Sunday, May 12, 2024

Giáo sư UC Berkeley nói về Nhân Văn Giai Phẩm: Đàn áp vẫn không xóa được

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Là một phần của chương trình “Viet Nam Lectures,” buổi thuyết trình mang chủ đề “Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và chủ nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam những năm 1950” do Tiến Sĩ Peter Zinoman, giáo sư sử học của Đại Học University of California, Berkeley (UC Berkeley) là diễn giả diễn ra lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 2 Tháng Ba tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, thành phố Westminster.

Giáo Sư Tiến Sĩ Peter Zinoman tỏ ra am tường lịch sử Việt Nam cận đại trong buổi thuyết trình. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chương trình “Viet Nam Lectures” của Đại Học University of California, Irvine (UC Irvine), với sự nỗ lực của Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Dịu Hương, được tổ chức hàng năm, chú trọng đến các chủ đề lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Ông Zinoman là giáo sư sử học lâu năm trong ngành nghiên cứu Việt Nam học tại Hoa Kỳ, người thầy của nhiều học giả trẻ nghiên cứu về Việt Nam tại UC Berkeley.

Trong phần mở đầu, ông Zinoman tóm lược về bối cảnh lịch sử miền Bắc Việt Nam dưới sự thống trị của Cộng Sản đưa đến sự thành hình của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, một phong trào văn hóa mang xu hướng chính trị của một số văn nghệ sĩ, trí thức, khởi xướng từ đầu năm 1955 và kết thúc vào Tháng Sáu năm 1958.

Khán giả chăm chú nghe thuyết trình của ông Zinoman tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong thời gian chống Pháp 1945, rất nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc bắt tay với Việt Minh. Nhưng sau khi nhìn ra bản chất thực sự của Việt Minh, nhiều người thất vọng và có tư tưởng chống đối.

Trong thời gian này, Đảng Cộng Sản Việt Nam còn đang bối rối sau vụ đấu tố giết người tập thể lại nhân dịp Tháng Hai, 1956, Đảng Cộng Sản Liên Xô tổ chức đại hội lần thứ 20. Trong đại hội này, Tổng Bí Thư Liên Xô Nikita Khrushchev đọc báo cáo về di hại của tệ nạn sùng bái cá nhân trong lúc Trung Quốc công bố chính sách Trăm Hoa Đua Nở nên phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm trong nước là một mầm mống phản động phải loại bỏ triệt để.

Thực sự, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tuyên bố mục tiêu là đòi quyền tự do thể hiện quan điểm chính trị cho giới nghệ sĩ. Do đó, nhà cầm quyền Cộng Sản buộc tội phong trào đội lốt văn nghệ sĩ, bị tình báo nước ngoài cài vào ở miền Bắc nhằm khích động quần chúng phủ nhận sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam, gây phương hại đến sự nghiệp đấu tranh giành quyền độc tôn, độc đảng của họ.

Hình ảnh cụ thể làm khán giả như đang chứng kiến sự kiện. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Giáo Sư Zinoman nói sự đàn áp của Cộng Sản Việt Nam với phong trào Nhân Văn Giai Phẩm gồm khủng bố, công khai đả kích, tuyên truyền chống đối, đưa ra tòa án nhân dân, bắt bớ, tù đày, bắt làm tự kiểm điểm,…

Theo ông Zinoman, tác phẩm “Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc” của nhà văn Thụy Khuê nêu lên nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ nòng cốt của phong trào như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Phan Khôi, Thụy An, Phùng Quán, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Hoàng Cầm, Trương Tửu,…

Đặc biệt nhất là nhà văn Thụy An, phụ nữ duy nhất trong năm người bị đưa ra phiên tòa ngày 19 Tháng Giêng, 1960, đã vì quá oan ức đã tự móc mắt.

Sau đó, để được yên ổn, nhiều ngòi bút đã chĩa mũi dùi theo chế độ bôi nhọ thể chế Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam

Khi nghe nhắc lại đất nước bị phân chia, ai cũng bùi ngùi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Tác hại lâu dài của vụ đè nén phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là cướp mất bao nhiêu trí thức ở miền Bắc trong lúc những người di cư vào Nam, nhờ có quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác nên có nhiều thành tựu để đời.

Tuy ông Zinoman nói về một đề tài không mới mẻ gì nhưng nhiều học giả gốc Việt có mặt trong số khán giả rất tán đồng.

Tiến Sĩ Phạm Thị Huê, người có công rất nhiều trong sự nghiệp giáo dục cho giới trẻ gốc Việt tại Orange County nói: “Đề tài cũ nhưng tôi biết thêm được một điều là Cộng Sản quá dối trá, dám tuyên truyền hoàn toàn trái ngược về nền giáo dục của miền Nam. Tôi chưa hề thấy miền Nam Việt Nam lơ là về giáo dục bao giờ. Vào Nam lúc còn bé nhưng bản thân tôi cũng như bạn bè chưa một ngày không đến lớp. Nghe luận điệu tuyên truyền dối trá của Cộng Sản mà tôi tức quá.”

Khán giả chăm chú nghe diễn thuyết, không ai xì xầm chuyện riêng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân, tác giả hồi ký “Trung Kiên Với Lý Tưởng,” nói: “Tôi vui khi có người Mỹ nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Tôi nghĩ nhờ họ mà sử của mình không bị mai một. Cộng Sản trong nước luôn tìm cách giấu giếm sự thật. Nhưng có những người như ông Zinoman thì Cộng Sản có đàn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đến đâu thì cũng không bôi xóa được lịch sử Việt Nam.”

Đến dự buổi thuyết trình, ông Nguyễn Trường Khoan và vợ là Kim Loan, ở Rancho Santa Margarita, cùng có dịp ôn lại chuyện cũ đồng thời học hỏi thêm vài thông tin mới.

“Như Nhân Văn Giai Phẩm [sau khi bị đàn áp] đã có những bài vở và hí họa chế diễu miền Nam,” ông Khoan trình bày.

Có người gốc Việt trẻ tuổi không đụng chạm đến chính trị nhưng luôn thiết tha đến văn hóa dân tộc.

Cô Linh Kochan, ở Irvine, cười: “Là thế hệ trẻ, tôi có nghe cha mẹ nói sơ về đề tài này nhưng hôm nay tôi học hỏi rất nhiều và thấy vui vì biết thêm một phần về sử cận đại của Việt Nam.”

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Dịu Hương thuộc Đại Học UCI là người đứng ra tổ chức chương trình “Viet Nam Lectures” hàng năm. (Hình: Đằng-Giao/Ngươi Việt)

“Sống ở đây nhưng tôi rất quan tâm đến quê hương,” cô thêm. “Tôi cám ơn Đại Học UCI đã tổ chức buổi thuyết trình này.”

Có lẽ là khán giả trẻ tuổi nhất, anh Vũ Quý Hiển, cư dân Santa Ana, nói: “Tôi rất thích được nghe quan điểm của người Mỹ về lịch sử Việt Nam. Họ có cái nhìn chủ quan hơn và có lẽ chính xác hơn.”

Còn ông Nguyễn Văn Khanh, từ Virginia về, nói: “Cũng là những câu chuyện đó thôi, với tôi không có gì mới nhưng tôi cũng thích vì có dịp ôn lại những gì mình đã biết, nhất là qua cái nhìn của người Mỹ.” [kn]

–—
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT