Monday, May 6, 2024

Người Chăm ở Little Saigon tìm cách đổi chữ viết sang chữ La Tinh

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Thứ Bảy, 24 Tháng Mười Một, Văn Phòng Quốc Tế Champa (IOC-Champa) tổ chức chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Tham dự chương trình có đại diện các hội đoàn người Chăm từ Sacramento, San Jose, Santa Ana, Fullerton…

IOC-Champa là tổ chức bất vụ lợi, ra đời vào năm 1988 tại tiểu bang California. Mục đích của tổ chức này là chuyển tải thông tin về lịch sử và văn hóa dân tộc Champa đến công chúng; bảo tồn và làm phong phú thêm truyền thống văn hóa Champa; hỗ trợ nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, phong tục, lịch sử, nhân chủng học… và bất cứ những công việc nào liên quan đến dân tộc và truyền thống của họ; hợp tác với các hội đoàn khác để thúc đẩy sự tự do, nhân quyền, bình đẳng cho mọi người.

Nội dung chính của chương trình kỷ niệm là buổi hội thảo về “Cách thức bảo tồn và đẩy mạnh sử dụng ngôn ngữ Chăm-Di sản văn hóa của người Chăm.”

Một trong những diễn giả của buổi hội thảo là Giáo Sư-Tiến Sĩ Văn Ngọc Sáng của trường Đại Học Tây Nguyên, Việt Nam.

Ông Qasim Từ, trưởng ban tổ chức: “Tiếng Chăm phải đi theo xu hướng phát triển hiện nay.” (Hình: Thanh Long/Người Việt)

Giáo Sư Sáng đang chuẩn bị hoàn tất nhiều ứng dụng gõ chữ Chăm dùng cho máy điện toán và điện thoại thông minh. IOC-Champa hy vọng sẽ sớm giới thiệu với cộng đồng người Chăm ở Hoa Kỳ nói riêng và thế giới.

Bên cạnh việc giữ gìn chữ Chăm gốc, IOC-Champa cũng đang cố gắng chuyển đổi chữ viết này sang chữ La Tinh để giới trẻ dễ học hơn.

Ông Qasim Từ, trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: “Đa số người dân ở đây không còn sử dụng chữ Chăm, vốn có nguồn gốc từ chữ Phạn. Mục đích của hội thảo hôm nay là thống nhất chuyển chữ Phạn sang chữ La Tinh, giống như ở Mã Lai bây giờ. Hiện nay, người Chăm nhận thấy rằng chữ viết của mình phải đi theo đà phát triển của xã hội, tức là dùng chữ La Tinh. Nó phù hợp với xu hướng phát triển bây giờ như Internet, Facebook…”

Là một người trẻ, từng học chữ Chăm ở Việt Nam từ lớp Một đến lớp Năm, nhưng anh Đạo Văn Tình, cũng đồng ý rằng xu hướng chuyển sang chữ La Tinh là phù hợp.

“Tôi thấy người Chăm bây giờ dùng chữ La Tinh cũng lâu rồi. Người lớn cũng xài nhiều rồi. Vì chữ Chăm cũ hơi khó, nhất là với người trẻ. Cách viết cũng khó, mà cách nhớ cũng khó. Nên người ta chuyển sang chữ La Tinh tôi thấy rất là hay. Nếu không học thì nhìn vào 10 từ cũng hiểu được 8 từ rồi,” anh Tình, năm nay 31 tuổi, giải thích. (Thanh Long)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT