Little Saigon

Những thế hệ người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon chia sẻ về ‘Tháng Tư Đen’

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Tháng Tư Đen – Cuộc Hội Thoại Giữa Những Thế Hệ Người Mỹ Gốc Việt” là chủ đề của buổi thảo luận do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM) tổ chức tại Westminster Community Center, hôm Chủ Nhật, 14 Tháng Tư.

Các diễn giả trong buổi hội luận “Tháng Tư Đen.” Từ trái, Giáo Sư Nguyễn Thiên Ý, Giáo Sư Hoàng Huyền Vy, anh Eric Ngô, cô An Nguyễn, Giáo Sư Joseph Phúc Nguyễn, và Giáo Sư Nguyễn Khoa Diệu Quyên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi hội thảo có nhiều người tham dự, trong đó nhiều nhất là giới trẻ, gồm học sinh các trường thuộc các học khu Anaheim, Garden Grove, Huntington Beach, và Westminster, cùng các vị giáo sư, thầy cô tại các trường có chương trình song ngữ, và các nhân chứng sống của những chuyến vượt biển kinh hoàng tìm tự do sau 1975.

Vì sao có tên gọi Tháng Tư Đen, các em vì sao được sinh ra ở Mỹ, các thế hệ ông bà cha mẹ các em vì sao phải bỏ nước ra đi? Tại sao người Việt thà chịu chết chứ không ở lại trong nước? Lịch sử của Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vì sao nên dùng lá Cờ Vàng? Ý nghĩa về ngày 30 Tháng Tư? Chính thể VNCH? Người Việt tị nạn là ai? Căn cước của người Việt tị nạn là gì? Và rất nhiều các câu hỏi được các diễn giả, giáo sư, các nhân chứng trong cuộc, phân tích và trả lời.

Trong khán phòng có trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật, những chứng tích lịch sử của thuyền nhân Việt Nam, những người tù “cải tạo,” tiếp nối những câu hỏi của học sinh,… khiến buổi hội luận trở nên sôi động.

Giáo Sư Hoàng Huyền Vy (phải) trao quà tặng cho một học sinh nhỏ tuổi nhất, trả lời đúng câu hỏi “Vì sao nên dùng lá Cờ Vàng?” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Nguyễn Thiên Ý, đại học Cal State Dominguez Hills, nói về cộng đồng người Mỹ gốc Việt được hình thành bằng chính người Việt tị nạn, với công cuộc tái thiết và bảo tồn lịch sử cùng tiếng nói của miền Nam Việt Nam.

Diễn giả Eric Ngô, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, nói về tầm nhìn của anh là tiếp tục giáo dục giới trẻ về văn hóa Việt Nam và tầm quan trọng của việc nhớ về cội nguồn của mình, đồng thời khuyến khích theo đuổi giáo dục đại học và phát triển nghề nghiệp.

Anh cũng nói về lịch sử và ý nghĩa của lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.

Giáo Sư Hoàng Huyền Vy, chuyên viên chương trình giảng dạy Dịch Vụ Đa Ngôn Ngữ Học Khu Anaheim, cho biết: “Chúng ta có một công việc thiết yếu đó là truyền lại ngôn ngữ và văn hóa di sản cho các thế hệ con em chúng ta lớn lên ở hải ngoại. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải bắt đầu từ ngay bây giờ và tất cả chúng ta phải cùng nhau chung tay bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ và văn hóa của thế hệ tương lai.”

Các học sinh cùng phụ huynh đồng ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô cho hay chính giáo viên phải có trách nhiệm rất lớn với học sinh, phải học hỏi thêm về lịch sử, nguồn gốc của người Việt tị nạn, và đến những chương trình, những buổi hội thảo để tìm hiểu thêm.

Và cô đặt ra câu hỏi: “Vì sao nên dùng lá Cờ Vàng?”

Diễn giả An Nguyễn là học sinh trung học Westminster, điều phối viên tiếp cận cộng đồng của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Mỹ (VACC), chủ tịch hiệp hội học sinh của trường, tình nguyện viên của VAALA, và là thực tập sinh của VietRISE, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy công bằng xã hội và xây dựng cộng đồng người Việt thuộc tầng lớp lao động và người nhập cư ở Orange County.

Cô An hy vọng có thể đóng góp nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy sự hiểu biết và đánh giá cao văn hóa người Mỹ gốc Việt giữa các cộng đồng khác nhau, nêu bật tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản và truyền thống Việt Nam. Thông qua những nỗ lực của mình, cô tìm cách khơi dậy niềm tự hào về cội nguồn Việt Nam, cam kết học tập suốt đời và làm giàu văn hóa Việt Nam.

Ông Châu Thụy (trái), giám đốc, và ông Trần Chí Hồng Tiên, phó giám đốc VHM, giới thiệu mục đích buổi hội luận về “Tháng Tư Đen.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Và cô đặt ra câu hỏi: “Ý nghĩa ngày 30 Tháng Tư là gì?”

Diễn giả Joseph Phúc Nguyễn, giảng viên đại học Cal State Fullerton và là giáo viên song ngữ tại trường Warner ở Westminster, nêu vấn đề về niềm tin tập thể, sự mất mát tập thể, và lịch sử của tập thể, với câu hỏi “Ai là người Việt tị nạn?”

Giáo Sư Nguyễn Khoa Diệu Quyên, hội trưởng Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California, kể về “Câu chuyện của một thuyền nhân,” của chính gia đình cô khi vượt biển cùng nhau.

Trong buổi hội luận, các học sinh liên tục đặt câu hỏi với các diễn giả, thật hào hứng sôi nổi khi các em tranh nhau đưa tay, và nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt, cùng với quà tặng.

Em Emily Trần, sinh viên năm thứ ba đại học Cal Poly Pomona, cùng các bạn Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, cho hay về tham dự buổi hội luận để hiểu biết thêm về lịch sử Tháng Tư Đen.

Cô Tori Phu (bìa trái), đại diện Sở Giáo Dục Orange County, nói về giáo trình mẫu của chương trình Giáo Dục Sắc Tộc tại California mà Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đã vận động thành công. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Emily nói: “Em sinh ra ở Mỹ, hôm nay rất xúc động khi biết thêm về thuyền nhân Việt Nam. Trong trường, người Mỹ dạy em theo gương của người Mỹ, không giống như là lịch sử của thuyền nhân Việt Nam. Chính mẹ em và gia đình đã vượt biên trước khi ông ngoại bị bắt đi ‘cải tạo,’ và đã ‘tai qua nạn khỏi,’ để em và gia đình có được ngày hôm nay.”

Ông Châu Thụy, giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM), nhận định rằng có nhiều người trẻ gốc Việt không biết tại sao bố mẹ mình bỏ nước ra đi sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, đi qua Mỹ bằng cách nào, không biết ở Mỹ họ vươn lên bằng cách nào,…

Ông chia sẻ: “Đó là sự quan tâm của chúng tôi về sự hiểu biết lịch sử của giới trẻ gốc Việt. Đây cũng là chương trình bắt đầu. Viện bảo tàng sẽ còn làm nhiều chương trình nữa trong tương lai, sẽ mở cửa đón giới trẻ đến thăm, để nhìn thấy chiếc ghe của thuyền nhân, thấy những hiện vật lịch sử, và nghe những câu chuyện của những thuyền nhân sống sót,… Đó là cơ hội để các em từ từ sẽ hiểu nhiều hơn, vì từ trước tới giờ các em chưa được nghe và hiểu biết nhiều từ gia đình và trong học đường, vì họ nói rất ít về lịch sử của người Việt tị nạn.”

Các diễn giả cùng phụ huynh học sinh và đồng hương trong buổi hội luận về “Tháng Tư Đen.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Hiện nay, lịch sử Việt Nam do chính các giáo sư người Việt tại các trường đại học Hoa Kỳ tham gia vào chương trình của viện bảo tàng viết, đưa vào các trường đại học Mỹ để sửa đổi lại cách nhìn của họ về chiến tranh Việt Nam, vì từ trước tới giờ họ chỉ nói đến người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tại Việt Nam, chứ ít khi nhắc tới sự chiến đấu của VNCH,” ông tiếp.

“Trong suốt năm vừa qua, viện bảo tàng có gặp và trình bày với Sở Giáo Dục Orange County về việc học sinh phải lấy một lớp về lịch sử người tị nạn Việt Nam trong chương trình học. Viện bảo tàng sẽ cung cấp tất cả những tài liệu, phim ảnh về người Việt tị nạn sống sót để các em hiểu rõ hơn. Các em phải lấy lớp học này và có cơ hội tìm hiểu hơn về lịch sử Việt Nam để có thể ra trường,” ông tiếp. [đ.d.]

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Đời Sống

Bí tiểu do viêm nhiễm nhiếp hộ tuyến

Nhiếp hộ tuyến là một tuyến sinh dục của nam giới, bọc quanh niệu đạo…

2 hours ago
  • Đời Sống

Cách thiết lập ‘Xác thực hai yếu tố’ vào Apple ID để bảo mật

Two-Factor Authentication (tạm dịch Xác thực hai yếu tố, viết tắt 2FA) là lớp bảo…

3 hours ago
  • Đời Sống

Các dạng nhận thức méo mó – Tư duy cực đoan

Mối quan hệ tình cảm có thể chịu ảnh hưởng của tư duy cực đoan…

4 hours ago
  • Giải Trí

Kate Winslet đóng vai nhiếp ảnh gia chiến trường trong phim ‘Lee’

Minh tinh Kate Winslet sẽ đóng vai nhiếp ảnh gia chiến trường nổi tiếng trong…

5 hours ago
  • Thơ Độc Giả

Không một lần – Thơ Huỳnh Liễu Ngạn

Huỳnh Liễu Ngạn Không một lần  không một lần được nói cho suôn sẻ đôi…

7 hours ago
  • Hoa Kỳ

Mỹ thu hồi gần 8 tấn thịt bò xay nghi nhiễm E. coli

Cargill Meat ghi nhận khả năng thịt bò nhiễm vi khuẩn "sau khi họ xác…

8 hours ago

This website uses cookies.