Friday, April 26, 2024

Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa tại Little Saigon gây tranh cãi

Đỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hiện đang có tranh cãi giữa hai nhóm cựu chiến sĩ Hải Quân QLVNCH liên quan đến việc xây dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa tại Sid Goldstein Freedom Park, Westminster, mà theo dự trù, sẽ được khánh thành vào ngày 19 Tháng Giêng, 2020.

Sid Goldstein Freedom Park cũng là nơi có Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ.

Hiện nay, một bên chỉ muốn bản đồ Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974, trong khi một bên khác lại muốn có quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm một phần hồi năm 1988.

Theo thiết kế, đài tưởng niệm có hai tấm đá hoa cương, tấm lớn nằm bên trái, tấm nhỏ bên phải.

Tấm lớn có hàng chữ “Ngàn Đời Ghi Nhớ,” phía dưới là tên của 74 tử sĩ VNCH hy sinh trong trận hải chiến năm 1974.

Tấm nhỏ có hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn,” phía dưới có bản đồ Việt Nam hình chữ “S” chồng lên lá cờ VNCH.

Tuy nhiên, trong bản đồ này chỉ có hình quần đảo Hoàng Sa và tên quần đảo này bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Chỉ có 74 tử sĩ và Hoàng Sa

Giải thích chuyện này, HQ Trương Văn Song, cựu hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long và hiện là chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, khẳng định mục đích của họ đơn giản là “tưởng niệm các tử sĩ đã hy sinh.”

“Mục đích duy nhất của chúng tôi là tưởng niệm 74 tử sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lăng năm 1974,” ông Song nói. “Khi thiết kế tượng đài, chúng tôi chỉ để vài chấm trên bản đồ, nơi có quần đảo Hoàng Sa, rồi để tên quần đảo này bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.”

Ông Song giải thích tiếp: “Khi để như vậy, nhìn vào ai cũng biết đó là Hoàng Sa, là nơi 74 tử sĩ hy sinh trong trận đánh với Trung Quốc ngày 19 Tháng Giêng, 1974. Bây giờ, nếu để quần đảo Trường Sa vào thì nó lạc đề.”

“Chưa hết, có người còn đòi chúng tôi phải để quần đảo Trường Sa vào và đòi cả hai quần đảo này phải được coi một cách trang trọng như nhau,” ông Song nói. “Chúng tôi hiểu điều này, nhưng đây là bia tưởng niệm, không phải bia chủ quyền. Đó là chưa kể có người hiểu lầm chúng tôi tưởng niệm luôn 64 người hy sinh trong trận đánh với Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa hồi năm 1988.”

Ngày 14 Tháng Ba, 1988, Hải Quân Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong trận hải chiến này, có 64 chiến sĩ Hải Quân CSVN hy sinh trên bãi đá Gạc Ma.

Bản đồ trong mô hình mới có thêm ba chấm tượng trưng cho Phú Quốc, Côn Sơn, và Trường Sa, nhưng không có chú thích tên. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Phải có Trường Sa…

Sau khi thấy bản thiết kế, một số thành viên Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long góp ý nên có thêm quần đảo Trường Sa trong bản đồ.

Thế là họ lập ra Ủy Ban Góp Ý, trong đó có HQ Đặng Thanh Long.

Ông Long, hiện sống ở Irvine, kể với nhật báo Người Việt như sau: “Sau khi thấy sự việc, chúng tôi thành lập Ủy Ban Góp Ý, bao gồm khoảng 30 người, mở trang nhà, đưa thông tin lên, đồng thời kêu gọi sự đóng góp ý kiến.”

“Kết quả, có tới 194 người đồng ý là nên có bản đồ và tên quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được vô số ý kiến của những người khác gọi điện thoại đến ủng hộ, vì họ không tiếp cận được Internet, trong đó có cả đại diện của Cộng Đồng Người Việt San Diego, Hội Hùng Sử Việt San Diego, Hội Đền Hùng San Diego, Hội Hải Quân Hàng Hải,” ông Long nói tiếp.

HQ Lê Bá Chư, hiện sống ở Garden Grove, chia sẻ: “Từ xưa tới nay, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Bây giờ mà không có là không được. Nếu không có Trường Sa thì có nghĩa là chúng ta thừa nhận bán đứng cho Trung Quốc, nhất là trong lúc này có nhiều tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Tóm lại, chúng tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất là có quần đảo Trường Sa trên bản đồ Việt Nam. Nếu được như vậy thì chúng tôi rất hoan nghênh.”

HQ Đinh Quang Truật, cư ngụ tại Garden Grove, cho rằng đây là cơ hội vừa tưởng niệm vừa bày tỏ quan điểm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông chia sẻ: “Tôi đồng ý với ủy ban chủ đề là tưởng niệm 74 tử sĩ, nhưng đây cũng là cơ hội để minh thị cho công luận biết lịch sử Hoàng Sa và Trường Sa, thì xá gì thêm vào một cái tên.”

“Tôi coi bản đồ là thông điệp, là chứng từ, cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, do Trung Quốc chiếm,” ông Truật nói. “Ủy ban còn nói rằng, nếu cho Trường Sa vào thì phải cho cả Côn Sơn và Phú Quốc và các đảo khác vào. Theo tôi, chuyện này cũng không sao, miễn có Trường Sa là được.”

Cơ hội tương lai

Những người đòi phải có Trường Sa trong bản đồ còn cho rằng, trong tương lai, khi giải quyết được vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, đài tưởng niệm này sẽ là một chứng tích.

“Hậu ý của tôi là, trong tương lai, nếu được quốc tế hậu thuẫn cho mình đòi lại các đảo bị chiếm thì mình có cơ sở hơn. Và khi đó, nếu có ai đó nói tượng đài không có Trường Sa thì kẹt cho chúng ta,” ông Truật lập luận như vậy.

Ông Long cũng đồng tình với ông Truật, nhưng ở một góc độ khác.

Ông nói: “Ngày nay, có nhiều sinh viên Trung Quốc sang đây học. Nếu họ làm một luận án nào đó về chủ quyền Việt Nam, họ đến tượng đài, không thấy Trường Sa, như vậy mình khó có cơ sở đòi lại sau này.”

Ông Truật nhấn mạnh thêm: “Trường Sa là thực thể hữu hình và hữu danh, nếu không có trên bản đồ thì khi có điều kiện sẽ không có cơ sở để đòi lại.”

Bốn người trong Ủy Ban Góp Ý, từ trái, ông Nguyễn Mạnh Trí, ông Đinh Quang Truật, ông Đặng Thanh Long, và ông Lê Bá Chư. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Căng thẳng giữa ‘Hoàng Sa’ và ‘Trường Sa’

Mặc dù Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa nhiều lần họp, đưa ra thiết kế để thu thập ý kiến, Ủy Ban Góp Ý cũng họp và đưa ra ý kiến đề nghị phải có Trường Sa, hai bên vẫn chưa giải quyết được sự khác biệt cốt lõi.

HQ Vũ Đình Thọ, hội phó Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long và là một trong chín thành viên trong Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, cho biết sự việc bắt đầu như thế nào.

Ngày 28 Tháng Tư, ủy ban chiếu mô hình đài tưởng niệm với chủ đề Hoàng Sa.

Ngày 29 Tháng Năm, có mô hình, gởi ra cho mọi người xem.

Ngày 28 Tháng Sáu, ủy ban tổ chức dạ tiệc gây quỹ, có đưa ra mô hình, và được 600 người ủng hộ, bao gồm những người có mặt cũng như gởi điện thư.

Ngày 10 Tháng Bảy, sau khi đặt viên đá đầu tiên, thì đến ngày 14 Tháng Bảy, HQ Trần Chấn Hải, sống ở San Diego, gởi email cho ủy ban, đòi đưa Trường Sa vào bản đồ, và còn đưa ra lời “hăm dọa” và gởi thư đến Thị Trưởng Trí Tạ của Westminster.

Sau đó, ủy ban gởi thông báo số 3, cho biết kết quả bỏ phiếu của chín thành viên, không đồng ý để Trường Sa vào.

Ngày 29 Tháng Tám, ủy ban họp nữa, đưa ra thông cáo số 4, “minh định lập trường vì sao chúng tôi không cho Trường Sa vào.”

“Chúng tôi coi đài tưởng niệm như là một bia tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa,” ông Thọ nói. “Chúng tôi coi trận thảm sát Gạc Ma không thể bằng trận hải chiến chống xâm lăng tại Hoàng Sa.”

HQ Nguyễn Mạnh Trí, một thành viên của Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long và là thành viên Ủy Ban Góp Ý, cho biết: “Hồi Tháng Chín, chúng tôi yêu cầu có thay đổi, chúng tôi mất một tuần để lấy dữ kiện, và viết ra những yêu cầu của chúng tôi, nhưng cá nhân tôi bị ủy ban xây dựng tượng đài ‘tấn công.’”

“Ngày 5 Tháng Mười, chúng tôi họp tại nhà hàng Hương Vỹ, Garden Grove, có sự hiện diện của Thị Trưởng Trí Tạ. Ông nói có họp với ủy ban xây dựng tượng đài, nhưng ủy ban không chịu, nên ông phải theo, và ông cũng đề nghị hai phía giải quyết trong nội bộ,” ông Nguyễn Mạnh Trí kể. “Một tuần sau, ủy ban tấn công tôi và ông Hải.”

Nhật báo Người Việt có gọi điện thoại cho ông thị trưởng, để lại lời nhắn, nhưng ông chưa trả lời.

Ông Nguyễn Mạnh Trí kể tiếp: “Đến ngày 13 Tháng Mười, thấy không thể đối thoại, chúng tôi gởi thư cho ủy ban, yêu cầu hạn chót là cuối Tháng Mười, phải cho biết có Trường Sa trong mô hình hay không. Đến 29 Tháng Mười chúng tôi vẫn chưa thấy gì. Nếu không thay đổi, đến Tháng Mười Một, ủy ban chúng tôi sẽ đưa vấn đề ra công luận.”

Về chuyện ông Nguyễn Mạnh Trí bị đánh phá, ông Song giải thích như sau: “Đây là xứ tự do, chuyện ông bị đánh phá tôi không thể kiểm soát được.”

Ông Song nói thêm: “Nguyên thủy là do ông Trần Chấn Hải nằng nặc đòi đưa Trường Sa vào. Khi làm tượng đài, chúng tôi đã có ba tháng để góp ý. Tượng đài làm bằng đồng, phải đem đi đúc, chứ không phải vẽ.”

“Khi đòi hỏi không được, ông Nguyễn Mạnh Trí nói trưởng ban là tôi, bán nước cho Tàu Cộng, vì tiền, vì danh lợi, phản bội quê hương. Đài tưởng niệm năm ông tướng tuẫn tiết cũng có bản đồ, nhưng đâu có đảo gì đâu,” ông Song nói.

Ông Thọ nói thêm: “Trong bản đồ, chúng tôi còn có cái gạch đen ở vĩ tuyến 17, ngụ ý cho thấy hải chiến Hoàng Sa xảy ra trước năm 1975. Ủy Ban Góp Ý còn đòi bỏ gạch đen, và còn đòi bỏ lá cờ VNCH vì cho rằng bị hình chữ ‘S’ đè lên. Tôi không hiểu họ có dụng ý gì không.”

HQ Đinh Hoàng Cảnh, cựu chủ tịch Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, hiện là cố vấn của hội, và cũng là một thành viên ủy ban xây dựng tượng đài, cho biết thêm: “Trước năm 1975 Trường Sa vẫn còn toàn vẹn trong tay VNCH, nay thì không còn như vậy nữa. Cho nên, gạch màu đen ở vĩ tuyến 17 cho thấy tình trạng lịch sử rõ ràng.”

Ba người trong Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa, từ trái, ông Trương Văn Song, ông Vũ Đình Thọ, và ông Đinh Hoàng Cảnh. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Trong một email gởi ra cho một số người trong ủy ban xây dựng tượng đài vào ngày 18 Tháng Chín, ông Nguyễn Mạnh Trí viết: “Tôi không hiểu anh Trương Văn Song và các anh trong ban cố vấn có những tính toán gì khi quyết định không đưa quần đảo Trường Sa vào bản đồ Việt Nam. Đây là một lầm lỗi không thể bỏ qua được. Các anh vẫn còn thì giờ để sửa chữa sai lầm của mình. Nếu không thì tôi đề nghị Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, với tư cách đại diện anh em Hải Quân miền Nam California, triệu tập một buổi họp bất thường để giải quyết vấn đề này. Không thể để một nhóm người nhỏ dù quốc nội hay quốc ngoại làm hủy hoại chính danh của cả dân tộc. Bỏ quần đảo Trường Sa ra khỏi bản đồ Việt Nam chỉ làm tay sai cho nước ngoài.”

“Dù ủy ban chúng tôi chỉ có chín người, nhưng chúng tôi làm cho tập thể, có cân nhắc kỹ lưỡng,” ông Cảnh phản biện.

Ông Thọ cũng cho biết dù bị Ủy Ban Góp Ý phản đối như thế nào, “chúng tôi chấp nhận thôi.”

“Chúng tôi không làm chính trị, chúng tôi chỉ muốn có tượng đài. Chúng tôi làm với tất cả tấm lòng,” ông Thọ nói.

Có điều chỉnh, nhưng vẫn ‘thiếu’ Trường Sa

Được biết, cho đến nay, ủy ban xây dựng tượng đài có điều chỉnh thiết kế so với ban đầu, nhưng vẫn còn những bất đồng với Ủy Ban Góp Ý vì vẫn “thiếu” Trường Sa trong bản đồ.

Ban đầu, bản đồ chỉ có gạch đen ở vĩ tuyến 17 và hình quần đảo Hoàng Sa cùng với chữ chú thích.

Bản đồ điều chỉnh nay có thêm một chấm tượng trưng cho đảo Phú Quốc, một chấm tượng trưng cho đảo Côn Sơn, và một chấm lớn tượng trưng cho quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, chấm tượng trưng cho Trường Sa lại không lớn bằng chấm tượng trưng cho Hoàng Sa.

Ngoài ra, ba chấm “mới” này đều không có tên.

Nói chung, Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa chỉ muốn tập trung vào việc tưởng niệm tử sĩ VNCH, trong khi đó, Ủy Ban Góp Ý muốn đưa Trường Sa vào bản đồ để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Song kết luận: “Về chuyện này, mấy anh bên Ủy Ban Góp Ý không sai, mà chúng tôi cũng không sai.” (Ðỗ Dzũng)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT