Wednesday, April 24, 2024

‘Lối Xưa,’ đêm nhạc thính phòng đầu năm tại Viện Việt Học

Văn Lan/Người Việt 

WESTMINSTER, California (NV) – Tối Thứ Bảy, 11 Tháng Giêng, đêm nhạc đầu tiên mở màn chương trình nhạc thính phòng, tái ngộ quý khán thính giả năm 2023, với chủ đề “Lối Xưa” do bốn giọng hát của Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học là Mạnh Quân, Nguyên Dung, Nam Trân, và Nguyễn Thái gởi đến khán giả những nhạc phẩm bất hủ vượt thời gian.

Ca sĩ Nam Trân trong nhạc phẩm “Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài” với Minh Nguyệt đệm piano. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Các chương trình của Viện Việt Học đã hoạt động liên tục trở lại từ Tháng Giêng, 2023, như trường Việt Ngữ, Thư Viện Việt Học, diễn đàn Viện Việt Học đã có hai chương trình thuyết trình về văn hóa, giáo dục đến một số các bạn trẻ, và chương trình định kỳ của Câu Lạc Bộ (CLB) Văn Nghệ Viện Việt Học bắt đầu từ 11 Tháng Giêng.

Với chủ đề “Lối Xưa” gồm những bài hát do ca sĩ tự chọn, những bài nhạc thể loại xưa, mang âm hưởng những nề nếp cũ, một nếp sống cũ, hoặc những tâm tình cũ, có thể là một thời vàng son khi tình người, lòng yêu thương, sự đàng hoàng tử tế được ca ngợi, tất cả những tâm tình ấy được đan dệt lại một cách đậm đà sâu sắc, dưới sự điều khiển chương trình hết sức điêu luyện của MC Diệu Trang.

Mở màn cho đêm nhạc là nhạc phẩm “Hồng Ngự Mang Tên Em” do ca sĩ Mạnh Quân trình bày. Đây là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng viết vào năm 1963 được ái mộ bởi tính mộc mạc chân chất của người dân quê miền Nam. Hồng Ngự là một quận lỵ của tỉnh Châu Đốc, sau đổi là Kiến Phong, là nơi sinh trưởng của nhạc sĩ, nên ít nhiều ảnh hưởng sâu đậm đến dòng nhạc trữ tình của ông, trong đó có những bài tiêu biểu “Sao Nỡ Đành Quên,” “Giã Từ,” “Xót Xa,” “Giăng Câu,” “Tháp Mười Quê Tôi,” “Chiếc Xuồng,”…

Ca sĩ Mạnh Quân trong nhạc phẩm “Nửa Hồn Thương Đau” sáng tác Phạm Đình Chương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp đến là giọng ca Nguyên Dung trong nhạc phẩm “Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu,” một trong những bài hát top hit của âm nhạc Việt Nam. Với chất giọng ngọt ngào tha thiết đủ để diễn tả cuộc tình đã xa, Nguyên Dung đã lưu luyến kể “Còn mãi khung trời đó mình gặp nhau lúc đầu/Ngày tháng thơ mộng đó cùng niềm vui nỗi sầu/Sẽ ghi lại biết bao điều/Để nhớ một thời ta đã yêu.”

Qua biệt tài giới thiệu, MC Diệu Trang đã khéo léo đưa người nghe từ những giai điệu êm ái ngọt ngào đến những tâm tư hết sức mượt mà quyến rũ của “Áo Lụa Hà Đông” (Ngô Thụy Miên-Thơ Nguyên Sa), qua đến những chơi vơi khắc khoải của “Nửa Hồn Thương Đau” (Phạm Đình Chương), rồi lại rộn ràng sôi nổi trong “Khúc Hát Thanh Xuân” qua giọng cao vút của Nam Trân, và nhiều nhạc phẩm khác nữa.

Qua bốn nhạc phẩm “Xóm Đêm,” “Xin Còn Gọi Tên Nhau,” “Bài Không Tên Số 8,” và “Biển Cạn,” đều được ca sĩ Nguyễn Thái trình bày trọn vẹn với tất cả nỗi niềm và tâm tư, thay lời người nhạc sĩ muốn nói.

Và không gian lên đến đỉnh điểm khi điệu Tango rộn ràng sôi nổi qua chất giọng Nguyễn Thái trong nhạc phẩm “Xóm Đêm” sáng tác Phạm Đình Chương, một nhạc phẩm bất hủ đi vào lòng người từ 1953 khi người nhạc sĩ vào Sài Gòn sau đó. Bài hát như một bức tranh sống động về cuộc sống người dân nghèo xóm nhỏ, với những đêm hiu hắt ánh điện câu từ nhà hàng xóm. Nhưng dù trong cảnh nghèo, người chinh phụ vẫn mang tâm trạng vô tư, luôn hẹn về một ngày mai ánh xuân nồng.

Ca sĩ Nguyễn Thái thả hồn trong nhạc phẩm bất hủ “Xóm Đêm.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với giai điệu ngập ngừng luyến láy theo từng nhịp, đôi lúc rớt xuống nửa nhịp làm người nghe chới với sau đó lại trở về bình thường, không ai ngờ một chuyên viên ánh sáng và âm thanh trong những chương trình nhạc thính phòng ở Viện Việt Học, ca sĩ Nguyễn Thái lại rất điêu luyện trong ca từ và phong cách trình diễn trong nhạc phẩm “Xóm Đêm,” đưa đến sự thích thú với những tràng pháo tay tán thưởng không dứt.

Trong khi đó, Nguyên Dung cho hay ca hát là một sở thích, trong khi cô vốn là một kỹ sư điện toán, cho hay cô không bị một áp lực nào khi đi hát ở bất cứ nơi nào, và khi bước lên sân khấu rất thoải mái tự tin.

“Những chương trình âm nhạc ở đây em đã góp mặt từ nhiều lần trước, và hát live như vậy em thích hơn, lên sân khấu rất thoải mái tự nhiên, một phần nhờ có năng khiếu về âm nhạc và cũng từng hát trên sân khấu, nên hát nhạc sống rất dễ dàng, đa số những bài nhạc trữ tình cũng mang đậm nét của nhạc sĩ và ca sĩ thể hiện.”

Ca sĩ Nguyên Dung trong nhạc phẩm “Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nguyên Dung bộc bạch: “Nếu đúng chủ đề và có thời gian tập, em sẽ thích những bài ‘Hương Xưa’ hoặc ‘Đường Xưa,’ hoặc nhiều bài khác em muốn hát với tính cách văn nghệ, như buổi nhạc hôm nay làm em rất hứng thú để trình diễn. Sống trong gia đình có môi trường ca hát nên em rất thích hát và có ước mơ làm ca sĩ nhưng khi lớn lên, thấy rằng làm ca sĩ không phải dễ, cũng phải có cái ‘duyên’ mới được. Hơn nữa mình cũng phải có một cuộc sống ổn định nên chọn học ngành kỹ sư điện toán, do đó ca hát trở thành một sở thích thôi.”

Một tiết mục đặc biệt do Nam Trân cùng phu quân Lê Đăng Khoa trình diễn, qua nhạc phẩm “Khúc Hát Uyên Ương” sáng tác Nguyễn Kế Khuyến, nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Phải nói rằng chất giọng đầm ấm dịu dàng của anh Khoa đã chiếm trọn cảm tình của người nghe, đến nỗi có nhiều lời yêu cầu dễ thương từ khán giả, chọn anh là ca sĩ gia nhập CLB Viện Việt Học kể từ hôm nay.

Ông Trần Năng Phùng cùng vợ, pianist Minh Ngọc, từ thành phố Laguna Neguel về tham dự chương trình đêm  nay, cho hay: “Chương trình nhạc đêm nay chỉ có bốn ca sĩ thôi, nên mỗi người phải trình bày nhiều bài nhạc hơn, nhưng ai cũng đều thoải mái nhẹ nhàng cống hiến hết mình, tôi rất khâm phục!”

Toàn thể ca sĩ, ban nhạc và thân hữu trong giờ phút chia tay. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Với chủ đề ‘Lối Xưa,’ tôi thích nhất là bài ‘Cô Đơn’ và ‘Khúc Hát Uyên Ương,’ tất cả do ca sĩ Nam Trân trình bày, nhất là bài ‘Khúc Hát Uyên Ương’ do đôi vợ chồng hát thật tuyệt vời trong những ngày Valentine sắp đến,” ông Phùng cho hay.

Trong khi đó, bà Minh Ngọc đệm đàn piano cho ca sĩ Nam Trân trong hai bài “Cô Đơn” và “Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài,” chia sẻ: “Trong khi chơi keyboard thì có nhiều tiếng trống, còn với piano thì có nhiều hợp âm hơn, rải hợp âm theo ca sĩ thích hợp hơn, mình có thể đàn thêm những nốt chạy theo ngoài những hợp âm đó, hoặc nếu ca sĩ muốn đổi tông thì piano cũng thay đổi theo cho phù hợp, thành ra tiếng dương cầm làm phong phú bài nhạc thêm.”

Đêm nhạc “Lối Xưa” tạm khép lại với những nỗi niềm, nhưng ưu tư và mong ước, qua một ê kíp âm thanh và ánh sáng của Nguyễn Thái, keyboard Nguyễn Tú, pianist Minh Nguyệt, và chỉ với bốn ca sĩ Mạnh Quân, Nguyên Dung, Nam Trân, và Nguyễn Thái, đã làm nên một đêm nhạc tuyệt vời trong đầu năm mới. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT