Thursday, April 25, 2024

UCLA: Ngành nail Việt Nam ở California bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Trung Tâm Lao Động thuộc đại học UCLA vừa đưa ra một báo cáo nói về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành nail ở California, và báo cáo này có rất nhiều thông tin quan trọng.

Người Việt Nam làm việc trong ngành nail gặp nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19. (Hình minh họa: ucla.edu)

Theo nghiên cứu, ngành nail tại California lớn nhất Hoa Kỳ, có hơn 100,000 thợ nail có giấy phép. Đa số tiệm nail ở California do gia đình làm chủ, và có nhân viên hầu hết là phụ nữ gốc Việt.

Sau khi California ra lệnh ở nhà vào Tháng Ba, 2020, các tiệm nail khắp tiểu bang phải đóng cửa, sau đó mở cửa lại rồi phải đóng cửa tiếp, và đến đầu năm 2021 mới được làm việc bình thường lại.

Những lần đóng cửa rồi mở cửa lại ảnh hưởng rất nhiều đến ngành nail. Để biết rõ hơn về ảnh hưởng đó, đại học UCLA hợp tác với Liên Hiệp Nail Lành Mạnh California để viết một báo cáo.

Đại học này khảo sát 158 thợ nail, 42 chủ tiệm, và phỏng vấn được bốn chủ tiệm cùng hai thợ để viết báo cáo mới xuất bản hôm Thứ Năm, 18 Tháng Mười Một.

Nhiều khó khăn kinh tế trong đại dịch

Trong suốt năm 2020, chuyện tiệm nail bị đóng cửa tạo ra nhiều khó khăn kinh tế cho cả chủ tiệm lẫn thợ. Chín mươi phần trăm thợ nail ở California không tìm được việc làm khác trong giai đoạn đó. Chủ tiệm cũng gặp khó khăn và có đến 93% không tìm được việc làm khác.

Khi phải đóng cửa tiệm, 91% thợ nail nộp đơn xin tiền trợ cấp thất nghiệp của California và 32% xin trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch (PUA).

Tuy nhiên, nhiều thợ nail nói thủ tục nộp đơn rất phức tạp, và không có mẫu đơn được viết bằng tiếng Việt để dễ điền. Ngoài ra, nhiều người thợ không biết tìm thông tin ở đâu, và không biết cách quản trị tài chánh.

Thợ nail và khách phải đeo khẩu trang, trên bàn phải có tấm kính ngăn giữa hai người. (Hình minh họa: Angela Weiss/AFP via Getty Images)

Chủ tiệm nail cũng nộp đơn xin trợ cấp trong đại dịch, trong đó có 67% xin trợ cấp để trả lương cho nhân viên và 29% mượn nợ dành cho doanh nghiệp nhỏ. Đối với những chủ tiệm nộp đơn xin trợ cấp, số tiền họ nhận được không đủ để chi trả hết mọi thứ cho doanh nghiệp.

Tuy gặp nhiều khó khăn, chủ tiệm nail dễ nộp đơn xin trợ cấp hơn nhiều so với thợ.

Khó khăn sau khi mở cửa tiệm nail lại

Khi được tiểu bang cho phép làm việc lại, 93% thợ nail trong khảo sát làm việc lại cho tiệm cũ, nơi họ từng làm việc trước Tháng Ba, 2020. Tuy nhiên, 89% thợ và 84% chủ cho biết tiệm nail sa thải ít nhất một nhân viên.

Những lý do khiến chủ tiệm nail không thuê lại được thợ cũ gồm có: Không đủ khách, không đủ tiền để thuê lại toàn bộ nhân viên cũ, thợ không muốn quay lại, và phải cắt giảm nhân viên để làm việc theo quy định giãn cách xã hội.

Báo cáo cho biết chỉ có 14% chủ tiệm nghĩ mình có thể trả được tiền thuê tiệm và trả lương cho nhân viên sau khi mở cửa lại. Nhiều tiệm dù tăng giá các dịch vụ cũng không đủ tiền trang trải chi phí, và 44% thợ và 78% chủ cho biết phải tăng giá các dịch vụ, từ $1 đến $10, cho từng dịch vụ.

Tuy 90% chủ tiệm trong khảo sát của UCLA cho biết không giảm lương của thợ sau khi mở cửa lại, nhưng 83% thợ cho hay họ bị giảm lương, và nhiều người nói kiếm được ít hơn $400 mỗi tuần. Ngoài ra, 75% thợ nail trong khảo sát nói họ chỉ làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần.

Ngoài ra, 57% thợ nail không đủ tiền để chi trả nhiều thứ ở nhà, và 48% nói họ phải xin trợ cấp thực phẩm từ lúc đại dịch khởi phát. Về phía chủ tiệm, 60% nói họ không biết mình có thể mua thực phẩm và trả tiền cho nhiều thứ khác hay không.

Làm ngoài trời là một thay đổi mà các tiệm nail phải trải qua trong đại dịch. (Hình: Cindy Ord/Getty Images)

Không chỉ vậy, tình trạng thù ghét người Châu Á trong năm 2020 còn gây ra nhiều trở ngại kinh tế cho ngành nail.

Khi được hỏi, 14% thợ nail cho biết họ bị kỳ thị ở chỗ làm, và 19% chủ tiệm trong khảo sát cũng bị kỳ thị. Ngoài ra, 14% chủ tiệm còn kể từng thấy nhân viên bị kỳ thị.

Áp dụng các quy định phòng dịch trong tiệm nail

Theo đại học UCLA, 91% chủ tiệm nail trong khảo sát yêu cầu nhân viên và khách phải đeo khẩu trang, 83% chủ cho nhân viên mặc đồ bảo hộ, và 63% cho biết họ lắp đặt nhiều tấm kính tại bàn làm việc của thợ.

Ngoài ra, 55% chủ tiệm cho biết họ phải giảm số bàn làm việc, và 50% nói họ nâng cấp hệ thống thông hơi của tiệm. Tuy vậy, 55% chủ tiệm trong khảo sát nói trở ngại lớn nhất để tu sửa lại tiệm là tiền bạc.

Nhiều chủ tiệm và thợ nói họ phải tranh cãi với khách về chuyện đeo khẩu trang. Tuy chỉ có 7% chủ tiệm báo cáo thấy khách không đeo khẩu trang khi đến tiệm, nhưng 21% chủ và 15% thợ báo cáo họ phải cãi nhau với khách trong tiệm vì chuyện đeo khẩu trang.

Một điều đáng mừng trong báo cáo là 97% thợ nail cho rằng chủ tiệm áp dụng những biện pháp phòng dịch hiệu quả và nhanh chóng áp dụng những biện pháp mới khi có lệnh.

Tuy vậy, 62% thợ nail cho biết chủ không cho họ nghỉ bệnh có lương, và 76% chủ tiệm trong báo cáo công nhận điều đó.

Vẫn theo báo cáo, 20% thợ trong khảo sát cho hay họ sợ bị nhiễm COVID-19 khi làm việc.

Đối với thợ nail, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu sau khi mở cửa lại, và 62% thợ trong khảo sát cho biết điều đó. Đối với chủ tiệm, 59% coi chuyện có đủ khách là quan trọng nhất.

Gần một nửa số thợ nail trong khảo sát cho biết họ cảm thấy căng thẳng khi đi làm, với mức độ từ hơi căng thẳng đến rất căng thẳng.

Hỗ trợ người trong ngành nail vượt qua đại dịch

Tình trạng thù ghét người Châu Á làm các doanh nghiệp của họ mất khách, trong đó có tiệm nail. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Về những biện pháp hỗ trợ người trong ngành nail, đa số thợ và chủ tiệm muốn có thêm thông tin về ảnh hưởng của đại dịch. Nhiều thợ và chủ cũng muốn biết cách bảo vệ bản thân khi đi làm.

Theo khảo sát, 38% thợ muốn có thêm thông tin về cách thay đổi chỗ làm, về luật lao động và các quy định quan trọng, trong khi 72% chủ tiệm muốn biết thêm về cách ghi danh xin trợ cấp và mượn tiền cho doanh nghiệp.

Sau cùng, những vấn đề người làm việc trong ngành nail đang quan tâm là làm sao giảm tình trạng thù ghét người Châu Á cũng như họ phải trả tiền cho nhiều chi phí và mua thực phẩm. [đ.d.]

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT