Friday, April 26, 2024

Little Saigon sẽ có giáo trình Phật học song ngữ Anh-Việt

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Sau hơn năm tháng chuẩn bị, Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc vừa tổ chức cuộc hội thảo “Giáo dục Phật Giáo quốc tế – Biên soạn giáo trình Phật học song ngữ Anh-Việt.”

Diễn ra trong suốt bốn ngày, từ 7 Tháng Sáu đến 10 Tháng Sáu, ngay tại trụ sở viện ở Santa Ana, Nam California, hội thảo tiến hành dưới sự điều khiển của Giáo Sư Tiến Sĩ-Học Giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát (chủ tịch), Thượng Tọa Thích Nguyên Tâm (phó chủ tịch), và Thượng Tọa Thích Viên Minh (phó chủ tịch).

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang, Santa Ana; Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, viện chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang, Santa Ana; Hòa Thượng Thích Pháp Tánh, viện chủ tu viện Hoa Nghiêm, Santa Ana; Hòa Thượng Thích Viên Lý, viện chủ chùa Điều Ngự, Westminster; Hòa Thượng Thích Như Minh, viện chủ chùa Việt Nam Los Angeles, Los Angeles… cùng Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí, các nghị viên thành phố Santa Ana, Westminster… và đông đảo chư tôn đức tăng, ni, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, đồng hương Phật tử tại Orange County.

Phát biểu trong diễn văn khai mạc, Tỳ Kheo Thích Huyền Châu, giám viện Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc, trình bày: “Cộng đồng Phật Giáo Việt Nam hình thành tại Hoa Kỳ đã hơn 40 năm, có khoảng một triệu người Việt thường xuyên tham gia vào những sinh hoạt văn hóa Phật Giáo. Đặc biệt, số lượng tăng, ni và Phật tử ở Hoa Kỳ tập trung đông nhất là tại miền Nam tiểu bang California, hình thức và nội dung sinh hoạt Phật Giáo được tổ chức rất phong phú và đa dạng.”

Quang cảnh buổi hội thảo “Biên soạn giáo trình Phật học song ngữ Anh-Việt.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Trước bối cảnh ấy, chúng con lại nhận được sự thương tưởng khích lệ của chư tôn đức tăng, ni và sự phát tâm học pháp tinh tấn của đông đảo quý Phật tử gần xa, Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc được thành lập, và Khóa Trung Đẳng Phật Học đã khai giảng với sự hướng dẫn của 10 vị giáo thọ, đến nay đã hai năm. Tuy kế thừa tư tưởng Phật học trên 2,000 năm của Phật Giáo Việt Nam, lấy Kinh Luật Luận của hai hệ Nam Bắc truyền Phật giáo làm tài liệu y cứ, nhưng giáo trình này chỉ mang tính nội bộ cho Phật tử tu học mà thôi,” vị giám viện nói.

“Nếu chúng ta muốn xây dựng một trường Đại Học Phật Giáo được quốc tế công nhận thì trước tiên bộ giáo trình phải được biên soạn hoàn chỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng gồm hai thế hệ Việt-Mỹ thì việc xây dựng bộ giáo trình Phật học song ngữ Anh-Việt là điều rất cần thiết. Nhưng chúng con tài hèn sức mọn, tự thân không thể làm nổi Phật sự này. Do đó hôm nay chúng con cung thỉnh quý ngài, quý vị về đây, trước là để thắp nén tâm hương tưởng niệm Khánh Đản lần thứ 2,562 của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, và sau là tham dự hội thảo, từ bi chỉ dạy thêm cho chúng con,” vị giám viện nói tiếp.

Nhân tưởng niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh, chư tôn đức và Phật tử cùng trang nghiêm cử hành nghi thức tắm Phật trong ngày khai mạc.

Sau đó, trong ngày đầu tiên của hội thảo, nhóm diễn giả 1 trình bày các đề tài: “Tìm hiểu về nền giáo dục Phật Giáo cổ xưa tại trường Đại Học Nalanda (Thượng Tọa Thích Minh Trọng); “Giáo trình Phật Giáo Việt Nam xưa và nay” (Ni Sư Tịnh Quang); “Ba nguyên tắc của giáo dục Phật Giáo” (Thượng Tọa Thích Thanh Nguyên); “Vài gợi ý hướng đi cho một nền giáo dục Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (Đại Đức Thích Hạnh Tuệ); “Văn Tư Tu” (Thượng Tọa Thích Minh Hạnh); “Đâu là lời Phật dạy” (Sư Minh Khánh); “Xây dựng Đại Học Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ-Cơ hội và thách thức” (Tỳ Kheo Thích Huyền Châu).

Ngày thứ hai, nhóm diễn giả 2 với những đề tài: “Buddhist Education and the Two Truths” (Nhị Đế và giáo dục Phật Giáo) của Giáo Sư Victor Gabriel, trưởng Khoa Tuyên Úy Phật Giáo, University of the West, California; “Impact of Digital Technology on Buddhist Education” (Ảnh hưởng của công nghệ số đối với giáo dục Phật Giáo) của Giáo Sư Miroj Shakya, khoa Tôn Giáo Học, University of the West, cộng tác viên Dự Án Số Hóa Tam Tạng Kinh Điển tiếng Sanskrit; “Spiritual Presence & Development In Buddhist Education: Awareness, Contemplation, and Reflection” (Hiện hữu và phát triển của tâm linh trong giáo dục Phật Giáo) của Giáo Sư Jitsujo T. Gauthier, khoa Tôn Giáo Học, University of the West.

Ngày thứ ba, nhóm diễn giả 3 với các đề tài: Buổi nói chuyện của Ven. Shumyo Kojima “Head Minister of the Zenshuji Soto Mission;” “Emty Temple, Silent Bells” (Chùa Không, Chuông Tịnh) của Hòa Thượng Thích Ân Giáo, viện chủ trung Tâm Thiền Thiên Ân Lucern Valley, California; “Curricula and the Goals of Buddhist Education in Sipsongpanna, Thailand and Singapore” (Giáo trình và mục đích của giáo dục Phật Giáo tại Sipsongpanna, Thái Lan và Singapore) của Giáo Sư Thomas Borchert, University of Vermont, Vermont.

Tỳ Kheo Thích Huyền Châu (thứ tư, phải) cùng ban biên soạn lâm thời giáo trình Phật học song ngữ Anh-Việt phát nguyện trước đại chúng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ngày thứ tư, nhóm diễn giả 4 với các đề tài: Learning Goals as Aspirations for Teachers and Students (Mục đích của của việc học là nguyện vọng của giáo sư và sinh viên) của Giáo Sư Karen Derris, University of Redlands, California; “Comparatively Speaking: Reflections on Buddhists, Catholics, and Education” (Nói theo cách tỷ giảo: Suy nghĩ về nền giáo dục của Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo) của Giáo Sư Karma Lekshe Tsomo, UC San Diego, California; “Education and Social Change: Curricular Objectives at the International Network of Engaged Buddhist’s Institute” (Giáo dục và sự cải cách trong xã hội: Những mục tiêu của học trình của Học Viện Quốc Tế Liên Mạng của Phật Giáo Tiếp Hiện) của giảng viên Jordan Baskerville, University of Wisconsin-Madison, Wisconsin.

Sau bốn ngày hội thảo sôi nổi, ban thư ký tổng kết hội thảo và ra mắt ban biên soạn Giáo Trình Phật Học Song Ngữ Anh-Việt phát nguyện trước đại chúng.

Hiện tại, Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc cung thỉnh 10 vị giáo thọ lâm thời để điều hành tiếp nối công việc biên soạn giáo trình.

Chiều 10 Tháng Sáu cũng diễn ra lễ khai giảng Khóa 1 năm thứ ba chương trình Trung Đẳng Phật Học, với nhiều học viên theo học.

Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, Tỳ Kheo Thích Huyền Châu, trưởng ban tổ chức hội thảo biên soạn giáo trình, cho biết: “Chư tăng tại Việt Nam và khắp năm châu có nhiều vị rất tài giỏi, hiện tại thì ban biên soạn lâm thời được thành lập, có kế hoạch cung thỉnh các vị chuyên môn để góp phần trong việc biên soạn giáo trình Phật học song ngữ Anh-Việt. Theo dự án thì một năm sau sẽ hoàn thành công trình đầu tiên bằng tiếng Việt, và một năm sau đó tổ chức hoàn thành công trình phiên dịch Anh-Việt. Có thể sau hai năm sẽ tổ chức một hội thảo tiếp theo để ra mắt công trình, đồng thời thảo luận cho những công trình sẽ tiếp nối.”

“Trong tương lai, chúng tôi còn có kế hoạch hướng đến xây dựng một hệ thống giáo dục Đại Học Phật Giáo với chương trình do Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ chấp nhận. Vì thế, việc biên soạn giáo trình Phật học song ngữ Anh-Việt là điều rất cần thiết và phải làm ngay từ lúc này, việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay,” vị trưởng ban tổ chức nói thêm. (Văn Lan)

MỚI CẬP NHẬT