Monday, April 29, 2024

Nền giáo dục hoà nhập ngày càng được công nhận trên toàn thế giới

Nền giáo dục hòa nhập, nhằm mục đích thúc đẩy quyền con người và duy trì sự phát triển bền vững, đang ngày càng được công nhận và hỗ trợ trên toàn thế giới.

Vào năm 2023, UNESCO và Tổ Chức Hòa Nhập Quốc Tế đã tổ chức một sự kiện làm nổi bật vai trò quan trọng của hai tổ chức này trong việc nâng cao vị thế cho người khuyết tật và giúp họ hôi nhập vào xã hội. Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống giáo dục hòa nhập, nhu cầu cấp bách đối với các chính sách bảo đảm cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh, và sự cần thiết phải giải quyết nhu cầu của những người học yếu thế.

Nền giáo dục hoà nhập đánh giá cao những đóng góp độc đáo của mỗi học sinh. (Hình minh hoạ: Sean Gallup/Getty Images)

Tiến Sĩ Inna Stepaniuk, giáo sư trợ lý thuộc Khoa Giáo Dục, nhấn mạnh tầm quan trọng của nền giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả học sinh. Nghiên cứu của bà, dựa theo phương thức DisCrit (Dis/ability Cri/tical Race Studies – Nghiên Cứu Phê Bình Chủng Tộc và Khuyết Tật), cung cấp các phương pháp phân tích để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và khuyết tật. Phương pháp này xét lại mô hình “một kiểu mẫu chung phù hợp cho tất cả” trong nền giáo dục và cổ võ giải pháp hỗ tương giúp nhận diện và tôn trọng sự đa dạng của các học sinh.

Bà Stepaniuk nhấn mạnh sự cần thiết cho các trường học và giáo viên phải xem xét các phương pháp và chính sách hiện hành, đặc biệt là đối với học sinh đứng giữa hai tình trạng của khuyết tật và chủng tộc. Bà khuyến khích sự chuyển đổi từ việc cải thiện tình trạng cho học sinh sang việc rà soát và cải cách lại hệ thống giáo dục.

Tổ chức Learning for Justice nhấn mạnh vai trò của nền giáo dục hòa nhập phải được đặt trên căn bản nghiên cứu thật cặn kẽ và khách quan. Sự giáo dục hòa nhập không chỉ là việc đa dạng hóa giáo trình; mà còn phải tạo ra môi trường nơi học sinh có thể tham gia vào những cuộc đối thoại có tính xây dựng và học hỏi các quan điểm khác nhau. Nó giúp học sinh xác định phương hướng trong một thế giới đầy những ý tưởng và triết lý tương phản, và khuyến khích họ nên tiếp nhận cùng một lúc nhiều quan điểm khác nhau.

Phương pháp này cũng nhằm trấn an tâm lý một số phụ huynh cảm thấy nền giáo dục hòa nhập đang thúc đẩy một chủ đích cá biệt nào đó, và để chứng minh nền giáo dục này bao gồm nhiều kế hoạch thực tiễn được cộng đồng, các tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp hỗ trợ. Một ví dụ điển hình là tổ chức Heights tại Philadelphia, phục vụ các học sinh nhiều tầng lớp và tập trung vào khả năng năng động về kinh tế, về chương trình giáo dục và hệ thống hỗ trợ cho giới trẻ.

Tóm lại, nền giáo dục hòa nhập là sự chuyển đổi mô hình trong hệ thống giáo dục, tập trung vào nhu cầu và bản chất đa dạng của tất cả học sinh. Nó xét lại các phương pháp truyền thống, khuyến khích khả năng suy xét thật cặn kẽ và khách quan. Qua cách nhận thức và đánh giá cao những đóng góp độc đáo của mỗi học sinh, nền giáo dục hòa nhập không chỉ dành riêng cho học sinh khuyết tật mà còn tạo ra một xã hội công bằng và liêm chính hơn.

MỚI CẬP NHẬT