Tuesday, March 19, 2024

Ông Vũ Hưng, người bán từng mảnh phù hiệu của quá khứ kiêu hùng

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Nghề bán phù hiệu, huy chương này không kiếm nhiều tiền, nhưng tôi có cái vui là được đóng góp cho những người từng làm việc dưới chế độ VNCH, từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến một người lính bình thường,” ông Vũ Hưng, chủ tiệm, cho biết.

Bảng hiệu tại tiệm tại Westminster của ông chỉ ghi vỏn vẹn: “Huy chương, quân phục, phù hiệu”, đơn giản như tính khí ông.

Ngay phía trước cửa hiệu, chiếc xe Zeep màu quân đội và những bao cát xếp tại một góc vừa đủ gợi lại hình ảnh quen thuộc của một thời QLVNCH.

Bước vào tiệm, cả một không gian rực rỡ sắc màu huy hiệu của đủ mọi binh chủng như nhắc nhở một niềm tự hào chưa bao giờ phai nhòa trong tâm khảm những cựu quân nhân từng đổ máu cho quê hương.

Chỉ những món đồ trong tiệm, ông nhỏ nhẹ nói: “Đây không phải là những món trang trí cho vui. Đây là những sản phẩm có giá trị tinh thần, tượng trưng cho cả một quá khứ huy hoàng của những chiến sĩ lưu vong.”

Một trong những hãnh diện của ông là có cơ hội góp phần vào sự trang nghiêm cho tang lễ của Tổng Thống Thiệu và tất cả những ai là người của VNCH.

“Khi người nhà ông Thiệu nhờ tôi may cho họ mấy lá tướng kỳ, cờ của một vị tổng tư lệnh, có hình con rồng, tôi xin góp ý rằng theo nghiên cứu, sưu khảo của tôi, phải là con đại bàng mới chính xác. Sau cùng gia đình đồng ý. Tôi vui vì làm được một việc đúng,” ông kể.

Tiệm của ông Hưng là tiệm duy nhất có đầy đủ phù hiệu, huân chương và quân phục QLVNCH nhất thế giới, theo ông biết.

Từ cờ nhỏ đến đại kỳ, cỡ nào cũng có. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Thực ra, tôi chỉ có sẵn chừng bốn ngàn mẫu khác nhau trong tiệm thôi,” ông Hưng nói. Tuy nhiên, theo lời khách quen, ai có bất cứ yêu cầu gì về huân chương hay phù hiệu, ông Hưng đều có thể đáp ứng cho tất cả, kể cả khi khách không biết chắc rằng mình muốn gì.

Khách của ông là những cựu quân nhân của một chế độ thất thời nhưng không bao giờ quên được trọng trách với quốc gia luôn trĩu nặng trên hai vai.

Họ đến đây như để tìm lại chính mình của một thời chiến tranh, chỉ để trao đổi vài câu hỏi thăm thân mật với chiến hữu.

Niềm vui giản đơn của một vị lính già. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Lê Trọng Dũng, từng thuộc binh chủng nhảy dù quân y, tỏ ra rất hãnh diện khi sưu tập được những miếng phù hiệu hiếm có để may lên trước và sau áo. Cầm áo trên tay, ông hớn hở như vừa đạt được những thành tích đáng kể đối với thù.

Ông nói: “Không phải dễ dàng mà kiếm được những phù hiệu nhảy dù này đâu. Tôi phải kiếm khắp nơi. May lên áo, mặc lên người là vui rồi.”

Niềm vui của một người lính giản dị như thế đấy.

Một khách khác, ông Nguyễn Thanh Thảo, vui vẻ nói: “Tôi đến đây rất thường để mua những bộ quân phục không có chỗ nào bán hết. Chỉ có tiệm này mới bán quân phục có đầy đủ huân chương, phù hiệu và cấp bậc theo đúng điều lệ trong binh thư.”

Ông cần một bộ quân phục của Trung Tâm Huấn Luyện Thủ Đức để tham dự buổi họp ngày 2 Tháng Chín tại Dallas, Texas.

Ông tiếp: “Cả gia đình tôi đều rất thích khi thấy tôi mặc lại quân phục. Ai cũng đòi chụp hình với tôi. Nhất là mấy đứa cháu. Tụi nó có bao giờ thấy tôi mặc đồ nhà binh đâu. Con tôi còn chưa thấy chứ đừng nói tới cháu. Sau 1975, làm gì ai có dịp thấy tôi ‘lên đồ’ đâu.”

Nhìn quanh, ông Thảo tiếp: “Đối với tụi tôi, tiệm này bán những gì đáng được trân trọng nhất và vô giá nhất. Đó là thời vàng son của tụi tôi.”

Là người không thích nói về mình, ông Hưng làm việc một cách âm thầm trong suốt 20 năm qua, cặm cụi, truy tìm từng mảnh nhỏ của một quá khứ huy hoàng đối với những người bảo vệ đất nước.

Khi được hỏi lý do nào xui khiến cho ông mở tiệm này, ông Hưng hồi tưởng: “Tình cờ lắm, hồi đó tôi cần mua một số phù hiệu, huy chương của địa phương quân vì trước 1975, tôi là thiếu úy binh chủng này. Thế nhưng, sau một thời gian tìm kiếm, tôi mới biết là không ai bán những món này.”

Mắt dõi xa xăm, ông tiếp: “Rồi tôi nghĩ, ‘Tại sao mình không mở một tiệm, vừa giúp mình, vừa giúp những người muốn tìm lại những kỷ niệm đã mất.’ Rồi không đắn đo, tôi cho khai trương tiệm.”

Tin rằng đây là một cách để đóng góp cho cộng đồng, nhất là cho tập thể những người lính không quên nhiệm vụ với quê hương bỏ lại sau lưng, ông luôn tìm cách phát triển ngôi tiệm. “Ban đầu, tôi định làm sơ sài, thô sơ thôi, rồi rao bán ở ‘eBay’, nhưng rồi tôi không thể ngưng phát triển được.”

Nhờ gặp cơ duyên, ông tiếp xúc với một cựu quân nhân Hoa Kỳ, được người này để lại cho ông một số tài liệu vô giá từ Bộ Quốc Phòng Mỹ, phối hợp với những tài liệu khác về cấp hiệu, quân phục, quân kỳ, lệnh kỳ và phù hiệu của QLVNCH, ông Hưng như chim được chắp cánh, có thể tái tạo gần như bất cứ phù hiệu, huy chương của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

Một phần nữa là do kiến thức kỹ sư của ông. “Tôi áp dụng những hiểu biết và khả năng của mình để làm lại những sản phẩm về quân đội bằng kim loại,” ông thành thật nói. “Từ những hình ảnh, kích cỡ trên giấy, tôi chuyển thành những con số có tính chuyên môn, sao cho máy móc đọc được làm ra một sản phẩm cụ thể có ba chiều.”

Có những món, ông Hưng phải bỏ ra cả ngày để hoàn tất.

Phù hiệu nào cũng có, hiếm đến mấy cũng tìm được. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Sản phẩm của tiệm giá từ $5, $10 thôi. Họa hoằn lắm mới có món lên đến $60. “Nhưng đó là những món rất hiếm có người cần tìm,” ông Hưng cho hay.

Phù hiệu và cấp bậc bằng kim loại nhẹ do ông Hưng tái tạo. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Vẫn với giọng nhỏ nhẹ, khiêm tốn, ông nói: “Hơn 90% những cựu quân nhân QLVNCH qua đời ở khu Little Saigon đều mặc quân phục và mang phù hiệu, huy chương của tôi khi được tẩm liệm. Đó là lý do tôi hãnh diện với nghề này trong 20 năm qua.”

Ông có khách quen trên toàn quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam, ông cho biết.

Từng tình nguyện giúp bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, cựu trung tá, chủ tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH, ngay từ lần đầu bà tổ chức triển lãm và nhiều lần sau đó, ông Hưng còn tham gia những chương trình thiện nguyện giúp đỡ thương phế binh trong và ngoài nước.

“Tôi biết khách hàng của tôi ngày một ít đi với cấp số gia tăng, nhưng tôi vui và hãnh diện với công việc hiện tại.”

“Năm nay ngoài 70 tuổi rồi, chừng 10 năm nữa tôi sẽ tặng tất cả những gì tôi có trong cửa hiệu cho hội QL VNCH, ‘the Living History’,” ông chia sẻ. “Tôi nghĩ tặng cho viện bảo tàng là không đúng vì QLVNCH chưa chết như một đế chế Chàm hay một triều đại xa xôi.”

Ông tin rằng ngày nào còn hậu duệ, ngày đó QLVNCH còn tồn tại. (Đằng-Giao)

Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT