Tuesday, May 14, 2024

Tiến Sĩ Orchid Lâm Quỳnh: ‘Chọn ngành đại học, không khó nhưng cần thận trọng’

Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Chọn ngành khi vào đại học không phải là “điều khó khăn,” theo nhận định của Tiến Sĩ Orchid Lâm Quỳnh, hiện dạy toàn thời gian tại Long Beach City College và bán thời gian tại một số đại học khác, đồng thời mở trường dạy kèm Orchid LQ tại Garden Grove.

Tiến Sĩ Orchid Lâm Quỳnh. (Hình: Orchid Lâm Quỳnh cung cấp)

Theo cô Orchid Lâm Quỳnh, tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại Học USC (University of Southern California) năm 2013: “Đây chỉ là lựa chọn giữa môn mình thích và môn mình giỏi thôi.”

“Tuy nhiên, để tránh cho các em những bất ngờ ở năm đầu đại học, khi mà đang phải đương đầu với số lượng bài vở tương đối nặng nề hơn nhiều so với trung học, các em nên tìm hiểu thật kỹ về chuyên ngành của mình để có một khái niệm trước về con đường học vấn của mình,” Tiến Sĩ Orchid khuyên.

Dễ mà khó

Nhưng để hiểu rõ về ngành học của mình, vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Thông thường, trước tiên, các em nói chuyện với bạn bè, cha mẹ hay thầy cô để biết thêm nhiều thông tin.

Hỏi thăm bạn bè thường có những bất lợi vì chính những bạn bè này cũng có những thắc mắc của riêng mình mà ít ai chịu thành thật thú nhận là mình cũng không hiểu rõ vấn đề.

Cha mẹ là người biết nhiều về con em mình, nhưng không phải lúc nào cũng đúng.

Các phụ huynh thường cũng hay trao đổi với nhau về đề tài ngành học của con mình rồi về khuyên con.

Cô Orchid nhắc nhở: “Đây là con dao hai lưỡi. Họ có thể sẽ thu thập được những thông tin bổ ích, nhưng cũng có khi chỉ toàn thông tin lệch lạc không phù hợp cho con em mình. Người xưa thường nói, ‘lắm thầy nhiều ma’ mà.”

Tìm thông tin đúng chỗ, đúng người

“Nhưng cũng có nhiều em tự ‘nghiên cứu’ (research) ngành mình thích trên internet, và đó cũng là con dao hai lưỡi nếu không tìm được thông tin từ đúng nguồn,” Tiến Sĩ Orchid nói. “Vì vậy, các em cần tiếp xúc với những cố vấn ở đại học.”

Cô khuyên: “Đây là những người biết rõ về đại học vì chính họ làm việc ở đại học.”

Cô tiếp: “Những người khác có thể giúp các em là chuyên gia trong ngành các em đang muốn hướng tới. Thí dụ, nếu các em muốn theo dự bị về y khoa (premed), các em nên hỏi ý kiến của những người thuộc lãnh vực y khoa như bác sĩ, nha sĩ hay dược sĩ…”

“Làm gì, ai cũng cần hỏi ý kiến người khác và khi hỏi ý kiến, điều cần nhất là phải biết chọn lọc,” cô Orchid nói.

Chọn lọc ở đây có nghĩa là không nên nói chuyện với quá nhiều người, dễ bị phân tâm.

Cô giải thích: “Ai cũng muốn có ý kiến, và hoàn toàn từ thiện ý mà ra. Tuy nhiên, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Không thể áp dụng chung một công thức cho mọi người.”

Coi chừng đúng quá hóa sai

Ấy là chưa kể đến những lời khuyên rất đúng nhưng nếu áp dụng sai thì chỉ có hại.

Cô cho thí dụ: “Khi ở bậc trung học, em A muốn tham gia quá nhiều sinh hoạt xã hội. Em tin là sinh hoạt xã hội sẽ có lợi khi nộp đơn vào đại học. Tuy nhiên, vì tham gia quá nhiều, em lại xao lãng việc học. Em phải biết rằng, để vào được những đại học nổi tiếng, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là học giỏi.”

Cô tiếp: “Rất nhiều học sinh hiểu lầm và nghĩ nếu em A học giỏi mà không sinh hoạt xã hội thì sẽ không vào được đại học tốt. Điều này chính xác. Tuy nhiên, nếu một học sinh khác, em B chẳng hạn, dẫn đầu những sinh hoạt xã hội mà điểm học tập lại kém thì xem ra em B còn tệ hơn em A.”

Cô cười: “Người được vào đại học tốt sẽ là em C, là người biết thu xếp việc học và việc xã hội một cách hài hoà.”

Tiến Sĩ Orchid Lâm Quỳnh (hàng trước, thứ tám từ trái) cùng các sinh viên tại đại học Long Beach City College. (Hình: Orchid Lâm Quỳnh cung cấp)

Nên là chính mình

Đây là những em đã biết chọn ngành thích hợp rồi. Ngược lại, vẫn có nhiều em, không hiểu vì lý do gì, thường chọn ngành y khoa khi nộp đơn vào đại học.

“Nếu được các em này hỏi ý, trước tiên, tôi sẽ hỏi các em một câu, ‘Con muốn học vì đây là ước mơ của ba mẹ, hay là ước mơ của con?’ Nếu em trả lời, ‘Đây là ước mơ của con’ thì tôi làm mọi cách có thể để chắp cho em đôi cánh,” cô Orchid trình bày.

“Nếu như đây là ước mơ của bố mẹ em và cũng là ước mơ của em, thì còn gì bằng.”

Nhưng nếu chỉ vì đây là ý muốn của cha mẹ, dù là gián tiếp, mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào cách nhìn của các em.

Cô nói: “Tôi không phản đối chuyện các em làm theo giấc mơ của bố mẹ. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào việc các em đang nhìn chuyện này qua lăng kính tốt hay xấu. Nếu qua lăng kính xấu, khi va chạm những khó khăn, như học không nổi, các em sẽ đổ thừa bố mẹ đã đẩy mình vào ngõ cụt. Khi đó, thay vì tìm lối thoát, có những em bị sa lầy trong những khó khăn, dẫn đến những chuyện không hay, như thù ghét gia đình hay xấu hơn nữa là tự hại đến bản thân mình.”

Tóm lại, chọn ngành để vào đại học không quá khó khăn nhưng cũng không quá đơn giản mà cần nhiều đắn đo thận trọng.

Tiến Sĩ Orchid Lâm Quỳnh kết: “Điều khó khăn không phải là chọn môn mình học, mà là học được môn mình chọn.”

Điều quan trọng nhất khi nộp đơn là phải trung thực với bản thân.

Cô nhấn mạnh: “Mình hãy là chính mình. Giữa hàng ngàn hồ sơ giống nhau, những trường hợp ‘đặc biệt’ sẽ được chú ý.” [kn]

––

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT