Tuesday, May 14, 2024

Chơi tranh phong thủy ở Little Saigon

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Tranh Phong Thủy May Mắn” là chủ đề cuộc triển lãm tranh sơn dầu của hai nữ họa sĩ Thùy Vân và Hoàng Kim, hiện được trưng bày tại thương xá Phước Lộc Thọ, Westminster.

Thực sự, tranh mang tính chất phong thủy là những tác phẩm của họa sĩ Thùy Vân trong lúc họa sĩ Hoàng Kim duy trì lối vẽ cổ điển và phản ảnh những đường nét khác hẳn.

Tính tình thẳng thắn, cô Thùy Vân nói ngay: “Tranh em là ‘tranh cơm gạo.’ Tranh em có mục đích đem lại may mắn cho người mua. Khách thấy hên thì em mới bán thêm được.”

Cô cười nói tiếp: “Đa số tranh vẽ của các họa sĩ khác có giá trị nghệ thuật cao, nhưng tranh em là ‘tranh chợ,’ có tác dụng thực tế cho những người tin vào phong thủy.”

“‘Linh tại ngã, bất linh tại ngã.’ Sự linh nghiệm, tất cả đều do mình mà ra. Và tất cả những bức họa của em đều lấy từ những quẻ trong Kinh Dịch ra thôi,” cô cho hay.

Với những tin tưởng tuyệt đối đó, cô Thùy Vân cho biết cô rất cẩn thận lựa chọn giờ giấc để bắt đầu vẽ từng bức tranh.

“Gia Nhân Tiệm” của họa sĩ Thùy Vân, tranh đem lại sự phát đạt dồi dào. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Và kể cả kích thước, em phải tính toán cho thật chính xác để tất cả có được sự hài hòa, tương xứng như trong Kinh Dịch,” cô giải thích.

Khi khách mua tranh rồi, cô còn hỗ trợ thêm với những lời khuyên có tính “địa lý” nữa, như nếu treo ở nhà thì treo ở đâu, hướng nào, còn nếu treo tại cơ sở doanh nghiệp thì lại có cách khác.

Cô bổ túc: “Và mỗi bức đều có giờ giấc khác nhau, nếu treo đúng giờ thì sự linh ứng tăng thêm.”

Tự nhận mình không tinh thông gì về Kinh Dịch cả, và những kiến thức hạn hẹp của mình chỉ vừa đủ để vẽ tranh kiếm cơm thôi, cô Thùy Vân nói: “Từ hồi còn học ở Hội Mỹ Thuật Thành Phố ở Sài Gòn, em đã muốn vẽ tranh phong thủy rồi. Rất khó mà giải thích vì sao em lại thích phong thủy như vậy. Nhưng em chỉ thích thể hiện những gì trong tim mình mà thôi.”

Chỉ một bức tranh mô tả một bó hoa vàng trong chậu, cô nói: “Đây là bức ‘Gia Nhân Tiệm,’ cũng là tên một quẻ trong Kinh Dịch.”

“Bông lúa tượng trưng cho sự nảy nở và sự thu hoạch. Những đồng ‘penny’ dán trên chậu tượng trưng cho tài lộc. Toàn bức tranh nói lên sự may mắn, ‘phúc lộc đồng lâm,’” cô giải thích.

Cô tin rằng nếu treo đúng giờ, đúng hướng, bức “Gia Nhân Tiệm” còn có thể giúp người hiếm muộn có con nữa. “Tin tưởng thì người mua sẽ gặp may mắn, không tin thì nhiều người cho là một sự mê tín dị đoan. Tùy, em chỉ biết vẽ những gì mình tin và mong cho khách được như vậy,” cô nói thêm.

“Cánh Đồng Bông Vải” của họa sĩ Hoàng Kim trắng xóa góc trời. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cô Thùy Vân cho biết rằng chỉ riêng khách ở vùng Little Saigon thôi, cũng đã nhiều người quay lại tìm đặt thêm tranh mới. “Hồi Tết vừa rồi, em có gian hàng bán tranh tại phía trước Phước Lộc Thọ. Mua về, họ thấy có hiệu quả rõ ràng nên giới thiệu bạn bè mua để treo tại cơ sở làm ăn,” cô chia sẻ.

Một bức nữa, cũng có “chữ ký” của cô là những đồng “penny” dán lên mang tên “Đại Hữu Đỉnh.” Cô giải thích: “Đây là lò đúc tiền. Người mua rồi, để gặp thêm may mắn, mỗi tháng nên dán thêm một đồng tiền cắc mà mình thích. Tài lộc phải nảy nở thêm thì mới tốt.”

Ông Trần Văn Thùy, cư dân Santa Ana, cười nói: “Tôi thì không biết chuyện phong thủy có thật hay không, nhưng tôi nghĩ cũng không mất mát gì. Nếu được gặp may mắn thì tốt, không thì có bức tranh treo cho vui nhà, vui cửa, có mất gì đâu.”

Vợ ông, bà Christine Nguyễn, nói: “Tôi thì không tin chuyện này chút nào. Nhưng nếu ông ấy thích thì tôi cũng không cản làm gì.”

Quay sang chồng, bà cười: “Nhớ đó. Ông mua thì cứ mua, nhưng mai mốt, khi tôi mua món gì tôi thích thì đừng có mà cản.”

Ông Thùy lắc đầu: “Bức tranh là làm đẹp cho cái nhà, bà chỉ mua nữ trang cho mình bà thôi. Hai cái khác. So sánh vậy đâu có được.”

Ông cầm tay, kéo bà quay lại coi tranh.

Một nửa bên kia khu triển lãm, khác hẳn với những bức tranh có sắc màu mạnh mẽ của họa sĩ Thùy Vân là một góc lặng lẽ, giang sơn của những bức họa mang sắc thái nhu mì, có tính suy tư hơn của nữ họa sĩ Hoàng Kim.

Bức tranh dang dở, nhưng sẽ hoàn tất sớm của nữ họa sĩ Hoàng Kim. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cô nói: “Trước đây, vì học vẽ ở Đại Học Alabama nên nét vẽ của em không ‘thuần Việt.’ Tranh em không đập vào mắt người coi. Muốn hiểu tranh em, người coi phải ngắm lâu thì mới cảm nhận được những uyển chuyển, những thay đổi rất nhẹ nhàng trong một bố cục gồm những màu trang nhã mà em thấy thích.”

Một trong những bức tranh được nhiều người chú ý của cô là bức “Mùa Thu” với những tàng cây chuyển màu vàng, màu đỏ của những loại cây chỉ mọc ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ hay Canada.

“Đây không hẳn lá một sự mô tả một nơi chốn nào cụ thể. Có thể đây chỉ là một mảng ký ức rất mông lung của em, được tích lũy từ một thuở nào đó xa xôi lắm rồi,” cô trình bày.

Đứng ngắm bức “Cánh Đồng Bông Vải,” ông Charles Walker, ở Westminster, nói: “Hồi học trung học, tôi ở nhiều nơi thuộc vùng ‘Cotton Belt.’ Từ Tháng Bảy đến Tháng Mười, bông gòn nở trắng xóa những cánh đồng bát ngát. Tranh này làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình.”

Cuộc triển lãm “tranh chợ” và “tranh không chợ” của hai nữ họa sĩ Thùy Vân và Hoàng Kim còn mở cửa hằng ngày từ 10 giờ sáng đến khi Phước Lộc Thọ đóng cửa, cho đến ngày 15 Tháng Tám.

Sau đó, cô Thùy Vân quay về Florida và cô Hoàng Kim về Alabama. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Ngôi nhà có hàng phượng vĩ và vườn cây nhiệt đớ ngay cạnh Little Saigon”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT