Monday, May 6, 2024

Gia Đình Lại Giang 30 năm gắn bó tại hải ngoại

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

STANTON, California (NV) – “Hôm nay là đại hội thường niên lần thứ 30 của Gia Đình Lại Giang và cũng để kỷ niệm 28 năm Đặc San Lại Giang ra đời. Những thành quả tốt đẹp đã đạt được suốt chặng đường 30 năm qua là nhờ sự hỗ trợ không ngừng về tinh thần và tài chánh từ lòng hảo tâm của quý thầy cô, quý thân hữu và những cựu học sinh của các trường trung học Tăng Bạt Hổ, Bồ Đề Bồng Sơn và Bán Công Tam Quan ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, cũng như sự nỗ lực của nhóm chủ trương và ban biên tập của Đặc San Lại Giang.”

Ông Diệp Mạnh Lang, trưởng ban tổ chức, nói trong “Đại Hội lần thứ 30 của Gia Đình Lại Giang” vừa được tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, 2019, tại nhà hàng Diamond Seafood, Stanton.

Buổi hội ngộ lần này, ngoài những đồng hương tại Little Saigon và những vùng phụ cận còn có nhiều thầy cô và bạn hữu từ Texas, Colorado, Massachusetts, Arizona, Missouri và Việt Nam đến dự. Đặc biệt với sự hiện diện của cựu học sinh Liên Trường Quy Nhơn.

Giáo Sư Phạm Văn Song (thứ hai, trái) và các cựu học sinh Tăng Bạt Hổ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ban tổ chức, dòng sông Lại Giang ở Bồng Sơn thuộc phía Bắc Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 80 cây số. Tại đây có ba trường trung học là Tăng Bạt Hổ, Bồ Đề Bồng Sơn, và Bán Công Tam Quan. Con sông này phát nguồn từ An Lão xuyên qua quốc lộ 1, và trường Tăng Bạt Hổ thuộc quận Hoài Nhơn được nằm cạnh bên con sông, nên ban tổ chức lấy tên sông Lại Giang để làm danh xưng cho Gia Đình Lại Giang tại hải ngoại.

Ông Trần Thức, từ St Louis, Missouri, về tham dự, kể, ngày xưa, ông có cái duyên là cựu học sinh của cả ba trường Tăng Bạt Hổ, Bồ Đề Bồng Sơn và Bán Công Tam Quan. Sang Mỹ, ông là cựu chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam tại St Louis.

“Sở dĩ Gia Đình Lại Giang có nhiều gắn bó tại hải ngoại là vì do tình đồng hương cùng chung xứ sở và tình đồng môn dưới những mái trường thân yêu cũ vẫn tồn tại từ lúc đi học cho đến bây giờ. Thì thế, những người bạn học cũ ngày xưa cần gặp nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm trong thời học sinh. Tôi và một số bạn học cũ khác, sau khi ra trường tại Bắc Bình Định thì chúng tôi phải theo lệnh gọi động viên để thi hành nhiệm vụ của người trai trong thời chiến. Vì thế, có nhiều cựu quân nhân trong Quân Lực VNCH cũng có mặt trong ngày hôm nay để ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong thời quân ngũ,” ông tâm sự.

Họa sĩ Lương Trường Thọ và Đặc San Lại Giang 2019. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Khoa Phong, từ Denver, Colorado về, là cựu học sinh Bán Công Tam Quan, tâm tình: “Từ nhỏ đến lúc trưởng thành cho đến khi ra đời thì ai cũng có tình cảm không ít thì nhiều về những kỷ niệm trong lứa tuổi cắp sách đến trường. Cho đến cuối đời, ngoài tình cảm gia đình thì chúng tôi còn tình thầy trò và tình bạn cũ dưới những mái trường trung học tại Bắc Bình Định. Vì thế, những buổi tổ chức Gia Đình Lại Giang họp mặt là điều cần thiết đối với chúng tôi trên đất khách.”

Ông Trần Diêu Vạn, cũng từ Colorado về, cựu học sinh Tăng Bạt Hổ, kể: “Tại vì trường này chỉ có từ lớp Đệ Thất cho đến Đệ Nhị mà thôi. Vì thế, chúng tôi phải đến Quy Nhơn để học lớp Đệ Nhất tại trường Cường Để. Năm 1963, sau khi ra trường Cường Để, tôi nhập Khóa 20 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi ra trường, tôi về phục vụ Trung Đoàn 16, Sư Đoàn 9 Bộ Binh đóng quân tại Đồng Tháp Mười.”

Nhắc đến những kỷ niệm trong thời đi học, ông kể tiếp: “Chúng tôi là dân Thuận Mỹ, mà ở đây thì không có trường học nên chúng tôi phải đến Bồng Sơn để đi học. Chúng tôi thuộc những học sinh của những gia đình nghèo tại Thuận Mỹ, nên khi ra Bồng Sơn học thì chúng tôi phải mang gạo theo để tự nấu cơm trong lúc đi học, cũng vì vậy mà dân bản xứ gọi chúng tôi là ‘học trò gạo.’ Cũng may, vì thấy chúng tôi là những học trò nghèo mà hiếu học, nên những cư dân ở Bồng Sơn cho chúng tôi tá túc tại nhà của họ và không lấy tiền ở trọ. Nhưng sau này, những ‘học trò gạo’ gốc Thuận Mỹ đều học giỏi và thành danh.”

Từ trái, các ông Lê Anh Dũng, Diệp Mạnh Lang, Trần Đức và Trịnh Thanh Ân. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Lê Anh Dũng, thành viên trong ban tổ chức, cho biết: “Truyền thống của Gia Đình Lại Giang được ra đời từ 30 năm về trước tại Nam California, nhưng những năm đầu tiên chỉ có vài thầy cô và bằng hữu họp mặt, và đến năm thứ ba thì Đặc San Lại Giang được ra đời. Sau đó có rất nhiều thầy cô và bạn hữu đã liên lạc được với ban tổ chức, nên Gia Đình Lại Giang có thêm nhiều thầy cô và bạn hữu về họp mặt hằng năm. Nhưng vì định luật của thời gian, nên cũng có rất nhiều thầy cô và bạn hữu đã ra đi vĩnh viễn nơi xứ lạ quê người.”

“Đặc San Lại Giang là tiếng nói của cựu giáo sư và thân hữu của các trường trung học Tăng Bạt Hổ, Bồ Đề Bồng Sơn và Bán Công Tam Quan, thuộc tỉnh Bình Định. Các giáo sư cố vấn gồm có: Lý Di, Lê Đặng Dung, Trần Thị Thu Hà, Vũ Trọng Hoằng, Phạm Viết Hưng, Phạm Xuân Khuyến, Trần Anh Lan, Võ Thu Lương, Văn Thị Mận, Nguyễn Tấn Phúc, Phạm Văn Song, Phan Văn Tá, Hoàng Thanh, Đinh Phúc Văn, Lê Tú Vinh,… Ban biên tập gồm Võ Ngọc Uyển, Nguyễn Trọng Khiêm, Diệp Mạnh Lang, Huỳnh Phi Hổ, Lê Anh Dũng, Võ Thị Thúy Ba Phan Văn Chăng, và một số nhân vật đã kể trên cũng trong nhóm chủ trương,” ông Dũng cho biết thêm.

Các cựu học sinh Liên Trường Quy Nhơn. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong ngày họp mặt, bài nhạc “Hãy Đứng Lên” nhạc và lời của Lê Anh Dũng được các cựu học sinh tại Bồng Sơn đồng hát.

Hình bìa của Đặc San Lại Giang 2019 là do họa sĩ Lương Trường Thọ vẽ.

Ông Phạm Văn Song, cư dân Westminster, cựu giáo sư của trường Tăng Bạt Hổ (1958-1963), sau đó là các trường Nguyễn Tri Phương và Quốc Học, Huế, cho biết: “Học trò cũ của tôi thì rất nhiều. Tại vì trước năm 1975, tôi có duyên được dạy học nhiều trường trung học tại miền Nam Việt Nam. Nhưng đối với tôi, các học trò ở Bồng Sơn thì có nhiều kỷ niệm trong tình thầy trò hơn những trường khác. Những học trò của tôi tại Bồng Sơn rất hiếu học và lễ phép, kính thầy và mến bạn nữa. Vì thế, hằng năm, ban tổ chức Gia Đình Lại Giang họp mặt họ đều mời chúng tôi đến dự. Chứng tỏ rằng, họ là những học trò biết tôn trọng về tinh thần tôn sư trọng đạo.”

Buổi tổ chức có lễ tặng quà cho thầy cô và chương trình văn nghệ do các cựu học sinh ở Bồng Sơn và thân hữu đóng góp. Đặc biệt với sự yểm trợ của lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang. (Lâm Hoài Thạch)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT