Saturday, May 4, 2024

‘Đơn Vị Cũ Chiến Trường Xưa’ của Gia Ðình Hậu Nghĩa và Đặc San Hậu Nghĩa 2020

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Gia Đình Hậu Nghĩa vừa có cuộc họp mặt Tất Niên và ra mắt Đặc San “Hậu Nghĩa Canh Tý 2020” với chủ đề “Đơn Vị Cũ Chiến Trường Xưa” vào trưa Chủ Nhật, 12 Tháng Giêng, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Garden Grove.

Gia Đình Hậu Nghĩa Hải Ngoại đa số là quân, dân, cán, chính từng đến nơi này làm việc hay quân nhân, và một số người dân bản xứ. Họ đã từng bên nhau trải qua cuộc chiến sinh tử, cho nên xem nhau như người trong gia đình. Vì thế, mới có danh xưng Gia Đình Hậu Nghĩa Hải Ngoại.

“Hàng năm, Gia Đình Hậu Nghĩa gặp nhau chỉ một lần vào dịp Xuân về để ôn lại những kỷ niệm một thời chịu đựng khổ cực bên nhau; cùng tưởng nhớ đến những chiến hữu đã qua đời, và cũng để chia sẻ những nỗi vui buồn trên đất khách quê người. Trong tình thân hữu đó, anh em chúng tôi có những chương trình hoạt động cho xã hội và cộng đồng, như chương trình yểm trợ thương binh và quả phụ của những ai đã từng làm việc và sinh sống tại tỉnh Hậu Nghĩa. Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình duy trì văn hóa của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bằng cách là hàng năm, chúng tôi phát hành một Đặc San Hậu Nghĩa, đặc san này có nội dung từ sự sinh hoạt của chúng tôi đã duy trì trên 20 năm, và đã có 21 Đặc San được ra đời,” Hội Trưởng Đỗ Văn Bảy cho biết.

Theo ban biên tập Đặc San Hậu Nghĩa lần thứ 21, những bài viết về chủ đề “Đơn Vị Cũ Chiến Trường Xưa” không phải của những nhà văn chuyên nghiệp, mà họ là những người lính trận cầm bút để viết lại những gì trong giai đoạn phục vụ, chiến đấu chống Cộng Sản và bảo vệ nền tự do dân chủ của VNCH. Họ viết để tưởng nhớ đến những bạn bè và chiến hữu, những người đã từng dựa lưng nhau trong những trận đánh khốc liệt để mang lại sự sống an vui cho dân tộc, và đem lại sự thanh bình cho đất nước.

Đặc San Hậu Nghĩa 2020. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Họ viết từ cảm xúc của con tim khi nhớ về những người bạn đồng đội đã nằm xuống cho quê hương đất tổ; từ nỗi nhớ nhung, những hoài niệm êm đềm trong cuộc sống hay nỗi đau của cuộc đời vẫn còn hằng sâu mãi trong ký ức của họ mà chẳng bao giờ nhạt phai. Họ trải lòng mình trên trang giấy trắng, ghi lại những gì đã xảy ra trong chiến tranh, mà chính họ là những nhân chứng lịch sử của cuộc chiến, nhằm lưu lại cho nhiều thế hệ về sau biết được một cách trung thực về cuộc chiến tranh do Cộng Sản phát động.

Cũng theo hội trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa được thành lập vào 1963, hình thành như một nhu cầu của chiến thuật, bao gồm lãnh thổ của hai quận Đức Hòa và Đức Huệ của tỉnh Long An; quận Củ Chi của tỉnh Bình Dương và quận Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh.

Về đời sống và kinh tế, Hậu Nghĩa là một tỉnh nông nghiệp nghèo nàn. Người dân Hậu Nghĩa đậm tình dân tộc. Thế nhưng, Hậu Nghĩa đã chịu áp lực rất nặng nề của địch quân trong suốt thời chiến tranh Việt Nam. Do Hậu Nghĩa nằm giữa các mật khu của Cộng Sản, vì vậy, áp lực địch luôn đè nặng vào Tiểu Khu Hậu Nghĩa, nhất là tại Củ Chi là nơi mà gần như máu lửa đã xảy ra hàng này.

Nhà thơ lính Trạch Gầm đọc bài thơ “Lời Trước Nghĩa Trang” đầy nỗi niềm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Lộc Thọ, thành viên ban biên tập đặc san, chia sẻ: “Tuy rằng, cuộc chiến bom đạn không còn nữa, nhưng nỗi buồn của chiến tranh vẫn mãi vương mang trong lòng dân tộc; trong tâm tư của người Việt ly hương, ai cũng mong những đêm đen phủ trùm trong dòng lịch sử Việt sớm qua đi cho những người ly hương được về đoàn tụ trên quê cha đất tổ. Và, cũng mong rằng, những thế hệ trẻ sau này nếu ai trở thành lãnh đạo xin hãy nhớ sự đau thương của dân tộc do chính Cộng Sản đã gây ra trong nhiều thập niên trước.”

Để tưởng nhớ đến những bạn bè đã mất, trước mặt mọi người nhà thơ Trạch Gầm đọc bài thơ “Lời Trước Nghĩa Trang” đầy nỗi niềm: “Tao sống đến ngày cuối cùng cuộc chiến/ Được cái hơn mầy nhìn thấy đau thương/ Đành làm người ngu đổ thừa vận nước/ Uổng cả tháng ngày gối đá nằm sương. Mầy đã hơn tao vì mầy đã chết/ Hưởng chút lễ nghi, hưởng chút ân cần/ Có được người thân cho lời nuối tiếc/ Còn tao bây giờ sống cũng như không…”

Ngoài những quân nhân, còn có những người từng làm việc hành chánh ở Hậu Nghĩa cũng có mặt tham dự.

Phần trình diễn của Nhóm Mai Trần Line Dance. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Bùi Đắc Danh, cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, từ Sài Gòn đến tỉnh Hậu Nghĩa để nhận nhiệm sở vào năm 1971, chia sẻ kỷ niệm xưa: “Ngày đầu tiên, sau khi làm xong thủ tục trình diện, tôi đi một vòng tòa hành chánh chào hỏi, làm quen với cấp chỉ huy và nhân viên. Buổi chiều ngày thứ nhì, đang lang thang trong tòa hành chánh thì một đàn anh cho hay tối nay đi ‘ngủ ấp.’”

Ông kể thêm: “Sau bữa cơm chiều hôm đó, tôi cuộn mền gối vô túi xách, tập tễnh theo phái đoàn tỉnh đi công tác ‘ngủ ấp.’ Địa điểm ngủ ấp đêm đó là một trường học ở một ấp ngoại vi của xã Đức Hòa. Sau khi đến nơi, tôi nhận thấy có nhiều công việc để tổ chức đêm ngủ ấp như sắp xếp phiên họp, cách đi lại trong đêm,… nhất là vấn đề an ninh bên trong và bên ngoài địa điểm ngủ ấp. Tôi dự thính buổi họp của phái đoàn tỉnh với các viên chức quận, xã và ấp và nhiều viên chức sở tại. Nhờ vậy, tôi biết được phái đoàn tỉnh gồm các cấp chỉ huy quân sự và hành chánh của tỉnh kể cả các ty chuyên môn ngoại thuộc cũng là đầu não của tỉnh. Sau đêm khó ngủ vì lạ người, lạ cảnh, tôi theo phái đoàn trở về tỉnh hôm sau. Từ đó, tôi được học thêm cách điều hành trong vai trò của người phó quận.”

Ông Vũ Hữu Trường, giám đốc tuần báo Tiếng Việt, San Diego tâm tình: “Tôi là cựu quân nhân VNCH đã từng phục vụ tại Tiểu Khu Hậu Nghĩa cho đến giờ phút cuối cùng. Khi còn trong quân ngũ, tôi là một sĩ quan Ban 1 của Tiểu Khu Hậu Nghĩa.”

Ban văn nghệ đồng ca bài “Ly Rượu Mừng”. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Ngay ngày 30 Tháng Tư, 1975, chúng tôi và Bộ Chỉ Huy của Tiểu Khu Hậu Nghĩa rút về trại MACV cách tiểu khu chưa đầy một cây số. Trong tình trạng hỗn loạn, và sau khi nghe lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì ông thiếu tá trực tiếp chỉ huy của chúng tôi lúc bấy giờ tâm tình rằng, trong tình trạng này thì việc đầu tiên là mình phải nghe theo lệnh của tổng thống, và anh em mình tan hàng. Tuy đau lòng, nhưng anh em chúng tôi buộc lòng phải nghe theo lệnh của cấp chỉ huy là mỗi người bắt tay từ giã rồi về với gia đình,” Vũ Hữu Trường tâm tình.

Buổi tổ chức có bầu lại ban chấp hành cho nhiệm kỳ mới. Hội Trưởng Đỗ Văn Bảy tái đắc cử Tân Hội Trưởng Gia Đình Hậu Nghĩa, và ban chấp hành gồm có: Nguyễn Lộc Thọ, phó nội vụ, kiêm thủ quỹ; Vũ Hữu Trường, truyền thông báo chí; Nguyễn Đình Đắc, trưởng ban ngoại vụ; Nguyễn Văn Mầu, phó ban ngoại vụ.

Ban cố vấn gồm có cựu Đại Tá Tôn Thất Soạn, cựu Trung Tá Bùi Văn Ngô và Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết. Ban giám sát gồm Lê Đại Hiền và Phạm Minh Xuân.

Đặc San Hậu Nghĩa gồm Đỗ Văn Bảy, chủ bút và ban biên tập gồm: Nguyễn Lộc Thọ, Vũ Hữu Trường, Nguyễn Đình Đắc, Nguyễn Văn Mầu, thư ký và Đức Hòa, lay-out. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT