Friday, April 26, 2024

Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm Kỳ 31: Quy tụ những người yêu tiếng Việt!

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 31 do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California vừa hoàn tất trong 3 ngày, bắt đầu từ Thứ Sáu, Thứ Bảy, và Chủ Nhật, 9, 10 và 11 Tháng Tám, tại trường Coastline Community College, Garden Grove, với nhiều khóa sinh tham dự.

Năm nay với hơn 200 khóa sinh từ các nước Nhật, Na Uy, Canada và khắp các tiểu bang trên nước Mỹ, có lẽ là khóa đông nhất từ trước tới nay, gồm các thầy cô giáo và các sinh viên yêu tiếng Việt, quy tụ về Little Saigon, nơi tụ hội của người Việt xa quê để cùng nhau học hỏi, trao đổi và chia sẻ những đề tài thú vị trong tiếng Việt, ngôn ngữ chính thức được giảng dạy trong nhiều trường trên thế giới.

Trong đêm văn hóa được tổ chức tối Thứ Bảy, 10 Tháng Bảy, tại nhà hàng Seafood Paradise, Westminster. Theo thông lệ, trong 3 ngày tu nghiệp, sẽ có một buổi dành riêng cho việc thăm hỏi và hàn huyên tâm sự, chúc mừng nhau, mà năm nay theo chủ đề do ban tổ chức đề ra là thi viết bích báo, để gợi lại những kỷ niệm thời học trò, cũng là cách gián tiếp để các thầy cô dùng ngôn ngữ Việt Nam trong sáng, truyền thống.

Có 5 nhóm được giải nhất gồm các nhóm: Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, và Vũng Tàu. Năm giải nhì thuộc về các nhóm: Bảo Lộc, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Nha Trang, và Phan Thiết.

Không khí sôi động hẳn lên với 5 nhóm giải nhất lên nhận giải thưởng và những màn văn nghệ vui tươi tiếp tục.

Cô Nguyễn Thị Thu Vân, khóa sinh đến từ Washington State, thuộc trường Việt Ngữ Đắc Lộ, đã tham dự các khóa tu nghiệp sư phạm này từ năm 1997 đến nay. Cô cho biết vì có nhiều trường Việt Ngữ thuộc giáo phận Seattle, và trong tuần lễ này có nhiều sinh hoạt giáo hội và hội chợ Hè rất lớn diễn ra, nên các thầy cô cũng hạn chế khi dự kỳ tu nghiệp này.

“Phong trào Việt Ngữ tại Seattle rất lớn mạnh, ngày xưa có 2 trường Văn Lang và Đắc Lộ, bây giờ thêm các trường Lạc Hồng, trường Tacoma, và nhiều trường Việt Ngữ ở phía Bắc Seattle. Mỗi kỳ tu nghiệp sư phạm ở đây, chúng tôi được học hỏi thêm nhiều điều rất hay, làm hành trang đem về phổ biến trong chương trình học của các em.”

Toàn thể khóa sinh Tu Nghiệp Sư Phạm Kỳ thứ 31, Hè 2019. (Hình: Ban tổ chức)

“Từ nhỏ đến lớn học tiếng Pháp nên khi có con cái, cũng muốn con mình biết tiếng Việt, từ 1997 đã tham gia dạy tại trường Việt Ngữ Đắc Lộ thuộc Công Giáo, lúc con mới 6 tuổi, bây giờ con đã ra đại học rồi, vẫn nói tiếng Việt trong gia đình, đó là truyền thống cần phải giữ gìn. Bao nhiêu thế hệ gốc Việt lớn lên, tôi không thể buông lơi, việc học tiếng Việt không bao giờ dừng lại,” cô Thu Vân chia sẻ.

“Tôi chú trọng đến việc học tiếng Việt qua kỹ năng của các em thiếu nhi, như làm một quyển sách trong đó kể về một câu chuyện trong gia đình bằng tiếng Việt, kèm theo hình của những người thân. Nhất là các em biết cách đánh vần, đó là chìa khóa để học tiếng Việt, mà các học trò nhỏ được học rất kỹ.”

Anh Hayashi Takaya, tên Việt là Lâm Quý Tài, sinh viên Đại Học Osaka, Nhật Bản, lần đầu tiên tham dự khóa tu nghiệp sư phạm. Nói tiếng Việt khá rõ, anh cho hay: “Tôi thích tiếng Việt, với giọng nói lên xuống líu lo, và học được nhiều điều rất hay từ các thầy cô trong tiếng Việt truyền thống.”

“Trước đây đã học tiếng Việt ở Việt Nam rồi, tôi thấy tiếng Việt ở Việt Nam khác rất nhiều tiếng Việt được dùng ở Mỹ. Như khi đi học và viết đơn đi học, nên nói “ghi danh” thay vì “đăng ký.” Em học được nhiều thứ lắm, từ ngôn ngữ Việt cho đến phong tục tập quán Việt Nam.”

“Tiếng Nhật có liên hệ với chữ Hán rất nhiều trong chữ viết. Kỳ tu nghiệp này em được học những chữ Hán dùng trong chữ Việt bằng các mẫu tự latin, đó là một lợi thế của tiếng Việt. Em cũng hiểu được vì sao phải nên giữ tiếng Việt truyền thống trong sáng, quá tuyệt vời!,” Hayashi hào hứng nói.

Cô giáo Mai Thảo, đến từ Na Uy, lần đầu dự khóa tu nghiệp sư phạm, chia sẻ: “Dù đã tốt nghiệp và dạy trong trường Tây bên đó, hôm nay lại gặt hái thêm được rất nhiều những kỹ năng dạy Việt Ngữ. Khóa tu nghiệp sư phạm này cho tôi những luồng gió mới trong cách giảng dạy, nhất là làm sao giữ vững và duy trì tiếng Việt của mình nơi hải ngoại, để con em thế hệ sau vẫn biết về nguồn cội, mà tiếng Việt là yếu tố quan trọng nhất.”

Học giả Đỗ Thông Minh (thứ 5, trái) trao chứng chỉ tốt nghiệp Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ 31 cho các khóa sinh đến từ Canada. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Cộng đồng Việt ở Mỹ rất lớn, các em nhỏ hứng thú đến trường học tiếng Việt khi được gặp nhiều bạn, tạo niềm vui là điều kiện dễ dàng khi đến lớp. Cần sự dẫn dắt của thầy cô, nhưng sự khuyến khích của gia đình vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng.”

Phái đoàn đông nhất gồm 9 thầy, cô đến từ Canada, gồm trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang ở thành phố Surrey, và cô giáo từ trường Việt Ngữ Calgary, tỉnh Alberta.

Thầy Lâm Quốc Tuấn, thuộc trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, Canada, nhận xét: “Lần đầu tiên tham dự khóa tu nghiệp sư phạm, với chương trình học thật chu đáo, giáo trình, giảng viên trình bày thật lôi cuốn. Từ bài vở cho đến thuyết trình viên, chúng tôi rất hài lòng. Việc học Việt Ngữ ở Mỹ hơn hẳn ở Canada, và chính cha sở đã khuyến khích, tạo điều kiện cho chúng tôi đến đây để học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy.”

Anh Billy Lê, phó ngoại vụ của giải “Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu,” cho biết: “Với ‘Giải Học Sinh Sinh Viên Gương Mẫu’ năm nay trên toàn nước Mỹ, có thường trú nhân hoặc quốc tịch Mỹ đều được cứu xét từ tiểu học cho tới cấp cao học. Ngoài giải này, cỏn có 8 giải đặc biệt nữa, tùy theo các nhà bảo trợ, như các giải ‘Bên Em Đang Có Ta’, giải ‘Tinh Thần Nguyễn Ngọc Phú’, hoặc giải doanh nhân tài trợ, các thí sinh có thể tham khảo và có những đơn do phụ huynh đánh giá về con em mình, hoặc thầy cô nhận xét về học trò của mình.”

Hơn 30 năm thăng trầm, những chương trình tu nghiệp sư phạm tiếng Việt vẫn duy trì và phát triển ngày càng mạnh nơi xứ người, với phương châm “Tiếng Việt còn, nước Việt còn,” ngoài ngôn ngữ chính thức được giảng dạy tại các cấp trong trường học, với những bài giảng, giáo trình được soạn thảo công phu từ các vị giáo sư. Qua thời gian phát triển, giờ đây tiếng Việt còn sử dụng rộng rải trên các giao dịch, văn bản, các đài phát thanh và truyền hình Việt ngữ với nhiều chương trình phong phú.

Trong 3 ngày, các khóa sinh được học hỏi, trao đổi và chia sẻ những đề tài thú vị cùng những kỹ năng sư phạm, đó sẽ là những bài giảng về tiếng Việt sẽ được giảng dạy cho các học sinh khắp nơi trên thế giới nơi cộng đồng người Việt sinh sống, với hoài bão và mục đích là duy trì và phát huy tiếng Việt trong sáng tại hải ngoại, nhất là các nước Úc, Đức, Pháp, Bỉ, Canada và Nhật Bản. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT