Wednesday, May 15, 2024

Paul Châu và tâm niệm ‘khiếm khuyết tạo nên con người bạn’

Trà Nhiên/Người Việt

IRVINE, California (NV) – Em Paul Châu, học sinh lớp 11 trung học Irvine High School, tuy bị chứng ngắn lưỡi nhưng em luôn vươn lên để không chỉ có thành tích học tập xuất sắc mà còn là một vận động viên điền kinh cừ khôi. Mới đây, em vừa được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của tổ chức Orphan Assistance Fund (OAF).

Không chỉ là học sinh xuất sắc, em Paul Châu còn là một vận động viên điền kinh đoạt nhiều thành tích danh giá. (Hình: Paul Châu cung cấp)

OAF là tổ chức bất vụ lợi chuyên gây quỹ giúp đỡ trẻ mồ côi ở nước đang phát triển và quanh vùng Orange County, California.

Tổ chức này hiện có hơn 350 thành viên, đều là học sinh của gần 20 trường trung học trong Orange County.

“Khiếm khuyết tạo nên con người bạn”

Cậu học sinh cho biết do bị bệnh ngắn lưỡi nên em phát âm không rõ chữ và phải đi gặp chuyên gia âm ngữ trị liệu từ lúc 5 tuổi.

“Em chưa bao giờ thấy tự ti về bệnh này,” em chậm rãi nói.

Em tiếp: “Em may mắn khi có gia đình, thầy cô và bạn bè luôn kiên nhẫn lắng nghe em phát âm và thấu hiểu những cố gắng của em. Nếu các bạn vẫn chưa hiểu thì em đánh vần chữ em muốn nói.”

“Đừng bao giờ để bất cứ điều gì ngăn cản bạn nói lên tiếng lòng,” em khẳng khái cho hay.

Đối với em Paul, tất cả các môn học trong trường đều là cơ hội để em phát triển và hoàn thiện bản thân.

“Em không thiên vị các môn học vì tất cả kiến thức đều là cơ hội để em được học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho chính mình,” chàng trai trẻ tâm sự.

Paul Châu (hàng đứng, bìa phải) và các bạn trong đội National History Day Club. (Hình: Paul Châu cung cấp)

Em nhắn nhủ đến các học sinh gốc Á rằng đừng bao giờ phải làm hài lòng người khác khi cố là con ngoan trò giỏi hay ráng theo đuổi thần tượng thiểu số gương mẫu.

“Đừng bao giờ bị áp lực phải là bác sĩ, kỹ sư… ! Hãy làm đều mà bạn muốn. Đôi khi mắc sai lầm cũng được, có khuyết điểm cũng được vì chính những khiếm khuyết tạo nên con người bạn,” em cho biết.

Đối với học sinh gốc Việt, em nhắn nhủ: “Chúng ta rất may mắn khi sống tại đất nước văn minh nên phải luôn trân trọng cơ hội này và đừng nên ỷ lại. Sống trên đất Mỹ, em luôn biết ơn mọi điều may mắn đến với em và gia đình.”

“Sống cuộc đời của chính mình”

Paul Châu cho biết, em ôm mộng vào Học Viện Quân Sự West Point, New York, rồi sau đó sẽ học ngành Chemical Engineering. Sau khi tốt nghiệp ở West Point em muốn học bác sĩ để chữa bệnh trong quân đội.

Chàng trai cho hay, cha mẹ không mấy hào hứng khi nghe con trai muốn vào trường quân đội nhưng Paul lại hạ quyết tâm: “Không ai sống giùm cuộc sống của người khác nên nếu bạn mong mỏi điều gì thì hãy theo đuổi nó và sống cuộc đời của chính mình.”

Em Paul Châu (giữa) trong một cuộc thi điền kinh. (Hình: Paul Châu cung cấp)

Để vào trường West Point, em cho biết phải chuẩn bị thể chất kỹ lưỡng để vượt qua bài kiểm tra khắt khe của học viện quân sự nổi tiếng nhất nhì Hoa Kỳ này.

Nhưng có lẽ cậu học sinh không phải quá lo lắng với phần kiểm tra chạy vì Paul chính là đội trưởng đội tuyển điền kinh và việt dã (Track & Field/ Cross Country) của trường.

Không chỉ có đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, với bộ môn điền kinh, em cũng đoạt nhiều thành tích ưu tú từ huy chương huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc của năm, tới giải thưởng danh giá Champion for Pacific Coast League, và nằm trong top 2,500 vận động viên trung học chạy 3,200 mét nhanh nhất của Hoa Kỳ hồi Tháng Tư, 2022.

Thêm vào đó, để vào được trường West Point, các cô cậu học sinh còn phải có thư giới thiệu của một trong các dân cử như dân biểu liên bang thuộc địa hạt họ sinh sống, một trong hai thượng nghị sĩ liên bang, hoặc phó tổng thống Mỹ.

Vì thế, Paul đang gấp gút chuẩn bị lý lịch (resume) để nộp đơn xin giới thiệu và cũng để nộp cho một số công ty để xin thực tập nhằm trau dồi kinh nghiệm.

Em khuyên các bạn đồng trang lứa nên chuẩn bị “resume” và thư giới thiệu bản thân (personal essay) cho các trường đại học càng sớm càng tốt và phải chỉn chu nhất có thể.

“Các trường đại học không biết bạn là ai nếu chỉ nhìn vào thành tích và ‘resume,’ vì hàng chục ngàn học sinh nộp đơn đều là học sinh toàn diện và có thành tích ngang nhau. Chính ‘personal essay’ chứng minh cho các trường thấy chính bạn là người xứng đáng, và sáng giá để được suất nhập học,” Paul giải thích.

Em Paul Châu (phải) trình diễn guitar trước toàn trường. (Hình: Paul Châu cung cấp)

“Dành thời gian nhìn lại bản thân”

Ngoài những giờ học tập căng thẳng, bận rộn với các hoạt động ngoại khóa, và tất bật điều hành OAF, Paul thường thư giãn bằng cây đàn guitar.

“Cha mẹ thường nghe các bản nhạc xưa nên em cũng ảnh hưởng mà thích chơi guitar cổ điển. Chơi guitar giúp em giải tỏa nhiều suy nghĩ bộn bề trong đầu. Đó là cách em cân bằng cuộc sống,” em cười nói.

“Cuối ngày em thường dành một vài phút sâu lắng để nhìn lại bản thân. Đó là khoảng thời gian em không làm gì cả và chỉ nghĩ thôi, nghĩ điều gì là cần thiết, điều gì là đúng để có phương hướng theo đuổi. Đây là thời điểm để mình chăm sóc bản thân và tâm trí,” em tâm sự.

Em tiếp: “Thường thì em luôn tự tin với các quyết định của mình dù không phải quyết định nào cũng hoàn hảo. Em còn trẻ nên sẽ phạm sai lầm nhưng quan trọng là biết chấp nhận mình sai và hướng tới điều mới mẻ hơn.” [kn]

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT