Friday, April 19, 2024

G.S. Trần Thị Thức kể kinh nghiệm dạy tiếng Việt tại Bộ Ngoại Giao Mỹ

Tâm An/Người Việt

WASHINGTON, D.C. (NV) – Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa tổ chức Lễ Tri Ân Người Về Hưu tại Washington, D.C., hôm Thứ Năm, 2 Tháng Năm, nhằm tôn vinh những đóng góp của các viên chức trong Bộ Ngoại Giao khi đến tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, có một nữ giáo sư người Mỹ gốc Việt, bà Trần Thị Thức, ở Virginia, cựu giảng viên về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt của Học Viện Ngoại Giao (Foreign Service Institute, FSI).

Sinh năm 1943, từng là cựu sinh viên đại học Văn Khoa Sài Gòn, năm 1968 bà Thức được học bổng đi du học Mỹ ngành Giáo Dục tại trường đại học Florida State University. Năm 1971, bà tốt nghiệp cao học và về nước, làm thỉnh giảng môn Giáo Dục ở Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Cao Đài. Sau năm 1975, bà chuyển sang dạy Anh Văn ở Trường Đại Học Nông Lâm.

Năm 1994, bà Thức di cư sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình với con trai, từng vượt biên từ khi mới 12 tuổi.

Bà từng có ba năm đi khắp các nước để vận động về nhân quyền và dân chủ để gây áp lực đối với nhà cầm quyền CSVN, đòi thả tự do cho chồng bà – Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt – khi ấy đang là một tù nhân lương tâm, bị chính quyền Cộng Sản giam cầm gần 20 năm.

Năm 1997, bà từng làm ở đài Á Châu Tự Do (RFA) khoảng nửa năm, sau đó bà được nhận vào làm giảng viên tại Học Viện Ngoại Giao thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của bà là dạy môn Tiếng Việt và Văn Hóa Việt (Language and Culture Instructor, viết tắt là LCI) cho các viên chức ngoại giao trước khi họ sang Việt Nam làm nhiệm vụ. Bà làm việc liên tục tại đây cho tới Tháng Mười Hai, 2018, khi đã bước sang tuổi 75, bà mới chính thức nghỉ hưu.

Để vinh danh công sức đóng góp liên tục trong 22 năm làm việc của bà, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gửi giấy mời bà tham dự Lễ Tri Ân Người Về Hưu và được Ngoại Trưởng Mike Pompeo trân trọng cảm ơn.

Nói chuyện với phóng viên Người Việt, Giáo Sư Trần Thị Thức vui vẻ kể: “Tôi nhận được giấy mời của Bộ Ngoại Giao từ cách đây hai tháng. Họ tổ chức rất chu đáo và chuyên nghiệp. Tất cả các nhân viên chính thức của Bộ Ngoại Giao mà tới tuổi về hưu đều được mời, trong đó có tôi. Chúng tôi đi xe tới một địa điểm tại Kennedy Center, có thẻ đỗ xe miễn phí. Rồi từ đó, có xe đưa đón tới trụ sở Bộ Ngoại Giao ở Washington, D.C.”

Với giọng “Bắc 54” trong trẻo và phát âm rất chuẩn của một nhà giáo dạy ngôn ngữ tiếng Việt, bà Thức kể tiếp: “Buổi lễ diễn ra rất trang trọng. Ban tổ chức trao cho chúng tôi mỗi người một bao thơ, trong đó ghi ‘Hosted by Mike Pompeo’ (Ngoại Trưởng Pompeo tổ chức) và họ ghi tên chúng tôi là “honoree”(người được tôn vinh). Ngoại Trưởng Mike Pompeo đích thân bắt tay từng người ‘honoree’ và bày tỏ sự cám ơn những đóng góp của chúng tôi. Đồng thời, ông còn chụp hình cùng để làm kỷ niệm. Những tấm hình này sẽ được ban tổ chức gửi thư về cho chúng tôi sau.”

Học viên của Giáo Sư Trần Thị Thức là những viên chức ngoại giao chuẩn bị sang Việt Nam làm việc. Trước khi họ nhận nhiệm vụ ngoại giao ở nước nào thì phải học về ngôn ngữ và văn hóa của nước đó.

“Tại lễ về hưu, tôi cũng rất vui khi gặp lại một số sinh viên cũ. Họ đã hoàn thành nhiệm kỳ ngoại giao ở Việt Nam, và quay trở lại Mỹ. Họ tới chào hỏi tôi một cách vui vẻ trân trọng. Một số sinh viên trên Facebook còn nhắn tin hỏi thăm tôi và nói vui rằng tôi là giáo viên dạy tiếng Việt giỏi nhất,” bà chia sẻ.

Bà Trần Thị Thức. (Hình: Thức Trần cung cấp)

Một công việc thú vị, môi trường làm việc tốt 

Kể về công việc làm giảng viên dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt cho các nhân viên ngoại giao, bà Thức cho biết: “Mấy chục năm làm công việc dạy tiếng Việt, ngày nào tôi cũng thấy vui hết. Hơn nữa mình được nói tiếng Việt, được nói về văn hóa Việt. Học viên lại là những viên chức Bộ Ngoại Giao, họ rất lịch sự, nhã nhặn và học hành nghiêm túc.”

“Mỗi tuần cũng dạy 40 tiếng như các công việc toàn thời gian khác. Lương bổng cũng khá, tuy không phải là cao. Đặc biệt là các chính sách xã hội cho công chức liên bang ở Hoa Kỳ rất tốt. Chế độ bảo hiểm của tôi là ‘Blue Cross Blue Shield.’ Cho dù nghỉ hưu tôi vẫn có bảo hiểm này. Không những thế, ông xã tôi cũng được hưởng bảo hiểm theo,” bà cho biết thêm.

Theo thống kê của trang web tuyển dụng nổi tiếng Indeed.com thì công việc dạy tiếng nước ngoài cho FSI có mức lương khoảng từ $68,000 đến $88,000 một năm, tương đương với mức lương một kỹ sư giỏi ở Hoa Kỳ.

Đây là một học viện chuyên dạy về văn hóa và ngôn ngữ để họ cung cấp dịch vụ dạy tới 79 thứ tiếng của hơn 190 nước đang có quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề dạy học, bà Thức nhận xét: “Giáo dục là một nghề giúp mình luôn được bổ sung kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để dạy học viên. Một nghề được nói tiếng của mình, lại còn dạy văn hóa, ngôn ngữ mình. Hơn nữa, học viên lại là những viên chức ngoại giao, họ rất lịch sự và nhã nhặn, học hành nghiêm túc.”

Kể về các khóa học ngôn ngữ và văn hóa Việt tại FSI, bà Trần Thị Thức cho biết: “Tùy theo nhiệm vụ, chức vụ mà khóa học dài ngắn khác nhau. Nếu là đại sứ thì họ có phiên dịch nên chỉ học ít thôi. Nhưng các tổng lãnh sự, phó tổng lãnh sự hay phó đại sứ thì phải học 44 tuần, tức gần một năm.”

“Các học viên phải học khá vất vả môn này. Họ phải vượt qua nhiều kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp họ phải đạt tối thiểu là điểm 3.0 môn nói và 3.0 đọc. Các bài họ đọc, tôi thường lấy từ các báo tiếng Việt như BBC, VOA, Lao Động, VNExpress. Bài thi đọc gồm 500 chữ họ chỉ được đọc trong 7-10 phút và phải tóm tắt nội dung bài đọc đó. Các bài nói phải phát âm chuẩn nhất là các từ có dấu, đúng văn phạm, đúng ngữ nghĩa.”

Nói về những kỷ niệm đáng nhớ khi giảng dạy, bà Thức kể: “Tiếng Việt của ta là loại tiếng có dấu (Tonal Language) nên đây là điều khó khăn với các học viên. Trong giờ học, có nhiều lúc các học viên hay phát âm sai dấu, khiến cả lớp bật cười. Chẳng hạn như, có một học viên đã nói sai ‘nhập cư’ thành ‘nhập cu’ khiến cả lớp cười nghiêng ngả. Hay một chuyện cười khác là một viên chức ngoại giao người Mỹ gốc Thái khi đi công tác tại Hà Nội, đã phát âm sai chữ ‘nhà thờ’ thành chữ ‘nhà thổ’ khiến tài xế taxi hiểu lầm. Ông ta được chở tới một nhà nghỉ thay vì tới nhà thờ.

“Tôi phải tập về dấu và giọng đọc cho họ rất kỹ. Ở đó chỉ dạy tiếng Bắc và tiếng Nam. Ai sẽ làm văn phòng Lãnh Sự Quán ở Hà Nội thì học với giáo sư người Bắc, còn ai làm ở Sài Gòn thì học với giáo sư người Nam,” bà kể thêm,

Giáo Sư Trần Thị Thức (ngồi, hàng đầu, trái) cùng các đồng nghiệp, là những người Mỹ gốc từ nhiều sắc dân khác nhau, nhưng tất cả đều mặc áo dài truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam. (Hình: Thức Trần cung cấp)

Ngoài ra giảng viên phải giảng giải về truyền thống, văn hóa Việt. “Tôi phải dạy cho họ hiểu về các câu ca dao, tục ngữ quen thuộc, những phép ứng xử, phong tục tập quán của người Việt,” bà nói.

Tuy nhiên, theo bà, sau khi học xong, đa số các học viên nhận xét rằng: “Tiếng Việt càng học thì càng thú vị vì văn hóa của Việt Nam đa dạng và phong phú. Tiếng Việt chỉ khó ở cách bỏ dấu, xưng hô và các từ đồng âm, đồng nghĩa mà thôi.”

Làm sao để có được công việc này? 

Theo Giáo Sư Trần Thị Thức, những năm trước Bộ Ngoại Giao tuyển dụng trực tiếp. Hiện nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thường ký hợp đồng với Học Viện FSI để tuyển giảng viên.

“Những người có bằng cấp từ đại học trở lên về ngành ngôn ngữ, giáo dục và yêu thích nghề nhà giáo, phát âm chuẩn và yêu tiếng Việt thì nghề này rất thích hợp,” bà nói.

Bà cho hay, những ai quan tâm tới ứng tuyển công việc này, có thể liên lạc Phòng Nhân Sự, Học Viện FSI để biết thêm chi tiết:

-Email: [email protected]

-Website: www.state.gov/m/fsi/

-Địa chỉ: 1800 North Oak Street, Suite 1802, Arlington, VA 22209

-Số điện thoại: (240) 401-6310. (Tâm An)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT