Friday, April 26, 2024

Chương trình Enroll LA Campaign

LOS ANGELES, California (NV) – Tổ chức California Community Foundation (CCF) tổ chức buổi hội thảo trực tuyến để giới thiệu về chương trình Enroll LA Campaign, nhằm giúp người dân hiểu thêm về các dịch vụ lợi ích cộng đồng, hỗ trợ gia đình có thu nhập thấp hoặc bị ảnh hưởng của COVID-19, hôm 24 Tháng Hai.

Chương trình Enroll LA Campaign của Los Angeles County tạo điều kiện cho người dân được hưởng phúc lợi của các chương trình như CalFresh, và các dịch vụ giúp khai thuế được dễ dàng hơn.

Chương trình này được tổ chức CCF tài trợ và có sự hợp tác của 18 tổ chức khác trong cộng đồng.

Chương trình hỗ trợ thực phẩm CalFresh

Ông Arturo Carmona điều phối buổi họp cùng các diễn giả đại diện các tổ chức cộng đồng là Tiến Sĩ Rosemary Veniegas, thuộc  CCF; bà Lena Silver, giám đốc tổ chức Litigation and Policy Advocacy; Luật Sư Alexandra Gay, thuộc Neighborhood Legal Services of Los Angeles County; cô Nare Park, điều phối viên của Asia Pacific Islander Forward Movement  (APIFM); bà Margarita Alvarez Gomez, giám đốc điều hành Central City Neighborhood Partners (CCNP); và bà Sandra Bonneville cũng thuộc CCNP.

Tiến Sĩ Rosemary Veniegas nói về các dịch vụ đa dạng của CCF hỗ trợ cộng đồng như kinh tế, sức khỏe và di dân, đặc biệt tổ chức luôn sát cánh với cộng đồng trong thời kỳ đại dịch.

Bà cũng đề cập về CalFresh, chương trình dạng “food stamps” (phiếu thực phẩm) or SNAP của California, hỗ trợ gia đình có thu nhập thấp mua thực phẩm dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Những trợ cấp thực phẩm hàng tháng này sẽ được phân bổ thông qua khoản tiền được tính vào thẻ EBT.

Những người đủ điều kiện cho CalFresh là công dân Hoa Kỳ, thường trú nhân (có thẻ xanh),  người đang nộp visa, người tị nạn, hoặc người có giấy không bị trục xuất (withholding of removal), và thổ dân Mỹ sinh ở Canada hay ở nước ngoài.

Thêm vào đó, bà Veniegas cho biết: “Mục đích của Enroll LA Campaign là tận dụng sự phổ biến của cộng đồng và truyền thông để quảng bá những dịch vụ hữu ích nhất đến người dân và gia đình.”

Bà giới thiệu về trang web mới lập của chương trình, https://enrollla.org/, liệt kê các tổ chức và những nguồn thông tin giúp ghi danh các dịch vụ để giúp người dân toàn diện nhất.

Trang web cũng có mục tiếng Tây Ban Nha để hỗ trợ người gốc Hispanic.

Di dân và người đang đợi giấy tờ di trú vẫn có phúc lợi

Tiếp đến, bà Lena Silver cho biết việc một số di dân hay người tị nạn lo sợ nếu nộp đơn xin phúc lợi thì sẽ ảnh hưởng đến tình trạng nhập cư của họ nên không dám nộp giấy tờ xin trợ cấp. Đó cũng là lý do một số trẻ em mất nhiều phúc lợi do cha mẹ phân vân hoặc chưa biết về các chương trình lợi ích này.

Bà cũng phân tích số liệu các sắc dân hội đủ tiêu chuẩn và đang nhận phúc lợi của chương trình CalFresh.  Trong đó, người dân Mỹ chiếm 93%, người gốc Hispanic chiếm 58%, và người Việt chiếm 51%.

“Tôi thấy có sự chênh lệch về độ phổ biến của chương trình cho từng sắc dân nên chúng tôi đang nỗ lực để mọi người đều biết đến các dịch vụ công cộng này,” bà Silver nói.

Sau đó, bà giới thiệu về Benefits Access for Immigrants Los Angeles Network hay BAILA Network (www.bailanetwork.org/), tổ chức hỗ trợ gia đình di dân và các nhân viên tuyến đầu có được nhiều phúc lợi bằng chính ngôn ngữ của họ.

Thêm vào đó, Luật Sư Alexandra Gay cũng nói thêm các hỗ trợ về luật pháp và kinh tế như tín dụng thuế (EITC) cho người có thu nhập thấp, và tín dụng thuế trẻ em (CTC) cho gia đình thu nhập thấp có con nhỏ.

“Để hội đủ điều kiện nhận tín dụng thuế trẻ em thì các em cần có số an sinh xã hội (SSN) và cha mẹ có thể chỉ cần số chứng thực ITIN. Còn cho EITC thì cả cha mẹ và trẻ em đều cần có SSN,” cô Alexandra cho hay.

Bà Silver bổ sung thêm là đối với trẻ em, bất kể tình trạng di dân, đều có thể được tín dụng thuế nếu hội đủ điều kiện.

Nỗ lực cung cấp các dịch vụ phúc lợi cho cộng đồng

Cô Nare Park nói về tổ chức APIFM với các dịch vụ dành riêng cho sắc dân Á Châu-Thái Bình Dương như về thực phẩm, các vấn đề về môi trường hay sức khỏe.

Cô cũng cho biết thêm việc APIFM (www.apifm.org) cung cấp thực phẩm tươi mới cho các cộng đồng đa sắc tộc, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp.

“Nhiều gia đình không biết về CalFresh do không rành tiếng Anh, hoặc sợ ghi danh các chương trình phúc lợi thì sẽ bị chậm giấy tờ nhập cư nên chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ mọi người để họ được nhận lợi ích xứng đáng,” cô Nare nói.

Bà Margarita Alvarez Gomez và Sandra Bonneville,  thuộc  tổ chức CCNP, cho biết họ có các chương trình phúc lợi được thiết kế dễ dàng để giúp người dân không rành về Internet.

Thêm vào đó, CCNP còn tạo nên một nhóm mới để hỗ trợ cộng đồng ghi danh các dịch vụ dễ dàng hơn.

Bà Gomez cũng cho biết là tổ chức CCNP cũng có các lớp hướng dẫn về tài chánh để giúp các gia đình chi tiêu hợp lý và tiết kiệm khôn ngoan.

Bài cậy đăng có trả tiền của thân chủ quảng cáo báo Người Việt

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT