Thursday, April 18, 2024

Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam kỷ niệm 10 năm ngày thành lập

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Nếu không có ngày 30 Tháng Tư thì sẽ không có hiện tượng Thuyền Nhân. Đó là lý do chúng ta đánh dấu kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại Nghĩa Trang Westminster Memorial Park.”

Đó là lời của bà Ái Cầm, thành viên trong ban tổ chức, nói trong lễ kỷ niệm này vào 2 giờ trưa Chủ Nhật, 28 Tháng Tư, do Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tổ chức tại Westminster Memorial Park, Westminster.

Bà nói thêm: “Hằng năm vào cuối Tháng Tư, chúng tôi quy tụ về đây để cầu nguyện cho chư hương linh, linh hồn người quá cố được sớm siêu thoát, và nhắc nhở đến các thế hệ con em của chúng ta hiểu được giá trị của tự do đã đánh đổi bằng máu và nước mắt của thuyền nhân, bộ nhân đã tử nạn trên đường vượt biển và rừng sâu.”

Hội Đồng Thành Phố Westminster phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng nói: “Mục đích của buổi tổ chức hôm nay là để tưởng niệm hàng trăm ngàn thuyền nhân, bộ nhân đã tử nạn trên đường tìm tự do và nhân quyền; các quân, cán, chính VNCH đã chết oan nghiệt trong các trại tù Cộng Sản sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, tại quê nhà. Đặc biệt cũng tưởng niệm ca nhạc sĩ Việt Dzũng, cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, và anh hùng Không Quân Lý Tống.”

Ông Thái Tú Hạp, thành viên trong Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam, trưởng ban tổ chức, cho biết: “Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, hàng triệu dân chúng Việt Nam bằng mọi cách, mọi phương tiện đã đau lòng bỏ nước ra đi tìm tự do và những quyền sống căn bản của con người. Trong những cuộc hành trình đó, đã có đến hàng trăm ngàn thuyền nhân, bộ  nhân đã tử nạn vì đói khát, vì hải tặc, vì bão tố và những cơn biến động nghiệt ngã kinh hoàng trên Biển Đông, trong rừng sâu. Chưa có một lịch sử di tản nào của dân tộc Việt Nam thể hiện sự can trường và chấp nhận vào con đường chết để tìm sự sống như hiện tượng của thuyền nhân và bộ nhân. Những đau thương thống khổ không thể nào tả xiết, là một minh chứng hùng hồn, quyết tâm của người Việt tị nạn thiết tha yêu chọn tự do, dân chủ và nhân quyền.”

Ông Thái Tú Hạp phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“44 năm, chúng ta rời khỏi quê hương, nhưng quê hương không bao giờ rời khỏi trong tâm khảm của chúng ta. Bởi thế, chúng ta luôn ý thức con người tạo nên lịch sử, chớ không phải lịch sử tạo nên con người. Cho dù ở chân trời tha phương, chúng ta vẫn hướng về nguồn cội để nguyện ước là sẽ có một ngày dân tộc Việt Nam sống trong thanh bình, tự do, dân chủ thật sự, và mọi người chung sức xây dựng một Việt Nam trong cộng đồng lớn mạnh của thế giới. Sự hình thành Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân là một chứng tích hồn thiêng trong tâm linh của những người vượt biên đã tử nạn muốn về nơi an nghỉ trong những trái tim ấm áp của đồng hương thân yêu tại khuôn viên Westminster Memorial Park này,” ông cho biết thêm.

Sau phần phát biểu của đại diện các cấp chính quyền, các đoàn thể và tôn giáo, là lễ cầu siêu và tưởng niệm các thuyền nhân, bộ nhân đã tử nạn trên đường tìm tự do và những anh linh của quân, cán, chính VNCH đã hy sinh cho tổ quốc.

Phần yểm trợ chương trình văn nghệ với sự đóng góp của Ban Tù Ca Xuân Điều, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và còn nhiều ban văn nghệ khác.

Ông Lê Anh Dũng chỉ tên thân nhân trong mộ bia. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Có mặt trong buổi tưởng niệm, ông Nguyễn Long, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Los Angeles, phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, chia sẻ: “Sự thành lập Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam là để tưởng nhớ đến sự hy sinh của hàng trăm ngàn đồng bào không được may mắn đã vùi thây dưới lòng đại dương, trong rừng sâu nước độc trên đường tìm tự do, mà chúng ta là những người may mắn được yên ổn đến bến bờ tự do thì lúc nào cũng phải thương tiếc và tưởng nhớ đến họ.”

“Đối với tôi, thuyền nhân hay bộ nhân là những người đã giữ vững lập trường không bao giờ chấp nhận chế độ độc tài đảng trị của Cộng Sản. Nhưng tiếc thay, gần phân nửa triệu đồng bào bỏ nước ra đi đã bị chôn vùi dưới lòng biển cả hay trong rừng sâu. Hằng năm, chúng ta đến đây để thắp cho họ một nén hương để tỏ lòng thương tiếc và lúc nào cũng tưởng nhớ đến họ, và mong hương linh của họ được về nơi cảnh giới an bình,” ông Phạm Lộc, phó chủ tịch Hội Tù Nhân Chánh Trị Quảng Nam Đà Nẵng, nói.

Lễ tưởng niệm tại Tượng Đài Thuyền Nhân. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Luật Sư Từ Huy Hoàng, một trong những thành viên trong Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam, tâm tình: “Trong hành trình đi tìm tự do đã khiến cho rất nhiều người chết một cách tức tưởi, và một số con em của họ đã may mắn được đến bến bờ tự do, trong số đó, cho đến bây giờ thì cũng có rất nhiều người được thành đạt tại Hoa Kỳ. Dân tộc Việt Nam phải trả giá rất đắt cho hai chữ tự do, đó là hàng trăm ngàn người đã mất mạng và hàng triệu người đang sống lưu vong trên xứ lạ quê người cũng như hàng chục triệu đồng bào đang sống trong nước dưới sự hà khắc của chế độ Cộng Sản.”

Trong số những người trẻ được thành công tại Hoa Kỳ, anh Billy Lê, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam California, tâm sự: “Những chứng lịch sử của cuộc chiến Việt Nam trong đó có hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi sau 30 Tháng Tư, 1975, vì không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Kỷ niệm 10 năm thành lập Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam được trùng hợp vào thời điểm Tưởng Niệm Tháng Tư Đen để nhắc nhở cho giới trẻ chúng tôi phải luôn kiên trì bền vững trong tin thần hướng về hồn quê dân tộc và vận mạng của đất nước.”

Đông đảo đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng có nhiều đồng hương đến dự mà thân nhân của họ là những nạn nhân trong hành trình đi tìm tự do, và tên của những đồng bào kém may mắn này đã được khắc ghi trên những tảng đá bia mộ tại Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam.

Ông Lê Anh Dũng, cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, sau cuối Tháng Tư, 1975, bị chính quyền Cộng Sản bắt vào lao tù tại miền Bắc. Khi ra tù, ông được tin rất đau lòng là vào năm 1979, những thân nhân của ông gồm tám người, trong đó có ba người em ruột, một người em rể và bốn đứa cháu của ông cùng đi vượt biên xuất phát từ cửa Cần Giờ và họ đều tử nạn trên đường tìm tự do.

“Tên tám thân nhân của tôi đã được khắc trên những mộ bia đá ở đây, như khắc ghi sự mất mát đau lòng nhất của tôi. Vì thế, cứ mỗi lần đến ngày Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam thì tôi cũng đến đây để thăm viếng chúng nó. Trên nửa triệu thuyền nhân, bộ nhân chết trên đường vượt biên là thảm cảnh đau lòng chung cho dân tộc Việt Nam tại hải ngoại và trong nước,” ông tâm sự. (Lâm Hoài Thạch)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT