Thursday, March 28, 2024

Họp mặt Hè 2018 của cựu Học Sinh Di Cư 54

 

Nguyên Huy/ Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Chủ Nhật 15 Tháng Bảy, tại phòng hội của nhật báo Việt Báo trên đường Moran, Westminster, các cựu Học Sinh Di Cư 1954 Phú Thọ-Gia Long lại có cuộc họp mặt hàng năm để cùng nhau hàn huyên chuyện cũ vào những năm tháng sau ngày đất nước bị chia đôi do Hiệp Định Geneve năm 1954.

Ông Nguyễn Huy Hiền, thành viên ban tổ chức, cho biết : “Đây là một dấu mốc lịch sử của dân tộc nói chung và của một thành phần giới trẻ miền Bắc phải bỏ quê hương miền Bắc di cư vào miền Nam lánh nạn cộng sản. Trong cuộc di cư ấy dù đã được Hiệp Định qui định nhưng cộng sản đã dùng mọi cách ngăn chặn làn sóng di cư vĩ đại của người dân miền Bắc nên nhiều gia đình đã phải chia cách ra để trốn thoát khỏi vùng cộng sản để tới được các vùng còn quốc gia mong chạy vào miền Nam. Do đó nhiều anh em chúng tôi đã thất lạc gia đình. Khi vào đến trong Nam trên các con tầu gọi là ‘há mồm’ ai cũng hoang mang không biết tương lai sẽ như thế nào. Thì rất may, chính phủ quốc gia đã có cả một chương trình lớn đón tiếp và nuôi dưỡng chúng tôi trong một thời gian khá dài. Chúng tôi được tập trung về hai nơi, một là ở Phú Thọ, gần chợ Thiếc và hai là trên mảnh đất trống của một lao xá cũ trên đường Gia Long nên hai trại đó có tên là Phú Thọ và Gia Long. Chúng tôi được ổn định cuộc sống, được nuôi ăn và có chút tiền tiêu vặt rồi được sắp xếp cho vào theo học tại các trường trung học mới mở như Trần Lục Nguyễn Trãi, Chu Văn An…”

Ông Nguyễn Thái Hanh, người đồng tổ chức cùng ông Nguyễn Huy Hiền, cho biết thêm: “Lớp học sinh di cư ấy sau khi tạm ổn định cuộc sống, được phân chia ra tùy theo học lực đệ I cấp hay đệ II cấp vào các trại Gia Long và Phú Thọ. Số nữ học sinh thì được chuyển về Nhà Kiếng trên đường Lê Văn Duyệt bên cạnh vườn Bờ Rô. Chúng tôi được chính phủ cấp dưỡng cho mỗi người 300 đồng một tháng, đóng tiền ăn cho nhà thầu hết hơn 200 chỉ còn 90 dằn túi tiêu vặt”.

Quang cảnh buổi họp mặt của cựu Học Sinh Di Cư Gia Long Phú Thọ 2018. (Hình: Nguyên Huy/ Người Việt)

Ông Nguyễn Ngọc Hoán cũng trong ban tổ chức cho biết thêm: “Được đâu hơn 2 năm thì chương trình này hết tiền nên các trại Gia Long, Phú Thọ phải giải tán sau khi đã cấp cho mỗi người được một số tiền từ 1,800 đồng đến 3,600 tùy theo trường hợp. Ai còn khó khăn thì chính phủ cho xuống trại mới lập ở Búng, Lái Thiêu nhưng số này cũng ít thôi. Chúng tôi cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn và chẳng mấy chốc hầu hết đã tốt nghiệp trung học. Người có điều kiện thì tiếp tục lên đại học, còn không thì ra đi làm công chức hoặc thi vào các quân trường như Thủ Đức, Đà lạt hay các đại học chuyên nghiệp như Quốc Gia hành Chánh, đại học Sư Phạm, Quân Y v.v…

Trong lúc chúng tôi nói chuyện thì phòng hội nhật báo Việt Báo đông dần anh em đến. Phần lớn đều quen biết nhau, nếu không tại các trại di cư trước thì cũng sau này khi ra trường có mặt trong nhiều đơn vị quân đội hay các cấp hành chánh.

Ông Nguyễn Ngọc Hoán đã sốt sắng cho biết nhiều chi tiết về anh em cựu học sinh di cư năm 1954. Ông nói: “Khi chúng tôi ra trường thì túa ra mọi ngành nghề, từ quân đội cho đến những cấp bậc lớn nhỏ trong chính quyền. Thời gian qua, người thì lên tướng trong quân đội như tướng Bùi Đức Lạc, hôm nay cũng có mặt. Ông ở San Jose nhưng hễ có cuộc họp mặt của cựu học sinh di cư là ông thường đến tham dự. Về phía hành chánh thì hôm nay cũng có một số các anh tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh như nhà báo Đỗ Tiến Đức. Trong giới văn nghệ thì nhiều người nổi danh như nhà thơ Viên Linh”.

Cựu Tướng Nhẩy Dù Bùi Đức Lạc (thứ ba từ trái) đang chuyện trò cùng các bạn đồng trại xưa vốn là những công chức cao cấp trong nền hành chánh VNCH. (Hình: Nguyên Huy/ Người Việt)

Hội trưởng Nguyễn Thái Hanh vui vẻ kể: “Nhớ lại những ngày tứ cố vô thân ấy tôi không nghĩ chúng tôi lại có được như ngày nay, nên qua cuộc di cư lần thứ hai tôi đã tức cảnh sinh tình nảy ra mấy câu thơ này ‘Dân Bắc Kỳ di cư di tản, đã hai lần tài sản mất trơn, nhưng ý chí vẫn không sờn. Quyết tâm lập lại còn hơn trước nhiều”. Và cũng để tạ ơn cuộc đời nói chung, khi qua đây tôi đã cố gắng sưu tầm tài liệu để viết ra một cuốn Bí Quyết Luyện thi Bưu Điện Hoa Kỳ’ mong giúp cho bà con mới qua kiếm được việc làm. Cuốn sách bán rất chạy được các thư viện Hoa Kỳ lưu trữ, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy có ai viết thêm cuốn nào nữa”.

Không một bài diễn văn trịnh trọng nào được cất lên ngày hội ngộ, nhưng qua những câu chuyện mà mọi người cùng nhắc lại cho thấy ai cũng rất nhớ đến chính phủ đệ I Cộng Hòa, một chính phủ đã thực hiện được công việc vô vàn khó khăn là ổn định được cuộc sống cho gần một triệu người di cư và nhất là với hàng ngàn thanh thiếu niên thất lạc gia đình, để sau đó ai nấy cũng nên người.

Quý độc giả muốn liên lạc với Hội Cựu Học Sinh Di Cư 54, xin gọi (951) 800-2016, (714) 884-3095.

Video: Phóng sự Việt Nam Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT