Friday, April 26, 2024

Trại Hè Thân Hữu các trường trung học VNCH đầy ắp tình thân

Văn Lan/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Trại Hè Thân Hữu các trường trung học VNCH lần thứ 7 năm 2019 vừa diễn ra tưng bừng tại công viên Mile Square Regional Park, Fountain Valley, hôm Chủ Nhật 24 Tháng Sáu.

Trưởng ban tổ chức Trại Hè, cựu học sinh Petrus Ký Đỗ Trọng Thái nói lời khai mạc: “Chúng ta lại có dịp gặp lại thầy cô, bạn bè, thắt chặt tình thân hữu với các truờng bạn, gồm 13 hội đoàn và trên 20 trường tham dự. Đặc biệt năm nay có hai hội đoàn mới là Liên Trường Long Khánh, và Trung Học Nguyễn An Ninh. Hy vọng năm tới sẽ có nhiều trường nữa cùng tham gia, xin kính chúc sức khỏe thầy cô và các bạn.”

Khung cảnh thật náo nhiệt với các lều trại cờ quạt tung bay cùng nhiều sắc màu đồng phục của các trường, dễ nhận ra với áo tím Gia Long, áo xanh Trưng Vương, màu xanh lá Lê Văn Duyệt, áo vàng Nguyễn An Ninh, áo trắng Liên Trường Pleiku, và các trường Petrus Ký, Nguyễn Bá Tòng, Võ Trường Toản, Quốc Học-Đồng Khánh, Quốc Gia Nghĩa Tử, Liên Trường Tây Ninh, Bưởi-Chu Văn An, Liên Trường Long Khánh, dưới sự điều hợp chương trình của trưởng trại Phạm Quang Tuấn và MC Vũ Quốc Phong (Bưởi-Chu Văn An), MC Minh Thu (Gia Long), MC Lannie Nguyễn (Trưng Vương), cùng tập thể các ban âm thanh, y tế, chào cờ, trật tự, trò chơi, xổ số.

Toàn thể cựu học sinh cùng thầy cô hào hứng chụp hình lưu niệm trong trại Hè 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong các bộ áo trắng với logo truyền thống của trại Hè, mỗi trường cử 3 đại diện, cùng lên sân khấu cử hành nghi thưc chào cờ khai mạc, sau đó cùng hát vang bài “Học Sinh Hành Khúc.”

Ông Trần Ngọc Sơn, cựu học sinh Trung Học Công Lập Long Khánh, đại diện cho Liên Trường Long Khánh gồm 15 trường trong tỉnh, cho biết: “Cảm giác lần tham dự đầu tiên này là sự vui mừng và cảm động hết sức khi được quen biết nhiều bạn hữu mới từ các trường bạn, chúng tôi muốn đem về những kỷ niệm của ngày hôm nay, để chia sẻ với các bạn và thầy cô, khi đồng hương Long Khánh, các thầy cô và học trò ngày xưa ở quanh đây có khoảng 400 người, hy vọng những cuộc hội ngộ hàng năm như vầy sẽ thắt chặt tình thầy trò nơi hải ngoại.”

Nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu, cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng, ngôi trường khá đồ sộ nằm trên đường Bùi Thị Xuân, Quận 1, Sài Gòn. Cô thật vui khi nhắc lại những kỷ niệm xưa nơi ngôi trường thân yêu, với những trò phá nghịch của thuở học trò.

Toàn ban hợp ca các trường hát vang “Học Sinh Hành Khúc,” mở đầu phần văn nghệ trong trại Hè 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Thời ấy nữ sinh hay lén chạy theo các linh mục dạy trong trường, đạp lên những tà áo dòng của các thầy tuy khá nghiêm khắc nhưng rất hiền với học sinh nữ, như Linh Mục Trần Văn Hiến Minh dạy triết, Linh Mục Bùi Đình Tiệm hiệu trưởng, và các thầy khác. Nhiều khi nhớ lắm về các cha, các thầy cô mà không biết ở đâu!”

“Có lẽ cũng nhờ các thầy dạy rất hay về môn Văn, và sở thích văn chương thời trung học đã thấm trong người mà bộ sách 12 cuốn biên khảo ‘Xã Hội Việt Nam Xưa và Nay’ đã hình thành, và bộ sách sẽ còn tiếp tục ra mắt nhiều nữa cho đến khi tôi còn sức khỏe, đó cũng là cách giữ lại nền văn hóa giáo dục thời trước 1975, một nền giáo dục vàng son của VNCH,” nhà văn Mắt Nâu kể tiếp.

Kỷ niệm với trường Petrus Ký, Giáo Sư Vũ Trọng Thu, dạy môn Anh Văn tại trường từ 1966 đến 1975, cho biết thời nhỏ sau khi thi đậu tiểu học, quyết chí thi vào Petrus Ký nhưng rớt, trở lại học lớp tiếp liên, năm sau thi trở lại lần nữa cũng rớt luôn.

Múa Line Dance của Liên Trường Trung Học Tây Ninh trong trại Hè 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Cuộc đời tôi có điều mơ ước từ bé là được vào học trường Petrus Ký, nay không vào được cửa hông thì vào cửa chính, khi được trở về làm thầy dạy trong trường, có truyền thống khó thi vào, và là một trong những trường nổi tiếng của Việt Nam thời đó, ngoài Bắc có trường Chu Văn An, miền Trung có trường Quốc Học, và trong Nam là trường Petrus Ký. Trong cuộc đời dạy học, tôi rất hãnh diện khi các học trò Petrus Ký của tôi đều thành danh, bởi vì ngay từ đầu thi vào, đã chọn lọc rất kỹ về trí, đức, dũng.”

Cô Hồ Thị Hiệp, dạy môn Sử Địa tại trung học Petrus Ký từ 1972 đến 1979, bồi hồi nhớ lại: “Hôm nay gặp lại nhiều học trò cũ, mà ngày xưa tôi thường nói rằng, phải học lịch sử để hiểu rõ việc mở mang đất nước mình, với bao nhiêu là xương máu của tiền nhân để chống giặc ngoại xâm, và phải rèn luyện ngoại ngữ, thời đó tiếng Anh là ngoại ngữ chính, nhất là phải học giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, để cùng nhau xây dựng đất nước được phú cường.”

“Trái đất tròn” để nói về những cuộc gặp gỡ tưởng chừng khó xảy ra nhưng rồi có ngày sẽ gặp lại, thì trong trại Hè hôm nay những cuộc tái ngộ đầy cảm xúc đã diễn ra.

Cựu học sinh Trưng Vương trong trại Hè 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cựu nữ sinh Gia Long thuộc niên khóa 1943-1947, được tôn xưng là “Đại Sư Tỷ,” bà Dương Thị Hoàng, 93 tuổi, đến tham dự trại Hè hằng năm, cho biết rất vui khi được gặp lại các khóa đàn em của mình.

Kể về những kỷ niệm của hơn 70 năm về trước, bà Hoàng nói thật mạch lạc: “Trong những dịp lễ lớn, nhà trường thường cho học sinh đi ra ngoài dự lễ, thời đó học toàn bằng tiếng Pháp, do các giáo sư người Pháp giảng dạy, duy nhất chỉ có Giáo Sư Nguyễn Thị Của dạy tiếng Việt, mỗi tuần học 2 giờ như một môn ngoại ngữ. Sau đó khoảng 1953, chương trình giáo dục được đổi sang tiếng Việt với nữ hiệu trưởng đầu tiên là cô Nguyễn Thị Châu.”

“Dù DMV cho phép lái xe được 5 năm nữa nhưng tôi không dám lái, nhờ cháu chở từ thành phố Monrovia tới đây tham dự trại Hè,” bà Hoàng vui vẻ nói tiếp.

“Đại Sư Tỷ” Dương Thị Hoàng 93 tuổi (ngồi, thứ ba, trái), vui mừng gặp lại đàn em Gia Long của mình trong trại Hè 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Phạm Văn Phú, cựu học sinh Võ Trường Toản vào trường năm 1960, chia sẻ: “Tham dự trại Hè cách đây sáu năm, hôm nay rất xúc động khi gặp lại các thầy cô của mình, nhất là cô Phạm Thị Hồng Liên, dạy môn Việt Văn nổi tiếng là giọng lớn nhất trường, khi tiếng giảng bài từ dưới đất vang lên tới tầng lầu trên nghe rõ mồn một, dù ngày xưa không có xài microphone để khuếch đại âm thanh, và cho tới bây giờ sau 60 năm tôi vẫn nhớ như in bài văn cô Huỳnh Thị Ý viết ca ngợi Bà Huyện Thanh Quan, sau đó in ra cho học sinh làm bài học.”

Chương trình văn nghệ Trại Hè năm nay thật phong phú và đặc sắc với các tiết mục như đơn ca, hợp ca, múa, vọng cổ, của các trường tham dự.

Trong ánh nắng ngày càng gay gắt, trời trong xanh với những đám mây bàng bạc gợi nhớ về một mùa Hè, với bao kỷ niệm của một thời áo trắng học trò đã quá xa rồi, mọi người thật tưng bừng nhộn nhịp trong các tiết mục trình diễn, nhất là màn chụp ảnh lưu niệm trại Hè với toàn thể các cựu học sinh cùng các thầy cô. (Văn Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT