Friday, April 26, 2024

EMS thảo luận cách Hoa Kỳ thay đổi hệ thống bầu cử giúp người thiểu số

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Trong cuộc cử năm 2020, số người Mỹ đi bỏ phiếu đông kỷ lục. Tuy vậy, hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ vẫn còn nhiều rào cản và có rất nhiều người không tin vào kết quả bầu cử. Chính vì vậy, cơ quan Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức một buổi hội thảo để nói về những cách chính phủ Hoa Kỳ có thể thay đổi hệ thống bầu cử và lấy lại niềm tin với người dân.

Các cộng đồng thiểu số, trong đó có người Latino, phải gặp nhiều trở ngại trong việc bỏ phiếu. (Hình minh họa: Chip Somodevilla/Getty Images)

Cũng như nhiều lần trước, EMS mời một số diễn giả phát biểu tại buổi hội thảo hôm Thứ Sáu, 8 Tháng Giêng.

Diễn giả đầu tiên là bà Judith A. Browne Dianis, luật sư bảo vệ quyền công dân và đồng giám đốc của tổ chức pháp lý Advancement Project.

Bà mở đầu bằng so sánh những biến loạn trong xã hội Hoa Kỳ ngày nay với những thời điểm u tối nhất của lịch sử Mỹ, đặc biệt là thời kỳ xây dựng lại sau Nội Chiến từ năm 1863 đến 1877.

“Bạo lực liên quan đến chính trị lúc nào cũng xảy ra, nhất là khi những thế lực kỳ thị và thù ghét cảm thấy họ không còn sức mạnh nữa. Chúng ta thấy cảnh này xảy ra nhiều lần rồi, nhất là khi đa số người da màu vùng lên,” bà Dianis nói.

Bà cho rằng những người tấn công tòa nhà Quốc Hội hôm Thứ Tư, 6 Tháng Giêng, là đại diện cho những thế lực kỳ thị và thù ghét. Một lý do là vì có nhiều người cầm cờ của miền Nam Hoa Kỳ trong thời nội chiến, và lá cờ đó được coi là biểu tượng của ách nô lệ đối với người gốc Phi Châu.

Không chỉ vậy, luật sư này còn nhắc đến phản ứng của nhân viên công lực khi phải đối phó với đám đông tràn vào tòa nhà Quốc Hội. Bà cho rằng phản ứng đó thể hiện được sự thiếu công bằng trong cách chính phủ đối xử với người da màu.

Từ trái, ba diễn giả của buổi hội thảo là bà Luật Sư Judith Dianis, Tiến Sĩ Gabriella Lemus và bà Myrna Perez. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

“Vào mùa Hè năm ngoái, nhiều người biểu tình đòi công bằng cho người gốc Phi Châu bị cảnh sát, thậm chí cả quân đội, tấn công. Trong khi đó, những người tấn công tòa nhà Quốc Hội thì được dẫn vào, được cho phép vào trong để phá phách.

Sau đó, bà cho rằng vụ bạo loạn ở thủ đô là một trong những biện pháp để ngăn chặn lá phiếu của người thiểu số do những thế lực chống lại hệ thống dân chủ nghĩ ra.

Theo bà, những người đó phản đối kết quả bầu cử hồi Tháng Mười Một, nhưng chỉ dựa theo những tin tức không chính xác, đặc biệt là nhiều người trong các cộng đồng da màu.

Diễn giả thứ hai là Tiến Sĩ Gabriela D. Lemus, đồng chủ tịch của tổ chức bất vụ lợi Mi Familia Vota có mục đích hỗ trợ người gốc Latino.

Bà mở đầu bằng chia sẻ những khó khăn mà tổ chức Mi Familia Vota phải trải qua trong năm 2020 để giúp đỡ nhiều cư dân gốc Latino ở khắp Hoa Kỳ bỏ phiếu. Khó khăn lớn nhất của năm đối với tổ chức này là đại dịch COVID-19, khiến họ phải thay đổi cách làm việc thành trực tuyến.

Theo bà, các cộng đồng thiểu số gặp phải nhiều rào cản để được bỏ phiếu như ngôn ngữ, bị kỳ thị và các vấn đề pháp lý.

Vì vậy, chính phủ và nhiều tổ chức khắp quốc gia phải có những biện pháp để giúp đỡ các cộng đồng này đưa ra tiếng nói của họ, nhất là trong mùa bầu cử.

Tiến Sĩ Lemus còn nhấn mạnh các biện pháp giúp đỡ người thiểu số phải nhạy cảm với văn hóa hay hoàn cảnh của từng gia đình.

Sau đó, bà trình bày suy nghĩ về kết quả bầu cử ở tiểu bang Georgia và một số nỗ lực để ngăn chặn lá phiếu của người gốc Latino.

Theo bà, số người đi bầu ở Georgia nhiều đến mức kỷ lục, không khác gì với cuộc bầu cử tổng thống. Vì vậy, có nhiều người muốn chặn lá phiếu của người thiểu số, trong đó có nhiều lá phiếu của người Latino.

Bà kêu gọi chính phủ và nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi phải tìm cách bảo vệ mọi lá phiếu của người thiểu số.

Diễn giả thứ ba là bà Myrna Perez, giám đốc điều hành chương trình bảo vệ quyền bỏ phiếu và bầu cử của trường luật Brennan Center for Justice ờ New York.

Lá phiếu của người da màu rất quan trọng đối với kết quả bầu cử ở Georgia. (Hình minh họa: Michael M. Santiago/Getty Images)

“Chúng ta đã vượt qua được mùa bầu cử, dù có nhiều thế lực muốn ngăn chặn lá phiếu của người da màu và một đại dịch toàn cầu xảy ra. Không chỉ vậy, mùa bầu cử còn diễn ra trong thời khủng hoảng kinh tế, và có nhiều chính trị gia nói dối với cử tri,” bà mở đầu.

Nhờ những lý do nói trên, bà Perez cho biết 35 tiểu bang thay đổi luật lệ, quy định để giúp cư dân bỏ phiếu dễ dàng hơn. Bà cho rằng nếu nước Mỹ không trong tình cảnh hiện nay, những thay đổi đó sẽ không xảy ra được nhanh như vậy.

Bà Perez nói: “Những cộng đồng thiểu số phải vượt qua nhiều trở ngại để được bỏ phiếu, nhưng bây giờ họ được giúp đỡ và có thể đi bầu dễ dàng hơn.”

Tuy có những thay đổi về bầu cử, nhưng bà Perez cho rằng hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ còn rất nhiều sơ sót, như cần phải được cải tiến về cách làm việc cho đến mặt công nghệ.

Cuối cùng, cả ba diễn giả đểu nhấn mạnh Hoa Kỳ phải đầu tư rất nhiều vào hệ thống bầu cử, phải có những biện pháp trợ giúp các cộng đồng gặp khó khăn, và phải minh bạch để lấy lại được niềm tin của cử tri. [kn]

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT