Friday, April 26, 2024

Hãy bảo lãnh một người lính Nhảy Dù

Nam Lộc

Ông tên là LĐL (xin viết tắt vì vấn đề an ninh, nếu có người bảo trợ chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết). Ông L. hiện đang sống vất vưởng ở Thái Lan từ hàng chục năm qua như hàng trăm người tị nạn Việt Nam khác đang sống tại vương quốc này. Ông đã phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng Sản và tránh sự ngược đãi của chế độ đối với những cựu quân nhân QLVNCH ở quê nhà hiện nay. Ông LĐL là quân nhân phục vụ tại Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, sau Tháng Tư, 1975, ông trốn trình diện, sau đó lưu lạc sang Cambodia từ năm 1981, rồi qua Thái Lan năm 2003.

Một gia đình người Việt tị nạn ở Thái Lan. (Hình minh họa: Lillian Suwanrumpha/AFP via Getty Images)

Bên cạnh ông LĐL, chúng tôi thấy còn có ông NVH, một cựu quân nhân Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Cuộc hành trình tìm tự do thật gian nan, vất vả, kéo dài trên 30 năm mà vẫn còn miệt mài đi hoài và đi mãi! Cũng tương tự như hoàn cảnh trên, ông PMK, một thuyền nhân của trại Sikiew, trốn trục xuất về Việt Nam từ đầu thập niên 1990, cho đến nay vẫn chốn chui, chốn nhủi, quyết không trở lại quê hương cho đến khi không còn Cộng Sản cai trị đất nước…

Hoặc như mẹ con chị ĐTBN, đến Thái Lan từ năm 1990, bị trục xuất về Việt Nam năm 1996, sống cuộc đời gian truân, trên quê hương nhiễu nhương, đầy kỳ thị đối với những kẻ đã một lần bỏ nước ra đi. Để rồi vào năm 2018, chị đành phải một mình đưa con đi tị nạn từ lúc cháu vừa 11 tuổi. Cô bé năm nay đã lên 17, cháu chỉ ước ao được đến bến bờ tự do và được vào chủng viện để trở thành một nữ tu Công Giáo, hầu xoa dịu nỗi khổ đau của nhân loại, mà mẹ con cô chính là những người bất hạnh đã và đang phải trải qua….

Họ là đồng bào của chúng ta, họ là đồng hương của quý vị. Họ là chiến hữu của các cựu quân nhân QLVNCH. Họ cũng có thể là những người đồng đạo, cùng đơn vị, là người thân ruột thịt hay là bạn cùng trường, cùng sở, cùng quê, của quý vị… Họ cũng là những người tị nạn như hàng triệu người tị nạn Việt Nam khác, nhưng muộn màng và bất hạnh. Họ đang sống bất hợp pháp trên đất Thái Lan, chờ mong phép lạ để có một ngày được đến bến tự do.

Và giấc mơ xa vời đó đã vừa đến gần với họ, khi chính phủ Mỹ mở cánh cửa nhân đạo cho phép người Việt ở Hoa Kỳ được bảo lãnh họ qua chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” (Welcome Corps), mà chúng tôi đã phổ biến và kêu gọi sự tiếp tay của toàn thể quý vị đồng hương ở Hoa Kỳ từ hơn một năm qua. Nhưng cánh cửa chỉ mới vừa thực sự mở ra vào đầu năm nay, khi mà Giai Đoạn 2 (Phase#2) vừa được chính thức bắt đầu, cho phép bảo lãnh bất cứ người tị nạn nào đã có mặt tại Thái Lan trước ngày 30 Tháng Chín, 2023, và họ đã ghi danh xin tị nạn với văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Bangkok.

Chắc chắn có những chiến hữu của anh LĐL sẽ hỏi, vậy nếu tôi muốn bảo trợ người lính Nhảy Dù ấy thì phải làm sao? Câu trả lời: RẤT GIẢN DỊ. Quý vị chỉ cần thành lập một “Nhóm 5 Người” (Group of 5), hoàn thành các thủ tục nộp đơn. Ngoài ra, chỉ cần có trong tài khoản ngân hàng số tiền $2,425 để giúp ông L. khi đến định cư ở Hoa Kỳ trong vòng ba tháng đầu, sau đó hoặc là ông có công ăn việc làm, hoặc là chính phủ sẽ giúp tiếp cho ông cho đến khi ông tự lực cánh sinh, người bảo trợ hết trách nhiệm. Nhưng nếu muốn, họ vẫn có thể nộp đơn để bảo lãnh một gia đình khác, như gia đình của vợ chồng ông NVH, cựu quân nhân Sư Đoàn 5 Bộ Binh, vào sinh, ra tử tại An Lộc ngày nào.

Và nếu cộng đồng chúng ta có được hàng trăm “Nhóm 5 Người” thì hàng trăm gia đình tị nạn của chúng ta sẽ có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng tự do. Cùng nhau, chúng ta sẽ đóng lại trang sử thuyền nhân trong công bằng và danh dự.

Kể từ khi chương trình “Welcome Corps” bắt đầu “Giai Đoạn 2” thì đã có rất nhiều người bảo trợ cũng như đồng bào tị nạn xôn xao đi tìm kiếm nhau. Có những nhóm bảo lãnh bay sang tận Thái Lan để tiếp xúc trực tiếp với đồng bào. Ngược lại, có nhiều người tị nạn viết thư cho chúng tôi để tìm người bảo trợ.

Hiểu được sự bận rộn của những vị ân nhân có lòng, nhưng không có thời gian, chúng tôi đã thành lập các nhóm thiện nguyện để hỗ trợ quý vị nộp đơn bảo lãnh đồng hương của mình. Quý vị có thể vào trang web bằng tiếng Việt: https://conduonghyvong.com/ để biết thêm chi tiết.

Đồng bào tị nạn muốn tìm người bảo trợ cũng có thể liên lạc với chúng tôi qua các địa chỉ email sau đây: [email protected], [email protected], và [email protected].

Xin chúc lành toàn thể quý vị. [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT