Monday, May 13, 2024

Các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ vẫn còn gặp trở ngại trong việc đi bầu

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Hiện nay, các cộng đồng thiểu số khắp Hoa Kỳ đang phải đối mặt với nhiều trở ngại để bỏ phiếu bầu. Để giúp đỡ các cộng đồng này, Quốc Hội đang điều trần hai dự luật tạo tiêu chuẩn mới cho bầu cử và chống kỳ thị tại các phòng phiếu. Hai dự luật đó là For the People Act hay S.1, và John L. Lewis Voting Rights Advancement Act. Tuy nhiên, các nhà lập pháp ở 47 tiểu bang đang giới thiệu nhiều dự luật gây nhiều trở ngại cho các cộng đồng thiểu số.

Các phòng phiếu thường không có bảng hướng dẫn trong các ngôn ngữ Á Châu. (Hình minh họa: Robyn Beck/AFP via Getty Images)

Để thảo luận sâu hơn về điều này, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) vừa mời một số chuyên gia luật pháp và đại diện cho các cộng đồng thiểu số nói về sức ảnh hưởng của các dự luật tại Quốc Hội và 47 tiểu bang đối với các cộng đồng thiểu số, cũng như thảo luận các dự luật có cơ hội được thông qua hay không.

Diễn giả đầu tiên là ông John C. Yang, chủ tịch và tổng giám đốc của tổ chức Asian American Advancing Justice (AAJC), chuyên giúp đỡ cộng đống gốc Á về các vấn đề pháp lý.

Ông Yang cho biết cộng đồng gốc Á đang phải đối mặt với cảnh thù ghét và kỳ thị do đại dịch gây ra. Không chỉ vậy, họ còn phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ trong hệ thống bầu cử.

“Một phần ba người gốc Á được đánh giá ‘giới hạn Anh Ngữ,’ và nhiều người đi bỏ phiếu cho biết các phòng phiếu không có người thông dịch cho các ngôn ngữ Á Châu, cũng như không thấy có bảng hướng dẫn trong các ngôn ngữ đó,” ông Yang nói.

Ông cho rằng việc giúp cộng đồng gốc Á vượt qua rào cản ngôn ngữ khi đi bỏ phiếu rất quan trọng, và nhiệm vụ của các lãnh đạo cộng đồng là phải giúp cộng đồng mình đạt được điều đó.

Ngoài ra, ông còn nói đang có nhiều người muốn “bịt miệng” lá phiếu của người gốc Á, nên chính phủ và các cộng đồng phải có những biện pháp bảo vệ dân chủ cho họ.

Ông John Yang (trái) và ông Hilary Shelton. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bà Wendy Weiser, phó viện trưởng ngành dân chủ của trường luật thuộc New York University, bổ túc thêm cho những điều ông Yang mới nói và cho biết dự luật John L. Lewis Voting Rights Advancement Act chưa được giới thiệu tại Hạ Viện Hoa Kỳ, nhưng sẽ bắt đầu được điều trần vào mùa Hè năm nay. Trong khi đó, dự luật For the People Act đã thông qua Hạ Viện và sẽ được Thượng Viện điều trần trong hai tuần tới.

Ông Yang còn nói thêm các đạo luật bầu cử ở Georgia giới hạn quyền bỏ phiếu của người dân ở tiểu bang này bằng cách giảm số phòng phiếu và giờ mở cửa phòng phiếu lại. Không chỉ vậy, các quy định đòi cư dân trình nhiều giấy tờ tùy thân để bỏ phiếu cũng tạo ra nhiều trở ngại, nhất là với người cao tuổi.

Diễn giả thứ hai là ông Hilary Shelton, phó chủ tịch của Hiệp Hội Bảo Vệ Thăng Tiến Người Da Màu (NAACP).

Theo ông Shelton, cuộc bầu cử tổng thống của năm 2020 có số người Mỹ đi bỏ phiếu nhiều nhất trong lịch sử. Tuy vậy, người dân vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại để bỏ lá phiếu.

Ông cho biết Hoa Kỳ trong nhiều năm phải tìm cách vượt qua những khó khăn ngăn cản người thiểu số đi bỏ phiếu.

“Quý vị nhìn lại những thước phim của thập niên 1960 sẽ thấy có rất nhiều trở ngại làm người da màu không đi bầu được, thậm chí còn có cảnh sát ngăn cản. Những trở ngại đó vẫn còn hiện diện ngày nay,” ông Shelton nói.

Ông cho rằng hai dự luật For the People Act và John L. Lewis Voting Rights Advancement Act sẽ giúp nhiều người Mỹ thiểu số vượt qua các trở ngại liên quan đến việc đi bỏ phiếu, và là một hướng đi tích cực trong chính trị Mỹ.

Ông Thomas Saenez và bà Jacqueline De Leon. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Tiếp theo là ông Thomas Saenez, chủ tịch tổ chức Mexican American Legal Defense and Educational Fund, chuyên bảo vệ pháp lý cho người gốc Mexican.

Ông cho biết cộng đồng người Latino đang phát triển rất nhanh, và là nhóm cử tri chiếm đến 25% lá phiếu ở tiểu bang California. Tiểu bang này cũng là nơi có đông dân số gốc Latino nhất Hoa Kỳ.

“Lá phiếu của người Latino giữ vai trò rất quan trọng và có thể thay đổi tình hình chính trị của nhiều tiểu bang, bắt đầu từ California,” ông Saenez nói.

Theo ông, nhiều ứng cử viên hay các giới chức biết mình không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng Latino, nên phải tìm cách đè nén các lá phiếu đó qua các biện pháp đe dọa như cho phép nhân viên phòng phiếu quay phim lại cảnh những người thiểu số đang được trợ giúp bỏ phiếu, và còn có những cách đe dọa liên quan đến trục xuất.

Vì vậy, ông Saenez cho rằng chính phủ và tổng thống nên bảo vệ quyền bỏ phiếu của người gốc Latino.

Ông nói thêm: “Cựu Tổng Thống Donald Trump từng cho rằng nhiều người gốc Latino nhập cư trái phép vẫn được quyền bỏ phiếu, và điều đó làm ông không lấy được nhiều phiếu phổ thông hơn bà Hillary Clinton vào năm 2016.”

Bà Wendy Weiser. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Người thứ tư phát biểu là bà Jacqueline De Leon, luật sư của Native American Rights Fund, chuyên bảo vệ quyền lợi cho người thổ dân Hoa Kỳ.

Bà cho biết cộng đồng người thổ dân Hoa Kỳ đang gặp rất nhiều trở ngại trong việc bỏ phiếu. Các khu bảo tồn người thổ dân thường nằm ở những nơi hẻo lánh, cách thành thị cả trăm dặm, khiến cộng đồng này rất khó đi bỏ phiếu.

Không chỉ vậy, vì sự thờ ơ của chính phủ, nhiều người thổ dân Hoa Kỳ phải ở trong những căn nhà không có địa chỉ, nên không nhận được thư có lá phiếu, và còn phải chịu cảnh kỳ thị.

Theo bà De Leon, những phòng phiếu tại những nơi xa, hẻo lánh như các khu bảo tồn rất quan trọng vì các cộng đồng thiểu số không thoải mái khi đến những nơi họ biết mình sẽ bị kỳ thị.

Diễn giả cuối cùng là bà Wendy Weiser, phó viện trưởng ngành dân chủ của trường luật thuộc New York University.

Bà nhấn mạnh lại quan điểm của các diễn giả trước, và cho biết chính trị Hoa Kỳ có nhiều biện pháp ngăn chặn lá phiếu của người thiểu số. Bà cũng cho rằng chính phủ Hoa Kỳ nên bảo vệ các cộng đồng thiểu số, cũng như tìm cách giúp họ dễ dàng bỏ phiếu hơn trong những cuộc bầu cử sắp tới. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT