Monday, March 18, 2024

Ngày Tết nơi cửa chùa quanh Little Saigon

Nguyên Huy/ Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cộng đồng người Việt hải ngoại thường tập trung đông đảo tại các chùa, nhất là những chùa lớn, vào những ngày đầu năm để trước nhất là “Đầu năm đi chùa lễ Phật hái lộc xin xăm theo như truyền thống sinh hoạt của ông cha. Sau là tới chùa để được gặp gỡ nhau tưởng nhớ lại những Mùa Xuân xưa trên quê hương yêu dấu. Sau chót là để con em các thế hệ sau tiếp nối gìn giữ được phong tục tập quán, văn hóa của người Việt” như lời của phần lớn bà con có mặt trước các cửa chùa trong vùng Little Saigon vào những ngày Tết năm nay.

Tại chùa Trúc Lâm Yên Tử trên đường First, Santa Ana vào sáng Mùng Một Tết, đồng hương Phật Tử đã đến tham dự buổi cầu nguyện đầu năm do Hòa Thượng viện chủ Thích Như Nguyện chủ lễ.

Phật tử ngồi kín Niệm Phật Đường cùng nhau đọc kinh cầu quốc thái dân an, cầu bình an may mắn cho gia đình nội ngoại, cầu duyên cầu phúc.

Hội trường chùa Điều Ngự đông chật đồng hương Phật tử dự bữa cơm chay đầu năm. (Hình: Nguyên Huy/ Người Việt)

Ông Minh, một Phật tử cao niên, sau buổi lễ cho chúng tôi biết: “Tôi nghĩ lễ Phật đầu năm thường là xin Trời Phật phù hộ cho gia quyến được bình an mạnh khỏe, không nên cầu xin phát tài, quyền cao chức trọng vì đó là Tham Sân Si mà Phật dạy ta nên từ bỏ để không bị cuốn vào vòng luân hồi để có thể thoát ra được bể khổ, Phật không độ cho đâu.”

Với Hòa Thượng Thích Như Nguyện, Viện Chủ Trúc Lâm Yên Tử, khi được hỏi thầy có chương trình xây cất Trúc Lâm Yên Tử lớn rộng hơn không, thầy cho biết: “Chùa không có dự định ấy. Phật tử cúng dường cho chùa bao nhiêu tôi dành vào việc thuê làn sóng phát thanh phát hình để hoằng pháp cho ngày một nhiều người biết đến giáo lý nhà Phật, tìm đến con đường an lạc, hòa bình. Đó là Hạnh Phúc của cuộc sống. Sự hoằng pháp này cũng là lời Phật dậy, ta tu không chỉ cho mình ta mà hãy giúp cho mọi người cùng biết đến con đường dẫn đến Cực Lạc qua việc tu tập để có thể tự giác, giác tha.”

Trong đời thường nhiều người cho rằng chùa Trúc Lâm Yên Tử là một trong những “chùa nghèo.” Nhưng thật ra Trúc Lâm Yên Tử đã có mặt cùng cộng đồng người Việt tị nạn từ những ngày đầu, nên nếu muốn xây cất to lớn, chắc cũng không khó.

Một ngôi chùa mới có trụ sở mới thật khang trang nằm ngay cuối đường Bolsa, đầu đường First của thành phố Santa Ana, đó là chùa Bát Nhã do Hòa Thượng Thích Nguyên Trí vận động bà con Phật tử, đồng hương đóng góp xây cất, mới hoàn thành vào năm ngoái. Ngay từ khi còn ở địa điểm cũ trên đường Sullivan, Santa Ana, chùa Bát Nhã đã là nơi tập trung được đông đảo Phật tử đến lễ bái, sinh hoạt.

Bà mẹ trẻ dạy con lễ Phật đầu năm từ thuở còn thơ để gìn giữ tục lệ cổ truyền. (Hình: Nguyên Huy/ Người Việt)

Vào sáng hôm Mùng Hai Tết Mậu Tuất, trước cửa Chánh Điện, đồng hương Phật tử đứng đông đảo chiêm bái pho tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cao hàng mấy chục thước được dựng lên trong một không gian khoảng khoát.

Một bà mẹ có hai cậu con trai tuổi thiếu niên đi kèm, vừa lễ Đức Quán Thế Âm xong, cho chúng tôi biết: “Chúng tôi có hai cháu trai, đều sanh ở hải ngoại, sợ chúng lớn lên không nhớ đến phong tục cổ truyền lễ tết của ông bà cha mẹ nên năm nào tôi cũng dắt các cháu đi lễ chùa, xin sâm hái lộc đúng tục lệ và giảng giải cho các cháu hiểu.”

Vào trong chánh điện, chúng tôi lại gặp ngay một bà mẹ trẻ đang chỉ dẫn cho cô con gái còn nhỏ xíu chắp tay lễ Phật trước các Đức Phật Di Đà, Quan Âm và các vị Bồ Tát. Bà mẹ trẻ tên là Trina Trần, làm nghề địa ốc cho biết: “Đi chùa đầu năm để cầu xin cho gia đình được an vui thịnh vượng, may mắn hanh thông và cũng mong cho con cái nhiễm được tục lệ của ông bà cha mẹ với những phong tục ngày Tết”.

Đến chùa Điều Ngự, một trong những chùa lớn của người Việt ở Nam California. Viện chủ chùa là Hòa Thượng Thích Viên Lý. Gặp chúng tôi giữa lúc Hòa Thượng đang đến thăm hỏi bà con Phật tử từng bàn trong bữa chay trưa, Hòa Thượng vui vẻ chúc mừng năm mới cho giới truyền thông báo chí.

Trong hội trường rộng có thể chứa đến cả ngàn người, trưa hôm Mùng 2 Tết, Phật tử sau khi lễ Phật tại chánh điện đã kéo nhau xuống hội trường mua đồ chay, cùng nhau dự bữa ăn đầu năm trong không khí ấm cúng của Gia Đình Phật tử Điều Ngự.

Bác Lục Phương Mai, một trong hàng chục Phật tử mà đa số là các bạn nữ trẻ, phục vụ thức ăn tận tình cho mọi người. Bà Mai vui vẻ nói: “Chúng tôi làm công quả cho chùa Điều Ngự từ ngày chùa được thành lập. Chưa có năm nào Phật tử đến chùa lễ Phật đầu năm đông đúc như năm nay. Thật quý hóa lắm”.

Mẹ dắt hai con sắp thành niên đi lễ Phật đầu năm gìn giữ văn hóa Việt. (Hình: Nguyên Huy/ Người Việt)

Nhìn chung năm nay, Phật tử đi lễ Giao Thừa không rầm rộ như mọi năm nhưng ngược lại, lễ chùa ngày đầu năm thì chùa nào cũng đông nghịt. Điều rất vui mắt là hầu hết các bạn trẻ, đều mặc quần áo quốc phục. Nam thì áo gấm màu sắc rự rỡ với khăn đóng cùng mầu. Gái thì như không ai bảo ai mà cùng mặc chiếc áo dài vạt ngắn đến đầu gối, không dài lượt thượt như trước. Nhiều người cho rằng nó giống áo “xường xám” của phụ nữ Tầu. Nhưng giới cao niên thì lại như tìm lại được Mùa Xuân đã khuất. Đó là vào những năm từ 1967, những nhà may ở Saigon “lăng xê” kiểu áo dài, tay Raglan thay thế kiểu áo dài cổ cao cứng và bó thắt eo.

Kiểu áo dài, tay Raglan đã là một cuộc cách mạng y phục cho nữ giới Việt Nam. Cổ áo không còn cao đến cằm mà chỉ thấp chưa đầy ngón tay, tạo thoải mái cho người mặc. Hai tay áo được may viền nối vào thân áo khiến cho vạt áo trước ngực phẳng phiu không còn nếp gấp ở hai bên nách nữa. Vạt áo trước sau chỉ đến đầu gối hay hơn một chút xíu tạo cho chiếc áo thảnh thơi rất tiện và gọn gàng khi mặc đi làm nơi công tư sở. Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện, chiếc áo dài tay Raglan đã phụ sinh ra chiếc quần trắng ống Patt, ống rộng như để cân bằng cho vạt chiếc áo đã ngắn lại. Ngắm những phụ nữ mặc chiếc áo cải cách này, thấy ai cũng như trẻ trung lại, văn minh hơn, xinh xắn và có vẻ “hippy” choai choai thời đại. Rồi sau 1975, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam không hiểu sao vạt áo lại cứ dài mãi ra lòe xòe chùm cả hai bàn chân tạo ra một hình ảnh vướng mắc không đẹp mắt với nhiều người.

Nay, chiếc áo dài tay Raglan đã trở lại. Có phải nó báo hiệu cho sự trở lại của miền Nam trù phú vào những năm giữa thập niên 60 không.

Đó là niềm mong ước đầu Xuân năm nay của nhiều người Việt tị nạn. (Nguyên Huy)

Mời độc giả xem phóng sự “Chùa Điều Ngự ngày đầu năm mới Xuân Mậu Tuấy 2018”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT