Friday, April 26, 2024

SBTN 20 năm gây quỹ hàng chục triệu đô la cho cộng đồng

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Hai mươi năm thành lập, ngoài chương trình thời sự nổi bật, nhắc đến đài truyền hình SBTN là người ta nghĩ ngay đến đại nhạc hội “Cám Ơn Anh,” là nơi yểm trợ cho phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ, là tiếng nói đoàn kết của cộng đồng…

Nhạc sĩ Trúc Hồ (thứ tư từ trái) cùng phái đoàn đài truyền hình SBTN tại Tòa Thị Chính thành phố Houston, Texas, chuẩn bị gặp Thị Trưởng Sylvester Turner cùng Hội Đồng Thành Phố Houston để trao $300,000 tiền cứu trợ nạn nhân bão Harvey năm 2017. Đây là 1/3 trong tổng số tiền mà quý khán giả SBTN đã rộng lòng đóng góp qua buổi gây quỹ do SBTN và Bên Em Đang Có Ta Foundation tổ chức nhằm chia sẻ niềm đau với các nạn nhân của cơn bão Harvey tại Texas. (Hình: Tài liệu)

Đơn cử đại nhạc hội “Cám Ơn Anh,” một chương trình gây quỹ hằng năm giúp các thương phế binh còn ở lại Việt Nam do SBTN, trung tâm băng nhạc Asia, và Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa đồng tổ chức suốt hơn một thập niên, tổng số tiền thu được sau 11 kỳ đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” khi SBTN còn cộng tác là $9,717,668.01.

Ông Nguyễn Văn Ức, chủ tịch đại diện Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại, nói: “Trong nhiều năm, từ hồi Chị Hai (bà cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn) còn tại thế, chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với SBTN để thực hiện chương trình gây quỹ này giúp thương binh trong nước.” 

SBTN nối kết sinh hoạt cộng đồng người gốc Việt

Ngoài ra, SBTN còn thực hiện nhiều cuộc quyên góp nữa để giúp nạn nhân thiên tai ở mọi nơi.

Ông Trúc Hồ, tổng giám đốc đài, nói: “Chúng tôi tổ chức gây quỹ giúp nạn nhân COVID-19, nạn nhân bão lụt ở Philippines, nạn nhân động đất ở Nepal và nạn nhân bão Harvey ở Houston, Texas, nạn nhân không nhà ở Phi Châu… Nói chung, ở đâu có nạn nhân là chúng tôi muốn cứu trợ.”

Riêng “Bên Em Đang Có Ta,” một tổ chức từ thiện của SBTN do nhạc sĩ Trúc Hồ sáng lập, đã quyên góp được $3,683,135.90 rồi.

SBTN tại đại nhạc hội “Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH” lần thứ 11 tổ chức hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Tám, 2017, ở San Jose, miền Bắc California. (Hình: Tài liệu)

Ông Trúc Hồ cho biết 20 năm trước, vì muốn có một cơ quan truyền thông của người Việt Nam hải ngoại phát sóng 24 giờ hằng ngày, ông vận động kêu gọi thành lập SBTN. “Ngoài mục đích gởi thông tin chính xác cho đồng hương ở khắp nơi, SBTN còn có mục đích nối kết sinh hoạt cộng đồng người gốc Việt nữa,” ông nói. “Ngày đầu tiên SBTN phát hình là ngày 5 Tháng Ba, 2001 nếu tôi nhớ không lầm.”

Ông Nguyễn Tự Cường, cựu giám đốc điều hành, tiếp lời: “Ngay từ những ngày đầu, SBTN còn có chủ trương là một cơ quan chuyên yểm trợ cho phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và sự công bằng trong và ngoài nước nữa.”

“Đối với đồng hương hải ngoại, SBTN cổ động đoàn kết cộng đồng và yểm trợ sinh hoạt cộng đồng, đề xướng chiến dịch ‘Triệu Con Tim’ với hơn 150,000 chữ ký để đấu tranh cho các tù nhân lương tâm bị Cộng Sản giam cầm ở Việt Nam như Việt Khang, Mẹ Nấm, Điếu Cày…,” ông thêm.

Những người này đã được trả tự do và định cư tại Mỹ.

Nhạc sĩ Trúc Hồ trong phòng thu buổi truyền hình trực tiếp chương trình đại nhạc hội “Cám Ơn Anh.” (Hình: Tài liệu)

Ông Trúc Hồ hãnh diện cho biết những tiêu chí SBTN đặt ra từ ngày đầu thành lập, đài đã thực hiện rồi. Ông giải thích: “SBTN đã là tiếng nói uy tín của một cơ quan ngôn luận, là tiếng nói đoàn kết của cộng đồng, là diễn đàn đấu tranh chống đàn áp, là cơ quan từ thiện.”

Một chủ trương nữa của SBTN là duy trì và phát triển văn hóa nghệ thuật thuần Việt tại hải ngoại. Ông Trúc Hồ tiếp: “Chúng tôi đã đào tạo được một thế hệ ca sĩ kế tiếp với những giọng ca xuất sắc của Đặng Thế Luân, Quốc Khanh, Đoàn Phi và Huỳnh Phi Tiễn là vài người đại diện. Ngoài ra, SBTN còn có chương trình đào tạo nhạc sĩ sáng tác nhưng tạm thời gián đoạn.” 

SBTN không dối trá và đầy trí độ

Chính vì đi vào sinh hoạt cộng đồng một cách sâu rộng và thiết thực của SBTN mà những khán giả của đài là những người trung thành.

Bà Theresa Thủy Tạ, ở Houston, Texas, nói: “Tôi coi SBTN từ năm 2009 vì tôi tìm thấy tôi qua SBTN. Đây là đài truyền hình đúng đắn và trung thực với những chương trình phong phú. Đây đúng là tiếng nói của người Việt quốc gia. Nếu ở Mỹ mà không có SBTN thì chắc sẽ buồn lắm.”

“SBTN VOICE” cuộc thi nhạc tìm những giọng ca trẻ do SBTN tổ chức. (Hình: Tài liệu)

Ông Võ Thành Nhân, ở Maryland, cho hay ông là cộng tác viên tại Washington, DC, của đài từ trước khi đài chính thức lấy tên SBTN, nghĩa là đã hơn 20 năm rồi. “Bận gì thì bận, tôi phải coi ‘Bản Tin Buổi Chiều’ để nắm vững tin trong ngày,” ông nói. “Ngoài ra, phần văn nghệ của đài cũng phong phú hơn các đài khác.”

Bà Lý Kim Hà, ở Virginia, nói: “Tôi tin tưởng uy tín của SBTN. Ở đây không có chỗ cho ‘fake news.’ Tôi thích nhất chương trình ‘SBTN Morning’ và Đỗ Phủ-Tường Thắng.” Bà thêm: “Tôi rất cám ơn SBTN đã có những chương trình có công đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng một cộng đồng sáng trong, không dối trá và đầy trí độ.”

Ca sĩ Giáng Ngọc, người phụ trách Giáng Ngọc Show từ nhiều năm qua cho SBTN, cũng cảm thấy đây là nơi tạo mọi điều kiện dễ dàng để tiết mục của cô phát triển. Cô nói: “Không khí thoải mái gia đình ở đây làm tôi không muốn đi đâu cả. Tôi quá gần gũi với SBTN rồi.” 

SBTN bảo vệ văn hóa Việt tại hải ngoại

Trong suốt 20 năm qua, SBTN đã hòa vào nhịp thở của cộng đồng và cùng cộng đồng giải trí khi căng thẳng, bên cộng đồng đấu tranh khi cần thiết.

Ông Trúc Hồ chia sẻ về hướng đi tương lai của SBTN: “Hiện giờ SBTN đang muốn bành trướng hạ tầng cơ sở. Chúng tôi sắp hoàn tất studio thu hình cũng như thu thanh với tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian đại dịch, chúng tôi hoàn tất được rất nhiều và đến Tháng Tư, nếu không có gì trở ngại bất ngờ, chúng tôi sẽ hoàn tất cơ sở này.”

Hôm 13 Tháng Năm, 2020, các thiện nguyện viên giúp gởi những dụng cụ y tế chống dịch COVID-19 như khẩu trang y tế, bao tay, khẩu trang KN95, và tấm che mặt đến các bệnh viện đang có nhu cầu cấp bách theo chương trình “Sing For Our Heroes” do đài truyền hình SBTN hợp tác cùng tổ chức Rise và Bên Em Đang Có Ta Foundation gây quỹ. (Hình: Tài liệu)

“Chúng tôi muốn SBTN sẽ là một di sản cho thế hệ gốc Việt kế tiếp. Các em phải kế thừa những ý hướng đấu tranh cho tự do, công bằng và dân chủ cho toàn dân trong nước của chúng ta,” ông chia sẻ.

Ngoài ra, SBTN còn muốn bảo vệ văn hóa Việt tại hải ngoại nữa.

Ông thêm: “Đây là chuyện vô cùng cấp bách. Từ năm 2012, khi ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng CSVN, bỏ ra một ngân sách ngân sách hơn $100 triệu, nói là để phục vụ người Việt hải ngoại nhưng thực sự là muốn tiêu diệt những cơ quan truyền thông, văn hóa của chúng ta.”

“Chỉ tại mỗi địa phương mà họ cho ra hơn 10 đài truyền thông chỉ để làm việc này. Vì thế, nếu không có sự tiếp tay của thế hệ kế tiếp thì văn hóa của chúng ta sẽ bị hủy diệt. Chủ trương mới của SBTN là trẻ trung hóa đội ngũ tương lai,” ông nhấn mạnh.

Hôm Thứ Năm, 4 Tháng Ba, vì đang giữa đại dịch COVID-19 nên đài truyền hình SBTN không thể tổ chức lễ kỷ niệm mà chỉ có buổi họp mặt nội bộ để mừng năm thứ 20 ngày thành lập. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT