Thursday, May 16, 2024

Kỳ thị tuổi tác đang gây trở ngại cho nhiều người lớn tuổi và chính trị Mỹ

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Tình trạng kỳ thị tuổi tác ở Hoa Kỳ đang trở nên nguy hiểm với người lớn tuổi, kể cả với những người trong độ tuổi 50, chưa được gọi là cao niên, cũng bị kỳ thị. Có đến 93% người lớn tuổi cho biết họ từng bị kỳ thị theo nhiều cách.

Tình trạng kỳ thị tuổi tác đang gây nhiều trở ngại cho nhiều người lớn tuổi ở Hoa Kỳ. (Hình minh họa: Chandan Khanna/AFP via Getty Images)

Không chỉ vậy, kỳ thị về tuổi tác cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính trị, tổ chức AARP đưa ra các câu hỏi về việc Tổng Thống Joe Biden có nên tái tranh cử hay không vì ông đã lớn tuổi, cũng như thắc mắc về tình trạng sức khỏe tâm lý của Thượng Nghị Sĩ Diane Feinstein.

Phụ nữ cũng gặp nhiều cảnh kỳ thị tuổi tác, thậm chí nhiều hơn đàn ông, nhất là tại nơi làm việc. Tình trạng kỳ thị đó còn có nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe.

Để nói về tình trạng đó, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời một số chuyên gia phát biểu tại hội thảo hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Bảy.

Các chuyên gia dự hội thảo của EMS sẽ nói về những cảnh kỳ thị tuổi tác trong xã hội hiện nay, cùng những tác hại đến sức khỏe thể chất và tâm lý của người lớn tuổi và những người trong độ tuổi dưới cao niên.

Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Judie Allen, chuyên gia nghiên cứu xã hội của đại học University of Michigan.

Bà cho biết bà và các đồng nghiệp nghiên cứu để phát hiện những nhóm người bị kỳ thị tuổi tác nhiều hơn người khác và muốn hiểu được kỳ thị tuổi tác có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.

Những nghiên cứu của Tiến Sĩ Allen cho thấy hơn 93% người trong độ tuổi 50 đến 80 cho biết họ thường bị kỳ thị tuổi tác, với nhóm trong độ tuổi 65 đến 80 bị kỳ thị nhiều hơn. Những người lớn tuổi gặp khó khăn về kinh tế cũng bị kỳ thị nhiều hơn.

Nghiên cứu của bà cũng có những kết quả rất ngạc nhiên, với đàn ông người da trắng báo cáo họ bị kỳ thị tuổi tác nhiều nhất, sau đó là người Hispanic và Latino, kế đến người gốc Phi Châu.

Hàng trên từ trái: Tiến Sĩ Judie Allen và Tiến Sĩ Louise Aronson. Hàng dưới từ trái: Ông Paul Kleyman và bà Patricia D’Antonio. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Theo bà, tình trạng kỳ thị tuổi tác thường ngày gây căng thẳng cho nhiều người lớn tuổi, có thể dẫn đến lão hóa nhanh hơn hay gây ra nhiều bệnh mãn tính.

Kỳ thị tuổi tác còn dẫn đến chuyện nhiều người lớn tuổi không muốn tìm đến các hệ thống y tế. Họ cho rằng cô đơn hay trầm cảm và các vấn đề sức khỏe là một phần của tuổi già, nên không muốn đi gặp bác sĩ hay làm theo những lời khuyên của các công ty bảo hiểm y tế.

Nhiều người còn bị kỳ thị, bị trêu chọc khi đi khám bác sĩ, và điều đó sẽ làm họ không muốn đi khám nữa.

Diễn giả thứ hai là Tiến Sĩ Louise Aronson, giáo sư y khoa của đại học UC San Francisco, nói về tình trạng kỳ thị tuổi tác mà phụ nữ phải đối mặt.

Tiến Sĩ Allen giải thích về các ảnh hưởng của kỳ thị tuổi tác đối với người lớn tuổi nói chung, và Tiến Sĩ Aronson nói về những ảnh hưởng của sự kỳ thị đó đối với phụ nữ.

Theo bà, phụ nữ bị kỳ thị tuổi tác nhiều hơn đàn ông rất đáng kể, với thông số mới nhất là của năm 2016, cho thấy cứ 100 phụ nữ trong độ tuổi 65 trở lên bị kỳ thị tuổi tác, chỉ có 79 đàn ông bị kỳ thị.

Trong độ tuổi 65 đến 74, tỷ lệ phụ nữ với đàn ông bị kỳ thị tuổi tác là 100/88. Tỷ lệ bị kỳ thị của độ tuổi 85 trở lên là 100/55.

Bà Aronson cho biết các tỷ lệ đang ngày càng nhỏ hơn, nhưng không phải vì những lý do tích cực như phụ nữ được giúp đỡ, mà là vì có nhiều phụ nữ lớn tuổi qua đời trong đại dịch COVID-19, qua đời vì hút thuốc, uống rượu và béo phì.

Tình trạng kỳ thị tuổi tác còn kết hợp được với kỳ thị giới tính, gây ra nhiều nguy hiểm hơn cho phụ nữ lớn tuổi. Không chỉ vậy, hai kiểu kỳ thị đó còn kết hợp với kỳ thị chủng tộc, ảnh hưởng rất nhiều đến phụ nữ lớn tuổi người da màu.

Phụ nữ lớn tuổi bị kỳ thị tuổi tác nhiều hơn đàn ông. (Hình minh họa: Eva Marie Uzcategui/AFP via Getty Images)

Diễn giả thứ ba là ông Paul Kleyman, điều hợp viên của chương trình Mạng Lưới Ký Giả về Thế Hệ ở San Franciso, nói về ảnh hưởng của kỳ thị tuổi tác với chính trị.

Đầu tiên, ông nói về cách truyền thông đang nhìn về Tổng Thống Joe Biden và khả năng đắc cử nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Ông Kleyman cho biết đến những cơ quan truyền thông cấp tiến còn lo ngại ông Biden sẽ không tái đắc cử vì quá lớn tuổi, trong khi các cơ quan truyền thông đó từng muốn ông đắc cử vào năm 2020.

Theo ông Kleyman, Tổng Thống Biden cũng như các tổng thống khác nếu bị chỉ trích thì có lẽ về khả năng của họ, chứ không phải vì tuổi tác.

Không chỉ vậy, nhiều cơ quan truyền thông còn chất vấn Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein vì tuổi của bà. Sự kỳ thị tuổi tác đó đang tạo những phong trào kêu gọi loại bỏ những lãnh đạo trong độ tuổi 70 đến 80 vì họ “không hiểu được Hoa Kỳ đang cần cải thiện ra sao.”

Diễn giả cuối cùng là bà Patricia D’Antonio, phó chủ tịch của Hiệp Hội Nghiên Cứu Tuổi Già Hoa Kỳ, nói về những cách đối phó với kỳ thị tuổi tác.

Bà cho rằng xã hội nên có những thông điệp giúp nhiều người thay đổi suy nghĩ về tuổi già. Những thông điệp đó phải công nhận tuổi già có nhiều khó khăn, nhưng những người lớn tuổi có được trí khôn và kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm mà giới trẻ không có.

Tổng Thống Joe Biden đang bị nhiều cơ quan truyền thông chất vấn vì tuổi tác. (Hình minh họa: Chip Somodevilla/Getty Images)

Bà D’Antonio còn nói ai cũng phải công nhận mình đang già đi, cũng như hiểu được ảnh hưởng từ môi trường sống của nhiều người đối với sức khỏe của họ ra sao. Những điều đó sẽ giúp thay đổi được suy nghĩ tiêu cực của nhiều người về tuổi già.

Cuối cùng, bà nói tuy còn rất nhiều cách để đối phó với kỳ thị tuổi tác, nhưng ai cũng nên bắt đầu bằng những cách bà mới trình bày. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT