Sunday, May 5, 2024

Bãi bỏ ‘Roe v. Wade’ gây nhiều khó khăn cho phụ nữ cần phá thai

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Một quyền lợi quan trọng của phụ nữ đang gặp nguy hiểm là quyền phá thai được bảo vệ sau phiên tòa Roe v. Wade hồi năm 1973. Để thảo luận về những thay đổi trong phán quyết của Tối Cao Pháp Viện làm ảnh hưởng đến quyền lợi này, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời một số chuyên gia về quyền phụ nữ dự hội thảo hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Hai.

Nhiều phụ nữ phản đối đạo luật SB 8 của Texas. (Hình minh họa: Yana Paskova/Getty Images)

Vào năm 1973, Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết cho phép phụ nữ Mỹ có quyền được phá thai và không sợ chính phủ kiểm soát quá nhiều. Nay, Tối Cao Pháp Viện, với đa số thẩm phán bảo thủ, có thể bãi bỏ phán quyết này.

Nhiều chuyên gia dự đoán đến năm 2060, đa số phụ nữ ở Hoa Kỳ sẽ là người da màu, và quyết định bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade sẽ gây ra nhiều khó khăn cho họ. Hiện nay, hơn một nửa số tiểu bang Mỹ đang muốn giới hạn quyền phá thai, vì thế, quyết định của Tối Cao Pháp Viện rất quan trọng.

Diễn giả đầu tiên là bà Lisa Matsubara, cố vấn của Planned Parenthood Affiliates of California, nói về những thay đổi quan trọng có thể xảy ra nếu Tối Cao Pháp Viện bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade.

Bà cho biết, nếu điều đó xảy ra, có 26 tiểu bang chắc chắn hay gần như chắc chắn sẽ cấm phụ nữ phá thai. Hơn 36 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh con, từ 18 đến 49 tuổi, có thể không được quyền đi phá thai nữa.

Bà Matsubara cho hay Tối Cao Pháp Viện hiện nay chỉ có ba thẩm phán được tổng thống Dân Chủ bổ nhiệm, và sáu người còn lại được tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm.

Cựu Tổng Thống Donald Trump từng nói ông sẽ tìm cách bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade và sẽ đưa những thẩm phán chống phá thai vào Tối Cao Pháp Viện.

Nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump có nhiều ảnh hưởng đến quyền phụ nữ, trong đó có việc bổ nhiệm 231 chánh án liên bang, đa số là đàn ông da trắng trong độ tuổi trung bình là 50, và họ được chọn vì có quan điểm chống phá thai.

Từ trái, bà Lisa Matsubara, bà Jessica Pinckney, và bà Jodi Hicks. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bà Matsubara còn nói về một số thay đổi ở vài tiểu bang sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho phụ nữ muốn phá thai. Một tiểu bang rất quan trọng là Texas, nơi có Đạo Luật SB 8, cấm phá thai.

Theo đạo luật có hiệu lực vào Tháng Chín, 2021, Texas cấm phá thai khi phát hiện “tiếng tim đập của bào thai,” thường thấy khi phụ nữ mang thai đến tuần thứ sáu. Những người trong ngành y tế phá thai cho phụ nữ mang thai sau sáu tuần có thể bị kiện. Những người giúp đỡ và khuyến khích phá thai cũng có thể bị kiện.

Khi ra tòa, những người bị kiện vì phá thai không nhận được tiền bồi thường để trả cho luật sư và các chi phí khác.

Một số tiểu bang khác như Arkansas, Arizona, Alabama, Florida, Ohio, và Missouri cũng thông qua những đạo luật tương tự như của Texas. Nhiều tiểu bang khác như Indiana, Mississippi, North Dakota, South Dakota, và West Virginia đang xem xét để thông qua các dự luật chống phá thai.

Với hai phán quyết Roe v. Wade của năm 1973 và Planned Parenthood v. Casey của năm 1992, Tối Cao Pháp Viện công nhận phá thai là quyền hiến pháp của phụ nữ Mỹ.

Vào ngày 1 Tháng Mười Hai, 2021, Tối Cao Pháp Viện nghe nhiều tranh cãi về chuyện bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade, và sẽ quyết định trong Tháng Sáu, 2022.

Nếu bãi bỏ hay thay đổi nhiều phần quan trọng của phán quyết Roe v. Wade, hơn 1 triệu người sẽ tìm đến California để được phá thai, tăng gần 3,000% so với hiện nay.

Trong tài khóa 2020, các trung tâm y tế của Planned Parenthood khám cho ít nhất 7,000 bệnh nhân từ tiểu bang khác cần các dịch vụ y tế sản khoa, trong đó có phá thai.

Diễn giả thứ hai là bà Jessica Pinckney, tổng giám đốc Access Reproductive Justice. Bà nhấn mạnh lại những thông tin bà Matsubara vừa đưa ra, và cho hay quyết định của Tối Cao Pháp Viện sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho phụ nữ, nhất là người thiểu số.

Bà kể tổ chức của mình từng giúp đỡ rất nhiều phụ nữ ở những tiểu bang bảo thủ cần phá thai, cả trong lãnh vực tài chánh và pháp lý. Nhiều phụ nữ phải tìm đến California để được phá thai, trong đó có nhiều người ở Texas sau khi tiểu bang đó thông qua Đạo Luật SB 8.

Tuy nhiên, bà Pinckney nói còn có nhiều rào cản để giúp đỡ được những phụ nữ ở các tiểu bang bảo thủ như những người dưới 18 tuổi cần được cha mẹ cho phép để đến tiểu bang khác phá thai. Bà còn nói nhiều người bày tỏ sự bất mãn và buồn chán vì cảm thấy mình không được chính phủ của tiểu bang giúp đỡ.

Tên các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và tên tổng thống đề cử họ. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Diễn giả cuối cùng là bà Jodi Hicks, tổng giám đốc và chủ tịch Planned Parenthood Affiliates of California. Bà cũng nhấn mạnh những điểm hai diễn giả trước đưa ra, và còn chia sẻ những khó khăn của những người từng được tổ chức này giúp đỡ phá thai.

Bà nói đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, làm nhiều phụ nữ cần phá thai gặp nhiều trở ngại trong việc đi đến các tiểu bang khác, nhất là sợ bị nhiễm dịch.

Ngoài ra, phụ nữ thiểu số không nhận được những dịch vụ y tế cần thiết như phụ nữ da trắng, nên việc bãi bỏ phán quyết Roe v. Wade của năm 1973 sẽ làm họ gặp nhiều nguy hiểm.

Vì vậy, cả ba diễn giả cho rằng Tối Cao Pháp Viện nên cân nhắc quyết định đó thật kỹ, và cả nước Mỹ đang đợi đến Tháng Sáu để biết được quyết định chính thức. [đ.d.]

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT