Saturday, April 27, 2024

‘Thương lắm, Trịnh Hoài Đức’

Đằng-Giao/Người Việt

STANTON, California (NV) – Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương tổ chức Đại Hội Toàn Cầu kỳ 6 vào sáng Thứ Bảy, 16 Tháng Chín, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 1, thuộc thành phố Stanton.

Các cựu nữ sinh Trịnh Hoài Đức mừng rỡ gặp nhau. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Từ rất sớm, các thành viên Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương đã tề tựu quây quần để chuẩn bị cho một bữa ăn thân mật hai năm một lần.

Sự thân mật của họ không ồn ào vồn vã nhưng đằm thắm thân quen. Những “mày mày, tao tao, anh anh, chị chị” đan xen vào với lời hỏi thấm đượm tình cảm. không qua quýt xã giao làm không gian gian phòng như ấm hẳn lên.

Ông Nguyễn Văn Xây, từ Missouri bay sang tham dự buổi họp mặt với tư cách vừa là cựu học sinh vừa là cựu giáo sư, nói: “Tôi rất tự hào về Trịnh Hoài Đức vì đây là nơi quy tụ cả học sinh giỏi lẫn giáo sư giỏi.”

Theo lời giải thích của ông, Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương nhận học sinh rất khó, trong hàng ngàn người mà chỉ tuyển chừng 100 người có điểm cao nhất thôi. Ngoài ra, các giáo sư mới ra trường có điểm cao nhất cũng chọn trường Trịnh Hoài Đức vì không được dạy ở Sài Gòn mà phải chọn trường nào thuộc các tỉnh.

“Mà Bình Dương được xếp vào hàng tỉnh dù cách Sài Gòn có 24 km thôi. Do đó, Trịnh Hoài Đức là nơi thầy giỏi, trò giỏi quy tụ,” ông Xây nói.

Ông Xây còn có lý do khác để hãnh diện về ngôi trường thân yêu của mình. Ông nói: “Tôi rất hãnh diện vì gương thành công của đàn anh tôi là anh Cao Văn Hở làm chức Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nội Vụ trước 1975.”

Cử chỉ thắm thiết không cần lời bộc lộ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Phần đông khách tham dự buổi hội ngộ, cả nam lẫn nữ, đều nhắc về những kỷ niệm đẹp thời học sinh nghịch phá trên những ruộng củ đậu, những vườn trái cây Lái Thiêu quanh trường Trịnh Hoài Đức.

Bà Nguyễn Thị Minh Lan ở Mississauga, Canada, sang cho biết bà không bao giờ quên cái thuở học trò cột hai vạt áo dài lại rồi chạy tung tăng nhổ trộm củ đậu với bạn bè.

“Có lần cả lớp tôi được nghỉ bất ngờ vì thầy bệnh. ‘Mừng’ quá, tụi tôi đến nhà người bạn vô vườn hái trái cây. Có mấy nhánh còn cành, còn lá, tôi đem về biếu cha mẹ thì lại bị đòn vì tội không có lớp mà không về nhà ngay còn dám rong chơi,” bà hồi tưởng. “Những ngày như vậy càng làm tôi yêu trường hơn nữa.”

Học sinh gương mẫu, lúc nào cũng đeo phù hiệu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ai ai cũng bồi hồi nhớ lại những tháng ngày ngỗ nghịch “thứ ba học trò” của mình.

Ông Su Đoàn cười ngất khi nhớ lại những lần cùng bạn bè cắt dây chuông điện báo giờ vô học, để hai đầu dây cho gần đụng nhau rồi lấy giấy xé nhỏ bằng ngón tay dán vào.

“Như vậy, khi gió thổi giấy, hai sợi dây chạm nhau và chuông kêu làm cả trường nhốn nháo vô học. Kỳ đó thầy giám thị la quá trời mà không biết ai là thủ phạm,” ông kể. “Con nít có những trò tuy nghịch quá nhưng cũng thông minh.”

Ông cũng không thể quên những lần bắt cắc ké bỏ vô hộp phấn làm các cô giáo viên trẻ, trong lúc giảng bài, tưởng cục phấn rồi tá hỏa thất kinh.

Ông Luca Đức ở Arizona, đi xe đò Hoàng sang, thì nhớ hoài hôm ông thị trưởng Bình Dương đến trường dự lễ khánh thành phòng thí nghiệm.

“Đang lễ thì Cộng Sản nằm vùng liệng lựu đạn khói vô làm buổi lễ gián đoạn mấy tiếng. Đó là ấn tượng về Cộng Sản đầu tiên của tôi ở Trịnh Hoài Đức,” ông nói.

Qua nhạc phẩm “Hè Về,” ca sĩ Ngọc Quý (trái) và cựu Giáo Sư Đoàn Phế báo tin vui cho học trò. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhạc sĩ Trung Nghĩa “Mười Ngón Tay Vàng” cho biết Trịnh Hoài Đức là nơi ông được người anh mua cho cây đàn guitar ông hằng mơ ước.

Ông nói: “Nhờ cây đàn, tôi tham gia đoàn văn nghệ và ngày nào cũng lấy cớ tập văn nghệ để khỏi học. Nhờ cây đàn tôi mới có cớ làm quen bà xã đầu tiên của tôi.”

“Tôi rất thích giờ tan học, các cô nữ sinh như đàn bướm bay trong gió,” ông cười. “Đẹp vô cùng. Tôi thể quên được sân trường Trịnh Hoài Đức.”

Ông Từ Minh Tâm, hội phó, cũng tự hào vì Trịnh Hoài Đức của ông.

“Trường tôi giỏi từ học vấn, đến thể thao, đến văn nghệ. Tụi tôi từng lên truyền hình biểu diễn văn nghệ. Bóng chuyền thì tụi tôi cũng có hạng, từng thi đấu với các trường ở Sài Gòn,” ông hãnh diện nói.

Thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo,” các học sinh tặng hoa cho thầy cô. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Nguyễn Thị Kim Nên, hội trưởng, cho biết bà có thể lên Sài Gòn học Gia Long hay Trưng Vương nhưng bà chỉ chọn Trịnh Hoài Đức.

“Không nơi nào có được sự bao la, mát mẻ của thiên nhiên như trường tôi. Vì vậy mà tôi không muốn đi đâu hết,” bà nhớ lại.

Một sự khác biệt so với những cựu học sinh trường khác là ở đây, tình thân có vẻ như đậm chất hơn.

“Chúng tôi thân nhau lắm, vì ngoài tình thầy trò và bạn học, chúng tôi còn là hàng xóm, láng giềng của nhau nữa. Hầu hết ở đây, ai cũng là người Bình Dương,” ông Trần Văn Ngôi, ở Garden Grove, cho biết.

Trong phần khai mạc, cựu Giáo Sư Đoàn Phế, ở Canada sang, muốn tóm tắt cảm xúc của ông một cách ngắn gọn: “Thương lắm, Trịnh Hoài Đức.” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT