Friday, April 26, 2024

Chiều tao ngộ ra mắt sách của ba tác giả “Tuổi Trẻ”

Văn Lan/Người Việt

WESTMIBSTER, California (NV) – Cơn mưa chiều Thứ Bảy, 2 Tháng Hai, dù nặng hạt và mang theo những cơn gió lạnh của ngày giáp Tết, vẫn không ngăn nổi người đến dự buổi tao ngộ, ra mắt sách của Giáo Sư Đặng Phùng Quân, văn thi sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, và cố văn sĩ Hàn Song Tường, tại Viện Viện Học ở Westminster.

Ba tác giả Đặng Phùng Quân, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình và Hàn Song Tường đã góp mặt trong tác phẩm “Tuổi Trẻ”, là tuyển tập truyện ngắn được ra mắt hôm nay, cùng tập thơ “Nhật Ký Của Những Mãnh Vỡ”, do Người Việt Books in lần đầu, 2018. Quyển “Huserl & Triết Học Hiện Đại” của Giáo Sư Đặng Phùng Quân cũng hiện diện trong lần ra mắt sách này.

Tham dự buổi này, nhà báo Phan Tấn Hải cho biết: “Giáo sư Đặng Phùng Quân định cư tại Hoa Kỳ từ 1981, là giáo sư Triết tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn từ 1968, giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Cần Thơ, Đại Học Cao Đài, Đại Học Tây Ninh, và Đại Học Hòa Hảo Long Xuyên. Ông là thầy tôi khi tôi còn là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trước 1975 ông đã có một số tác phẩm viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Sau 75, khi ra hải ngoại, ông viết thêm loại truyện ngắn nhận định về văn học, và phê phán các hệ tư tưởng Marxist, và viết tự điển về triết học.”

Từ trái: Giáo Sư Đặng Phùng Quân, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà văn Việt Hải, và MV Thụy Vi trong buổi ra mắt sách tại Việt Viện Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, nổi tiếng là một trong những nhà văn nữ với nhiều tập truyện, thơ văn mà như lời cô nói là trong thời kỳ “rẻ như bèo”. Định cư tại Hoa Kỳ 1975, học tại Đại Học LSU, Louisiana, cộng tác với rất nhiều tạp chí văn học, tuyển tập, và từng phụ tá nhà văn Xuân Vũ, chủ bút Nguyệt San Non Nước, cùng nhà văn Hàn Song Tường và Giáo Sư Đặng Phùng Quân chủ trương tạp chí Gió Văn. Cô cũng có nhiều tập truyện đã và đang viết.

Trong phần giới thiệu về nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà báo Phan Tấn Hải nhấn mạnh đến điểm độc đáo của bà là thời chưa có internet như bây giờ, nhưng với lòng đam mê và nhiệt tình, Thanh Bình đã từng viết tay các tác phẩm của mình và gởi về đóng góp cho văn học. Ngoài ra, nhà văn Thanh Bình còn hỗ trợ cho một số hoạt động nhân quyền, với những lý tưởng cao đẹp cho quê hương dân tộc.

Nhà thơ Đào Trung Đạo thì nhận xét rằng “Thanh Bình viết ghê lắm”, qua năm truyện ngắn trong tập truyện “Tuổi Trẻ” này.

Ông cho rằng cõi văn của Đặng Phùng Quân, Nguyễn Thị Thanh Bình và Hàn Song Tường có nét rất giống nhau, với những nhân vật trong tập truyện của ba tác giả như những kẻ vô xứ, sống lang thang trên khắp mặt đất từ ngày bỏ quê hương ra đi, lang thang như cái bóng, nhưng vẫn đầy niềm hy vọng, vẫn có sự trong sáng, hướng về trong nước.

“Trong Đặng Phùng Quân cũng như Nguyễn Thị Thanh Bình, có một ý thức văn chương của người viết vô xứ, không than khóc nhớ nhung quá tầm thường, nhưng vẫn gởi tiếng nói mình trong chữ viết. Hàn Phong Tường cũng vậy, viết rất đầm ấm,” nhà văn Đào Trung Đạo nhận xét.

Tiến Sĩ Nguyễn Văn Lương (đứng) nhận định về văn học trong tiến trình chuyển hóa Việt Nam. (hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông cũng cho rằng, “Giới văn chương trẻ trong nước không vô cảm, họ rất trong sáng, tuy chưa làm được gì nhiều nhưng đừng quên họ, chính vì vậy chúng tôi vẫn cầm bút, gởi về trong nước sự trong sáng đó.”

Nhà thơ Đào Trung Đạo nhấn mạnh: “Tôi hy vọng những bài viết trong tập truyện ngắn ‘Tuổi Trẻ’ cũng như những bài thơ trong ‘Nhật Ký Của Những Mảnh Vỡ’ của Nguyễn Thị Thanh Bình sẽ được sớm gởi về trong nước, chia sẻ sự trong sáng ở hải ngoại, để các bạn trẻ trong nước thấy rằng sau 75, chính miền Nam đã cho Hà Nội một cơ hội để thay đổi. Vậy thì chúng ta, những người viết văn chương lưu xứ hải ngoại, hãy cho trong nước có cơ hội để thay đổi.”

Buổi ra mắt sách trở thành một cuộc hội luận văn chương thú vị với bốn vị diễn giả gồm Giáo Sư Đặng Phùng Quân, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, nhà văn Việt Hải, và MC Thụy Vi.

Nữ Sĩ Bích Ty (trái) và tiếng sáo Ngọc Nôi trong thi phẩm “Về Đâu Sóng Giữa Biển Đông”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi ra mắt sách đã có những câu hỏi và trao đổi hết sức lý thú giữa mọi người, nhất là ý kiến của Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Văn Lương nói về ảnh hưởng của Trung Cộng và sự thay đổi của Việt Nam phải theo một trình tự, và ông tin chắc rằng sự thay đổi đó đang từ từ diễn ra, trong đó văn học cũng góp phần.
Ngoài trời mưa ngày càng lớn, nhưng trong phòng thật ấm áp với những bạn văn, thân hữu của ba tác giả, như Giáo Sư Dương Ngọc Sum, Giáo Sư Đặng Phùng Quân, Giáo Sư Lê Xuân Khoa, nhà văn Trần Việt Hải, nhà thơ Đặng Thơ Thơ, nhà báo Phan Tấn Hải, nhà báo Phạm Quốc Bảo, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, nhà thơ Hà Nguyên Du, nữ sĩ Bích Ty, bà Hồng Lan, Hội Văn Bút Nam California, nhà thơ Đào Trung Đạo, nhà thơ Phan Ni Tấn (Canada), Tiến Sĩ Nguyễn Văn Lương, Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân, tiếng sáo Ngọc Nôi, và người hâm mộ.

Buổi ra mắt sách còn có phần văn nghệ góp sức của nhạc sĩ Ngô Tín, giọng ngâm thơ của nữ sĩ Bích Ty và tiếng sáo Ngọc Nôi, cùng tiếng hát của nhà thơ du ca Phan Ni Tấn đến từ Canada, Thúy Anh cùng Nhóm Văn Bút.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT