Monday, March 18, 2024

Khám phá ‘căn nhà ma’ nổi tiếng nhất Little Saigon (kỳ 3)

Ngọc Lan & Đằng-Giao/Người Việt

Gặp những người từng làm chủ ‘nhà ma’ tình cờ đến khó tin


WESTMINSTER, California (NV) – Trong phần 2 của phóng sự có nói, trong khi phóng viên Đằng-Giao thật sự cảm thấy có những bất ổn muốn bỏ cuộc (nhưng không dám nói ra), thì phóng viên Ngọc Lan lại cảm thấy háo hức với những gì tìm kiếm được, và điều đó càng thôi thúc cô tiếp tục đi tới.

Nhưng càng đi tới, những gì xảy ra càng khiến cho cả 2 phóng viên ngạc nhiên. Có điều, mỗi người cảm nhận sự kỳ lạ đó theo cách riêng của mình.

Gặp chủ nhân miếng đất ‘căn nhà ma’ 30 năm trước

Sau vụ chiếc xe “bị giấu” giữa thanh thiên bạch nhật, Đằng-Giao “len lén” cầu mong là người “realtor” không trả lời hai tin nhắn của anh.

Nhưng, niềm vui chưa trọn thì Ngọc Lan tìm được địa chỉ của bà Julie Pung, chủ nhân của miếng đất có “căn nhà ma” từ 30 năm trước, để ấn vào tay Đằng-Giao, “Ông thử đi tìm coi căn nhà này ở đâu. Bà Juile còn ở đó không.”

Không thể nói không làm, nhưng Đằng-Giao vừa làm vừa khấn “mong cho gặp những trục trặc, khó khăn để Ngọc Lan bỏ cuộc!”

Theo địa chỉ, Đằng-Giao tìm ra đó là một căn nhà kiểu town house ở góc Brookhurst-McFadden, có cổng an ninh bên ngoài.

Trưa Thứ Hai, 13 Tháng Tám, Ngọc Lan vừa ngồi làm công việc hằng ngày, vừa quay qua nói với Đằng-Giao, “Ông biết chỗ nhà đó rồi hén. Lát trưa trưa tui và ông qua đó tìm vợ ông Bác Sĩ Pung Navann thử.”

“Ừa, đi thì đi. Nhưng nhà đó có cổng, mình phải chờ xe nào khác vô rồi vô theo mới được,” Đằng-Giao trả lời theo cách gieo thêm khó khăn.

Thấy “mụ” Ngọc Lan ra vẻ chẳng bận tâm, Đằng-Giao lại nại lý do, “Sao không thử gọi điện thoại trước coi bả có ở đó không rồi hẵng tới?”

“Không, tui không muốn gọi. Trong những trường hợp này, thì phải đến đụng mặt nói chuyện mới được. Gọi điện thoại trước đôi khi họ sẽ đổi ý vào phút chót thì coi như công cốc,” Ngọc Lan trả lời.

“Mụ này lỳ như trâu,” Đằng-Giao nghĩ bụng trong khi lái xe chở người đồng nghiệp đến nhà bà Julie.

Bắt đầu từ đây, câu chuyện được tiếp nối từ sự ngẫu nhiên may mắn này, đến ngẫu nhiên may mắn khác, tới mức Đằng-Giao cứ “cảm thấy “lành lạnh,” vì ngỡ như có “ai đó” đang xui khiến.”

Theo đề nghị của Ngọc Lan, hai người đậu xe ngoài đường, rồi đi vào trong khu nhà bằng cổng nhỏ dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, cổng nhỏ bị khóa bên trong. Còn đang loay hoay chưa biết sao vô, thì một chiếc xe chạy vào. Cổng lớn mở ra. Nhưng chàng tài xế trên xe, không phải một người Việt Nam, có vẻ như chờ đợi. Khi thấy hai người đi đến gần, anh mới lái xe vô, vậy là còn đủ thời gian cho Ngọc Lan và Đằng-Giao chạy tót vào.

Từ xa xa, Đằng-Giao đưa tay chỉ “Căn nhà đó ở kia kìa.”

