Friday, April 26, 2024

Petrus Ký hội ngộ, ấm tình thầy trò và đồng môn sau hơn nửa thế kỷ

Văn Lan/Người Việt

STANTON, California (NV) – Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California họp mặt hôm Chủ Nhật, 4 Tháng Mười Hai, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 1, Stanton, quy tụ đông đảo cựu học sinh của trường và các vị giáo sư.

Hội Trưởng Đỗ Trọng Thái (thứ tư từ trái) và toàn Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California chào mừng quý giáo sư và đồng môn, thân hữu trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tình thầy trò và các bạn đồng môn vẫn thắm thiết như ngày nào, với những mái đầu nhuộm nét phong sương, thầy và trò đều tóc bạc như nhau, sau hơn nửa thế kỷ trôi qua.

Tất cả những hình ảnh năm xưa đều tái hiện trong buổi khai mạc, bắt đầu bằng lễ chào cờ Việt Mỹ, làm gợi nhớ đến những ngày chào cờ dưới sân trường mỗi Thứ Hai hằng tuần trước khi vào lớp học. Sau đó mọi người cùng lắng lòng tưởng niệm các vị thầy cô và bạn đồng môn đã quá vãng, đặc biệt tưởng nhớ đến cựu học sinh Phạm Gia Cổn vừa rời xa bạn bè mấy ngày vừa qua.

Nổi bật nhất trên sân khấu treo hai câu liễn đối nổi tiếng của trường Petrus Ký ngày xưa, do Giáo Sư Ưng Thiều đặt ra được khắc ngay trước cổng trường: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt/ Tây Âu khoa học yếu minh tâm” (Đạo lý cương thường của Khổng Mạnh nên khắc vào xương cốt/ Kiến thức khoa học của Tây Âu cần ghi vào lòng), và những cựu học sinh với phù hiệu Petrus Ký trên ngực áo trắng càng làm nổi bật thêm hình ảnh những chàng trai trẻ ngày nào, tay bắt mặt mừng chuyện trò rôm rả, hàn huyên tâm sự mãi không thôi.

Thầy Đặng Quốc Khánh, cựu giáo sư trung học Petrus Ký, dạy môn toán từ năm 1957 đến 1975, cho hay: “Học sinh bao giờ cũng đi một bên, mỗi khi gặp thầy đều khoanh tay cúi đầu chào thật lễ phép. Học sinh của trường thời ấy vừa học giỏi vừa rất kỷ luật. Muốn vào học ở Petrus Ký phải là học sinh giỏi ở các nơi khác, và tỷ lệ đậu Tú Tài rất cao ở cả hai cấp đệ nhị và đệ nhất, toàn là hạng Bình hoặc Ưu.”

“Những lần hội ngộ ở đây tôi đều tham dự, gặp lại các bạn đồng liêu và các học trò cũ nhưng cũng buồn vì một số các thầy cô ra đi cũng nhiều, âu cũng là quy luật của thời gian. Tôi rất mừng hôm nay gặp lại thầy Lê Tiến Đạt dạy Vạn Vật, thầy Dương Ngọc Sum dạy Pháp Văn, thầy Châu Thành Tích và một số các thầy khác,” thầy Khánh tiếp.

Các giáo sư (hàng ngồi) và các cựu học sinh Petrus Ký trong ngày vui hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cựu học sinh Lê Anh Dũng – cựu học sinh Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn, Qui Nhơn, sau vô Võ Tánh Nha Trang, rồi chạy tiếp vô Sài Gòn, nhờ đậu hạng cao mới xin vô được học ở Petrus Ký lớp Đệ Nhất, chuẩn bị thi Tú Tài 2 – kể một kỷ niệm vừa vui mà cũng vừa buồn: “Khi vô học Petrus Ký, tôi cảm giác có sự kỳ thị trong trường khi tôi là người miệt ngoài Trung vô Sài Gòn học một ngôi trường danh giá. Một hôm đi học, tôi để xe đạp trong bãi đậu xe của học sinh trong khi chung quanh toàn là xe gắn máy, thế là tôi bị các bạn bắt nạt, yêu cầu đem xe ra chỗ khác, không được để chung với xe ‘hạng sang.’ Sau khi đôi co, vừa xăn tay áo lên, cho biết rằng tôi vừa từ Bình Định vô, và đi một vài đường quyền thị uy, khiến các anh công tử Sài Gòn ‘chết nhát’ bỏ chạy hết. Thế là tôi thoát nạn!”

Một hình ảnh thật vui khi các thầy cô cùng các bạn đồng môn Petrus Ký cùng nhau ghi lại giây phút tuyệt vời, qua một tấm hình tập thể trong ngày vui hội ngộ. Bởi vì hôm họp mặt cũng là ngày mừng sinh nhật 88 tuổi thầy Dương Ngọc Sum, vị thầy dạy Pháp Văn năm xưa, mãi tới bây giờ vẫn gắn bó với gia đình Petrus Ký.

Từ trái, cựu học sinh Đặng Mão, Giáo Sư Lê Tiến Đạt, Hội Trưởng Đỗ Ngọc Thái chia sẻ những tâm tình thời học sinh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhân dịp này, ông Phạm Gia Đại, cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An, lên đọc bài thơ của nữ sĩ Dương Hồng Anh để kính tặng tuổi hạc mừng sinh nhật thầy Sum. “Tôi tuy không học Petrus Ký, nhưng quý thầy cô ngày xưa dạy dỗ mình trong thời trung học đều đáng quý trọng. Các thầy cô đã trao cho mình không những kiến thức để vào đời, mà còn là tấm gương luôn ngời sáng, với tư cách của một người trao truyền giáo dục trong tinh thần Nhân Bản-Dân Tộc-Khai Phóng, để lại cho lớp trẻ sau này những nhân cách tốt đẹp của một công dân trong xã hội mai sau,” ông Đại nói.

Và không khí chợt náo nhiệt hẳn lên khi thầy Dương Ngọc Sum và thầy Đặng Quốc Khánh cùng tuổi, được học trò mời lên cắt bánh sinh nhật, trong khi các học trò vây quanh cùng vỗ tay hát bài “Happy Birthday,” và lên tới cao trào khi hai vị thầy cùng nhảy với học trò, từng tràng pháo tay dồn dập cổ vũ cho những điệu nhảy thật đẹp.

Giáo Sư Dương Ngọc Sum (trái) và Giáo Sư Đặng Quốc Khánh cùng cắt bánh mừng sinh nhật tuổi 88. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp nối phần tâm tình học trò với những câu chuyện được kể, có khi là mới được “bật mí” hoặc những chuyện được các cựu học sinh Lê Anh Dũng, Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ trong buổi hội ngộ, như “mối tình trăm năm” giữa các thầy cô dạy cùng trường, và cựu học sinh Trần Vĩnh Trung nhắc lại những chuyện năm xưa khi ông là học sinh niên khóa 1956-1963.

Ông Trung cho biết thời ấy, vào học ở một trường nổi tiếng kỷ luật nhất miền Nam là cả một kỳ công và hãnh diện. Học trò rất e dè sợ sệt, nói chuyện với thầy cô phải khoanh tay không dám nhìn mặt. Trước khi vào lớp phải ra sân chào cờ buổi sáng, sau đó đứng sắp hàng ngoài lớp học, khi có tiếng chuông hoặc được lệnh của giám thị mới theo thứ tự vào lớp, không sẽ bị bắt phạt.

Trong ngày hội ngộ, học trò Petrus Ký mừng sinh nhật Giáo Sư Dương Ngọc Sum (thứ tư từ trái) và Giáo Sư Đặng Quốc Khánh (giữa). (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Lúc đó trường Chu Văn An ngoài Bắc mới dời vô Nam, nên phải mượn cơ sở của trường Petrus Ký học tạm thời gian. Khi tới lớp đệ nhất cấp vì chưa có nên anh nào học giỏi mới xin được vào Petrus Ký học tiếp. Tỷ lệ thi đậu vô trường phải nói là cao hơn các trường khác,” ông nhớ lại.

Buổi hội ngộ ấm tình thầy trò và đồng môn tiếp tục với chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, mọi người cùng say sưa trong những kỷ niệm thầy trò xưa trường cũ. Tình thầy trò Petrus Ký thật lạ lùng, dù đã hơn nửa thế kỷ rời xa trường mẹ, vẫn thân thiết như thuở nào. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT