Friday, May 3, 2024

Có người con gái tìm con riêng cho mẹ

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Suốt 34 năm lớn lên trong vòng tay mẹ, thì một nửa thời gian đó chị luôn vô cớ nhận được những cái bạt tay nảy lửa của mẹ mình. Và rồi, sau một thời gian tìm hiểu những góc khuất của mẹ, chị phát hiện ra mẹ mình đã từng có chồng, và đã thất lạc hai người con. Dù vậy, chị nhận ra mẹ đáng thương hơn đáng trách, và âm thầm tìm con cho mẹ.

Đó là chị Trương Ngọc Tường Vi, hiện đang sống ở Sài Gòn.

Chị kể: “Tôi lớn lên và thành đạt như ngày hôm nay, một phần rất lớn nhờ vào công sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ tôi. Nhưng khi nhìn lại chuỗi ngày thơ ấu, khi tôi luôn vô cớ nhận được những cú đánh vào đầu đến nảy đom đóm mắt và ù hẳn cả tai, những nhát roi hằn lên da thịt còn non nớt của mình khiến tôi không khỏi rùng mình sợ hãi.”

“Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi từ một người mẹ ngọt ngào, dịu dàng, lại có thể biến thành một người khắt khe, có thể nổi giận điên cuồng bất cứ lúc nào với chính đứa con ruột mình. Mọi chuyện chỉ xảy ra với tôi khi ba đi làm, mà ba tôi đi làm suốt. Có lẽ mẹ tôi sợ cảm giác khi không có ba tôi bên cạnh, nên bao nhiêu giận dỗi đều trút hết lên tôi,” chị nói.

Chị tâm sự: “Tôi bị đánh nhiều nhất là từ nhỏ cho đến năm 16 tuổi thì giảm dần. Bởi vì tuổi đó tôi học lớp 10, bước vào những năm cuối của bậc trung học nên tôi phải học nhiều hơn và ra ngoài nhiều hơn. Cũng thời gian đó gia đình khó khăn nên tôi vừa đi học vừa đi làm, nhờ vậy mà tôi bớt dần những trận đánh vô cớ của mẹ, bớt nghe những lời không hay từ mẹ.”

“Đến năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học thì tôi chính thức đi làm, và từ đó tôi ít về nhà mà thường ngủ ở nhà bạn. Cho đến năm 26 tuổi tôi mới ra khỏi nhà hẳn. Khi biết tôi quyết định không ở chung với gia đình nữa, mẹ dọa nạt, la mắng rất nhiều, vẫn nổi nóng bất cứ lúc nào, đòi đánh, đòi tự tử… Tôi mới nói với mẹ, ‘Từ nhỏ đến lớn con bị mẹ đánh hoài, mẹ đối xử với con như vậy là không công bằng, trong khi con bé em thì được sống trong tình thương của mẹ.’ Tôi nói nhiều lắm, không phải tôi so đo với đứa em gái nhỏ hơn tôi 12 tuổi, mà tôi muốn nói để mẹ hiểu,” chị phân trần

Chị Tường Vi cho hay: “Sau khi nghe tôi nói, mẹ tôi khóc nhiều và nhận lỗi. Kể từ năm 2008 khi tôi quyết ra khỏi nhà thì cũng từ đó mẹ bắt đầu ăn chay, không phải ăn chay trường, rồi học thiền, học yoga.”

Gần đây, chị tâm sự về thời thơ ấu của mình với bạn trai – một người Pháp đang sống và làm việc tại Sài Gòn, và “Anh động viên tôi, rằng chuyện này sẽ tốt cho mẹ tôi vì gần đây mẹ tôi cũng không được khỏe lắm, và nhất là cho tôi, để tôi bớt đi những uất ức trong hơn 30 năm qua. Phải mất một thời gian tôi mới được dì ruột thổ lộ, rồi ba tôi kể, riêng mẹ thì mỗi khi hỏi về chuyện cũ mẹ chỉ khóc. Cũng nhờ khơi lại nỗi đau của mẹ mà tôi mới vỡ lẽ, mẹ tôi đã có một đời chồng, có ba đứa con,” chị cho biết.

Hôn nhân không trọn vẹn

Chị kể: “Mẹ tôi tên Nguyễn Thị Châu, sinh năm 1956 tại Sài Gòn, trong một gia đình tiểu thương có 12 người con. Ông ngoại tôi làm chủ một xưởng sản xuất nhỏ tại nhà ở số 466/19 Trương Minh Giảng, Quận 3 (sau này dời về 182/23/1 Lê Văn Sĩ, Quận Phú Nhuận), gia công may mặc và thêu thùa quần áo trẻ em và người lớn, sau đó đem bỏ mối cho các chợ đầu mối.”

“Năm mẹ tôi 16 tuổi, trong một buổi chiều đi xem phim ở một rạp chiếu phim Sài Gòn, đã được một người đàn ông điển trai, cao lớn, tên Ninh Việt Tuấn (sinh năm 1953) đến làm quen. Nhà ông Tuấn thuộc dòng dõi giàu sang, cư ngụ ở biệt thự lớn mang tên Ninh Việt tại đường Bình Thới (gần đường Lê Đại Hành, Quận 11 ngày nay),” chị kể tiếp.

Chị cho biết: “Sau khoảng một năm hẹn hò, mẹ tôi có thai với ông Tuấn và ông trở thành chồng đầu tiên của mẹ tôi sau một đám cưới ở nhà thờ Vườn Xoài, Quận 3, dưới sự chứng kiến của Linh Mục Thọ và cả gia đình bên ngoại, nhưng không có mặt của đàng trai. Sở dĩ phải làm đám cưới vì nhà ngoại theo đạo Công Giáo, con gái không thể có thai mà không có chồng. Nên mặc dù gia đình ông Tuấn cho rằng nhà ngoại không môn đăng hộ đối, nhưng ông bà vẫn tổ chức đám cưới.”

“Do không được dòng họ Ninh Việt chấp nhận, nên mẹ tôi chưa lần nào vào nhà ông Tuấn. Mẹ tôi chỉ chung sống cùng ông dưới mái nhà của ông bà ngoại tôi. Nhưng cuộc sống hôn nhân của mẹ không được trọn vẹn, vì ông Tuấn ở với mẹ tôi được đôi ba ngày rồi lại quày quả đi đi về về nhà cha mẹ ruột của mình,” chị kể.

Năm 1973, khi 17 tuổi, mẹ chị sinh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Ninh Tố Quyên. Nhưng không may, đứa bé mắc bệnh viêm phổi và qua đời sau sáu tháng. Một năm sau đó, mẹ chị sinh thêm đứa con gái thứ hai, đặt tên là Ninh Nguyệt Tú.

Và sau một năm nữa, mẹ chị sinh đứa con thứ ba, là trai, đặt tên Ninh Việt Vũ. “Anh Vũ sinh gần cuối Tháng Mười Hai, 1975, vì lúc đó mẹ tôi và bà ngoại cùng sanh tại bệnh viện sản Hà Đông Hà ở Tân Định, Quận 1. Dì Út của tôi ra đời trước anh Vũ vài ngày,” chị cho hay.

Theo chị Tường Vi, trong ba lần sinh con thì mẹ chị đều được bà Ninh Nguyệt Thu, chị ruột ông Tuấn, đến thăm khi thì cho sữa, khi thì áo len và tỏ lòng thương xót cho các cháu. “Sau khi sinh người con thứ ba thì ông Ninh Việt Tuấn không qua lại với mẹ nữa, mẹ tôi mất tin tức của ông,” chị nói.

Bà Nguyễn Thị Châu (thứ hai, từ trái) hiện nay bên chồng và hai con gái. (Hình: Tường Vi cung cấp)

Mất liên lạc vì tương lai của con

Chị kể, sau biến cố 1975 đến năm 1979, hoàn cảnh gia đình ngoại của chị vô cùng khốn đốn. Gia sản lần lượt mất đi sau những chuyến vượt biên thất bại, ông ngoại chị trở nên thất chí, lao mình vào thuốc phiện. Bà ngoại và mẹ chị phải gánh gồng nuôi con, nuôi cháu, nuôi em.

Rồi mẹ chị may mắn được nhận làm bảo mẫu ở một trường mầm non. “Khoảng năm 1980, ba tôi, ông Trương Ngọc Nam là huấn luyện viên dạy bơi, trong những giờ dạy bơi cho các cô giáo mầm non thì để ý mẹ và theo mẹ về đến nhà. Khi đó, hai người con của mẹ đều 5 và 6 tuổi nhưng mẹ luôn giấu, chỉ nói hai người đó là cháu thôi, vì mẹ sợ ba tôi biết mẹ đã có chồng và có con,” chị cho biết.

“Lúc đó mẹ vẫn chờ tin tức ông Tuấn. Và rồi ba tôi theo mẹ dữ quá, mẹ lại sợ ba biết hoàn cảnh của mình, cuối cùng mẹ quẫn trí uống thuốc tự vẫn. Sau khi hay tin từ bà ngoại, ba tôi bán xe đạp để lấy tiền súc ruột cho mẹ, vì khi đó gia đình ngoại không có tiền,” chị nói.

Chị kể: “Khi mẹ tỉnh dậy thì ba nói là ‘Anh yêu em, anh muốn cưới em, sao em lại dại dột như vậy. Anh biết em đã có gia đình, nhưng anh không thể nào cho gia đình anh biết là em đã có chồng và hai đứa con. Em phải hứa với anh, chuyện này không được nói với ai cho đến khi nhắm mắt.’”

“Cũng trong năm 1980, bà Ninh Nguyệt Thu đến gặp mẹ tôi và cho biết ông Ninh Việt Tuấn đã qua Mỹ. Bà thuyết phục mẹ làm giấy tờ để bảo lãnh hai người con của mẹ qua Mỹ, với lý luận rằng mẹ tôi nghèo quá, cho hai đứa nhỏ đi để chúng có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Vì con, sau nhiều lần suy nghĩ, mẹ tôi chấp nhận để hai đứa nhỏ đi,” chị kể tiếp.

Chị cho hay: “Đến năm 1981, bà Thu báo rằng thủ tục bảo lãnh hai đứa nhỏ đã xong, và hứa hẹn sau này sẽ bảo lãnh mẹ tôi qua đoàn tụ cùng con. Qua Mỹ, bà Thu có gửi vài bức thư cho mẹ tôi, nhưng tất cả quá trình liên lạc qua thư từ giữa mẹ tôi và bà Thu đều thông qua một địa chỉ thứ ba bên Pháp. Bà Thu gửi thư từ Mỹ qua Pháp và từ Pháp thư sẽ được gửi về Việt Nam đến mẹ tôi, sau đó mẹ tôi lại gửi đi Pháp và từ Pháp thư gửi đến Mỹ cho bà Thu.”

“Sau đó bà Thu gửi một chứng từ yêu cầu mẹ tôi ủy quyền nuôi dưỡng hai đứa con của mẹ tôi cho bà Thu, cùng một bức thư giải thích về việc ông Ninh Việt Tuấn đã lấy vợ mới là người Hồng Kông, nhưng vẫn chưa có công ăn việc làm ổn định, trong khi bà Thu có một cuộc sống bảo đảm hơn sẽ lo lắng đầy đủ cho hai đứa nhỏ. Mẹ tôi ký giấy và gửi lại cho bà Thu,” chị nói.

Chị kể thêm: “Thời điểm 1984-1985, khi Ninh Việt Vũ được 9-10 tuổi, và tôi được 2-3 tuổi, thì mẹ tôi nhận được hình cả hai đứa con Ninh Nguyệt Tú và Ninh Việt Vũ đang thổi nến cắt bánh kem và vài dòng nguệch ngoạc bằng viết chì hỏi thăm mẹ. Sau đó, mẹ tôi không còn tin tức gì của hai đứa con mình, cũng như của bà Ninh Nguyệt Thu cho đến nay.”

“Lúc đó, tất cả thư gửi qua Pháp đều bị trả về, mẹ tôi mới vỡ lẽ là bà Thu muốn cắt đứt mối liên hệ của mẹ tôi và hai đứa con của mình. Cho đến nay, mẹ tôi không biết địa chỉ thực của hai đứa con mình ở Mỹ, và lúc nào mẹ cũng nhớ hai đứa con của mẹ,” chị nói thêm.

Vết sẹo tìm con

Chị cho biết: “Khi tôi hỏi mẹ, liệu có một kỷ niệm hoặc dấu ấn nào của con mình mà mẹ nhớ nhất, mẹ tôi đã khóc và cảm thấy vô cùng đau đớn. Mẹ xấu hổ vì đã có những giây phút cảm thấy trống rỗng và tệ hại trong suy nghĩ. Mẹ tôi thú nhận vì nỗi hận dành cho chồng, ông Ninh Việt Tuấn, khiến mẹ hằn học và trút cơn giận dữ của mình lên con.”

“Theo lời kể của mẹ tôi, khi nuôi nấng các con trong lúc túng thiếu cả về vật chất lẫn tinh thần đã làm mẹ trở nên quẫn trí, đến nỗi có lần mẹ trói đứa con trai của mình vào gốc cây vú sữa trước nhà và đánh con đến chảy máu tay. Sau trận đòn tai ác đó, trên cổ tay trái của Ninh Việt Vũ để lại một vết sẹo sâu,” chị cho hay.

Chia sẻ về hành trình tìm con cho mẹ, chị nói: “Mẹ tôi đã sống trong sự dằn vặt bản thân vì đã không chăm sóc được cho con. Mẹ tôi nay đã già yếu, nếu được cởi bỏ gánh nặng trong thâm tâm mình khi còn cơ hội gặp lại được hai đứa con đã rứt ruột đẻ ra, được mãn nguyện biết rằng con mình vẫn còn đang sống mạnh khỏe, hạnh phúc, thì tôi rất biết ơn.”

“Mọi liên lạc xin gửi về Trương Ngọc Tường Vi, chung cư Sky Garden 3, Phú Mỹ Hưng, quận 7, nhà số 02, lầu 13, lô 11E, Sài Gòn, email: [email protected],” chị cho hay. (Quốc Dũng)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT