Wednesday, May 15, 2024

Hội Cựu Sinh Viên QGHC Nam California Tưởng Niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi tưởng niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư do Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh (QGHC) Nam California tổ chức hôm 27 Tháng Tư tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt với đông đảo người tham dự.

Trong buổi Tưởng Niệm 30 Tháng Tư. Từ trái, ông Nguyễn Huy Sỹ; ông Trần Bạch Thu; GS Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng và ông Ngô Ngọc Vĩnh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hầu hết những cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh ngày xưa, bao gồm những người đã làm việc trong chính phủ, có người nay đã lớn tuổi đang ở khắp nơi trên thế giới, và buổi lễ hôm nay cũng là để tưởng niệm những đồng môn đã mất trong lao tù cộng sản sau 1975. Cũng có những niên trưởng lớn tuổi như ông Trần Ngọc Tôn (94 tuổi,) cựu sinh viên QGHC Khóa 2, và Khóa 1/Thủ Đức, dù ở xa cũng lặn lội về tham dự.

Cựu sinh viên QGHC Ngô Ngọc Vĩnh, thành viên ban tổ chức, cho hay: “Hôm nay là một ngày đặc biệt để tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư, ngày đau thương của miền Nam Việt Nam. Đặc biệt có sự trình bày của diễn giả Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng để nói về những bí mật chưa từng được tiết lộ liên quan đến ngày 30 Tháng Tư, những sự kiện được giấu kín bao nhiêu năm nay.”

Trong một giờ được trình bày, thời gian quá ngắn để nói về một câu chuyện quá dài, nhưng Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, với tuổi đã 88 ông cũng khó nói dài hơn được nữa, mà theo ông thì đây là tiếng nói cuối cùng của ông để nói lên sự thật lịch sử.

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong một giờ đồng hồ đã trình bày những kế hoạch, giải pháp cho miền Nam lúc bấy giờ, nhưng với thời lượng giới hạn, ông chỉ trình bày được mấy điểm như sau, để giải quyết vấn đề sinh tử của miền Nam lúc bấy giờ.

Quang cảnh buổi tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư của Cựu Sinh Viên QGHC Nam California. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thứ nhất, những tín hiệu rất rõ ràng từ Washington bật đèn xanh cho Bắc Việt tấn công miền Nam, với chiến dịch Tây Nguyên và sau đó là những chiến dịch khác.

Thứ hai là chiến dịch rút về Phú Quốc, đưa hai triệu người từ quân đội, cảnh sát và công chức miền Nam ra Phú Quốc để làm một Đài Loan thứ hai.

Thứ ba là chiến lược bỏ Sài Gòn, chỉ để một sư đoàn giữ Sài Gòn, rút về miền Tây lập một Sài Gòn nhỏ với thủ đô là Cần Thơ, an toàn hơn khi ngoài mặt biển có hải quân giữ, trong đất liền thì có tuyến biên giới mới từ Mỏ Vẹt ra tới biển rất dài, chờ đến 1976, 1977 khi đó có kinh phí rồi tính.

Thứ tư là chiến dịch đi vay Mỹ $3 tỷ, mỗi năm $1 tỷ, sẽ trả trong vòng 10 năm, lãi suất do Quốc Hội quyết định, Việt Nam sẽ lấy dầu hỏa và nông nghiệp để làm bảo chứng. Đó là những chiến lược cuối cùng của miền Nam.

Cuối cùng là Trung Cộng muốn nhảy vào đánh tập hậu miền Bắc để ngăn cản Bắc Việt đánh vào Sài Gòn, vì sao là đồng minh viện trợ cho Bắc Việt tấn công miền Nam lại ngăn cản chiến thắng của họ,… và còn nhiều bí ẩn nữa.

Từ trái, các cựu sinh viên QGHC Trần Bạch Thu và Ngô Ngọc Vĩnh, ông bà Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng, các cựu sinh viên QGHC Trần Ngọc Tôn và Nguyễn Huy Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong buổi tưởng niệm với thời lượng có hạn, câu chuyện trình bày những bí ẩn của những ngày cuối cùng của miền Nam cho đến giờ này vẫn chưa biết hoặc rất ít người biết đến, vẫn chưa giải đáp hết được, với rất nhiều câu hỏi đặt ra.

Ông Hoa Thế Nhân, cựu sinh viên QGHC, cho hay: “Lúc đó tôi đang làm việc tại quận 5, Sài Gòn, nơi tập trung người Hoa đông nhất ở Sài Gòn, cho hay lúc đó khoảng ngày 22 hoặc 23 Tháng Tư, lúc ông Hương vừa lên thay thế với chức vụ tổng thống, tức là gần cuối cùng của ngày 30 Tháng Tư. Vì ông trung tá quận trưởng quận 5 đi đâu rồi, tôi lên thay với nhiệm vụ là Xử Lý Thường Vụ của quận 5, Sài Gòn.”

Với tư cách là một nhân chứng trong cuộc diện, ông Nhân chia sẻ rằng vì Trung Cộng lúc đó nghĩ rằng Bắc Việt ngả theo phía Nga, mà Trung Cộng luôn không muốn Việt Nam thống nhất, nên nhớ giải pháp chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17 là do Trung Cộng đề nghị.

“Và cũng nên nhớ trong hồi ký Văn Tiến Dũng có nói Bắc Việt dự định chiếm miền Nam năm 1978 chứ không phải 1975. Nhưng vì đây là một dự án của Mỹ khi đã quyết định, cuộc chiến Việt Nam là do Mỹ dàn dựng, nên không có giải pháp nào cứu vãn tình thế miền Nam ngoài giải pháp 30 Tháng Tư 1975. Cho nên ngay khi Tổng Thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, người Hoa ở Chợ Lớn liền treo cờ Trung Cộng ngay lập tức, như vậy Trung Cộng đã có chuẩn bị rồi. Theo tôi, có một sự sắp xếp nào đó nhưng bị vỡ kế hoạch vào giờ chót, đây cũng một giải pháp bí ẩn cho tới hôm nay.”

Tiếp theo là những câu hỏi, như khi biết chắc Mỹ đã bỏ rơi VNCH, có phải là do Mỹ muốn viện trợ cho Do Thái không? Thế đứng của người Việt Quốc Gia trong vận hội mới sẽ như thế nào? Hoặc có những câu hỏi đặt ra như VNCH lúc đó đang muốn vay tiền ở một nước Trung Đông để mua súng đạn chống lại cộng sản vì không được Mỹ viện trợ quân sự nữa, và có dư luận là tại sao VNCH không dùng trữ lượng vàng tại Ngân Hàng Quốc Gia và dầu lửa để mua súng đạn khẩn cấp? Có câu hỏi như trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng nghĩ gì về việc hòa giải?…

Giáo Sư Nguyễn Đình Cường đọc bọc bài thơ “Xin Hãy Ghé” sáng tác Trần Văn Lương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Những bức thư tay của Tổng Thống Nixon gởi cho Tổng Thống Thiệu cam kết bảo vệ và yểm trợ VNCH vô cùng quan trọng, tại sao không phổ biến sớm hơn để gây ảnh hưởng dư luận quần chúng và Quốc Hội Mỹ, mà lại giữ kín đến giờ phút cuối khi VNCH trên bờ sụp đổ mới công bố thì đã quá trễ? Lỗi này tại sao và tại ai? Và tại sao Tổng Thống Thiệu không viết hồi ký để kể lại câu chuyện lịch sử này,?… và còn nhiều câu hỏi nữa nhưng không còn thời gian để trả lời.

Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng cho biết ông tập trung vào việc cho thấy những bí ẩn trong cuộc chiến Việt Nam, và sự sụp đổ và mất miền Nam có nhiều bí ẩn cho tới giờ phút này vẫn chưa được biết đến. Sẽ được trả lời trong cuốn sách ông vừa hoàn thành “Bức Tử VNCH, Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm,” sẽ trình bày trong ngày 5 Tháng Năm sắp tới.

Buổi tưởng niệm 30 Tháng Tư của Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh diễn ra trong tâm trạng u buồn nhưng lại sôi nổi với những ý nghĩ tích cực bằng nhiều câu hỏi đặt ra, với nhiều uẩn khúc sau 49 năm nay vẫn chưa có câu trả lời. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT