Friday, April 26, 2024

Little Saigon: Đi tu có phải là… nghề?

Đằng-Giao/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Không! Đi tu không phải là nghề. Đi tu là một sự phát nguyện. Tu hành không phải cho bản thân một ai mà mục đích chính của việc đi tu chân chính là cho người khác.”

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang, Santa Ana, kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, cười vang rồi dõng dạc trả lời ngay sau câu hỏi “cắc cớ” của phóng viên nhật báo Người Việt.

Hòa thượng từ tốn nói tiếp: “Ai nghĩ rằng tu hành là một cái nghề thì người đó lộng ngôn. Là người tu hành từ nhỏ, tất cả những gì tôi tích lũy được tới giờ đều chỉ để cho bá tánh, cho cộng đồng.”

Chỉ quanh ngôi chùa thuộc loại khang trang nhất nhì ở Little Saigon, Hòa Thượng Quảng Thanh cho biết đó là công lao đóng góp của bao nhiêu Phật tử.

“Tôi không thể nêu tên từng vị ngay bây giờ được vì nhiều quá. Tuy nhiên, từng cái cửa, từng cái cột đều có ghi tên của họ. Tất cả những tượng Phật trong khuôn viên chùa đều do bá tánh cúng dường, và công đức của mọi người đều được ghi nhận rõ ràng,” ông cho hay. “Tu tập Phật pháp, tiền bạc tôi dành dụm để xây chùa là do những dịp lễ lộc, cúng kiến mà thôi.”

Ông từng làm nhiều hòn non bộ cho Phật tử, nhưng ông không nhận tiền. “Sống đời tu hành, tôi không cần gì nhiều,” ông nói một cách dứt khoát.

Có người không chủ đích mua tặng chùa nhưng vì lý do cá nhân, họ mới nghĩ đến chùa.

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh: “Đi tu là một sự phát nguyện.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chỉ tay về một tượng Phật sơn màu vàng ròng, ông kể: “Tượng Phật này trị giá mấy chục ngàn, tôi chỉ tốn có $100 tiền chuyên chở về đây thôi. Người chủ cũ dự định sẽ để ở vườn nhà mình, nhưng vì chưa chuẩn bị xong nên phải để ở tạm ở phía trước. Để lâu quá, thành phố cho biết là phạm luật.”

Về bộ sưu tập đồ cổ phong phú trị giá bạc triệu của mình, Hòa Thượng Quảng Thanh giải thích: “Đa số là do Phật tử đóng góp cho viện bảo tàng. Họ muốn chia sẻ những hiện vật có giá trị với đồng hương đời này cũng như cho các thế hệ tương lai. Việc này vừa có lợi ích chung, vừa được trừ thuế thì tại sao không làm?”

Ai đóng góp gì, ông đều có danh sách cẩn thận. “Phải hết sức tỉ mỉ như vậy thì khi nhân viên sở thuế cần kiểm chứng thì tôi mới biết đường mà trả lời họ chứ,” ông trình bày. “Phải nói cho đúng, trong bộ sưu tập này, tôi có bỏ tiền từ quỹ phước sương ra mua một phần, nhưng mục đích là để cho viện bảo tàng mà thôi. Ai đến tôi cũng khoe. Lý do hả? Lý do rất đơn giản, thứ nhất là vì tôi không có gì phải giấu diếm; và thứ nhì là vì viện bảo tàng là nơi để chưng bày cho công chúng coi mà.”

Có những người đóng góp cho viện bảo tàng từng món nho nhỏ, nhưng cũng có những người đem đến cho chùa cả một bộ sưu tập hết sức công phu.

Ông chỉ một tủ kính đầy đồ cổ rồi nói: “Tất cả mọi món trong cái tủ này là của ông Hảo Nguyễn ở Pasadena. Ông ấy ‘collect’ trong một thời gian rất dài từ hồi còn ở Việt Nam; tất cả là đồ Chàm. Cái này, ở đây làm sao mà kiếm ra được,” ông trầm trồ. “Thì đó, đa đa số là đồ của khách thập phương đem tới, tôi chỉ giữ lại đây. Rảnh thì tôi ngắm nghía rồi để lại đó cho viện bảo tàng.

Theo Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, có người cúng dường cả một bộ sưu tập công phu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Đi quanh phòng triển lãm, tỳ kheo Quảng Thanh chỉ từng món, và nói cái nào là của người nào cúng dường. Tuy nhiên, trong số ấy, cũng có vài vật phẩm là của chính ông thu nhặt trong nhiều năm qua, như một gốc tre già, nhìn y như đồ “antique” quý hiếm đắt tiền. Tuy không biết gốc tre này có từ bao nhiêu năm rồi, nhưng với ông, nó là vô giá.

Ông kể: “Cội tre này, tôi tìm được trong rừng hồi tị nạn ở trại tạm cư Galang (Indonesia). Qua Mỹ, suýt nữa, tôi bị nhân viên phi trường giữ lại vì họ rất cẩn thận, không cho đem cây cối vô. Tôi phải khẩn khoản giải thích rằng đây là kỷ niệm lưu vong duy nhất tôi có, để đánh dấu giai đoạn đầu trong cuộc đời mất nước. May quá, họ thông cảm và đồng ý cho tôi giữ.”

Khi hỏi tại sao hòa thượng lại lấy tiền từ quỹ phước sương mua đồ cổ, vị hòa thượng ôn tồn nói: “Tu hành, chả lẽ tôi dùng tiền này đi du lịch cho sướng thân tôi? Và nếu tôi mua những món này để tôi cất làm của riêng thì cũng là sai quấy. Đàng này, xin lặp lại, tôi mua cho viện bảo tàng thì vẫn là chính đáng thôi.”

Ông kết: “Đi tu hoàn toàn không phải là nghề. Nhân đây, tôi muốn kêu gọi những ai có đồ cổ mà không muốn để ở nhà, xin cúng dường cho viện bảo tàng để bá tánh cùng được thưởng thức lâu dài. Dĩ nhiên sẽ được trừ thuế đàng hoàng.” (Đằng-Giao)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Quê Nhà Quê Người Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT