Friday, April 26, 2024

Cựu nhân viên Tank Noodle bật mí ‘cuộc điều tra’ vụ dùng tiền tip trả lương

Kalynh Ngô/Người Việt

CHICAGO, Illinois (NV) – Vụ tiệm phở Việt Tank Noodle (còn gọi là Phở Xe Tăng) ở Chicago phải bồi hoàn gần $700,000 tiền lương thiếu của nhân viên là sự kiện gây nhiều chú ý trong cộng đồng Việt Nam những ngày qua.

Giao diện trang web của nhà hàng Tank Noodle ở Chicago. (Hình chụp qua Internet)

Tuy nhiên, có lẽ điều gây bất ngờ là vụ kiện này bắt nguồn từ “cuộc điều tra cá nhân” của một nhân viên trong tiệm.

Câu chuyện “dùng tiền tip trả lương nhân viên” được phơi bày ra ánh sáng sau khi nhân viên này gửi đơn khiếu nại lên chính quyền liên bang và Bộ Lao Động vào cuộc.

Vi phạm luật lao động FLSA

Trong bản thông cáo báo chí ngày 3 Tháng Ba, Bộ Lao Động cho hay Tank Noodle, một trong những nhà hàng Việt Nam nổi tiếng về phở tọa lạc tại số 4953 đường N. Broadway, Chicago, bị buộc phải trả lại cho nhân viên số tiền lương còn thiếu họ là $697,000.

Nhà hàng này đã vi phạm luật lao động có tên “Fair Labor Standards Act” (FLSA) trong một số lãnh vực, gồm cả việc để một số người chạy bàn làm việc không lương mà chỉ được lãnh tiền tip.

FLSA được ban hành năm 1938, bắt buộc chủ doanh nghiệp phải trả lương tối thiểu cho nhân viên, và phải trả gấp rưỡi tiền lương khi một nhân viên làm trên 40 giờ/tuần.

Trả lời phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại vào trưa Thứ Sáu, 5 Tháng Ba, ông Scott Allen, phát ngôn viên Bộ Lao Động, nói rằng Tank Noodle đã thực hiện xong việc bồi hoàn số tiền lương thiếu cho các nhân viên.

Mặc dù Tank Noodle đồng ý trả lại số tiền lương còn thiếu từ Tháng Mười Hai năm ngoái nhưng lý do cho đến nay Bộ Lao Động mới đưa ra thông cáo báo chí là vì “đợi cho Tank Noodle thực hiện xong việc trả tiền số tiền đó,” theo lời ông Allen nói.

“Cuộc điều tra của Bộ Lao Động thực hiện từ Tháng Giêng, 2018, cho đến Tháng Giêng, 2020. Sau đó là thời gian họ (Tank Noodle) phải sắp xếp để trả lại số tiền thiếu. Theo tôi được biết, việc này đã hoàn tất. Họ đã trả đầy đủ số tiền cho Bộ Lao Động. Chúng tôi đã và đang trả lại cho các nhân viên từng làm việc cho Tank Noodle trong thời gian diễn ra cuộc điều tra,” ông Allen nói.

“Dùng tiền tip trả lương suốt mười mấy năm”

Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, một nữ nhân viên nay không còn làm ở Tank Noodle nữa, cho biết cô bỏ ra tám tháng, kể từ khi vào làm, để thu thập chứng cứ và gửi đơn khiếu nại lên liên bang.

Vì lý do riêng tư và an toàn, cô yêu cầu nhật báo Người Việt không nêu tên trong bài viết.

“Lúc em bắt đầu vô làm một thời gian ngắn thì phát hiện họ không trả lương đàng hoàng cho nhân viên. Tank Noodle xài tiền tip của khách rồi chia đều cho mỗi người làm. Họ không tốn tiền gì để trả cho nhân viên hết. Đó là trả cho nhân viên chạy bàn, còn người làm dưới bếp thì em nghe nói là trả theo ngày. Họ làm theo cách đó mười mấy năm rồi, từ lúc họ mở tiệm cho đến khi em gửi đơn khiếu nại và yêu cầu một cuộc điều tra,” cô kể.

Cô cho biết, những nhân viên trong tiệm phở nhận tiền tip của khách và đưa toàn bộ cho chủ tiệm hoặc người nhà của chủ tiệm đứng ở quầy thu ngân.

Vì lý do đó, nhân viên không biết được một ngày, mỗi người “làm” được bao nhiêu tiền tip. Nhân viên chỉ biết số tiền tip có được khi khách đưa bằng tiền mặt, nhưng cũng phải đưa hết cho chủ tiệm.

Cô kể: “Chỉ đến Thứ Ba mỗi tuần tụi em nhận chi phiếu lương thì mới biết mình làm được bao nhiêu tiền tuần lễ đó.”

Thêm vào đó, cách thức nhân viên tiệm phở Tank Noodle nhận chi phiếu và giấy báo giờ làm việc rất “kỳ cục,” theo lời cô kể.

Đó là một tờ giấy nhỏ ghi giờ làm việc. Trong đó, chủ tiệm tự chia ngày giờ làm của nhân viên, tiền làm được bao nhiêu, mà theo cô thì: “Chỉ có họ hiểu tờ giấy đó thôi.”

Cũng cần phải biết, vì sao Tank Noodle có thể “tự nhiên” trả lương cho nhân viên theo cách như thế? Một điều ai cũng cần phải biết khi vào làm ở nơi nào đó, là thời gian làm và lương bổng, kể cả quyền lợi nhân viên. Như vậy, những nhân viên làm việc ở Tank Noodle có đặt vấn đề này với chủ tiệm khi họ đến xin việc hay không?

Trả lời điều này, cô nói: “Với những người khác thì em không biết, nhưng với em, họ không nói gì cả. Nhưng vì lúc đó em cần việc làm quá nên khi họ nhận thì em mừng quá, không hỏi gì thêm. Đến khi chuẩn bị làm em mới hỏi lương trả theo giờ, theo ngày, hay sao. Họ trả lời là ở đây không trả lương giờ lương gì hết, chỉ được trả bằng tiền tip. Tiền tip chia đều cho tất cả mọi người trong ngày.”

Lúc đó, theo lời cô, cô biết như thế là sai, là không đúng luật lao động, nhưng vì cuộc sống, cô ở lại làm.

“Vừa làm em vừa để ý thêm vì những người ở liên bang nói ở lại làm lâu để lấy nhiều bằng chứng nên em ở lại làm khoảng tám tháng,” cô nói.

“Độc chiến”

Trong suốt thời gian làm ở Tank Noodle, cô gái này nhiều lần thuyết phục những đồng nghiệp của mình cùng cô đòi lại quyền lợi cho sức lao động của mình. Nhưng, điều đó khó thành sự thật. Đã nhiều lần cô nói với mọi người rằng “chúng ta đang bị bóc lột sức lao động” và cách làm của Tank Noodle là không đúng.

“Mọi người ở đó làm rất nhiều và rất cực. Có cô chú kia lớn tuổi, nhưng làm ở đó sáu ngày, từ 8 giờ 30 sáng đến 10 giờ tối. Em thấy thương mọi người quá. Em nói nếu mọi người sợ thì mọi người đừng nói tên, chỉ đồng ý ghi tên vào thôi, em sẽ là người đứng ra chịu hết. Nhưng cũng không được. Em hiểu người lớn tuổi sợ mất việc làm, khó tìm việc khác. Cuối cùng thì mình em gửi đơn thôi,” cô gái kể lại cuộc “độc chiến” của mình.

Ông Thiên Lý, chủ nhà hàng Tank Noodle, đưa hình lên Facebook cho biết ông bay đi Washington, DC ngày 6 Tháng Giêng. (Hình chụp từ Facebook)

Theo lời cô nói, sau khi liên bang vào cuộc điều tra, họ cho cô biết vụ này không còn là của cá nhân cô nữa. Họ đã điều tra tất cả nhân viên từ phục vụ bàn đến người làm sau bếp. Mỗi người đều bị thiếu tiền lương từ vài năm đến… mười mấy năm.

Bây giờ, với những gì cô biết, Tank Noodle đã trả lương căn bản, nhưng vẫn dùng vài mánh khóe như nếu lau bàn, dọn bàn không sạch thì họ trừ vào tiền lương.

“Theo em hiểu thì như thế cũng không đúng luật,” cô nói.

Theo Bộ Lao Động, một số nhân viên làm cho tiệm Tank Noodle bị chủ tiệm thiếu hơn $10,000, với tổng số tiền thiếu lên tới $697,295. Cũng theo bản thông cáo, các vi phạm của tiệm gồm cả việc để cho quản lý có quyền được chia một phần tiền tip và trả cho nhân viên số tiền nhất định cho mỗi ngày làm việc, bất kể là làm việc bao nhiêu giờ, khiến họ không được hưởng thêm tiền làm giờ phụ trội.

Tank Noodle không kháng cáo

Ông Scott Allen nói với nhật báo Người Việt rằng, nhà hàng Tank Noodle đồng ý thực hiện việc bồi hoàn tiền nhanh chóng và hoàn toàn không kháng cáo.

Ông Thiên Lý, chủ nhà hàng Tank Noodle, vào sáng Thứ Sáu, 5 Tháng Ba, qua điện thoại xác nhận với phóng viên nhật báo Người Việt rằng “chúng tôi không kháng cáo.”

“Liên bang đã quyết định như vậy. Một khi họ đã ‘tấn công’ mình thì mình không tránh được. Luật sư của gia đình chúng tôi cũng khuyên là không nên nói gì, giải quyết tốt đẹp và để mọi chuyện qua đi,” ông Thiên Lý nói.

Kinh doanh nhà hàng, tiệm ăn, tiệm nail là những ngành nghề được khá nhiều người Việt hải ngoại chọn để mưu sinh từ mấy thập niên qua.

Nếu đến những nơi có đông người gốc Việt sinh sống như Orange County, California; Falls Church, Virginia; Houston, Texas… sẽ không khó để thấy khá nhiều nhà hàng, tiệm ăn nhanh ghi rõ dòng chữ “Cash only” (Chỉ nhận tiền mặt).

Khi được hỏi, nhà hàng Tank Noodle có giải trình gì về vụ thưa kiện thiếu tiền lương của nhân viên hay không, ông Thiên Lý nói: “Người ngoài thì không hiểu, chứ người trong nghề nhà hàng, nail đều hiểu chuyện gì xảy ra. Họ hiểu rất rõ những việc liên quan trả ‘check’ hay trả ‘cash.’”

Tiệm Tank Noodle từng “nổi tiếng” trên mạng xã hội sau khi bản tin của tờ báo địa phương Chicago Sun Times đưa hình ảnh chủ nhân của tiệm này khoe trên trang Facebook là đã bay về Washington, DC, tham dự cuộc tập họp hôm 6 Tháng Giêng, để bày tỏ ủng hộ cho cựu Tổng Thống Donald Trump, người bị Hạ Viện luận tội “xúi giục nổi loạn” làm hàng trăm người tấn công vào Quốc Hội sau đó và làm năm người chết. Ông Trump sau đó được Thượng Viện tha bổng với số phiếu 57-43 vì không đủ túc số 67/100.

Nói về việc này với đài truyền hình ABC7 Chicago, ông Thiên Lý giải bày rằng chỉ đưa cha mẹ mình đến tham dự cuộc tập họp rồi sau đó đi về, và không biết việc đám đông bạo loạn tràn vào tòa nhà Quốc Hội.

Ông cũng nói gia đình nhận được các bức thư thù hằn và nhiều đe dọa do ủng hộ ông Trump.

Hồ sơ liên bang cho thấy tiệm Tank Noodle nhận được $163,557 của chương trình trợ giúp của liên bang “Paycheck Protection Program” (PPP) hồi Tháng Năm, 2020 để giữ khoảng 30 công việc làm, theo tờ Chicago Sun Times.

Ông Allen nói rằng số tiền PPP này không liên quan tới cuộc điều tra của Bộ Lao Động. [đ.d.]

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT