Tuesday, May 14, 2024

Hội thảo quyền chủ nhà ‘mobilehome’ thu hút người tham dự nhưng ‘chưa thỏa mãn’

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Rất đông người tham dự buổi hội thảo về quyền chủ nhà “mobilehome” do nhóm VietRISE cùng Public Law Center phối hợp với Liên Hiệp Cư Dân Mobile Home Orange County tổ chức sáng Thứ Bảy, 12 Tháng Tám, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.

Người tham dự buổi hội thảo chật phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trước khi bắt đầu, Luật Sư Trang Nguyễn, thuộc Public Law Center (PLC), loan báo rằng những gì bà sắp đề cập chỉ có tính chung chung và mỗi trường hợp cụ thể sẽ khác nhau, nên chủ nhà cần làm việc với luật sư để có thông tin chính xác.

“Mọi người nên biết đạo luật nhà ở và làm việc công bằng (Fair Employment and Housing Act – FEHA), đạo luật nhà ở công bằng (Fair Housing Act – FHA), đạo luật nhân quyền Unruh (Bộ Luật Dân Sự điều 51), đạo luật về người Mỹ khuyết tật (Americans with Disabilities Act – ADA) và mục 504 của đạo luật phục hồi chức năng năm 1973,” bà Trang cho biết.

Trong phần nói chuyện, thay vì trình bày chủ đề cho tham dự viên, bà đọc luật Mobilehome Residency Law mà bà gọi tắt là “MRL” cho mọi người cùng nghe.

Theo đó, theo luật California, trước khi ký hợp đồng, người muốn thuê đất (hay chủ nhà) nên biết phía chủ đất không có quyền hỏi bất cứ thông tin gì về tình trạng cư trú hoặc quốc tịch của người muốn thuê.

Nếu người muốn thuê đất không nói tiếng Anh mà không có thông dịch viên thì phía chủ đất phải cung cấp một hợp đồng bằng ngôn ngữ được yêu cầu.

Sau khi thỏa thuận hợp đồng, chủ nhà có quyền trả tiền mướn bằng “check” hay “money order” và nhận hóa đơn.

Chủ đất không được phân biệt đối xử đối với chủ nhà.

Luật Sư Trang Nguyễn, nhân viên Public Law Center, là thuyết trình viên duy nhất của buổi hội thảo. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chủ đất không được trả đũa chủ nhà khi chủ nhà thực thi quyền hợp pháp của mình.

Bà cho biết vài thí dụ về quyền hợp pháp của chủ nhà (hoặc cư dân, người chung nhà) là báo cáo tình trạng xấu trong khu đất cho ban quản lý khu đất hay HCD (Housing and Community Development) hay thành lập một tổ chức cho cư dân hoặc phản đối việc tăng tiền thuê bất hợp pháp.

Bà cũng cho vài thí dụ về hành vi trả đũa của chủ đất là tăng tiền thuê, giảm bớt dịch vụ hay trục xuất chủ nhà.

Nếu chủ nhà cảm thấy mình bị trả đũa thì có thể nộp đơn ra tòa để bảo vệ quyền lợi hay đòi bồi thường thiệt hại tài chính (nếu có).

Bà đọc tiếp: “Chủ nhà được bảo đảm quyền họp mặt trong khu đất mà không bị làm phiền và cũng có quyền mời viên chức chính phủ, ứng cử viên có một chức vụ công, hoặc đại diện của các tổ chức nhà tiền chế (mobilehome) để gặp các chủ nhà trong khu đất và thảo luận các vấn đề mà khu đất quan tâm.”

Ngoài ra, chủ nhà có quyền sử dụng hội quán của khu đất để tổ chức họp mặt mà không bị đặt cọc tiền dọn dẹp, miễn là chủ đất (hay cư dân) chủ trì buổi họp mặt chào đón chủ nhà (hay cư dân) trong khu đất.

Chủ nhà hay cư dân có quyền hưởng sự yên tĩnh trong căn “mobilehome” của mình mà không bị chủ đất “can thiệp đáng kể.”

Chủ đất không được xâm nhập nhà bất hợp pháp và cũng không được xâm nhập không gian nhà bên ngoài vào thời điểm không hợp lý (như sau 10 giờ đêm).

Bà nhắc rằng trẻ em chơi đùa ồn ào không phải là hành vi vi phạm quyền hưởng sự yên tĩnh.

Về trách nhiệm của chủ nhà và cư dân (người ở chung với chủ nhà), bà Trang cho biết: “Tùy vào hợp đồng và nội quy, quy định của khu đất, chủ nhà thường là bên chịu trách nhiệm bảo trì cây xanh.”

Ngoại lệ là cơ quan quản lý khu đất chịu trách nhiệm cắt tỉa cây xanh trong khu vực chung hoặc trong không gian nhà riêng nếu có cây cối gây ra nguy hiểm cụ thể hoặc vi phạm quy định sức khỏe và an toàn.

Bà tiếp tục đọc: “Ban quản lý khu đất chịu trách nhiệm bảo trì tất cả đường lái xe vào nhà mà chủ đất xây dựng. Chủ nhà phải chịu trách nhiệm bảo trì nếu tự xây đường lái xe vào nhà hoặc làm hỏng.”

Về cảnh quan chung, chủ đất không được yêu cầu chủ nhà mua, thuê hàng hóa hay dịch vụ của cá nhân, công ty hay tập đoàn nào theo ý họ.

Tuy nhiên, chủ đất có quyền đặt ra các yêu cầu bảo trì và làm đẹp cảnh quan.

Về vấn đề trục xuất chủ nhà, bà Trang Nguyễn cho hay: “Để trục xuất chủ nhà, chủ đất phải gởi văn bản thông báo cho chủ nhà trước 60 ngày để chấm dứt hợp đồng.”

“Chủ đất phải trao văn bản thông báo tận tay chủ nhà hoặc cho một người trên 18 tuổi và gởi qua bưu điện hoặc dán trên nhà,” bà thông báo. “Chủ đất không được chấm dứt hợp đồng nếu không dựa vào ‘lý do cụ thể’ theo MRL.”

Một vài thí dụ về “lý do cụ thể” theo MRL là chủ nhà tự ý xây dựng thêm hoặc sửa chữa bên ngoài mà không có sự chấp thuận của chủ đất, quấy rầy lối xóm, mại dâm, xì ke ma túy… hay không trả tiền đất, điện nước…

Người tham dự hội thảo ngồi đến phút chót. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà nhấn mạnh: “Nếu chủ nhà vi phạm lỗi lần đầu thì sẽ nhận được yêu cầu phải sửa đổi trong bảy ngày. Nếu cứ tiếp tục lỗi ấy thêm hai lần nữa trong 12 tháng thì lần thứ tư có thể nhận được giấy trục xuất.”

Thông thường, giấy trục xuất thông báo chủ nhà có 60 ngày để bán nhà hoặc kéo nhà đi, theo bà Trang.

“Sau khi sửa đổi sai phạm đúng hạn, chủ nhà nên viết thư báo rằng mình đã sửa rồi,” bà nhắc. Tuy nhiên, chủ nhà cũng có thể nộp đơn khiếu nại ra tòa trình bày là mình bị oan ức.

Đề tài cần thiết nên đông người tham dự nhưng một số người không thỏa mãn.

Một tham dự viên chỉ cho biết tên là Henry nói: “Tôi muốn nghe về đề tài này nhưng tôi không vui vì cả phòng là người Việt trong lúc chừng một, hai người là không biết tiếng Việt mà bà luật sư lại bỏ ra nửa thời gian nói tiếng Anh cho họ. Làm vậy lâu lắc quá và vì trễ giờ nên bà phải bỏ mất nhiều thông tin mà đúng ra tôi được nghe.”

Một bà tên Rosey cũng đồng ý với ông Henry: “Đúng ra số đông phải hơn thiểu số mà ở đây một, hai người lại ngang với số đông. Đề tài này rất hay nên tôi tới đây mà tiếc quá, bà luật sư nói tới hai thứ tiếng làm thời gian dài gấp đôi nên giờ chót phải ‘chạy nước rút’ mà còn không kịp.”

“Dù bà luật sư nói chuyện không hấp dẫn chút nào nhưng vì chủ đề này quan trọng đối với tôi nên tôi ngồi đến giờ chót. Tôi đang tính mua một căn mobilehome ở Santa Ana nên cần mọi thông tin,” ông Trung Hứa, ở Garden Grove nói. ”Nhưng nghe chưa ‘đã’ mà hết giờ rồi.”

Một số người mong ban tổ chức sẽ có buổi hội thảo tương tự với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. [kn]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT