Monday, April 29, 2024

Bài học Lịch Sử Nội Chiến Mỹ: Thay đổi tùy theo từng nơi ở

Cuộc Nội Chiến ở Mỹ chấm dứt đã hơn 150 năm trước đây, nhưng cho đến ngày nay, bài học về cuộc chiến này vẫn còn rất khác nhau tại quốc gia này, theo AP.

Một số trường nhấn mạnh về yếu tố quyền độc lập của các tiểu bang là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh, trong khi có một số nơi khác cho rằng đây là vì vấn đề nô lệ, tạo sự khác biệt văn hóa, nhiều khi ở cùng tiểu bang nhưng không cùng học khu.

Các bài học về cuộc Nội Chiến dạy cho học sinh Mỹ thường tùy thuộc vào địa điểm của lớp học, với các trường đưa ra những cách nhìn khác nhau về cuộc chiến, thay đổi tùy theo tiểu bang và cũng có khi giữa các học khu.

Một số trường nhấn mạnh về quyền được độc lập của các tiểu bang, bên cạnh yếu tố nô lệ, và nhấn mạnh về sự khác biệt kinh tế và văn hóa khiến đưa tới đối đầu giữa miền Bắc và miền Nam. Những trường khác xem xét khả năng tác chiến của các cấp chỉ huy quân sự Liên Minh Miền Nam (Confederate) bên cạnh các cấp chỉ huy Liên Bang Miền Bắc (Union). Và cũng có nơi nói rằng việc hủy bỏ chế độ nô lệ đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ thực sự xứng đáng với các lý tưởng mà các nhà lập quốc đã đề ra.

Điều thú vị là các khác biệt này thường không thấy rõ ràng dọc theo lằn ranh địa dư Bắc-Nam như nhiều người thường nghĩ.

“Bạn không thể nào biết, cho tới khi bạn nói chuyện với người ở khắp nước, về sự nhận định của họ liên quan tới những điều như cuộc Nội Chiến,” theo lời Dustin Kidd, một giáo sư xã hội học tại đại học Temple University ở Philadelphia.

Các bài học về cuộc Nội Chiến và nguyên nhân đưa đến cuộc chiến này thường khởi sự ở lớp Năm cho tới lớp Tám. Điều này có nghĩa rằng thái độ về cuộc chiến của các học sinh này có thể bị ảnh hưởng từ những gì được học khi còn quá nhỏ.

Và ảnh hưởng của điều đó có thể không được thấy rõ, cho tới khi có một vấn đề liên hệ bùng ra, như cuộc bạo động hồi tháng qua ở Charlottesville, tiểu bang Virginia, và phản ứng chống đối mạnh mẽ nhắm vào các biểu tượng của Liên Minh Miền Nam.

Là người lớn lên ở Charlottesville, Giáo Sư Kidd nói rằng ông được dạy là “người từ miền Bắc” đưa ra “ý tưởng sai lầm” rằng chế độ nô lệ là nguyên nhân gây ra cuộc Nội Chiến. Ông được cho hay là, nguồn gốc thật sự của cuộc chiến có thể truy ngược lại tới các nhóm di dân từ Anh, vốn từ trước đã có sự thù hằn với nhau, trước khi có tiếng súng vào năm 1861.

Nhưng chỉ tới khi học Cao Học, ông mới bắt đầu đặt câu hỏi với sự giải thích đó.

Những người có cảm tình với phía Liên Minh Miền Nam từ lâu nay vẫn đưa ra giả thuyết rằng phía miền Nam đã chiến đấu anh dũng trong một cuộc chiến vô vọng, chống lại sức mạnh vượt trội của miền Bắc, và nô lệ không phải là yếu tố chính đưa tới cuộc chiến.

Ông Edward Countryman, một giáo sư Sử tại đại học Southern Methodist University ở Dallas, Texas, nói rằng ông học được điều này khi lớn lên ở New York vào thập niên 1950.

“Tôi còn nhớ hồi 8 hay 9 tuổi, cha tôi mang về nhà hai nón lính của thời Nội Chiến, một màu xám và một màu xanh da trời. Và tôi muốn đội nón màu xám (của phía Liên Minh Miền Nam),” Giáo Sư Countryman cho hay.

“Sự tin tưởng là cuộc Nội Chiến là do những điều khác chứ không hề do vấn đề nô lệ gây ra, rất, rất là mạnh mẽ,” Giáo Sư Countryman cho biết tiếp.

Năm 2011, trung tâm nghiên cứu Pew Research Center thấy rằng có 48% dân Mỹ nói rằng cuộc Nội Chiến phần lớn liên quan đến quyền tự chủ của các tiểu bang, so với 38% nói rằng đây là vì vấn đề nô lệ. Có 9% nói rằng cả hai yếu tố đều quan trọng như nhau.

Sự khác biệt ý kiến đó được thấy rõ theo yếu tố chủng tộc chứ không là địa dư. Có 48% người da trắng chọn quyền tự chủ của tiểu bang hơn là nô lệ, trong khi có 39% người da đen có nhận định ngược lại. Tuy nhiên, 49% những người cho hay là da trắng gốc miền Nam chọn yếu tố tiểu bang, cũng gần như bằng với 48% người da trắng không coi mình gốc miền Nam.

Chủ tịch tổ chức tranh đấu cho quyền lợi người da màu, chi nhánh Texas, ông Gary Bledsoe, nói rằng đây chỉ là cách “lịch sự” để che lấp sự kỳ thị chủng tộc.

“Quyền tự chủ của tiểu bang chỉ là ý tưởng cho phép tiếp tục tiến hành chế độ nô lệ và cho phép họ có hành động kỳ thị sau chiến tranh,” theo ông Bledsoe.

“Bạn không thể tẩy sạch lịch sử và viết trong sách sử là trước cuộc chiến đó chủ và nô lệ vẫn cùng nhau nhảy múa vui vẻ ngoài đồng.”

Tại Texas, nơi có 178 đài kỷ niệm Confederate, chỉ sau có Virginia với 223, chương trình giảng dạy được Hội Đồng Giáo Dục chấp thuận năm 2010, nói rằng nô lệ chỉ là vấn đề đưa ra sau khi cuộc chiến bùng nổ.

Các học sinh lớp Năm và lớp Bảy ở Texas học các lớp lịch sử tiểu bang và lớp Tám học lịch sử Mỹ, nay được hỏi các câu hỏi về nguyên nhân cuộc Nội Chiến, “gồm cả chủ nghĩa phe nhóm, quyền tự chủ của các tiểu bang và nô lệ.”

Các học sinh lớp Tám cũng được yêu cầu so sánh bài diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Abraham Lincoln với bài diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Liên Minh Miền Nam Jefferson Davis, vốn không nhắc gì tới vấn đề nô lệ mà chỉ chú trọng vào giá trị của việc giới hạn quyền hành của chính phủ, vốn là điều vẫn còn được nhiều người trong giới bảo thủ ưa thích hiện nay.

Cho đến năm 2015, vẫn còn có phụ huynh học sinh ở Texas than phiền rằng sách học về địa lý lớp Chín của con bà gọi thành phần nô lệ da đen được chở tới Mỹ là “người lao động” và “di dân.”

Ở Virginia, tiêu chuẩn học lịch sử Mỹ gồm “miêu tả các vấn đề văn hóa, kinh tế và hiến pháp gây chia rẽ quốc gia” và “giải thích làm thế nào vấn đề quyền tự chủ tiểu bang và nô lệ làm tăng sự căng thẳng trong các nhóm dân.”

Các học sinh lớp Năm ở Alabama trong khi đó được yêu cầu “đưa ra lý do có cuộc Nội Chiến trên quan điểm của miền Nam và miền Bắc.”

Ở Massachusetts, học sinh lại được yêu cầu “miêu tả sự phát triển nhanh chóng của chế độ nô lệ ở miền Nam từ sau năm 1800 và phân tích đời sống của người nô lệ cùng sự chống đối ở các đồn điền và nông trại khắp Miền Nam.”

Ông Chester Finn, từng đứng đầu viện Thomas B. Fordham Institute, một cơ quan phi lợi nhuận chuyên về giáo dục, gọi việc dạy lịch sử và xã hội trong các trường học ở Mỹ là điều phức tạp vì nhiều tiểu bang để cho các học khu tự đặt ra tiêu chuẩn.

Do vậy, nếu trong học trình tiểu bang gọi cuộc Nội Chiến cách đây hơn 150 năm là “Cuộc xâm lăng của miền Bắc” hay “Quân Đội Yankee nghiền nát người dân hiền lành ở miền Nam” thì hàng triệu đứa trẻ sẽ có ý tưởng đó trong sự suy nghĩ của chúng. (Lê Tâm)

MỚI CẬP NHẬT