“Hình như nhà đang mở cửa sẵn đó ông.” Nghe Ngọc Lan nói mà Đằng-Giao cảm thấy có nỗi gì bất thường cứ dâng lên “Sao quái lạ vậy!”

Chưa kịp đến gần, thì một người đàn bà trong nhà bước ra. Trong lúc Đằng-Giao “khấn thầm trong bụng cho đây không phải là người cần gặp và cầu cho bà nổi nóng, xua đuổi không tiếp chuyện,” thì Ngọc Lan đã mau mắn, “Dạ, đây có phải là nhà bà Julie Pung không?” Khi thấy người phụ nữ gật đầu, cô hỏi tiếp, “Vậy cô là Julie?” Lại thêm một cái gật đầu.

Bà Julie Pung và phóng viên Ngọc Lan gặp nhau là do “duyên” trong một tình cờ hết sức lạ lùng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Sau khi nghe Ngọc Lan giới thiệu tên và mục đích tìm bà để biết thêm về miếng đất được đồn “có ma,” bà Julie, khoảng 70 tuổi, dáng người gọn gàng khỏe mạnh, tóc búi cao, mặc quần áo như người đi tập thể thao, nói bằng tiếng Việt giọng hơi “cứng cứng,” “Ồ vậy thì tốt quá! Báo chí nên viết cho người ta biết đi, cũng tội nghiệp người ta xây nhà ở, không có ma mà họ cứ đồn tùm lum.”

Theo lời bà Juile Pung, vợ chồng bà mua miếng đất nơi góc đường Hazard và Euclid vào năm 1989 vì lời hứa của người môi giới là “miếng đất đó sẽ được đổi thành commercial, xây thành khu thương mại.”

“Tụi tui mua nhưng không có ở, vì cứ đợi giấy phép đổi thành khu thương mại, nên bỏ không cả hơn 10 năm đó, phí lắm,” bà Julie nói.

Bà xác nhận trên miếng đất bà mua có một căn nhà cũ, giống như Đằng-Giao từng nhìn thấy mấy chục năm trước.

“Sự thật là vì nhà đó không ai ở, nên ‘homeless’ vô ở. Lúc mua là nhà cũ của mấy người Mỹ. Homeless vô ở, mình phải kêu người đuổi hoài, cực lắm. Tôi có nghe người ta đồn có ma, nhưng ‘we don’t care.’ Thực ra là homeless ở thôi,” bà Julie nói từ từ.

Bà nhắc lại, “Lúc mua là đã nghe đồn có ma rồi, nhưng ‘it’s ok’ vì tụi tôi không có tin ba cái đó. Chỉ thấy địa điểm tốt để làm “commercial” thì mua thôi.”

Bà kể thêm, “Chồng tôi cũng nghe đồn có ma, nên cùng với mấy anh em đến đó ‘camping’ mấy ngày trời, nhưng có thấy gì đâu! Homeless vô thôi. Lúc đầu mình có để đồ trong đó, họ vô xài tùm lum hết, họ phá, xài nước, xài restroom dơ dáy, phải kêu người dọn, dọn xong cũng lại dơ nữa. Họ không ở ban ngày, ở ban tối thôi. Vì vậy nên mấy năm sau tụi tôi dỡ bỏ cái nhà, chỉ còn để lại miếng đất.”

Cũng theo lời bà Julie, “có người khuyên xây thành nhà ‘duplex’ cho thuê nhưng thấy nhức đầu quá, lại nản chí vì chỉ muốn xây thành khu mua bán,” nên sau khi ông chồng mất năm 1998 thì vài năm sau bà cũng bán miếng đất đó luôn.

Theo hồ sơ, gia đình bà Juile bán miếng đất đó cho công ty Access Vina Inc. vào năm 2002 với giá $265,000.

“Tôi biết miếng đất đó sau này xây thành hai căn nhà. Người chủ căn nhà phía sau làm ở city Santa Ana, làm chức gì tôi không biết, họ là người Mỹ người Mễ gì đó. Còn căn trước chủ làm dược sĩ, người Việt, tôi nghe nói vậy thôi,” bà Julie tiết lộ.

Bà Julie là một phụ nữ người Cambodian gốc Hoa, nhưng đi học từ nhỏ ở Pháp và sang Mỹ định cư từ năm 1982, chưa một ngày nào đến Việt Nam.

“Vậy sao cô nói tiếng Việt giỏi vậy?”, hai phóng viên tò mò hỏi.

“Mấy bệnh nhân Việt Nam dạy tôi nói đó. Họ tốt lắm,” bà cười trả lời, rồi nói thêm, “Chắc có duyên nên hôm nay tôi đến đây thăm ông cậu mới gặp hai người.”

Nghe bà nói vậy, cả Ngọc Lan và Đằng-Giao cùng “ớ” lên.

Ra là bà Julie đã không còn ở căn nhà ở Westminster hơn chục năm rồi. Bà ở cùng cô con gái làm bác sĩ ở Irvine. Căn nhà mà mọi người đang đứng nói chuyện chỉ còn ông cậu của bà đã ngoài 90 tuổi ở, thỉnh thoảng bà Julie mới ghé thăm.

Nghĩa là, nếu chúng tôi đến đó không đúng hôm ấy, vào giờ ấy thì chắc chắn không gặp bà Julie. Có chăng chỉ gặp được ông cậu ngoài 90 tuổi của bà, mà ông thì bị lãng tai nặng, lại chỉ biết nói tiếng Hoa và tiếng Pháp mà thôi, mà vậy thì coi như trớt quớt.

Có thiệt là lạ lùng không!

Ngọc Lan hỏi thêm chi tiết ông bác sĩ mất khi nào, có mất trong “căn nhà ma” không? Bà Julie cho biết, “Bác sĩ mất vì kiệt sức, làm nhiều quá. Lúc đó cứ đi qua đi lại bên Miên bên Mỹ, ổng muốn mở trường đại học bên Miên, bên Trung Quốc, bên Mỹ, đi hoài mệt quá, chịu không nổi, kiệt sức mất luôn. Làm người đừng nên làm nhiều đến kiệt sức như vậy.”

Sau gần 30 phút đứng nói chuyện với bà Julie, Ngọc Lan ra về vui như hội, hí ha, hí hửng nói với anh bạn cộng sự, “Ông thấy chưa, Đằng-Giao phải đi chung với Ngọc Lan thì mới hên. Không có tui là không xong chuyện. Không có tui là bị giấu xe.”

Mẫu quảng cáo của Bác Sĩ Pung NaVann trên một tờ báo địa phương tại Little Saigon năm 1990. (Hình: Độc giả Adieu Concorde cung cấp)

Gặp chủ nhân mua ‘nhà ma’ vì ‘dư tiền nên mua cho thuê’

Sau khi gặp được bà Julie, chủ miếng đất căn nhà ma từ 30 năm trước, quay trở lại tòa soạn, Ngọc Lan gọi cho “bạn địa ốc” để kể chuyện may mắn lạ lùng và nói, “Để tui ráng tìm cho được chủ nhà hiện tại, muốn nghe xem họ nói gì.”

“Bạn địa ốc” khuyên, “Gặp được bà Juile là đủ rồi Lan ơi. Không cần gặp chủ mới đâu, coi chừng họ không thích.”

Ngọc Lan ậm ừ cho qua, nhưng bụng nghĩ “không tìm được thì sao xong bài?”

Sáng sớm Thứ Tư, trong lúc chở người nhà đi công việc ngang “căn nhà ma,” Ngọc Lan nhìn thấy ngôi nhà mở cửa, có một người đàn ông trông giống người Việt, ngoài 60, đang đứng quét sân với vẻ mặt tươi tắn.

Vào tòa soạn được một chốc, thấy “bạn địa ốc” nhắn, “Lan có thể tìm người chủ vừa bán nhà được. Họ bán xong rồi thì chắc không ngại gì nữa đâu.” Đồng thời, bạn gửi cho “lý lịch” mới của “căn nhà ma” có tên địa chỉ người mua, người bán.

Cũng một địa chỉ ngay Little Saigon, không xa Phước Lộc Thọ.

Khoảng 3 giờ chiều, Ngọc Lan rủ Đằng-Giao, “Đi, tui và ông đi tìm người chủ nhà mới bán, ổng tên Văn Thái.”

Đến nhà, ngoảnh lại thấy Ngọc Lan còn đứng xa xa cửa chứ chưa bước vào sân, Đằng-Giao hỏi, “Sao không vô?” – “Tui sợ chó nhảy ra. Ông vô kêu cửa trước đi, có người thì tui nói chuyện, có chó thì nó cắn ông,” Ngọc Lan trả lời tỉnh bơ.

Chuông reng. Cửa mở. Một người đàn ông còn khá trẻ, vẻ chừng chưa đến 40 bước ra.

“Đây có phải nhà của ông Văn Thái không?” Đằng-Giao hỏi.

Đúng rồi. Ông trẻ gật đầu.

Nghe vậy, Ngọc Lan chạy lại giới thiệu mục đích muốn tìm ông Văn Thái để hỏi về căn nhà ma. Ông trẻ gật gật.

“Vậy có thể cho chúng tôi nói chuyện với ông Văn Thái được không?”

“Là em nè” ông trẻ trả lời ngay sau câu hỏi của Ngọc Lan.

“Trời, em là chủ nhà đó hả? Sao trẻ dữ vậy, chị cứ tưởng phải là một ông lớn tuổi nào đó,” Ngọc Lan cười nói.

Liên quan đến “căn nhà ma,” Văn Thái cho biết, “Em có nghe đồn căn nhà đó có ma. Nhưng em không có tin. Hơn nữa lúc đó em đang có dư tiền nên em mua nhà đó cho thuê, đợi khi nào có giá thì bán.”

Văn Thái mua “căn nhà ma” vào năm 2016 với giá $645,000 và cho một gia đình người Việt thuê ở.

“Lúc đầu họ nói chỉ ở có 4-5 người thôi. Nhưng sau đó họ kéo bà con gì vô ở đông lắm, lại nuôi con chó bự nữa. Em không thích. Họ lại thiếu tiền nhà không trả nên em lấy lại để bán từ hồi Tháng Tư, 2018,” Văn Thái nói.

“Như vậy là em chưa từng ở trong căn nhà đó?” Ngọc Lan hỏi lại cho chắc ăn – “Dạ chưa bao giờ.” Chủ “căn nhà ma” vừa bán trả lời.

“Nhưng cô chú chủ nhà trước đó thì có ở, họ ở lâu à. Lý do họ dọn đi và bán nhà là vì con họ học bác sĩ xong rồi, mua căn nhà ở Irvine, nhà lớn và đẹp lắm, em có đến rồi, nên họ bán căn nhà này cho em,” Thái kể.

Văn Thái nhắc tên người phụ nữ là chủ căn nhà trước đó tên Nancy, trùng với tên trong hồ sơ, cũng có nét gì giống với lời kể của bà Juile, là gia đình đó làm bác sĩ.

Thái còn cho biết gia đình hàng xóm của “căn nhà ma” là người Trung Đông, và “họ rất tử tế.”

Cũng theo Thái, căn nhà anh vừa bán được với giá $700,000, thấp hơn giá thị trường khoảng $50,000, “có thể cũng bị ảnh hưởng bởi lời đồn ‘nhà có ma.’”

Ngọc Lan nói, “Sao lúc đầu thấy giá để bán là $598,000 mà?” – “Giá đó là để ‘beat’, bán đấu giá mà, giá đó là khởi điểm,” Thái trả lời.

“Mua $645,000, sau 2 năm bán được $700,000 cũng có lời mà,” Ngọc Lan an ủi.

Thái cười, “Cũng có lời, nhưng không lời như em muốn. Cũng có thể mình bán được giá hơn, nhưng vì lần này bán đấu giá, và người mua trả tiền mặt nên em bán luôn cho xong.”

“Căn nhà ma” được bán vào đầu Tháng Tám, 2018 với giá $700,000, trong khi trang web chuyên về địa ốc Redfind ước tính, giá hiện tại khoảng $816,000. (Hình: Chụp qua màn hình trang địa ốc Redfind)

Nhớ hôm Đằng-Giao đến “căn nhà ma” trong lúc đứng ngó ngó, chụp hình, có ông già sống “ở tòa nhà đối diện” đến hỏi, “Bộ anh muốn mua căn nhà này hả?” – “Dạ không, cháu chỉ coi thôi.” – “Phước 3 đời nhà anh. Nhà này ai vô ở không đầy mươi ngày nửa tháng là thấy dọn ra. Tôi ở đây tôi biết mà,” ông già nói.

Nhớ điều đó, nên Ngọc Lan hỏi lại người chủ nhà, “Từ lúc mua nhà đến lúc bán, em cho bao nhiêu người thuê lận?”

“Chỉ có một người thôi, một gia đình,” Thái trả lời.

“Vậy là lời của ông già đối diện nào đó là không chính xác rồi,” Ngọc Lan nói với Đằng-Giao trên đường ra xe.

Rời khỏi nhà Văn Thái, Ngọc Lan lại tỏ rõ sự vui mừng, “Sao mà hên dữ vậy ta! Đi đâu cũng gặp được ngay người muốn gặp. Ông đi với tôi sẽ hưởng lây cái hên của tôi, nhớ đó! Giờ đi tìm người chủ vừa mua nhà. Ông nghĩ xem mình nên đến địa chỉ nhà ma hay đến địa chỉ họ ở trước khi mua nhà ma?”

“Đến chỗ nhà ma đi, Ngọc Lan nói hồi sáng thấy có người quét sân phải không? Vậy chắc họ có ở đó,” Đằng-Giao uể oải đề nghị.

Chiều Tháng Tám trời nóng như chảo lửa. Hơn 4 giờ mà nhiệt độ vẫn khoảng 90. Đậu xe nơi con đường nhỏ Hurley để đi bộ đến “nhà ma.” Ngọc Lan chọc, “Hôm trước ông đậu xe ở đây hả? Con đường tí téo vậy mà không kiếm ra xe ông kể cũng hay hén!” Đằng-Giao gầm gừ, “Không tin thì thôi.”

Bước chân trước khi qua vùng đất của “căn nhà ma” là đi ngang một căn nhà lộng lẫy khác. Đằng-Giao bỗng nói, “Hey Ngọc Lan, có khi nào ma nó ở căn nhà này không? Nhà này với nhà ma là cùng miếng đất của bà Julie bán hồi trước đó.”

“Ồ, cũng dám lắm à! Chụp lại địa chỉ đi để tìm xem chủ nhà này là ai,” Ngọc Lan phụ họa. Rồi cô đề nghị, “Để bữa chiều nào đó mình ghé vô đây hỏi chủ nhà này xem thử vụ ma quỷ coi sao, nghe nói họ là người Trung Đông đó.”

Đằng-Giao ậm ừ trong khi chân đã bước sang sân “nhà ma.”

Không có chiếc xe nào ngoài sân. Cửa đóng im ỉm.

“Vô bấm chuông không?” Ngọc Lan gợi ý. Đằng-Giao bước tới bước lui vài bước, bỗng nói, “Thôi, hôm khác tới đi. Giờ tôi không cảm thấy mình sẽ gặp may mắn nữa. Hôm khác tới đi Ngọc Lan.”

“OK, không hiểu sao đầu tui cũng nhức như búa bổ. Về đi. Bữa khác tới,” Ngọc Lan trả lời.

Cả hai trở lại tòa soạn trên cùng chiếc xe. Không còn nghe tiếng cười hí hửng của Ngọc Lan, thay vào đó là tiếng rên rỉ, “Sao mà nhức đầu quáaaaa!” của cô, và vẻ mặt tư lự của Đằng-Giao.

Nắng chiều vẫn gay gắt, khó chịu đến lạ lùng. (Ngọc Lan & Đằng-Giao)


(Đón đọc kỳ 4: Lần đầu vào bên trong ‘căn nhà ma,’ Đằng-Giao thấy gì?)

Mời độc giả xem phóng sự “Khám phá căn nhà ma nổi tiếng nhất Little Saigon”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT