Friday, April 26, 2024

Hallie Trần, thủ khoa Costa Mesa High School: ‘Tự hào là người gốc Việt’

Đoan Trang/Người Việt

ORANGE COUNTY, California (NV) – “Tôi sinh bé Hallie bình thường, khỏe mạnh, nhưng mãi đến năm hai tuổi bé vẫn chưa chịu nói. Gia đình tôi rất lo, sợ cháu bị bệnh gì.” Chị Hằng Nguyễn, mẹ của Hallie Trần kể với phóng viên nhật báo Người Việt về nữ thủ khoa trường Costa Mesa, Orange County, California, niên khóa 2020.

Tự giác từ nhỏ

Chị Hằng kể tiếp, đến năm hai tuổi, Hallie (tên tiếng Việt là Minh Hân) vẫn… chưa chịu nói tiếng nào. Lẽ ra ở tuổi này, con đã phải nói được mấy từ ghép lại, chứ đâu có… nín thinh như thế. Nghĩ vậy, chị Hằng liền cho con đến lớp “daycare,” để nhờ cô giáo dạy bé nói.

Quả nhiên từ khi đi đến lớp, Hallie bắt đầu nói. Nhưng khi ở trong lớp, em nói tiếng Anh, còn về nhà, sợ con không biết “tiếng mẹ đẻ,” chị Hằng lại dạy tiếng Việt cho con, khiến Hallie từng gặp trở ngại trong ngôn ngữ ở bậc tiểu học.

Lớn lên một chút, Hallie giao tiếp tốt hơn. Tuy vậy, khi đã thành cô nữ sinh trung học, Hallie vẫn ít nói, khá nhút nhát. Theo đề nghị của chị Hằng, chúng tôi nói chuyện với Hallie bằng tiếng Anh để cô bé tự tin và thoải mái hơn.

Hallie kể với chúng tôi những tuần lễ phải học online tại nhà do đại dịch COVID-19: “Đó lần đầu tiên tụi con phải học từ xa. Mấy tuần đầu, con bị giảm động lực, và cảm thấy học ở nhà sao mình rảnh quá. Nhưng càng ngày, con nhận ra rằng mình có nhiều thời gian để làm bài tập, và con đã tận dụng hết những tuần lễ bị ‘cách ly’ để hoàn thành tất cả các bài học.”

Một cách khiêm tốn, Hallie cho biết: “Thật khó cho con khi phải tự mình động viên mình. Con thích môi trường học tập trong lớp hơn, để được tiếp xúc trực tiếp với giáo viên và các bạn của con.”

Tuy nhiên, theo chị Hằng, ngay từ khi còn ở bậc tiểu học, Hallie đã có tính tự giác, không bao giờ để cho ba mẹ nhắc nhở chuyện học hành.

Hallie thích “diện” áo dài giống mẹ. (Hình: Gia đình Hallie Trần cung cấp)

Không bị áp lực từ ba mẹ

Năm lớp Năm, trong một bài luận văn với đề tài: “Lớn lên em sẽ làm nghề gì?” Hallie hỏi ý kiến của ba mẹ, rằng em muốn làm nghề thâu ngân.

Chị Hằng cho biết khi nghe con nói, gia đình tôn trọng ý kiến của con, nhưng giải thích thêm: “Nghề nào cũng tốt, nếu con sống độc thân, nghề thâu ngân có thể nuôi sống bản thân con, nhưng sau này có gia đình, con cần phải kiếm nhiều tiền hơn.” Sau khi tìm hiểu xem nghề nào có thể giúp kiếm nhiều tiền, Hallie quyết định chọn nghề dược sĩ.

Vào mùa Thu, Hallie Trần sẽ theo học tại UC Irvine, chuyên ngành Pharmaceutical Sciences. Hallie nói: “Sau khi con tốt nghiệp UC Irvine, con hy vọng sẽ được học ở trường Dược. Con thích gia tiếp với bệnh nhân để giúp họ tìm ra cách lựa chọn tốt nhất. Bố mẹ con không bao giờ gây áp lực về nghề nghiệp của con. Ba mẹ hướng nghiệp và để con tùy chọn. Điều đó khiến con hạnh phúc và tự tin chọn cho mình một nghề mà mình yêu thích.”

Hallie Trần cùng ba mẹ và em trai. (Hình: Gia đình Hallie Trần cung cấp)

Trong họ hàng chị Hằng có nhiều người là bác sĩ, dược sĩ, trong đó có bác sĩ Tam Le, mà sau này Hallie thường đến để làm thiện nguyện. Theo chị Hằng, đã có lúc cô bé lại thích trở thành bác sĩ. Nhưng khi thấy làm bác sĩ phải “đụng” tới máu me, cô bé sợ, nên quyết định sẽ trở thành dược sĩ tương lai.

Lịch trình cuối tuần của Hallie khá bận rộn. Em làm thiện nguyện cho hai nơi là văn phòng người anh họ là bác sĩ giải phẫu Tam Le ở thành phố Fountain Valley, và American Cancer Society Discovery Shop ở thành phố Corona Del Mar.

Hallie kể, “Trong suốt những năm học cấp ba, con là phụ tá giáo viên (TA) cho giáo viên lịch sử và giáo viên toán. Công việc của TA giúp con học được nhiều hơn trong từng môn học và có nhiều ý tưởng mới.”

Khi được hỏi có “bí quyết” trở thành thủ khoa, Hallie cho biết: “Con chẳng có bí quyết gì đâu. Kinh nghiệm của con là cứ học hành chăm chỉ và tích cực ở tất cả các môn học. Nếu có điều gì không hiểu và cần trợ giúp, con không ngại hỏi thầy cô giáo, hỏi ba mẹ, hoặc tìm các nguồn tài liệu khác để hiểu cho tường tận. Ngoài ra, việc lên trước một lịch trình cụ thể và làm tốt lịch trình đó giúp con thành công.”

Hallie Trần, đội trưởng Đội Quần Vợt Nữ Varsity trường Costa Mesa High School niên học 2020. (Hình: Gia đình Hallie Trần cung cấp)

Học giỏi, chơi cũng giỏi

Hallie kể: “Con là thành viên của đội Quần Vợt Nữ Varsity từ năm lớp Chín và là đội trưởng năm nay. Nhưng để vừa học, vừa luyện tập cho các cuộc thi đấu, con cũng phải sắp xếp giờ giấc. Con đã phải học cách quản lý thời gian của mình để có thể hoàn thành bài tập về nhà hoặc chuẩn bị là bài kiểm tra, các kỳ thi,…đặc biệt phải luyện tập để thi đấu.”

Mùa Thu năm 2019, Hallie cùng đội tennis của trường giành chức vô địch Orange Coast League, trong đó em đoạt giải Nhì đơn nữ.

Hallie cũng chơi trong đội Junior Team và là một thành viên của đội nữ U18 tại Trung Tâm Quần Vợt Costa Mesa.

Mặc dù việc học ở trường chiếm nhiều thời gian, nhưng Hallie cho biết em không thể thiếu tennis, vì em rất yêu môn thể thao này. Em đã có rất nhiều kỷ niệm về môn thể thao này trong bốn năm qua, từ hai lần cùng đồng đội của trường đoạt chức vô địch, cho đến các hoạt động tại Liên Đoàn Interscholastic California (CIF) – nơi quản lý các môn thể thao trường trung học công lập và tư thục trên toàn tiểu bang California.

“Con có nhiều bài học bên ngoài trường học, và nhờ đó giúp con trở thành một tay vợt giỏi,” Hallie cho biết.

Cô bé thủ khoa còn thích chụp hình và vẽ. Lúc rảnh em phụ mẹ làm bếp. Em thích làm bánh, có thể làm được nhiều loại bánh, thích ăn món ăn Việt Nam như bún thịt nướng, phở, nhưng món phở phải do mẹ nấu, vì phở ở ngoài có nhiều bột ngọt nên em bị dị ứng.

Chị Hằng kể với nhật báo Người Việt: “Hallie hay nói nó giống trái chuối, bên ngoài màu vàng, bên trong màu trắng. Có nghĩa, cháu là người Á Châu da vàng, nhưng có tư duy của người Mỹ da trắng. Hallie luôn tự hào mình là người gốc Việt, bởi theo cháu, học sinh Việt siêng năng, chăm chỉ, và học giỏi.” [kn]

 

 

 

 

 

 

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT