Friday, April 26, 2024

Lê Văn Khoa, người vì nghệ thuật Việt Nam, hôm qua, hôm nay và ngày mai

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Rất đông người đến tham dự buổi giới thiệu DVD “Lê Văn Khoa – Một Ðời Cho Nghệ Thuật” do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt và Vietnam Film Club tổ chức lúc 3 giờ trưa Thứ Bảy, 11 Tháng Tám, tại nhà hát Rose Center, Westminter.

Mới hơn 1 giờ trưa mà người xem đã có mặt chờ vào cửa. Tất cả đến đây vì sự đóng góp của Giáo Sư Lê Văn Khoa trong các lãnh vực giáo dục và nghệ thuật Việt Nam trong nhiều năm qua đã là phần nào kỷ niệm của họ rồi.

Bà Trương Hồng Yến cùng gia đình lái xe từ San Jose xuống dự, nói: “Gia đình tôi ngưỡng mộ ông Lê Văn Khoa từ lâu rồi. Hồi còn nhỏ ở Sài Gòn, không tuần nào là chúng tôi không coi chương trình của ông. Sau này, ông nhà tôi học chụp hình cũng vì muốn bắt chước ông Khoa.”

Bà hạ giọng, tủm tỉm cười: “Nhờ chụp lén được mấy tấm hình của tôi, tôi mới cho làm quen đó chứ.”

Quả thật, ông Chí Phạm, chồng bà Yến, bắt đầu mê nhiếp ảnh là nhờ ông Lê Văn Khoa. Ông kể: “Năm 1970, lúc tôi mới có năm tuổi, coi TV thấy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao giải thưởng cho ông.”

Đồng hương tề tựu ủng hộ vị nhạc sĩ dân tộc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Lớn lên, ông biết thưởng thức hình Lê Văn Khoa. Bức tranh gây ấn tượng sâu đậm cho ông Chí tên “Bồ Câu và Lính Chiến”.

Ông tả: “Bức hình làm tôi bàng hoàng. Một người lính ôm con bồ câu trắng trên tay. Đi gữa chiến tranh, anh nhẹ nhàng ấp ủ một ước mơ hòa bình xa xôi.”

Lái xe từ San Jose lúc năm giờ sáng, ông Chí nói: “Ông Khoa là một vĩ nhân của Việt Nam. Tuần tới, nếu ông có chương trình khác, chúng tôi xuống nữa. Bữa nay, chúng tôi có mặt để ủng hộ âm nhạc Lê Văn Khoa.”

Người đến càng lúc càng đông. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Vào chương trình, ông Trí Tạ, thị trưởng Westminster; bà Diana Carey, cựu nghị viên Westminster; ông Josh Lowenthal, ứng cử viên Quốc Hội California, đại diện cha mình là Dân Biểu Alan Lowenthal; và bà Roxane Chow, đại diện Dân Biểu Lou Correa cùng trao bằng tưởng lục cho Giáo Sư Lê Văn Khoa và Vietnam Film Club cũng như Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt.

Phần đầu chương trình, ông Chu Lynh, đại diện Vietnam Film Club nói qua về công phu khó nhọc của nhóm làm phim để hoàn tất cuốn phim thời sự, nói về những đóng góp quan trọng của vị giáo sư cho âm nhạc Việt Nam. “Ông Lê Văn Khoa đã có công đưa nhạc Việt lên hàng quốc tế,” ông nói. “Ở tuổi 85, trái tim ông vẫn dào dạt tình yêu quê hương.”

Bà Connie Huỳnh, cư dân Westminster, trầm trồ: “Ôi chao, nghe và nhìn thấy người ta dùng đàn ‘bandura’ (một nhạc cụ của Ukraine) đánh bài ‘Lý Ngựa Ô’ của mình mà tôi cứ muốn khóc vì hãnh diện. Ông Khoa tài hoa quá.”

Bà Connie và mấy người bạn nhất định sẽ mua nhiều DVD “Lê Văn Khoa – Một Ðời Cho Nghệ Thuật” để vừa nghe, vừa làm quà cho bạn hữu ở xa.

Trong phần hội thoại với khán giả, Giáo Sư Lê Văn Khoa khuyên giới trẻ: “Đừng bao giờ đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Mình cứ nhận phần thua thiệt mà nghĩ tới quê hương, dân tộc.”

Ông bày tỏ: “Cả đời tôi, tôi luôn muốn lo cho thế hệ trẻ. Đó mới chính là cột trụ của nước nhà. Đó mới chính là tương lai của dân tộc.”

Trong số những tài năng trẻ do ông đào tạo, em Hugo Hiếu Nguyễn và Lê Huy, cùng 12 tuổi, trình diễn hai đoản khúc bằng dương cầm do chính các em sáng tác.

Hợp ca ‘Hẹn Một Ngày Về’ của Lê Văn Khoa: ‘Quyết xây Việt Nam ta phú cường và oai linh chiếu ngàn phương…’ (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nói về những sáng tác để đời của ông, bà Tăng Ngọc Khanh, ngụ tại Garden Grove, trầm trồ: “Nhạc Lê Văn Khoa có cái độc đáo là rất ‘Tây’ mà lúc nào vẫn giữ được âm hưởng ngũ âm Việt Nam, như các bài ‘Mơ Về Quê Tôi’, Gọi Nhớ’ và ‘Nhạc Chiều Năm Đó’, đã nghe rồi là không thể quên được.”

Bà Khanh có nghệ danh là ca sĩ Thiên Thanh.

Ông Nguyễn Phước Thành, ở Huntington Beach, tấm tắc khen: “Tôi phải mua một ‘mớ’ DVD (“Lê Văn Khoa – Một Ðời Cho Nghệ Thuật”) mới được.”

Ông hăng hái nói: “Trước giờ tôi chỉ biết Trịnh Công Sơn có bài ‘Diễm Xưa’ được người Nhật hát bằng tiếng Nhật. Phạm Duy có nhiều bản được người Mỹ chọn hát tiếng Mỹ, nhưng bữa nay tôi mới biết ông Lê Văn Khoa cũng là một cây cổ thụ trong làng nhạc Việt Nam. Thiệt, vui hết sức. Đã vậy, ông còn được giải quốc tế về nhiếp ảnh nữa. Vui quá! Vui quá!”

Lớp lớp, mọi người chen chân ủng hộ vị nhạc sĩ tài hoa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Mỗi người có một lý do riêng để hãnh diện vì ông Lê Văn Khoa, nhưng khi nghe bài hợp ca “Hẹn Một Ngày Về” do chính ông sáng tác, toàn nhà hát cùng đồng loạt hân hoan vỗ tay giữ nhịp từ đầu đến cuối.

“Ta về dựng lại quê mình/Đem khí lực, đem ân tình/Đắp tô lại non nước sáng ngời… Quyết xây Việt Nam ta phú cường và oai linh chiếu ngàn phương…”

Ngoài sảnh đường, ông Lưu Anh Tuấn, cư dân San Diego, còn nấn ná, chưa muốn về. “Tôi luôn luôn ủng hộ ông Lê Văn Khoa. Ngoài ông ra, chỉ còn nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hồng là còn quan tâm tới nhạc giao hưởng,” vừa nói, mắt ông vừa nhìn về những người chen chân nhau, hàng trong, hàng ngoài, chờ mua những sản phẩm ủng hộ ban tổ chức.

Ông Nguyễn Quảng Huân, cư dân Santa Ana, vừa xoa đầu con trai vừa nói: “Hồi còn nhỏ, tôi mê coi chương trình Lê Văn Khoa đầy bổ ích, bây giờ con tôi học đàn dương cầm cũng vì hoạt động của ông.”

Ông nhìn cuốn DVD trên tay rồi tiếp: “Tôi tin rằng tới đời cháu tôi và con cháu tụi nó. Ông Lê Văn Khoa vẫn là nguồn cảm hứng yêu nghệ thuật và yêu quê hương cho tụi nó.”

Mọi yêu cầu, thắc mắc về DVD “Lê Văn Khoa – Một Ðời Cho Nghệ Thuật”, xin liên lạc ông Chu Lynh tại website [email protected], hay www.vnfilmclub.org, hay [email protected]. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT