Wednesday, May 8, 2024

Nguyên nhân trẻ nhỏ học ngôn ngữ nhanh hơn người lớn

Trẻ nhỏ thường tiếp thu ngôn ngữ hữu hiệu hơn người lớn nhờ tác động của nhiều yếu tố như môi trường, nhận thức, hệ thần kinh và quan hệ tương tác kết hợp với nhau.

Ảnh hưởng của môi trường và quan hệ tương tác

Trẻ em tiếp thu ngôn ngữ hiệu quả hơn khi được cha mẹ, người giữ trẻ, thầy cô vun xới tận tình. (Hình minh họa: John Moore/Getty Images)

Trẻ em được sinh ra và sinh hoạt trong môi trường mà ngôn ngữ là phương tiện truyền đạt ý tưởng giữa các phần tử trong gia đình, và sau đó là những tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ trong các sinh hoạt với xã hội, với gia đình, bạn bè và giáo viên khi đến tuổi đi học. Tất cả những yếu tố này tạo nên những cơ hội thật phong phú cho việc học ngôn ngữ vì nó cung cấp cho trẻ cơ hội để quan sát, bắt chước và trau giồi khả năng nói chuyện.

Để giúp trẻ dễ học nghe và nói, cha mẹ và người giữ trẻ tìm cách nói theo trình độ hiểu biết tùy theo tuổi tác của trẻ. Họ điều chỉnh cách nói của họ để phù hợp với trình độ phát triển ngôn ngữ của trẻ. Họ phát âm chậm rãi những câu chữ thật ngắn gọn, đơn giản và lặp lại nhiều lần để trẻ dễ tiếp thu.

Ngoài ra, trẻ còn được cung cấp các phương tiện trợ giúp cho việc phát triển học tập bằng đồ chơi kích thích sự tò mò tìm hiểu, hoặc các trò chơi vui nhộn khuyến khích trẻ tham gia tích cực.

Yếu tố nhận thức và chức năng hệ thần kinh

Trong tiến trình phát triển, não bộ trẻ em đều trải qua một giai đoạn quan trọng của sự tăng cường tính linh hoạt của hệ thần kinh, giúp các em dễ dàng tiếp thu các câu chữ và cấu trúc ngữ pháp. Sau giai đoạn này, khả năng tiếp thu ngôn ngữ sẽ chậm lại khi các em bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành.

Việc học ngôn ngữ của người lớn khó khăn hơn vì não bộ họ bị đóng khung trong sự phát triển đầy đủ của khả năng nhận thức. Khi học một ngôn ngữ mới, người lớn tìm cách điều chỉnh lại cơ cấu trí tuệ hiện có, gây trở ngại cho việc tiếp thu câu chữ, cú pháp, văn phạm mới. Tuy vậy, họ vẫn có thể tận dụng kinh nghiệm thành thạo ngôn ngữ đang sử dụng, hoặc tiếng mẹ đẻ, hoặc một ngôn ngữ thứ hai được dạy từ bé để từ đó so sánh “bắc cầu” sang việc học ngôn ngữ mới.

Phương pháp học ngôn ngữ

Đối với trẻ em, tạo cho chúng một môi trường ngôn ngữ sinh động là yếu tố thiết yếu căn bản. Tập cho chúng nói thường xuyên, cho chúng tiếp xúc với ngoại ngữ và đối thoại bằng ngôn ngữ mình muốn chúng phải học sẽ mang lại những hiệu quả hữu hiệu nhất.

Đối với người lớn, phương pháp học ngôn ngữ cần được soạn thảo cho thích hợp với nhu cầu và thiên tư của họ. Những phương pháp phổ thông và thực tiễn nhất gồm có các khóa học trên mạng, tập nghe qua các chương trình phát thanh, TV, hoặc xem cine… đều có thể giúp họ tiến bộ trong việc học một ngôn ngữ mới.

Tóm lại, trẻ em tiếp thu ngôn ngữ hiệu quả hơn khi sống trong môi trường ngôn ngữ sinh động, được cha mẹ, người giữ trẻ, thầy cô vun xới tận tình, cộng thêm tính linh hoạt cao của hệ thần kinh trong giai đoạn phát triển trí tuệ, và các phương pháp dạy bảo thú vị. Người lớn, mặc dù gặp những thách thức khác nhau do cấu trúc não bộ đã phát triển, vẫn có thể học ngôn ngữ một cách hiệu quả bằng cách tận dụng khả năng nhận thức mạnh mẽ của họ nối kết với nhiều phương pháp học đa dạng hỗ trợ lẫn nhau.

MỚI CẬP NHẬT