngừa không phải lúc nào cũng có hiệu quả.

Tuy nhiên, cách phòng chống dịch cúm tốt nhất vẫn là chích ngừa.

CDC ước tính rằng năm ngoái, Hoa Kỳ có 25 triệu người mắc bệnh cúm, dẫn đến khoảng 11 triệu lượt đi bác sĩ, theo báo Time.

Thông thường, mùa cảm cúm bắt đầu từ Tháng Mười Hai đến Tháng Hai ở Mỹ.

Năm ngoái, số người bị cúm đông nhất xảy ra ở thời gian trễ hơn, vào giữa Tháng Ba, báo Time cho biết.

Các nhà vi trùng học của Cơ Quan Sức Khỏe Thế Giới (WHO) là những người sản xuất thuốc ngừa hàng năm. Họ phải cung cấp cho quần chúng những thông tin mới nhất, cũng như những loại thuốc tốt nhất.

Mặc dù triệu chứng bệnh cúm luôn giống nhau, nhưng loại vi trùng gây bệnh này thay đổi hàng năm.

Vì cảm cúm xảy ra vào mùa lạnh, các khoa học gia chú tâm vào Nam Bán Cầu, nơi mùa Đông đến sớm hơn để có khái niệm về loại vi trùng mới sẽ có ở Bắc Bán Cầu.

Nhưng năm nay, họ không thể dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tại Mỹ.

Ở vài quốc gia như Úc, mùa cúm năm nay được xếp là nặng nhất trong nhiều năm, nhưng ngược lại, Brazil lại không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn theo báo Time.

Dù các khoa học gia nghiên cứu kỹ lưỡng, vi trùng cúm thay đổi không ngừng. Do đó, thuốc ngừa cũng đổi hàng năm. Và họ cũng biết có lúc thuốc ngừa không thể có hiệu lực như ý muốn.

Ở Orange County, các bác sĩ gốc Việt cũng khuyên đừng tin vào thuốc ngừa cúm quá, nhưng cũng không thể coi thường nó.

Tại Huntington Beach, Bác Sĩ Từ Bá Thức khuyên bệnh nhân nên chích ngừa, cho dù năm ngoái, thuốc ngừa có thể không có hiệu lực đối với họ.

Ông nói: “Năm nay, tôi không thấy số người bị cúm nhiều hơn năm ngoái.”

Ông giải thích: “Không thể có bất cứ thuốc ngừa cúm nào thích hợp cho tất cả mọi người cả. Hơn nữa, vi trùng cúm thay đổi hàng năm. Bởi vậy, năm nào cũng nên đi chích ngừa.”

Ông thêm: “Thí dụ năm ngoái chích ngừa rồi mà vẫn bị cúm, nhưng năm nay vẫn phải chích nữa. Rất có thể, năm nay, thuốc có hiệu quả.”

Bác Sĩ Định Nguyễn, có phòng mạch tại Fountain Valley, nói: “Trong vài năm gần đây, thuốc ngừa cúm không có hiệu quả đối với một số đông người, nhưng chúng ta vẫn không nên vì thế mà lơ là  mà quên ‘flu shot’, nhất là trẻ em và người trên 60 tuổi.”

Nên nhớ, ngăn ngừa dịch cúm không phải chỉ là trách nhiệm của khoa học gia mà là việc chung. Mọi người cũng nên tự bảo vệ mình và người chung quanh bằng cách chích ngừa kể cả khi họ nghĩ mình không cần.

Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ, ở Westminster, cũng có cùng suy nghĩ trên. Ông nói: “Năm nay, cũng như mọi năm, thuốc ngừa cúm có hiệu quả cao với một số người và có công hiệu ít hơn, với một số khác.”

Tuy nhiên, ông vẫn nghĩ là chích ngừa là điều nên làm. “Mọi người cần phải chích ngừa. Có thuốc, có tốt. Tôi thấy có người, tuy chích rồi vẫn bị cúm nên tưởng thuốc không có hiệu lực. Nhưng họ không biết rằng nhờ có thuốc trong người, họ bị cúm nhẹ hơn nhiều,” ông cho biết.

Chích ngừa không phải chỉ để bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn để bảo vệ sức khỏe người khác.

Nên nhớ, chích ngừa có thể không hiệu lực 100% cho một số người, nhưng sẽ giảm thiểu số lượng vi trùng mà người đó sẽ truyền cho người chung quanh.

Năm ngoái, CDC phỏng định việc chích ngừa ngăn chận được 5.1 triệu trường hợp cảm cúm.

Ngoài việc chích ngừa, mọi người nên rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bị cúm. Khi bị cúm, nên nghỉ ngơi tại nhà. (Đằng-Giao)

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT