Friday, May 3, 2024

‘Nhớ Đà Lạt,’ ngày hội ngộ của những nỗi nhớ nghìn trùng xa cách

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Nhớ Đà Lạt” là chủ đề ngày hội ngộ của những người từng sống ở thành phố cao nguyên, với những nỗi nhớ về xứ mù sương vẫn luôn trong tâm khảm, hôm Chủ Nhật, 14 Tháng Tư, tại nhà hàng White Palace, Westminster.

Hoạt cảnh “Đà Lạt Trong Niềm Nhớ” trong ngày “Nhớ Đà Lạt” tổ chức tại nhà hàng White Palace, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi hội ngộ là dịp gặp gỡ giữa những người Đà Lạt, gồm những cư dân bản địa, những người từng sống và làm việc, những sinh viên Chánh Trị Kinh Doanh (CTKD) của Viện Đại Học Đà Lạt, và tất cả những ai có tình thương mến với Đà Lạt. Họ đều tay bắt mặt mừng, bởi dù cách trở muôn trùng, họ vẫn luôn nhớ nhau và nhớ về thành phố trên cao nguyên Lâm Viên.

Cô Ngọc Tịnh, hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt Nam California, chia sẻ trong lời khai mạc: “Người Đà Lạt chúng ta có nhiều trường rất dễ thương như trường Chiến Tranh Chính Trị, Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo, Viện Đại Học Đà Lạt… Với tính hiền hòa dễ mến, xin hãy lấy tấm lòng bao la của Đà Lạt mà tha thứ cho ban tổ chức, khi được mời lên sân khấu để trình diện mọi người, sau bao nhiêu thời gian lo toan cho buổi hội ngộ hôm nay.”

Giáo Sư Đỗ Ngọc Hiển và Giáo Sư Lê Đình Phước cũng nói lời chúc mừng, khi lặn lội đến tham dự theo lời mời của các lớp học trò.

Ông Nguyễn Sĩ Đẩu, Khóa 3 CTKD, từ Sài Gòn lên học ở Đà Lạt, nhắc về đời sinh viên, tâm tình đồng môn, tình anh em, những phong cảnh đẹp của Đà Lạt, học hành, thầy trò, với các giáo sư ngày cũ, trong một loạt những bài “Đà Lạt Mù Sương,” mà ông đã viết.

Người Đà Lạt tưng bừng trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông chia sẻ: “Từ Texas tôi mua vé bay cấp tốc qua đây để dự hội ngộ, thật cảm động vô cùng khi lòng thôi thúc mình nôn nóng gặp lại bạn cũ. Có nỗi buồn khi anh em bây giờ đã già, rơi rụng cũng nhiều. Nhưng dù sao đây cũng là kỷ niệm đẹp khi gặp lại nhau.”

“Tôi nội trú ở nam ký túc xá trong viện, năm đầu tiên học với quyết tâm khi nghe tên trường Chánh Trị Kinh Doanh, tự nhiên trong lòng thấy sôi nổi vô cùng. Tuy nhớ nhà, nhưng sự thôi thúc nên quyết tâm lấy sự học hành lấn áp những nỗi nhớ nhà, rồi cũng qua đi.”

Ông sôi nổi kể thêm: “Bà xã Kim Trâm cũng cùng Khóa 3 với tôi. Thời đó, tuy có nhiều mối tình, nhưng không hiểu vì sao ngày nhập học tôi bước lên mấy bậc tam cấp trước giảng đường Spellman, gặp ba cô bạn đứng dưới tượng Đức Mẹ, tôi lại lúng túng trước cô ấy, để rồi sáu năm sau chúng tôi mới cùng đi chung đường cho đến hôm nay. Không biết có phải do Đức Mẹ sắp đặt hay chăng,” ông Đẩu nhớ lại hình ảnh của gần 60 năm trước.

Cựu sinh viên Chánh Trị Kinh Doanh Khóa 5 và Khóa 6, đông nhất trong ngày hội ngộ “Nhớ Đà Lạt.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Xuân Võ, từ Sài Gòn lên Đà Lạt chơi, sau Tú Tài định học y khoa ở Sài Gòn nhưng vì yêu thích cảnh đẹp và không khí ở Đà Lạt nên ở lại học luôn.

Ông kể: “Chánh Trị Kinh Doanh là một khoa học mới, đầu tiên được mở tại Viện Đại Học Đà Lạt, thế là tôi theo học Khóa 1 là khóa ghi danh đông nhất, khoảng hơn 1,200 sinh viên, gồm tứ xứ các nơi quy tụ về. Trong trường có cả đại học xá cho nam và nữ sinh viên. Nhưng tôi ở thuê phòng trọ bên ngoài, đi bộ tới trường là chuyện thường.”

Ông nhớ lại: “Sau khi ra trường, tôi được giữ lại làm phụ khảo, phụ trách năm thứ hai với năm ba, tôi lo về học vụ của Khóa 2. Qua năm sau thì các khóa trở lên Đà Lạt học, không còn ở Sài Gòn nữa. Sau 1975, qua Mỹ tôi phục vụ trong cộng đồng người Việt ở Orange County, vì chương trình học thiên về xã hội nhiều nên khi qua Mỹ, được phục vụ trong cộng đồng gần 20 năm, rất là phù hợp.”

“Hôm nay gặp lại bạn bè rất cảm động, tình Thụ Nhân vẫn gắn kết tình thân như thuở nào, không phân biệt về thứ lớp, đàn anh đàn em gì cả, dù đi khắp bốn phương trời, gặp nhau là biết anh em cùng chung một nhà Thụ Nhân. Hôm nay chúng tôi gặp lại khóa 1 và 2 khá nhiều. Nhớ nhất là Linh Mục Nguyễn Văn Lập, viện trưởng đầu tiên của Viện Đại Học Đà Lạt, người được sinh viên rất gần gũi và thương mến như người cha trong gia đình, vì cha luôn hòa đồng với mọi sinh viên thuộc các tôn giáo khác,” ông tiếp.

Giáo Sư Đỗ Ngọc Hiển (trái) và Giáo Sư Lê Đình Phước tâm tình cùng cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt trong buổi hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Ngọc Tịnh, cựu sinh viên Chánh Trị Kinh Doanh, hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên Đại Học Đà Lạt Nam California, chia sẻ: “Hôm nay chúng em rất hân hạnh đón tiếp các giáo sư Đỗ Ngọc Hiển, Lê Đình Phước, Nguyễn Tiến Đức, Nguyễn Tiến Hưng, và các anh chị lớp lớn cùng đồng môn, thật quý hóa vô cùng trong ngày hội ngộ.”

Cô Đỗ Ngọc Hà, cho hay gia đình từ Bắc di cư vào Nam, cô sinh ra ở Sài Gòn, nhưng theo gia đình lên sống ở Đà Lạt từ nhỏ, học từ tiểu học lên đến đại học.

Cô chia sẻ: “Người Đà Lạt rất hiền hòa và cần cù chịu khó, rất dễ hòa đồng với mọi người, với khung cảnh Đà Lạt trong không khí bình yên êm đềm, nên dễ ảnh hưởng đến con người. Tôi ở Đà Lạt cho đến cuối Tháng Ba, 1975, chạy qua Nha Trang, đến Phú Quốc, cuối cùng là ở Mỹ. Hôm nay rất vui khi có cơ hội gặp lại được rất nhiều người Đà Lạt, nhất là những người bạn từ thời trung học, như Ngọc Tịnh là bạn ở Trung Học Bùi Thị Xuân, và cả bạn học ở Viện Đại Học Đà Lạt, trong không khí gần gũi, biết nhau tuy là cùng trường nhưng hôm nay mới gặp lại. Một số các bạn còn ở lại Việt Nam, mỗi lần chúng tôi về thăm gặp lại nhau là biết bao kỷ niệm.”

Người Đà Lạt quây quần chúc mừng sinh nhật cô giáo Phương Lan, trong ngày “Nhớ Đà Lạt.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đôi bạn đời Ngô Thanh Khiết và Võ Thị Châu, cùng Khóa 8 Chánh Trị Kinh Doanh, cho hay gặp lại đồng môn thật cảm động, nhất là những lớp đàn anh đã từng gắn bó năm xưa.

Cô Châu chia sẻ: “Tôi người Tây Ninh, vì yêu không khí thanh bình và tính cách hiền hòa của người Đà Lạt nên xong trung học tôi ghi danh vào Viện Đại Học Đà Lạt. Phải nói thời đó khoa CTKD là một ngành học mới nhất của Việt Nam du nhập từ Mỹ, do Giáo Sư Phó Bá Long chủ trương. Tôi ghi danh học cũng vì nghĩ rằng được học một ngành kinh tế mới nhất của nước đứng hàng đầu thế giới, với mong ước sau khi ra trường sẽ áp dụng vào công cuộc dựng xây đất nước khi hòa bình.”

“Hôm nay rất vui khi gặp lại những đồng môn của trường, cùng những khóa đàn anh và cả những người Đà Lạt đã từng quen biết. Và chúng tôi tuân theo đúng như lời di huấn của cha viện trưởng là: ‘Mai sau dù bất cứ nơi đâu, các con phải yêu thương và giúp đỡ nhau,’ để hai chúng tôi cùng đi chung đường đời đến nay đã hơn nửa thế kỷ,” cô cười vui chia sẻ.

“Nhớ Đà Lạt” là chủ đề ngày hội ngộ của những người từng sống ở thành phố cao nguyên, với những nỗi nhớ về xứ mù sương

Ông Nguyễn Đức Nam, cựu sinh viên K4 CTKD, cho hay đang trong quân ngũ, vì đã tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn nên khi được đổi lên Đà Lạt, ông bèn ghi danh học Khóa 4 CTKD. Sau khi ra trường ông dạy trường Quân Cụ, sau được trường cử đi học ở Mỹ.

“Hôm nay thật vui và cảm động khi gặp lại các khóa đàn em nhiều, nhưng buồn khi ít gặp khóa lớn hơn. Phải nói là tình Thụ Nhân không chỉ riêng cho sinh viên của Đại Học Đà Lạt mà lan tỏa sang tất cả mọi người trong buổi hội ngộ, với người Đà Lạt cùng nhớ về Đà Lạt,” ông chia sẻ.

Cô Phương Lan, giáo viên dạy piano ở Phương Lan Piano Music Class, cho hay: “Em là người Đà Lạt, ở gần nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt, học trường Nazareth, mà chị Ngọc Tịnh là lớp lớn. Mỗi lần Đà Lạt họp mặt chúng em đều tham dự để gặp lại bạn bè thân hữu và đồng hương. Tình thân ngày xưa rất quý, nhất là đồng hương với nhau, tình thân nơi quê nhà mang đến tận qua xứ người, mỗi lần gặp lại nhau rất trân quý.”

Buổi hội ngộ người Đà Lạt với niềm vui của người Đà Lạt, nhớ về Đà Lạt trong ngày Đà Lạt, kéo dài với những màn văn nghệ độc đáo, thắm tình thân nơi đất khách. Trong cuộc sống vẫn không quên tình đồng hương và nỗi nhớ quê nhà, như một trong bốn niềm vui mà người xưa đã nói “Tha hương ngộ cố tri,” để cùng nhớ về trong mỗi lần họp mặt. [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT