Thursday, March 28, 2024

Nhân dịp Tháng Tư Đen, nói về phát triển ở Little Saigon

Đỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Năm 2022, cư dân Little Saigon cùng toàn thể cộng đồng người Việt hải ngoại tưởng niệm Tháng Tư Đen lần thứ 47.

Bục bê tông có tên Little Saigon, đối diện Tượng Đài Đức Thánh Trần, trên đại lộ Bolsa-Trần Hưng Đạo, Westminster. (Hình: Người Việt)

Dù chiến tranh chấm dứt đã lâu, người Việt ở Little Saigon không quên ngày này. Năm nào cũng vậy, dù có lúc cộng đồng chia rẽ, “đánh đấm” nhau tơi bời, nhưng không ai có thể quên ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Các hội đoàn vẫn chia nhau tổ chức lễ tưởng niệm ở Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Tượng Đài Thuyền Nhân, treo cờ Việt-Mỹ trên đại lộ Bolsa-Trần Hưng Đạo trong thành phố Westminster và các con đường xung quanh Little Saigon, và tổ chức triển lãm, hội thảo, nhân ngày đau thương này.

Trong quá khứ đau buồn đó, gần nửa thế kỷ qua, vùng Little Saigon thuộc Orange County, California, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, vẫn “sống hùng sống mạnh,” dù nước Mỹ thăng trầm, qua nhiều khủng hoảng kinh tế, chiến tranh,… nhất là sau cơn đại dịch COVID-19 vừa qua. 

Kinh tế phồn thịnh 

Người Việt ở Little Saigon vẫn ngày càng đông, giá nhà vẫn tăng ngất trời, mà không có để mua, vì ít người muốn bán. Có người ví Little Saigon giống như Quận 1 của Sài Gòn bên kia bờ Thái Bình Dương.

Đường sá vẫn xe cộ chật như nêm. Chẳng cứ cuối tuần, gần như ngày nào cũng vậy, cứ đến các ngã tư Bolsa-Brookhurst, Westminster-Brookhurst, Bolsa-Magnolia, Westminster-Magnolia… là biết liền!

Nhiều nhà hàng, tiệm phở, quán ăn… khách vẫn xếp hàng như rồng rắn, nhiều quán cà phê vẫn ồn ào, mờ mờ ảo ảo, nghe tiếng “chiếu tướng” của những kỳ thủ cờ tướng, hoặc tiếng la lớn mừng rỡ khi một cầu thủ ghi bàn trong một trận bóng đá, ghi điểm trong một trận football hoặc bóng rổ… được chiếu trên màn hình lớn.

Các chợ thì khỏi nói, nhất là hàng thịt, hàng rau, và hàng trái cây… Cứ vào mấy hàng này là gặp người quen.

Trong vùng có bốn cái chợ bán sỉ Costco – một ở Fountain Valley, một ở Garden Grove, một ở Huntington Beach, và một ở Westminster – vào chợ nào cũng nghe tiếng Việt “xí xa xí xô…” 

Công viên Tony Lam Park sắp được khánh thành vào đầu Tháng Năm. (Hình: Tony Lâm cung cấp)

Tôn giáo phát triển mạnh 

Ngày Rằm, ngày lễ, ngày Tết, chùa nào cũng khói nhang nghi ngút, Phật tử ra vào như đi trẩy hội.

Nhà thờ thì bất kể lễ Việt, lễ Mỹ, lễ Mễ,… không còn chỗ đậu xe và tín hữu gốc Việt đứng dựa tường là chuyện thường. Vào trong nhà thờ, thấy dân Việt luôn là đa số, dù chủ tế Thánh Lễ có là người Việt hay không.

Còn nhiều lắm, kể không hết…

Ngoài những chùa lớn nổi tiếng trong vùng, nay có thêm chùa Bát Nhã rộng rãi, khang trang, mới dời từ đường Sullivan về đường First, Santa Ana, chỉ cách trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ đúng 2 dặm đường.

Đó là chưa kể nhiều ngôi chùa nhỏ, tu viện, đền, miếu… khác, mọc lên như nấm, trong bốn thành phố vùng Little Saigon như Fountain Valley, Garden Grove, Santa Ana, và Westminster.

Cứ vài tháng lái xe vùng này lại thấy một vài ngôi nhà có cắm cờ Mỹ, Phật Giáo, và VNCH, là biết ngay có một ngôi chùa mới ra đời.

Hồi Tháng Bảy, 2021, Giáo Phận Orange thánh hiến Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove.

Tượng Đức Mẹ La Vang này được coi là lớn nhất tại Hoa Kỳ, và vào đầu Tháng Bảy năm nay, lần đầu tiên, giáo phận sẽ tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu La Vang kéo dài hai ngày, dự trù có hàng ngàn giáo dân Việt Nam từ khắp nơi về tham dự.

Trong các nhà thờ Tin Lành, cũng như các tôn giáo khác, số tín hữu gốc Việt ngày càng tăng và ngày càng có nhiều mục sư gốc Việt quản nhiệm.

Bảng đường trên xa lộ 405, Westminster, chỉ lối rẽ vào Little Saigon. (Hình: Người Việt)

Giáo dục luôn đứng đầu 

Trong vùng Little Saigon có vài học khu như Garden Grove, Westminster, Huntington Beach, Santa Ana, Fountain Valley, Ocean View… với đủ các lớp học từ nhỏ đến hết trung học.

Trong số này, đa số học sinh gốc Việt học các trường trong Học Khu Garden Grove.

Khoảng chục năm trở lại đây, đại đa số các thủ khoa và á khoa của học khu này đều có tên họ như Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Đỗ, Vũ, Hoàng… rất Việt Nam.

Không những thế, các học sinh gốc Việt ưu tú này thường được các đại học hàng đầu của Mỹ như Havard University, Yale University, Stanford University, MIT, Brown University, UC Berkeley, UCLA, UCI,… nhận vào học.

Các tấm bảng treo trên các trụ đèn trên các con đường của các thành phố thuộc Học Khu Garden Grove đều có hình và danh tính các học sinh xuất sắc của học khu được các đại học danh tiếng nhận vào, và đa số là các khuôn mặt Việt Nam.

Ảnh hưởng chính trị 

Đáng kể nhất năm nay là lần đầu tiên, sau 47 năm cộng đồng người Việt định cư tại Mỹ, và lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, có một công viên mang tên người Việt Nam.

Đó là công viên Tony Lam Park, tọa lạc trên đường McFadden, Westminster, và sẽ được khánh thành vào ngày 3 Tháng Năm tới đây.

Công viên này mang tên cựu Nghị Viên Tony Lâm của Westminster, người đắc cử chức vụ này năm 1992, và là dân cử gốc Việt đầu tiên tại Mỹ.

***

Trong khi đó, vào ngày Thứ Ba, 7 Tháng Sáu, tới đây, tiểu bang California có cuộc bầu cử sơ bộ các cấp từ quận hạt đến liên bang.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Năm nay, vùng Little Saigon chỉ có 11 người gốc Việt ứng cử, không nhiều như những lần trước, nhưng lại có những yếu tố lịch sử đã và có thể xảy ra.

Lần đầu tiên, Little Saigon có ba người gốc Việt ứng cử ba chức dân biểu liên bang cùng một lúc tại ba địa hạt khác nhau, đó là Tiến Sĩ Phạm Kim Long (Địa Hạt 45), Kỹ Sư Mike Nguyễn (Địa Hạt 46), và bà Amy Phan West (Địa Hạt 47).

Từ trước tới nay, vùng Little Saigon chưa có ai đắc cử chức vụ liên bang.

Người gốc Việt đầu tiên thắng chức dân biểu liên bang Hoa Kỳ là Luật Sư Joseph Cao (Cao Quang Ánh). Ông thắng chức này năm 2008, đại diện Địa Hạt 2 của tiểu bang Louisiana.

Người thứ nhì là bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung), cũng là phụ nữ gốc Việt đầu tiên, thắng cử năm 2016, đại diện Địa Hạt 7 của tiểu bang Florida.

Hy vọng năm nay lịch sử được lập tại Little Saigon.

***

Giám Sát Viên Andrew Đỗ lần đầu tiên ứng cử một chức vụ mà toàn cử tri tiểu bang bầu, đó là thủ quỹ California. Nếu thắng cử ông sẽ là người gốc Việt đầu tiên đạt được thành tích này. Trước đây trong cuộc bầu cử bãi nhiệm Thống Đốc Gray Davis vào năm 2003, ông Vạn Võ, giám đốc đài phát thanh Sống Trên Đất Mỹ, cũng ra ứng cử chức thống đốc, nhưng không thành công.

***

Năm nay, cũng có hai cuộc bầu cử cấp tiểu bang California, một ở Thượng Viện và một ở Hạ Viện.

Tại Thượng Viện, Dân Biểu Janet Nguyễn ứng cử chức thượng nghị sĩ đại diện Địa Hạt 36.

Tại Hạ Viện, Nghị Viên Ted Bùi (Fountain Valley), Nghị Viên Kimberly Hồ (Westminster), Phó Thị Trưởng Diedre Thu-Hà Nguyễn (Garden Grove), và Thị Trưởng Trí Tạ (Westminster) tranh chức dân biểu đại diện Địa Hạt 70.

Nếu người Việt Nam thắng cả hai chức vụ này, thì đây sẽ là lần đầu tiên Little Saigon nói riêng và California nói chung, có hai dân cử gốc Việt ở cả hai viện Quốc Hội tiểu bang.

Ngoài ra, ở miền Bắc California, có hai người gốc Việt khác cũng ứng cử dân biểu tiểu bang, đó là Nghị Viên Stephanie Nguyễn (Elk Grove), ứng cử Địa Hạt 10, và Luật Sư Lân Diệp (cựu nghị viên San Jose), ứng cử Địa Hạt 24.

Như vậy, có thể có trường hợp ba hoặc hơn ba người gốc Việt đắc cử vào Quốc Hội California, và đây sẽ là sự kiện lịch sử của Hoa Kỳ.

Chùa Bát Nhã tọa lạc ngay mặt tiền đường First, Santa Ana, cách Phước Lộc Thọ chỉ 2 dặm. (Hình: Người Việt)

Trước đây, Massachusetts và Washington là hai nơi đầu tiên có hai dân cử gốc Việt cùng lúc trong Quốc Hội tiểu bang, một ở Thượng Viện và một ở Hạ Viện.

Hiện nay, Washington là tiểu bang duy nhất còn hai người gốc Việt trong Quốc Hội.

***

Ngày 7 Tháng Sáu tới đây, Nghị Viên Kim Bernice Nguyễn (Garden Grove) cũng tranh chức giám sát viên Orange County, Địa Hạt 2.

Hiện nay, Orange County chỉ có một giám sát viên gốc Việt, đó là Luật Sư Andrew Đỗ, đại diện Địa Hạt 1.

Nếu Nghị Viên Kim Bernice Nguyễn thắng, thì đây sẽ là sự kiện lịch sử ở Little Saigon, vì lần đầu tiên có hai người gốc Việt ngồi trong cơ quan hành chánh cao nhất Orange County.

***

Tóm lại, trong 47 năm qua, mặc dù cộng đồng người Việt ở Little Saigon vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi, nhưng có thể nói, những thành công và sự kiện lịch sử nêu trên là không thể phủ nhận.

Dù có nghe đồn là nhiều người Việt bỏ đi tiểu bang khác, vì nhà rẻ hơn, dễ kiếm việc hơn, nhưng trên thực tế, Little Saigon không bao giờ thiếu… người Việt!

Và dù có chuyển đến sinh sống đâu, những người từng là cư dân Little Saigon vẫn trở về nơi đây mỗi khi có dịp vì người thân, bàn bè, hàng xóm của họ, và những mối quan hệ lâu năm… vẫn còn ở Little Saigon.

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT