Friday, April 26, 2024

Chưa hẳn có con bị chứng tự kỷ là bất hạnh

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Khác với phần đông người gốc Việt, bà Mỹ Thanh Monroy, cư dân Garden Grove, chia sẻ về chứng tự kỷ của hai đứa con gái mình, nhất là những hạnh phúc nhỏ nhoi mà ít người để ý.

“Thường thì các bé trai hay mắc chứng tự kỷ hơn là bé gái nhiều, nhưng cả hai con gái tôi đều bị chứng này,” bà bộc bạch. “Tôi khuyên các bậc cha mẹ khác nên mau chóng đưa con mình đi chẩn bệnh tự kỷ.”

Bà có hai đứa con, đứa lớn là Samantha, 10 tuổi, bị nặng hơn Katelinh, 5 tuổi.

Chồng bà, Demian Monroy, cho biết lý do rất đơn giản.

Samantha được định bệnh năm cháu ba tuổi. Nhờ đó, ông bà chịu khó quan sát Katelinh kỹ lưỡng hơn và kịp thời đưa cháu đi chữa trị khi cháu mới sáu tháng.

Tự kỷ là chứng chỉ có thể trị liệu qua ngôn ngữ hoặc hành động chứ không có thuốc.

Năm nay, lên 10 mà Samantha vẫn cần phải được điều trị chứng tự kỷ tại trường và vẫn ghi danh vào lớp đặc biệt.

Nhờ được điều trị sớm, Katelinh vừa ghi danh vào chương trình song ngữ ở Garden Grove đầu niên khóa năm nay.

Bà Thanh nói: “Hiện thời Katelinh học lớp bình thường như mọi học sinh khác.”

“Nếu không phải là chuyên viên định bệnh loại giỏi và có kinh nghiệm, khó mà biết cháu bị tự kỷ,” ông Demian cho hay.
Điều này chứng tỏ sự hữu hiệu của phương thức điều trị khi bé còn trẻ. “Tôi mong là cha mẹ nên quan sát con mình rất cẩn thận và cho cháu điều trị ngay lập tức,” bà Thanh nhắc nhở.

Câu chuyện của họ xảy ra thật bất ngờ. Từ nhỏ, Samantha như mọi đứa trẻ khác. Cháu phát triển một cách bình thường.

Đùng một cái, năm lên hai tuổi, sau một lần chích ngừa, Samantha biến đổi đột ngột. “Cháu không vui vẻ như trước nữa và trở nên lầm lì,” bà Thanh hồi tưởng.

Cho đến khi Samantha lên ba tuổi, cha mẹ em mới chính thức biết con mình bị tự kỷ.

Hai năm sau. Khi Samantha lên năm thì Katelinh ra đời. Nhờ những dấu hiệu học được từ Samantha, vợ chồng bà Thanh kịp thời đưa đứa con thứ nhì đi định bệnh.

Hai vợ chồng phải luân phiên có mặt bên hai con cả ngày lẫn đêm nên ông Demian, một y tá, làm ca đêm.

Biết được hai con mình mắc chứng tự kỷ đã đành, đồng ý cho con đi chữa bịnh cũng đã đành, nhưng có được chữa trị hay không lại là chuyện khác. “Chúng tôi phải tranh đấu với bảo hiểm và học khu để các cháu được hưởng những quyền lợi cần thiết,” ông Demian nói.

Bà Thanh thêm vào: “Thời gian đó, mỗi tuần, chồng tôi chở hai đứa trên 500 dặm, đi hết chỗ này đến chỗ khác để điều trị.”

Điều trị chứng tự kỷ là một tiến trình rất chậm chạp. “Có nhiều lúc tôi chán nản cùng cực,” bà thú nhận. “Có lúc tôi thắc mắc không biết tại mình hay tại chồng mình mà các con bị chứng này.”

Nhưng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tự kỷ là căn bệnh của một sự phối hợp giữa di truyền, môi trường sống và chế độ dinh dưỡng nên ông bà kiên tâm làm tất cả những gì mình có thể làm được cho hai con.

Ông Demian nói: “Có con bị tự kỷ là phải biết kiên nhẫn vô cùng.”
Làm đêm, bị thiếu ngủ triền miên, có những lúc ông không chịu nổi với cái “chướng” của Samantha.

“Khi chưa hiểu được cách suy nghĩ của Samantha, có nhiều lần tôi phải nổi cáu với cháu, tôi lớn tiếng với cháu. Này nhé, cái pancake ăn sáng thì phải đúng kích cỡ thì cháu mới ăn, không thì cháu khóc,” ông kể.

Gia đình bà Mỹ Thanh từ trái, ông Demian, Katelinh. Samantha và bà Thanh.(Hình: Demian Monroy cung cấp)

Sau rất nhiều lần ông mới hiểu rằng với Samantha, pancke lớn hay nhỏ hơn đều không phải là pancake, phải đúng cỡ quen thuộc thì mới đúng là pancake.

Về sự “khó tính” này, có nhiều phụ huynh gốc Việt có con tự kỷ đã gặp phải rồi.

Bà Betty Nguyễn, cư dân Huntington Beach, đồng ý: “Thằng con tôi, ăn cơm phải đúng cái chén và cái muỗng màu xanh thì nó mới ăn, không thì nó lăn ra nhà mà khóc.”

Bà Linda Trần, cư dân Garden Grove, đóng góp: “Con tôi thì phải đúng loại chip mới ăn. Bây giờ, chúng tôi phải giữ lại cái bao. Bỏ chip gì vào đó, nó cũng ăn, nhưng phải đúng cái bao. Cứ lấy bàn ủi làm cho hai mép dính lại là được.”

Một trong những quan tâm hàng đầu của vợ chồng bà Thanh là vấn đề Samantha không có khái niệm về sự nguy hiểm.

Bà nói: “Khi muốn là cháu lao ra giữa đường, bất chấp xe cộ. Không thể giải thích sự nguy hiểm cho cháu.”

Vợ chồng bà Oanh, cư dân Westminster, cũng gặp phải cảnh này.

Con trai bà, năm nay sáu tuổi đã bị chó cắn suýt chết vì vào sân nhà hàng xóm, bất kể chó dữ.

Ông Demian cũng gặp cảnh này. “Lần đó, đang nắm tay tôi, bỗng Samantha buông tôi ra và nắm tay người lạ đi ngược chiều. Một lúc sau mới tìm được cháu. Tôi sợ quá,” ông nói.

Ông Henry Lưu, cư dân Westminster kể: “Thằng con tôi, năm lên tám, rượt con mèo mun, lao ra đường suýt bị cán chết. Tôi vừa đuổi theo thì bị tài xế da đen tát vào mặt một cái đau chảy nước mắt.”

Tất cả những cha mẹ có con bị tự kỷ cùng trải qua cảnh con tự đánh mình khi không vừa ý.

Bà Oanh nói: “Chúng tôi không dám dạy con quá, hở chút là nó tự cào cấu rách mặt nó, nhìn xót xa lắm. Nói không được nên nó bức xúc, cứ gào lên thôi.”

Bà Betty góp chuyện: “Con tôi học lớp bốn rồi mà đi học vẫn phải đội nón bảo hộ. Có lần giận cô giáo, nó đập đầu vô tường, máu chảy đầy mặt làm cô sợ quá.

Tuy nuôi con bị tự kỷ là một việc hết sức khó khăn, nhưng không cha mẹ nào cho rằng đây là một sự bất hạnh.

Bà Betty khuyên: “Con tôi dạy chúng tôi rằng cứ kiên tâm qua mọi khó khăn và tận hưởng những phút giây đơn giản, những niềm vui nho nhỏ. Tất cả sẽ trở thành kỷ niệm của cả gia đình.”

Ông Deminan nói: “Nuôi Samantha, tôi biết trân trọng những gì nhỏ nhặt nhất, như nụ cười của cháu, Chỉ một nụ cười của Samantha mà cả nhà cùng hạnh phúc.”

Samantha dạy cho vợ chồng ông biết kiên nhẫn và tận hưởng cuộc đời. Bất cứ giờ phút gia đình bên nhau đều là đáng quí.

Ông khoe: “Bây giờ Samantha có thể nhìn vào mắt người đối diện rồi. Mới vài hôm trước, cháu ôm tôi.”

Nỗi vui này khiến ông quên đi bao nhiêu công sức khó nhọc trong những năm qua.

Bà Thanh thêm: “Chỉ cần nhìn hai chị em thân nhau là tôi vui trong lòng rồi.” (Đằng-Giao)

Liên lạc tác giả: [email protected].

Mời độc giả xem phóng sự “Đưa tiếng Việt vào chương trình tiểu học tại Little Saigon”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT