Friday, May 3, 2024

Ít nói, thờ ơ, lười biếng, coi chừng bệnh tâm thần!

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) Không muốn tiếp xúc với người khác, ngay cả người thân trong gia đình; không còn ham thích học hành, làm việc; nằm nhiều giờ trên giường hay ngồi một chỗ, chỉ ăn và ngủ; rối loạn giấc ngủ… Ðây là những biểu hiện của bệnh tâm thần.

Ông Phan Văn Tánh, hội trưởng Hội Yểm Trợ Sức Khỏe Tâm Thần Người Việt Orange County, cho biết: “Bệnh tâm thần nếu được điều trị sớm, khả năng người bệnh trở lại cuộc sống bình thường là rất cao. Nhưng rất nhiều người khi có triệu chứng bệnh tâm thần thì bản thân hoặc gia đình e ngại, tránh né không đi điều trị làm bệnh ngày càng nặng.”

Bệnh nhiều nhất ở lứa tuổi 16-25

Theo ông Tánh, hiện nay có hơn 120 gia đình gốc Việt có con em bị bệnh tâm thần tham gia hội. Ðộ tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 16 đến 25 tuổi.

“Nhưng trước đó, từ 11-12 tuổi, trẻ em có thể đã có dấu hiệu nhưng cha mẹ không để ý. Phần lớn người mắc bệnh tâm thần đều do áp lực của gia đình, kế đến là áp lực của trường học, áp lực cuộc sống, áp lực công ăn việc làm,…” ông Tánh phân tích.

Ông nói: “Vấn đề bị bệnh tâm thần thật ra khó biết, bởi vì nhiều gia đình có con em bị bệnh nhưng họ luôn giấu, không muốn người khác biết người trong nhà bị bệnh, trong khi đây là bệnh cần chữa trị chứ không được nhốt trong nhà.”

Ông hội trưởng phân tích: “Hiện nay, cha mẹ luôn tạo áp lực cho con. Khi thấy con người khác đạt được điều này thì cũng cố ép con mình phải ít nhiều cũng được như vậy, hay bắt con học thật nhiều để trở thành bác sĩ, kỹ sư,… Những điều này vô hình trung tạo áp lực cho con, trong khi họ không biết con mình sức học như thế nào, sở thích là gì. Những điều này dần dần tạo trầm cảm cho trẻ em, và từ trầm cảm dẫn đến tâm thần.”

“Hoặc có nhiều cha mẹ bận đi làm, quên đi con mình cần tình thương, sự chăm sóc, chứ không phải chỉ cần vật chất là đủ. Cũng vì vậy mà cha mẹ và con cái không có cơ hội tiếp xúc với nhau. Con cái vô trường bị bạn bè ức hiếp, hay học kém nhưng về nhà không tâm sự được với ai, chỉ giữ trong lòng,… Những áp lực đó cứ đè nén, như một nồi áp suất, đến một ngày nào đó nồi áp suất nổ, đứa trẻ sẽ quỵ,” ông nói tiếp.

Ông Tánh dẫn chứng, văn hóa Mỹ có sự tự do, còn trong văn hóa Việt Nam, nếu cha mẹ nói mà con cái giải thích thì bị cho là hỗn, sẽ bị đánh, bị la. Các gia đình Việt Nam chưa ý thức được làm sao cha mẹ nói chuyện với con một cách thông cảm, hơn là từ trên đè xuống.

“Chẳng hạn, một đứa bé khi khóc nhiều, hay phạm một tội nào cũng đều bị đánh. Dấu ấn đó nằm trong não đứa bé. Rồi chuyện gì cha mẹ cũng giải quyết bằng việc nói lớn tiếng, la, hét, chửi mắng. Cứ mỗi lần như vậy vô tình cho đứa bé một liều thuốc độc,” ông nói.

Rồi ông kể: “Hằng ngày tôi đi bơi, thấy một người cha dẫn đứa con 5 tuổi đi bơi. Ðứa bé thì sợ nước, không dám xuống hồ bơi, mà người cha thì cứ bắt ép. Tiền đóng là $25, nên có lẽ vì tiếc số tiền này mà người cha mắng chửi: ‘Tại sao mày lỳ quá vậy, tao phải bỏ tiền cho mày học mà mày không chịu học, làm tao mất tiền, mất thời gian chở mày tới đây.’ Những lời nói, lời mắng đối với đứa bé 5 tuổi như vậy sẽ in vào tâm trí của bé, khiến bé lớn lên sẽ có sĩ số bệnh tâm thần rất cao.”

“Tôi cũng không hiểu, vì sao người cha không dùng cách nói nhẹ nhàng, như: ‘Con biết tại sao cha dẫn con đi bơi không, để khi con đến nhà bạn chơi, nhà bạn có hồ bơi trong khi các bạn đều xuống bơi thì con chỉ đứng nhìn vì không biết bơi, con không thấy buồn sao.’ Chỉ cần nói nhỏ nhẹ, trẻ em sẽ hiểu,” ông Tánh nói.

Bị bệnh khi bước vào tuổi 20

Chia sẻ về tâm bệnh của mình và nay đang được phục hồi, cô Kathaleen Phạm, sinh viên ngành sinh học đại học UC San Diego, nói: “Tôi chấp nhận mình bị bệnh một tháng trước khi bước vào tuổi 20. Hiện nay tôi 23 tuổi, nhưng vẫn phải uống thuốc chống loạn thần để trị dứt bệnh này.”

Cô cho biết: “Hơn ba năm trước, khi phát hiện tôi có những biểu hiện bất thường như thường xuyên không ngủ đêm, ngồi lẩm nhẩm một mình, lúc nào cũng nóng giận, hay có lúc rất vui nhưng có lúc rất buồn, rồi có lần tôi muốn đánh anh trai của mình nên gia đình gọi cảnh sát. Sau khi được đưa vào bệnh viện, tôi được chích thuốc, thế là tôi tỉnh lại.”

“Trước lúc đó thì không ai biết tôi bị bệnh, ngay cả bản thân mình cũng không biết. Thời gian đó tôi luôn bị sức ép từ gia đình và từ việc học. Khi đó tôi học một chương trình ở UCLA, áp lực việc học khiến tôi mất ngủ liên tục, có khi năm ngày liên tiếp tôi không ngủ được. Tôi lúc nào cũng cáu gắt, ít nói và lầm lì,” cô Kathaleen kể.

Rồi cô kể tiếp: “Nhà tôi thì neo người, mẹ thì đi làm xa, cha thì đã mất, anh tôi lúc đó cũng bị một chứng bệnh gì đó tôi không nhớ, nên tôi vừa học vừa chăm sóc đứa em kế mình. Thời gian đó với tôi thật khủng hoảng, tôi không có thời gian rảnh. Nhưng có lẽ tôi bị bệnh là do khi 17 tuổi cha tôi mất, lúc đó không chỉ tôi mà cả nhà hầu như đều bị trầm cảm và phải uống thuốc.”

“Khi tôi chấp nhận mình bị bệnh, thời gian đầu uống thuốc do tác dụng phụ của thuốc nên tôi không tự chăm sóc bản thân mà phải có mẹ giúp như đút ăn, dẫn đi đâu đó. Lâu dần thì khỏe lại, tôi tự mình giảm thuốc và ngưng uống thì một năm sau bị bệnh lại. Nay thì tôi uống đều đặn để tinh thần được tốt hơn. Khi tôi bị bệnh, có một số bạn thấy tôi không bình thường đã bỏ tôi nhưng tôi vẫn có một số bạn tốt ở bên mình cho đến tận bây giờ,” cô Kathaleen nói.

Cô khoe: “Sau thời gian trị bệnh, đây là năm đầu tiên tôi học ngành sinh học. Ngoài giờ học tôi còn tham gia câu lạc bộ học thuật trong trường của nhóm những người học bác sĩ. Bởi vì ước mơ của tôi sẽ tốt nghiệp bác sĩ chuyên về tâm bệnh này. Ngoài ra, tôi còn đi nhà thờ để gặp gỡ nhiều người, cho đầu óc khuây khỏa.”

Cộng đồng chung tay giúp đỡ người bị bệnh tâm thần. (Hình: dmh.mo.gov)

10 năm với bệnh tâm thần phân liệt

Trường hợp của H. Vương, cư dân Garden Grove, đã mang tâm bệnh này trong hơn 10 năm qua. Năm nay 33 tuổi, tuy bệnh chưa dứt, nhưng so với những tháng ngày vừa qua, cô bảo rằng: “Thời gian trước thật khủng khiếp trong cuộc đời tôi. Hiện nay thì tôi đỡ rất nhiều, phần ‘người’ trong tôi đã trở về với tôi.”

Cô H. kể, bước vào năm thứ ba tại Cal State Fullerton, cô bắt đầu nghe mọi người sầm xì về mình.

“Ở nhà ba thấy tôi thất thường, tự nhiên ngồi mà cười một mình, mà cười rất to; rồi có những lúc buồn rũ rượi. Nhưng đối với tôi thì tôi cho rằng trong óc tôi suy nghĩ ra chuyện gì vui nên cười, thấy đây cũng là tự nhiên thôi,” cô kể.

Và cô H. bắt đầu có những dấu hiệu như không muốn nói chuyện với mọi người trong nhà (mọi người tưởng là giận chuyện gì nên ít nói); không màng đến học tập, không quan tâm đến nhà cửa; thường xuyên ngồi một chỗ hoặc nằm liên tục trên giường nhưng không ngủ được, nhiều lúc chỉ ăn và ngủ, không quan tâm đến ăn mặc, kể cả vệ sinh cá nhân (tưởng là lười biếng); không quan tâm đến tình cảm những người trong nhà dành cho mình (tưởng là thờ ơ)… Rồi cô bắt đầu trầm cảm.

“Lúc đó tôi thường xuyên bị mất ngủ suốt nhiều ngày liền, rồi có cảm giác muốn lấy xe lái hết tốc độ trên xa lộ. Lúc nào cũng buồn ơi là buồn, cảm giác một mình, không ai chơi với mình, mình bị cô đơn, mà không biết tại sao. Ba tôi nghi ngờ, mới dẫn vào Trung Tâm Chăm Sóc Tâm Thần Orange County để xem tình trạng của tôi. Nhưng lúc đó tôi giằng co không muốn trị bệnh, vì tôi không nghĩ tôi bị bệnh. Sau khi bác sĩ chích thuốc thì tôi mới đỡ cười nói lung tung,” cô kể tiếp.

Về nguyên nhân gây nên các triệu chứng này, cô H. Vương cho rằng: “Ba mẹ tôi quá nghiêm khắc. Tôi sang Mỹ năm 12 tuổi, mỗi ngày đi học về là phải về nhà, không được tiếp xúc với người lạ, không được đi chơi với bạn. Cuối tuần ba mẹ cũng không cho đi đâu chơi mà phải ở nhà. Riết rồi tôi thấy mình cô đơn, chỉ được chơi trong bốn bức tường ở nhà. Lớn lên cũng vậy, trong nhà ba cứ la hoài, lên đại học rồi mà tôi vẫn bị kềm cặp như hồi học trung học: không đi chơi, không ra ngoài sau khi học xong. Ở trường học đã căng thẳng, về nhà không khí lại càng căng thẳng nên tôi thường xuyên bị sức ép. Do vậy mà đầu óc tôi không cởi mở, không khuây khỏa, nó đóng như cái hộp. Căng thẳng, không được ở gần mọi người, từ từ tinh thần suy sụp, và tôi phát bệnh.”

Cô chia sẻ: “Sau một thời gian uống thuốc thì tôi thấy bị lừ đừ, mắt cứ lim dim, óc không suy nghĩ hay làm gì được. Do vậy mà tôi không uống thuốc đều, giảm thuốc và bỏ dần, thế là bệnh tái phát. Nhiều lần như vậy tôi mới chấp nhận mình bị bệnh và điều trị. Cũng từ đó mà tôi ngưng việc học vì không còn tâm trí học nữa. Khi khỏe hẳn thì tôi xin đi làm. Tôi làm nhiều việc lắm, như làm ở Disneyland, rồi làm công nhân lắp ráp dây chuyền ở các hãng xưởng, làm văn phòng bác sĩ, văn phòng nha sĩ…”

“Không biết có phải do tác dụng phụ của thuốc hay không mà tôi không còn hoạt bát, tôi trầm tính hẳn, ít nói. Có thể vì vậy mà những người làm chung nói tôi tự cao, không nói chuyện với mọi người, rồi họ kiếm chuyện nói xấu tôi, làm cho tôi buồn, khóc, lại bị sức ép thêm. Suốt ngày họ nói tôi ngu, khùng và đẩy tôi ra khỏi chỗ làm,” cô kể.

Cô kể thêm: “Bốn năm năm trở lại đây thì tôi uống thuốc đều, nhưng ba bốn năm trở lại đây thì tôi bắt đầu nghe tiếng nói văng vẳng bên tai. Nhất là khi còn đi làm, tiếng nói nghe mỗi lúc một nhiều. Chủ yếu tiếng nói đó nói là ghét tôi, nói tôi sống ác. Những gì xấu đều trút lên đầu tôi, cũng may nó chưa xúi tôi giết người hay làm gì bậy. Tôi không biết tiếng nói này theo dõi tôi vì cái gì, nhưng nói chung là nói xấu, chọc cho mình tức, làm cho mình bực để tức lên.”

“Nó nói xấu mình, rồi mình chịu đựng không được thì cãi lại nó. Lúc trước cãi lại nó, tôi la lại nên phải vào lại bệnh viện, phải uống thuốc nặng thêm nữa. Hiện nay nhờ uống thuốc Seroquel XR nên tôi đỡ nhiều, tình trạng vui buồn không còn nữa và nghe tiếng nói cũng giảm đi rất nhiều,” cô nói.

Cô H. Vương chia sẻ: “Vì bệnh này mà tôi bỏ công việc, bỏ việc học cũng mấy năm. Ðể giảm bệnh, một tuần tôi cần đi ra ngoài hai hoặc ba ngày để tiếp xúc với nhiều người, để khuây khỏa đầu óc, để không bị nghe tiếng nói bên tai. Hiện nay, hàng tuần tôi đi với một người bạn để chăm sóc người già, châm cứu cho họ. Còn lại thì ở nhà xem phim và thỉnh thoảng ngồi thiền. Nói chung là không để mình có thời gian rảnh và suy nghĩ nhiều, vì suy nghĩ là nghe tiếng nói bên tai.”

“Tôi không giận, không buồn gì ba mẹ. Ba mẹ vì thương tôi nên mới nghiêm khắc với tôi, nhưng có lẽ cái số tôi là như vậy! Ba mẹ biết tôi bị bệnh nên thương tôi lắm, kiếm mọi cách để tôi không bị nghe tiếng nói. Ba mẹ ủng hộ tôi nhiều lắm, tôi đi làm thiện nguyện viên ba mẹ rất khuyến khích. Nếu làm mà mệt mỏi thì ba mẹ kêu ngừng, để đầu óc thanh thản. Nay mẹ tôi đã gần 70 tuổi, ba tôi cũng sắp tới tuổi hưu, tôi cố gắng trị hết tâm bệnh này để kiếm một việc nuôi sống mình,” cô cho biết.

Ðừng gọi người bệnh tâm thần là “khùng, điên”

Ông Phan Văn Tánh cho biết: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của cộng đồng, đó là xin đừng kỳ thị những người bị bệnh tâm thần. Một sứ mạng của hội là làm sao để cộng đồng khi gặp những người bệnh tâm thần không gọi họ là ‘điên,’ là ‘khùng.’ Ðây là điều quan trọng, vì những bệnh nhân này rất mặc cảm. Khi gặp những người đó, mình phải ý thức được rằng, họ là người có tâm bệnh, mình phải thương họ hơn là nói những từ đó. Khi họ nghe mình nói ‘khùng, điên’ thì họ rất tức giận, vì đối với họ thì họ không phải như vậy.”

Ông hội trưởng cho hay, mỗi tháng hội có một buổi họp hỗ trợ tinh thần cho các gia đình có con em bị bệnh. Mục đích của buổi họp hỗ trợ tinh thần này là để mọi người bày tỏ khó khăn trong gia đình mình. Trong những buổi đó đều có chuyên gia tâm lý nghe, góp ý với gia đình để có cách hành xử thế này, hay thế khác. Nếu sự bạo động gây nguy hiểm tính mạng đối với người trong gia đình hay với chính cá nhân người đó thì phải gọi 911. Tuy nhiên, khi gọi 911 phải cho họ biết là gia đình có người bị bệnh, nếu không biết tiếng Anh thì phải luôn nhớ ba từ “have mental illness” để cảnh sát không làm hại người bị bệnh tâm thần.

Theo ông Tánh, buổi họp hỗ trợ tinh thần của hội rất có lợi cho gia đình vì đây là nơi để gia đình chia sẻ, khóc ra được, vơi được nỗi khổ trong lòng. Ðây cũng là dịp để gia đình có con em bị bệnh tâm thần đến gần với nhau, để họ thấy rằng họ không bị lẻ loi. Hội không có bác sĩ thường trực chăm sóc bệnh nhân, nhưng hội là gạch nối giữa những gia đình có con em bị bệnh với các cơ quan y tế, các bác sĩ, y sĩ.

“Hội họp mỗi tháng vào Thứ Bảy của tuần thứ nhất, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa tại Hiệp Hội Sức Khỏe Tâm Thần Orange County (Mental Health Asociation of Orange County), 12755 Brookhurst St., Garden Grove, CA 92842, phòng 114,” ông Tánh cho biết. (Quốc Dũng)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT